Hotline 24/7
08983-08983

Thời tiết chuyển lạnh, nhiều dịch bệnh có nguy cơ bùng phát

Thời tiết đang lạnh dần cùng với đó là nhiều loại bệnh cũng gia tăng theo, đặc biệt chúng có thể bùng phát thành dịch.

Bệnh hô hấp ở trẻ nhỏ gia tăng

Khi trời chuyển lạnh, hệ miễn dịch suy giảm, cộng với việc thời tiết thay đổi thất thường, lúc mưa ẩm lúc nắng hanh, virus gây bệnh hoạt động mạnh khiến cho nguy cơ mắc các bệnh về đường hô hấp, đặc biệt là trẻ nhỏ.

Cụ thể, khoảng nửa tháng trở lại đây, do ảnh hưởng của thời tiết giao mùa, tại khoa Nhi - BV Bạch Mai, số trẻ nhập viện vì các bệnh lý đường hô hấp, đặc biệt là viêm phổi tăng cao, bình quân mỗi ngày lên tới 400-500 trẻ vào khám.

BS Nguyễn Thành Nam, Trưởng khoa Nhi cho biết, thời tiết “đỏng đảnh” sáng lạnh, trưa nắng ấm chính là nguyên nhân khiến nhiều trẻ đổ bệnh, số trẻ đến khám tăng gấp đôi so với ngày thường.

Tại BV Nhi Trung ương, số lượng bệnh nhi đến khám và điều trị vài tuần gần đây cũng tăng gấp rưỡi so với thời điểm trước đó và liên tục duy trì ở mức cao với khoảng hơn 3.000 bệnh nhi mỗi ngày.

Trong đó, bệnh nhi nhập viện chiếm đa số là mắc các bệnh về đường hô hấp, sốt, viêm phổi, tiêu chảy, sốt xuất huyết… phổ biến nhất là ở nhóm trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi.

Ngoài ra, khi thời tiết chuyển lạnh trẻ rất dễ mắc viêm tiểu phế quản. Viêm tiểu phế quản là bệnh viêm nhiễm cấp tính của các phế quản kích thước nhỏ, có đường kính dưới 2mm hay còn gọi là các tiểu phế quản.

Tác nhân gây viêm tiểu phế quản ở trẻ thường là do virut như virut hợp bào hô hấp (VRS) chiếm 30 - 50% các trường hợp mắc bệnh có khả năng lây lan rất mạnh nên bệnh có nguy cơ xảy ra thành dịch và là một trong những nguyên nhân thường xuyên làm trẻ phải nhập viện.

Trẻ dưới 2 tuổi dễ mắc viêm tiểu phế quản khi trời lạnh. Ảnh: Giáo dục Thời đại
Trẻ dưới 2 tuổi dễ mắc viêm tiểu phế quản khi trời lạnh. Ảnh: Giáo dục Thời đại

Tất cả các trường hợp trẻ mắc viêm tiểu phế quản nếu không được chẩn đoán và điều trị tốt sẽ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như: rối loạn chức năng hô hấp, xuất hiện từng cơn khó thở ra tái phát, viêm tiểu phế quản lan tỏa. Nghiêm trọng hơn sẽ làm trẻ bị suy hô hấp cấp, tràn khí màng phổi, viêm phổi - trung thất, xẹp phổi và thậm chí tử vong.

Bệnh sẽ có biến chứng nặng hơn ở trẻ dưới 3 tháng tuổi, trẻ sinh non - nhẹ cân, trẻ suy dinh dưỡng nặng, trẻ có sẵn bệnh tim, phổi, suy giảm miễn dịch. Hơn nữa, sự tái diễn nhiều lần của viêm tiểu phế quản còn là nguyên nhân gây ra hen phế quản sau này.

Dịch tay chân miệng có nguy cơ bùng phát

Tại BV Nhi Trung ương, khoa Truyền nhiễm hiện đang có 5 ca tay chân miệng khá nặng phải điều trị nội trú trong số vài chục ca đến khám mỗi ngày. Tương tự, BV Xanh Pôn mỗi ngày tiếp nhận khoảng 10-15 bệnh nhi vào khám vì tay chân miệng, số mắc tăng đáng kể so với 1, 2 tháng trước.

Tính trên toàn Hà Nội, số ca mắc tay chân miệng bắt đầu có xu hướng tăng và tăng liên tục trong vài tuần trở lại đây, chỉ riêng tuần vừa qua ghi nhận tới 97 trường hợp mắc tay chân miệng, tăng đáng kể so với 2 tuần gần nhất.

Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cảnh báo, bệnh tay chân miệng là một trong những bệnh ngoài da do nhiễm virus thường gặp ở trẻ em, khả năng lây nhiễm cao và dễ gây nhiều biến chứng như viêm màng não - não, viêm cơ tim cấp, viêm phổi, phù phổi và có thể gây tử vong, do đó người dân không được chủ quan, cần nâng cao ý thức phòng bệnh cho trẻ.

Đau mắt đỏ dễ bùng phát sau mưa lũ

Đau mắt đổ dễ bùng phát thành dịch. Ảnh: minh họa
Đau mắt đổ dễ bùng phát thành dịch. Ảnh: minh họa

Bên cạnh các bệnh dễ mắc do giao mùa ở trẻ nhỏ, thời tiết diễn biến phức tạp, mưa lũ kéo dài cũng khiến nhiều dịch bệnh nguy hiểm khác đe dọa bùng phát.

Tại BV Mắt Trung ương, số ca mắc đau mắt đỏ vào khám bắt đầu có xu hướng gia tăng. BS Hoàng Cương - BV Mắt Trung ương cho biết, thời điểm giao mùa từ Hè sang Thu cộng thêm mưa bão như hiện nay thường trùng đúng đỉnh dịch đau mắt đỏ.

Năm nay, dịch đau mắt đỏ ở Hà Nội đến muộn hơn năm ngoái tuy nhiên với thời tiết mưa nhiều hiện nay thì nguy cơ dịch bùng phát trong thời gian ngắn sắp tới là rất lớn.

Theo BS Hoàng Cương, trẻ em thường nhạy cảm với các loại virus nên khả năng bị nhiễm bệnh đau mắt đỏ sẽ cao hơn. Ngược lại với người già, khả năng nhiễm bệnh thấp hơn bởi mô kết mạc đã xơ và lão hóa không thích hợp cho virus phát triển.

Bệnh đau mắt đỏ dễ nhận biết bởi có các triệu chứng điển hình như đỏ mắt, ra gỉ nhiều, cảm giác cộm rát, vướng mắt nhưng không gây giảm thị lực trừ khi có biến chứng, đau mắt một bên trước sau đó nhanh chóng lan sang bên mắt lành…

Để phòng tránh, phải chú ý giữ vệ sinh cá nhân và nơi sinh hoạt. Do bệnh dễ lây nên tuyệt đối tránh tiếp xúc với người bệnh. Không dùng chung khăn, chậu rửa mặt, tránh dụi mắt, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng. Đồng thời nên đeo kính khi ra ngoài, nhỏ mắt hàng ngày, giặt khăn mặt bằng xà phòng và phơi dưới nắng.

Nếu mắc bệnh cần nghỉ 7 - 10 ngày đẻ cách ly và điều trị dứt điểm, tránh lây lan sang người khác.

Theo Hoàng Duy - Pháp luật Việt Nam

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X