Hotline 24/7
08983-08983

ThS.BS Nguyễn Mạnh Cường: Vì sao rối loạn nhịp tim dễ dẫn đến đột quỵ?

ThS.BS Nguyễn Mạnh Cường giải đáp: Vì sao rối loạn nhịp tim dễ dẫn đến đột quỵ? Làm sao để biết mình bị rối loạn nhịp tim? Ai có nguy cơ cao hình thành cục máu đông? Cục máu đông còn “mắc kẹt” ở những bộ phận nào khác?...

Vừa qua, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ đã cấp cứu và điều trị thành công cụ ông 86 tuổi bị nhồi máu não. Nguyên nhân chính là do bệnh rối loạn nhịp tim (rung nhĩ).

Vậy, vì sao rối loạn nhịp tim là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây đột quỵ? Làm cách nào để phát hiện mình bị rối loạn nhịp tim? Những ai có nguy cơ cao hình thành cục máu đông? Ngoài việc gây tắc mạch máu não dẫn đến đột quỵ, cục máu đông còn “mắc kẹt” ở những bộ phận nào khác?

ThS.BS Nguyễn Mạnh Cường - Khoa Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ sẽ giải đáp cụ thể những câu hỏi này, giúp quý bạn đọc AloBacsi có thêm thông tin để phòng tránh đột quỵ.


NỘI DUNG BUỔI TƯ VẤN

Xin BS cho biết bệnh rối loạn nhịp tim (rung nhĩ) xảy ra theo cơ chế như thế nào ạ?
ThS.BS Nguyễn Mạnh Cường trả lời:
Bệnh tim mạch, đặc biệt là tình trạng rối loạn nhịp tim (rung nhĩ) là một trong những nguyên nhân gây đột quỵ não cấp. Có khoảng 25% bệnh nhân đột quỵ não là do rung nhĩ.

Như chúng ta đã biết:

Nhịp tim bình thường sẽ đập đều và liên tục như một chiếc “đồng hồ vạn niên”. Và trái tim của chúng ta còn có một khả năng tuyệt vời đó là tự điều chỉnh nhịp đập theo nhu cầu của cơ thể. Có nghĩa là khi chúng ta hoạt động, đặc biệt là hoạt động gắng sức như leo cầu thang, chơi thể thao… nhịp tim sẽ tăng lên; và khi nghỉ ngơi hoặc khi ngủ nhịp tim sẽ đập chậm lại và tần số tim lúc nghỉ sẽ dao động từ 60-100 lần/phút.

Rối loạn nhịp tim là khi nhịp tim đập quá nhanh >100 lần/ phút hoặc quá chậm <60 lần/phút lúc nghỉ hoặc khi nhịp tim đập không còn đều đặn nữa.

Rung nhĩ nghĩa là trái tim sẽ đập loạn nhịp hoàn toàn không theo một quy luật nào, lúc nhanh, lúc chậm.

Cơ chế của rung nhĩ là do:

Bình thường trong tim chỉ có một “người chỉ huy”, đó là nút xoang nằm ở nhĩ phải. Nút xoang sẽ phát 1 nhịp thì các vị trí khác trong tim sẽ nhận tín hiệu và phát theo.

Trong rung nhĩ thì khác, nút xoang bị suy yếu, các vị trí khác của nhĩ sẽ mạnh lên và cũng phát nhịp dẫn đến trái tim đập loạn lên gây nên tình trạng nhịp tim đập loạn nhịp hoàn toàn.
ThS.BS Nguyễn Mạnh Cường - Khoa Tim mạch, Bệnh viện đa khoa Quốc Tế S.I.S Cần Thơ chăm chút từng câu trả lời cho bạn đọc AloBacsi

Khi bị rối loạn nhịp tim, bệnh nhân thường có triệu chứng gì, thưa BS? Làm thế nào để phát hiện bệnh này ạ?
ThS.BS Nguyễn Mạnh Cường trả lời:

Biểu hiện:

- Hồi hộp, rộn ràng, thình thịch vùng trước ngực.
- Cảm giác mệt mỏi (không muốn làm việc), khó thở, tức ngực…
- Chóng mặt, muốn xỉu…
- Nhịp tim không đều, lúc nhanh lúc chậm (nhất là khi đo HA sẽ thấy mạch lúc thế này lúc khác).

