Hotline 24/7
08983-08983

Xung quanh cái chết bí ẩn của Vua Thái Lan Ananda Mahidol

Sau 11 năm, 99 ngày quyền bính, Nhà vua Thái Lan Ananda Mahidol đã băng hà bằng cái chết đột ngột vào sáng ngày 9/6/1946

Trên tay trái của ông còn nguyên khẩu súng ngắn Colt-45. Cái chết của ông để lại nhiều bí ẩn cho hậu thế.

Nhà vua tự tử hay bị sát hại?

Ngày 9/6/1946 là ngày định mệnh của Nhà vua Ananda Mahidol. Sự việc bắt đầu từ lúc 6 giờ sáng khi nhà vua được mẹ ông đánh thức dậy, 7 giờ 30 phút, But Pathamasarin - người hầu của nhà vua đến để chuẩn bị bữa sáng, nhưng nhà vua lại từ chối uống nước cam và đi nằm, 9 giờ sáng, Hoàng tử Bhumibol Adulyadej - em trai nhà vua đến thăm, đến 9 giờ 20 phút người ta đột nhiên nghe thấy tiếng súng vang lên từ phòng ngủ của ông và sau đó là tiếng la thất thanh “nhà vua đã tự tử bằng súng”.

Ngay sau sự kiện trên, thân mẫu vua, bà Sangwal đã có mặt nhưng nhà vua đã tắt thở, thi thể ông nằm trên đệm thấm đẫm máu, trên tay vẫn còn nắm khẩu súng Colt-45 còn nguyên cả đạn bên trong. Cũng ngay sau đó, Thủ tướng Pridi Banamymg đã có mặt và ra lệnh cho cảnh sát tiến hành ngay cuộc điều tra. Cùng hỗ trợ cho cuộc điều tra này còn có các chuyên gia nước ngoài, trong đó có giáo sư, pháp y hình sự người Anh Keith Simpson.

Việc làm đầu tiên của cảnh sát là kiểm tra hiện trường, thu giữ 1 khẩu súng ngắn loại Colt-45 do Mỹ sản xuất, vật dụng được cho là được nhà vua sử dụng để bắn vào trán bên trái, nhưng người ta lại không thu được vỏ đạn. Qua lời khai của nhân chứng, cảnh sát tạm kết luận nguyên nhân cái chết của nhà vua là do súng cướp cò.


Vua Ananda Mahidol

Sau khi nguồn tin trên được công bố, dư luận Thái Lan đồn rằng, Nhà vua Ananda Mahidol chết không phải do tự tử vì bị bệnh nhưng không muốn nói ra mà do bị sát hại, lời đồn này xuất hiện ngay sau khi có thông tin từ hoàng cung lọt ra, các chuyên gia pháp y đã phát hiện thấy sau gáy của nhà vua có một vết đạn bắn. Nếu quả đúng như vậy thì những gì đã công bố chỉ là vụ tự tử giả.

Vì vậy, dư luận đã yêu cầu người đứng đầu Chính phủ điều tra để tìm ra nguyên nhân, kẻ nào đứng sau sự kiện kinh hoàng nói trên. Đảng Dân chủ còn nghi ngờ rằng, chính Thủ tướng Pridi Banamymg là “tác giả” của vụ  mưu sát này.

Tháng 10/1947, Tướng Plaek Pibulsonggram đã tiến hành đảo chính lật đổ Thủ tướng Pridi Banamymg và đưa Khuang Aphaiwong người đứng đầu Đảng Dân chủ lên nắm quyền. Chính phủ mới đã yêu cầu tiếp tục điều tra.

Chuyên gia pháp y Keith Simpson và những người đứng đầu Ủy ban điều tra cũng kết luận, giả thiết nhà vua tự tử là không có căn cứ bởi khẩu súng ông dùng nằm ở tay trái trong khi đó ông thuận tay phải. Hướng đạn bắn không phải ở bên trán mà từ sau gáy, vỏ đạn bị biến mất. Thực tế, rất ít khi tự tử người ta lại dùng súng bắn từ phía sau.

