Hotline 24/7
08983-08983

Thời tiết trở lạnh, người lớn tuổi cần lưu ý gì để không mắc bệnh?

Chào bác sĩ, mẹ tôi năm nay 65 tuổi, sống ở Hà Nội. Dạo gần đây, thời tiết cũng đã bắt đầu chuyển lạnh, mong bác sĩ tư vấn giúp tôi làm sao để phòng ngừa bệnh cho người lớn tuổi trong thời điểm này? Trân trọng cảm ơn. (Nguyễn Việt Hùng - Cầu Giấy, Hà Nội).

Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Anh Hùng thân mến,

Trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai, mắc bệnh mạn tính là nhóm người có hệ thống miễn dịch yếu nên dễ mắc phải những căn bệnh khi thời tiết giao mùa, đặc biệt là vào mùa đông. Nhất là người lớn tuổi là đối tượng cần phải đặc biệt lưu ý để không mắc bệnh.

Thời tiết chuyển lạnh, người lớn tuổi thường gặp các bệnh về hô hấp như viêm mũi họng, viêm phí quản hen… đặc biệt là với những người nghiện thuốc lá, thuốc lào. Ngoài ra, tình trạng thoái hóa khớp và cứng khớp vào mùa lạnh làm cho người lớn tuổi khó vận động, đau nhức ảnh hưởng rất lớn đến giấc ngủ và từ đó ảnh hưởng đến sức khỏe. Hơn nữa, mùa đông cũng làm tăng huyết áp và áp lực lên tim khiến tim phải làm việc với cường độ cao hơn, dễ dẫn đến nhồi máu cơ tim.

Vì vậy, vào mùa đông, người lớn tuổi cần mặc ấm, đi giày tất, găng tay đầy đủ kể cả trong nhà lẫn khi ra ngoài trời. Nếu cần có thể mang gậy chống, nên sử dụng gậy có đầu bịt bằng cao su mềm để khỏi đau tay và bám chắc vào nền đất.

Nên tránh ra ngoài trời lạnh vào ban đêm hoặc sáng sớm bởi nhiệt độ quá thấp có thể khiến cơ thể bị nhiễm lạnh, dẫn đến suy nhược chức năng hoạt động của dây thần kinh quanh vùng mặt, huyết quản của thần kinh dinh dưỡng cục bộ bị co giật mạnh khiến cho tổ chức thần kinh bị thiếu máu, sưng, ứ nước... gây méo miệng, lệch mặt.

Nếu trời rét quá mức, người già không thể tập ngoài trời được vì vậy nên duy trì bài tập đều đặn trong nhà. Ví dụ như đi xe đạp tĩnh, cử tạ, bóng bàn, tập dưỡng sinh... Trước khi tập nên khởi động để làm ấm cơ thể, duy trì thời lượng tập thích hợp, không nên quá mức hoặc luyện tập những bài không hợp tuổi. Khi tập nên bố trí thời gian nghỉ giải lao.

Tắm ở nơi kín gió và tránh tắm quá lâu. Đặc biệt, người cao tuổi nên hạn chế tắm và gội cùng lúc tránh biến chứng nghiêm trọng về sức khỏe.

Nếu mẹ anh có kèm bệnh lý tăng huyết áp, đái tháo đường hay bệnh lý tim mạch… thì cần kiểm soát tốt các bệnh này để tránh biến chứng.

Bên cạnh đó, việc ăn uống cân bằng đóng vai trò vô cùng quan trọng để duy trì sức khỏe người già vào mùa đông.

Trong thực đơn của mẹ, anh có thể bổ sung thực phẩm giàu acid béo omega-3, omega-6 giúp ngăn chặn các phản ứng miễn dịch và ức chế sản sinh các chất gây viêm khớp, giúp giảm các triệu chứng đau khớp. Thức ăn giàu omega-3 như mỡ cá, các loại cá thu, cá ngừ, cá trích, cá mòi, cá hồi, tôm, cua, tảo… thức ăn giàu omega-6 có trong tất cả các loại thịt động vật và hầu hết dầu thực vật, nên ăn cá nhiều hơn thịt.

Và bổ sung các vitamin D, B, K, folic acid, canxi, sắt có trong các loại rau, nhất là rau lá có màu xanh đậm. Vitamin C, D, E, beta-caroten có tác dụng chống oxy hóa, giúp giảm đau, chống viêm, ngăn ngừa mất sụn khớp có trong các loại trái cây: dâu tây, cam, quýt, đào, ớt chuông, cà chua, cà rốt, bí đỏ, các loại trái cây có màu đỏ, trái cây chín…

Đối với người già sức nhai hạn chế, giảm cảm giác ngon miệng khi ăn uống, khi bệnh, khi đau nhức khớp, mất ngủ sẽ không muốn ăn, ngoài việc thay đổi cách nấu hợp khẩu vị, mềm, dễ nuốt... anh nên bổ sung các thực phẩm cao năng lượng, cân đối dưỡng chất, phù hợp bệnh tim mạch, bệnh mạn tính người già để bổ sung năng lượng giúp bà nhanh hồi phục sức khỏe.

Nên hạn chế đường, các loại nước ngọt có ga, bánh kẹo ngọt, giảm muối và thức ăn mặn...

Ngoài ăn uống cân bằng đủ chất thì phải cung cấp đầy đủ nước uống. Trung bình mỗi ngày uống 4-5 cốc nước, không nên duy trì ý nghĩ cho rằng mùa đông không phải uống nhiều nước, hậu quả làm cho cơ thể khát và phát sinh bệnh.

Chúc anh và gia đình sức khỏe.

Trân trọng!

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X