Cách phát hiện

* Tại nhà

Để phát hiện rối loạn nhịp tim sẽ dùng phương pháp “bắt mạch”. Đầu tiên là dùng 3 ngón tay của bàn tay phải đặt lên phía ngoài của cổ tay trái. Chúng ta sẽ cảm nhận được mạch nảy dưới ngón tay.
Lúc này, bạn đếm tổng số mạch nảy đó trong 1 phút và như vậy sẽ biết nhịp tim của chúng ta đập đều hay không đều và đập bao nhiêu lần trong một phút. Nếu nhịp tim quá nhanh >100 lần/phút lúc nghỉ ngơi hoặc < 60 lần/phút hoặc nhịp tim không đều thì đó là một biểu hiện của rối loạn nhịp tim.

* Tại bệnh viện

Rung nhĩ có thể phát hiện thông qua việc đo điện tâm đồ (ECG). Trường hợp rung nhĩ cơn thì việc phát hiện thông qua việc đo điện tâm đồ thường quy sẽ khó hơn. Bác sĩ sẽ chỉ định đo điện tâm đồ 24-48-72h (holter ECG)… Đây là một thiết bị di động đeo vào người bệnh nhân để ghi nhận hoạt động của tim liên tục trong 24-72h. Máy sẽ theo dõi nhịp tim và sẽ cho biết nhịp tim của chúng ta có những rối loạn nhịp bất thường gì không.
Ảnh minh họa: internet
Xin BS cho biết, hiện nay bệnh rối loạn nhịp tim được điều trị bằng những phương pháp nào?
ThS.BS Nguyễn Mạnh Cường trả lời:

Trong những năm gầy đây ở Việt Nam cũng như một số trung tâm trên thế giới đã có những tiến bộ về điều trị rung nhĩ như sau:

Điều trị nội khoa có nghĩa là dùng thuốc. Thuốc sẽ có vai trò:

- Thuốc kiểm soát nhịp tim là loại thuốc dành cho những trường hợp bị rung nhĩ cơn, rung nhĩ mới xuất hiện. Là loại thuốc đưa nhịp tim về đập đều trở lại bình thường.

- Thuốc kiểm soát tần số tim có nghĩa là kiểm soát nhịp tim không cho nhịp tim đập quá nhanh vì nếu đập quá nhanh sẽ dễ dấn đến suy tim (trường hợp rung nhĩ mạn tính).

- Thuốc chống đông để phòng ngừa đột quỵ não.

Can thiệp cắt đốt điện sinh lý bằng năng lượng sóng cao tần là một phương pháp mới đang phát triển tại Việt Nam trong những năm gầy đây. Đây là một phương pháp đưa ống dây dẫn (các catheter thăm dò) luồn theo đường mạch máu ở đùi vào trực tiếp trong buồng tim để thăm dò và phát hiện các vùng cơ tim gây ra tình trạng rối loạn nhịp trong trái tim của chúng ta.

Khi đã chẩn đoán được các nguyên nhân gây rối loạn nhịp trong buồng tim, bác sĩ sẽ dùng ống dây dẫn (catheter can thiệp) có khả năng phát ra các bức sóng có năng lượng tần số radio để làm mất tác dụng của các vùng cơ tim bệnh lý gây ra rối loạn nhịp. Sẽ giúp cho bệnh nhân không còn xuất hiện các rối loạn nhịp tim đó nữa.

Kỹ thuật can thiệp cắt đốt điện sinh lý bằng sóng cao tần - Ảnh tư liệu

Các bệnh lý rối loạn nhịp tim có thể điều trị bằng phương pháp này:
+ Các cơn nhịp nhanh trên thất, nhịp nhanh thất, cuồng nhĩ, hội chứng Wolff-Parkinson-White (W.P.W)...