Cuộc điều tra kết thúc vào tháng 5/1951, nghi vấn tập trung vào 3 nghi can gồm hai nhân vật cận thần của nhà vua là But Pathamasarin, Chit Singhaseni và thư ký riêng Chaleo Patoomros, đây là những người gần gũi với nhà vua nhất, người ta còn tìm thấy vân tay của But Pathamasarin trên báng khẩu Colt-45.

Tuy nhiên khi khai báo, Pathamasarin lại cho rằng anh ta phải gỡ súng ra vì sợ gây nổ tiếp. Khi ra tòa, cả 3 đều kêu oan buộc người ta tiếp tục điều tra và khi Khuang Aphaiwong lên làm Thủ tướng, 3 nghi can này đã bị bắt trở lại, đến tháng 2/1955, sau 3 phiên xét xử, cuối cùng, Tòa án tối cao đã phán quyết tội tử hình. Dù 3 nghi can đã bị loại song những bí ẩn vẫn bao trùm lên cái chết của nhà vua trẻ tuổi này, rất nhiều giả thiết được đưa ra.

Nổi bật, giả thiết đã được đề cập trong cuốn The Revolutionary King của tác giả William Stevenson, được viết với sự hợp tác của Bhumibol Adulyadej (nhà vua Thái Lan hiện nay) rằng, thủ phạm hãm hại nhà vua Ananda Mahidol là Tsuji Masanobu, một nhân viên tình báo của Nhật Bản làm việc tại Thái Lan, bạn thân của thống chế Plaek Pibulsongra khi còn giữ chức Tổng tư lệnh quân đội Thái Lan. Ngoài ra còn có một số giả thiết khác, như lời đồn của Đảng Dân chủ thì chính Thủ tướng Pridi Banamymg là tác giả chính, đáng tiếc sau khi vụ án chính Pridi Banamymg lại bị hạ bệ.

Một giả thiết khác của nhà báo Rayne Kruger trong cuốn The Devil’s Discus bị cấm lưu hành ở Thái Lan thì cái chết của Vua Ananda Mahidol là do chính các thành viên hoàng gia gây ra vì mục đích chính trị.


Hoàng cung Thái Lan

Vài nét về Nhà vua Ananda Mahidol

Vua Ananda tên thật Phrabat Somdej Phra Para Menthara Maha Ananda Mahidol, sinh ngày 20/9/1925 tại TP. Heidelberg, Đức. Ông là con trai cả của Hoàng tử Mahidol Adulyadej.

Năm 1928, sau khi tốt nghiệp bác sĩ tại Đại học Harvard, Mỹ, Hoàng tử Mahidol Adulyadej đưa cả nhà về lại Thái Lan. Năm 1929, ông qua đời, lúc đó Ananda Mahidol mới được 4 tuổi. Năm 1932, do tình hình chính trị bất ổn vì đảo chính, Hoàng tử Ananda cùng 2 em là công chúa Galyani Vadhana và Hoàng tử Bhumipol Adulyadej được đưa sang Thụy Sĩ để học tập và sinh sống.

Năm 1935, khi nhà vua Prajadhipok từ chức do bệnh tật, Hội đồng Hoàng gia, Quốc hội và Chính phủ Thái Lan đã quyết định đưa Ananda Mahidol trở thành Vua Thái Lan vào ngày 2/3/1935 lấy vương hiệu là Rama VIII.

Lúc đó, tân vương mới được 10 tuổi và đang theo học tại TP. Lausanne của Thụy Sĩ. Do nhà vua còn nhỏ lại đang theo học ở nước ngoài nên Quốc hội Thái Lan chỉ định Hoàng tử Anuwatjaturong và Artit Thit-apa (đều là sĩ quan quân đội) cùng Tướng Chao Phraya làm nhiếp chính. Tháng 12/1945, sau khi tốt nghiệp Đại học Luật ở Lausanne, Nhà vua Ananda Mahidol quay về Thái Lan.

Mặc dù còn trẻ và chưa có kinh nghiệm điều hành đất nước, nhưng ông nhanh chóng chiếm được tình cảm của nhân dân. Đầu năm 1946, nhà vua đã hòa giải thành công mối hiềm khích vốn tồn tại nhiều đời trước đó giữa cộng đồng người Hoa sinh sống tại thủ đô Bangkok với người dân bản địa.

Theo Khắc Nam - Sức khỏe & Đời sống

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X