Hotline 24/7
08983-08983

Thông tin trên mạng xã hội cần đọc 'có chọn lọc'

Những thông tin về các loại thực phẩm như cá, thịt bò, lươn, gà… cũng có thể chứa sán, nếu chẳng may ăn vào người thì có thể gây các bệnh nguy hiểm đang khiến nhiều người hoang mang. Tuy nhiên, theo các chuyên gia nghiên cứu về thực phẩm, người tiêu dùng nên thông minh khi lựa chọn thông tin trên mạng xã hội.

Gieo rắc hoang mang

Mới đây trên các trang mạng xã hội, một số thành viên trên một diễn đàn có chia sẻ những bức ảnh miếng thịt cá rô đồng lúc nhúc toàn sán bò nghoe nguẩy khiến người xem phải rùng mình.

Cụ thể như tài khoản Facebook N.T chia sẻ trên trang cá nhân với nội dung: “Chết khiếp!!! Cá cũng nhiễm sán rồi giờ ăn gì để sống đây. Chỉ lo các con đi học ăn không đảm bảo. Sợ quá! Giờ thịt lợn có sán, cá cũng có sán, lươn cũng có luôn. Mọi người ơi hạn chế ăn ở ngoài thôi chứ đọc biến chứng sán lên não thì thôi chắc em không muốn ăn gì nữa...”. Cùng với dòng chia sẻ trên là một loạt hình ảnh và video được tài khoản N.T đăng tải để minh họa cho thông tin trên.

Một số hình ảnh đăng tải thông tin cho rằng cá, lươn cũng nhiễm sán

Bài viết trên nhanh chóng được lan rộng trên mạng xã hội với tốc độ chóng mặt. Hàng nghìn lượt chia sẻ và bình luận thu hút sự chú ý của các bà mẹ nội trợ khi thời gian gần đây đang nóng vụ việc hàng trăm trẻ mẫu giáo ở Bắc Ninh nhiễm sán. Thậm chí một số Fanpage còn tự nêu nguyên nhân khiến cá có sán là cá đã ăn lợn chết bị nhiễm sán nên cá bị nhiễm sán theo.

Không chỉ có thế, trước đó vài ngày một bà mẹ trẻ cũng lên mạng xã hội than phiền việc thịt bò nhiễm sán khi chính chị thái thịt ra chuẩn bị làm đồ ăn cho con. Rất nhiều bình luận chứa đầy cảm xúc lo sợ của hội chị em được đăng lên: “Biết ăn cái gì cho sạch sẽ không lo bị bệnh bây giờ đây?”; “Mình ở quê cũng từng bắt cá đồng về thấy có sán như này rồi, ăn rau cũng dễ nhiễm sán thôi nếu không chú ý vệ sinh”; “Chẳng lẽ ăn trứng gà trứng vịt trong mấy tháng tới”; “Sợ quá, ăn cũng chết mà không ăn cũng chết, giờ đi chợ phải làm sao”...

Cần bình tĩnh trước những tin đồn thất thiệt

Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, khi chưa có bất cứ thông tin xác minh chính thức nào từ cơ quan có thẩm quyền, việc các cá nhân cũng như tổ chức tự do sử dụng hình ảnh và gán ghép thông tin một chiều đã gây hoang mang dư luận. Nhất là trong bối cảnh mà vấn đề an toàn thực phẩm đang rất nóng như hiện nay, việc tung thông tin thiếu chính xác còn gây ra ảnh hưởng không nhỏ tới người nông dân vốn đang làm ăn chăn nuôi.

Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm (ĐH Bách khoa Hà Nội) cho biết: “Trong cá,thịt bò, thịt gà...cũng có khả năng nhiễm sán, tuy nhiên tỉ lệ là không nhiều. Hơn nữa nếu các loại thực phẩm này nhiễm sán thì chỉ cần nấu chín là có thể diệt được sán, người ăn phải cũng không vấn đề gì. Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đã có những phác đồ điều trị sán hiệu quả nên bà con không cần quá lo lắng”.

Ông cũng cho rằng việc, trong thời đại công nghệ số, người tiêu dùng cần thông minh hơn trong việc lựa chọn thông tin trên mạng xã hội. “Qua thông tin báo chí, tôi được biết riêng chỉ trong tháng 3, đã có ít nhất 4 người bị triệu tập, thậm chí có người bị phạt vì đăng các thông tin liên quan đến dịch heo bệnh trên Facebook. Hơn nữa, từ trước đến nay cũng đã có rất nhiều trường hợp tung thông tin đồn thất thiệt các vấn đề về thực phẩm và đã bị pháp luật xử lý”, ông Thịnh cho hay.

Bên cạnh đó, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh đưa ra lời khuyên dành cho người dân, đặc biệt là các bà nội trợ lúc này vẫn nên đặc biệt chú trọng việc lựa thức ăn sống tươi sạch, không nên quá lo lắng mà cắt bỏ hoàn toàn thịt cá khỏi bữa cơm, luôn ghi nhớ việc ăn chín uống sôi để phòng tránh nguy cơ mắc bệnh lây nhiễm qua đường ăn uống.

Theo Lao Động Thủ Đô

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X