+ Rung nhĩ cơn

+ Ngoại tâm thu nhĩ, ngoại tâm thu thất.
Vì sao rối loạn nhịp tim là một trong những nguyên nhân gây đột quỵ với tỷ lệ cao ạ?
ThS.BS Nguyễn Mạnh Cường trả lời:
Bình thường khi trái tim đập đều thì máu trong trái tim sẽ di duyển đều và không bị kết tụ lại. Nhưng khi tim đập loạn nhịp dễ tạo ra các cục máu đông nằm trong các ngóc ngách của trái tim (thường là ở tiểu nhĩ).
Khi có cục máu đông (chỉ nằm trong tim) thì ít gây ảnh hưởng gì, nhưng trái tim của chúng ta luôn co bóp dẫn đến cục máu đó sẽ đi theo đường mạch máu đến các cơ quan khác của cơ thể như: gây tắc mạch não, tắc mạch thận, đến mạch vành tim gây nhồi máu cơ tim cấp, đến chi dưới gây tắc mạch chi dưới… Nhưng sợ nhất là tắc động mạch não sẽ gây tàn phế suốt đời nếu không được điều trị kịp thời.
Một số nguyên nhân dẫn đến đột quỵ do rối loạn nhịp tim có thể kể đến như sau:

- Bệnh nhân không phát hiện ra bệnh. Một số trường hợp rung nhĩ cơn biểu hiện thoáng qua nên không đi khám và không tầm soát kỹ dễ bỏ sót bệnh.

- Không tuân thủ điều trị. Do một số trường hợp rung nhĩ không gây triệu chứng nên dễ bỏ qua.

- Điều trị không đúng và không đủ liều thuốc, đặc biệt là thuốc khác đông. Tại Việt Nam có hai nhóm thuốc để điều trị dự phòng đột quỵ: 1 loại thế hệ cũ và 1 loại thế hệ mới:

+ Loại cũ thì phải điều chỉnh liều và theo dõi hàng tháng, dễ bị ảnh hưởng bởi chế độ ăn.

+ Loại mới ít phải điều chỉnh liều nhưng giá thành cao hơn nhiều.
Ngoài việc cục máu đông gây tắc mạch máu não dẫn đến đột quỵ, nó còn “mắc kẹt” ở những bộ phận nào khác, và gây ra tình trạng gì, nguy hiểm như thế nào, thưa BS?
ThS.BS Nguyễn Mạnh Cường trả lời:
Ngoài nguy cơ gây đột quỵ, cục máu đông do rung nhĩ gây ra còn mắc kẹt ở:

- Mạch vành tim gây nhồi máu cơ tim cấp.

- Động mạch chi dưới: tắc mạch chi gây cảm giác, tím tái đầu chi, có thể dẫn đến đoạn chi nếu không can thiệp kịp thời.

Tuy nhiên, những biến chứng này ít gặp. Điều quan trọng là rung nhĩ lâu ngày sẽ dẫn đến suy tim, bệnh nhân sẽ có biểu hiện, mệt khó thở...

8 năm gắn bó với ngành Y, nhờ kinh nghiệm cũng kỹ năng, kiến thức trau dồi, BS Mạnh Cường nhiều lần cứu sống các bệnh nhân ở ngưỡng cửa tử. Điển hình như trường hợp cụ bà 73 tuổi ngưng tim, ngưng thở được AloBacsi thông tin gần đây: 7 phút “vàng” đưa cụ bà trở về từ cõi chết.

 

Những ai có nguy cơ cao hình thành cục máu đông, và cách phòng ngừa như thế nào, nhờ BS chỉ dẫn?
ThS.BS Nguyễn Mạnh Cường trả lời:

Những đối tượng có nguy cơ cao hình thành cục máu đông:

- Tăng huyết áp
- Đái tháo đường
- Lớn tuổi (>65 tuổi), nữ giới có nguy cơ mắc cao hơn nam giới
- Bệnh lý nền về tim (suy tim)
- Nhồi máu não, cơn thiếu máu não thoáng qua
- Mắc các bệnh lý về mạch máu

Những yếu tố gây rung nhĩ:

- Căng thẳng, lo lắng, thiếu ngủ
- Tình trạng rối loạn điện giải
- Hút thuốc lá, rượu, bia
- Tiền sử gia đình
- Đái tháo đường, COPD, béo phì…

- Một số bệnh lý về tim: thiếu máu cơ tim, bệnh lý về van tim (hẹp van 2 lá)…
Xin BS cho biết thêm, thuốc chống đông máu và thuốc tiêu sợi huyết giống và khác nhau như thế nào ạ?
ThS.BS Nguyễn Mạnh Cường trả lời:

Thuốc chống đông máu và thuốc tiêu sợi huyết đều là thuốc tác động lên quá trình đông máu của người bệnh.

- Thuốc chống đông: là thuốc ngăn không cho hình thành cục máu đông (thuốc phòng ngừa).

- Thuốc tiêu sợi huyết là thuốc làm tan cục máu đông (hay thuốc điều trị khi đã bị đột quỵ). Tuy nhiên, loại thuốc này khi dùng cũng cần đòi hỏi những yêu cầu nghiêm ngặt như:
+ Bệnh nhân phải tới thật sớm trong vòng 4-5h đầu (có nghĩa là từ khi người bệnh xuất hiện các triệu chứng tê yếu tay chân, méo miệng, nói khó… đến khi được tiêm thuốc là phải < 4-5h). Do đó, nếu người nhà thấy bệnh nhân có dấu hiệu đột quỵ phải tức tốc đưa bệnh nhân đến trung tâm nào có điều kiện cấp cứu cho người bệnh đột quỵ.
+ Phải chắc chắn người bệnh đột quỵ não này thuộc dạng bị tắc mạch não (nhồi máu não) mới dùng được. Còn trường hợp chảy máu não (xuất huyết não) thì hoàn toàn chống chỉ định.

Với những người đang uống thuốc chống đông, uống thế nào là đúng cách? Có nhất thiết phải uống đúng giờ hay không? Nếu lỡ quên một liều thì nên uống bù như thế nào ạ?
ThS.BS Nguyễn Mạnh Cường trả lời:
Khi uống thuốc chống đông, người bệnh cần lưu ý:

- Uống thuốc đều đặn, đúng liều lượng vào thời điểm cố định trong ngày.

- Không được ngưng thuốc đột ngột vì bất cứ lý do gì nếu chưa có ý kiến của bác sĩ.

- Nếu quên uống thuốc và nhớ ra trong ngày, uống ngay liều thuốc đã quên. Nếu quên uống thuốc và nhớ ra vào ngày hôm sau, chỉ uống thuốc tiếp tục như bình thường, không uống gấp đôi liều để bù cho liều thuốc đã quên.

- Đi khám và xét nghiệm máu thường xuyên theo đúng hẹn của bác sĩ.

- Không nên tự động uống thêm các loại thuốc khác, ví dụ như thuốc giảm đau…


Còn trong việc ăn uống hằng ngày, người uống thuốc chống đông nên lưu ý điều gì, nhờ BS chỉ dẫn?
ThS.BS Nguyễn Mạnh Cường trả lời:

- Ăn uống điều độ, chế độ ăn ổn định.

- Hạn chế các thức ăn có nhiều vitamin K như trái bơ, sữa đậu nành, nhân sâm, các loại rau xanh, củ quả có nhiều màu xanh: rau dền, cải lá xoăn, rau bó xôi, rau xà lách xanh, rau muống, rau lang, măng tây, cải thảo, súp lơ xanh, đậu bắp, đậu Hà Lan, hành… vì sẽ làm giảm tác dụng của thuốc kháng đông loại cũ (thuốc kháng vitamin K).
~~~~~~~~
Hy vọng qua những chia sẻ của ThS.BS Nguyễn Mạnh Cường sẽ giúp quý vị hiểu rõ hơn về bệnh rối loạn nhịp tim (rung nhĩ), cách thức phòng tránh cục máu đông, đồng thời cũng là phòng tránh đột quỵ nhồi máu não.

Thay mặt bạn đọc, xin chân thành cảm ơn bác sĩ!.

BTV Hải Yến gửi lời cảm ơn ThS.BS Nguyễn Mạnh Cường đã dành thời gian giải đáp cho bạn đọc AloBacsi những kiến thức hữu ích về rối loạn nhịp tim (rung nhĩ).

Nếu có thắc mắc về sức khỏe, kính mời bạn đọc đặt câu hỏi và gửi về chương trình thông qua:

Fanpage: AloBacsi - Hỏi bác sĩ trả lời

Hộp thư: tuvan@alobacsi.vn

Zalo: 08983 08983

Hoặc trò chuyện trực tiếp với bác sĩ trong thời lượng của các buổi tư vấn trực tuyến qua số điện thoại: 08983 08983

Ngoài ra, quý bạn đọc có thể theo dõi nhiều buổi trò chuyện của các bác sĩ - chuyên gia, chia sẻ những thông tin thiết thực về việc bảo vệ sức khỏe tại kênh: AloBacsi - video.

Trân trọng!


Thực hiện: Hồng Nhung - Hải Yến
Cổng thông tin tư vấn sức khỏe AloBacsi.com

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X