Hotline 24/7
08983-08983

'Xúi' nông dân bỏ lúa, đưa lao động Trung Quốc đến trồng sen

Người dân xã Tân Hội Trung, huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp) hoang mang khi phát hiện một doanh nghiệp có những biểu hiện bất thường và tác động xấu đến môi trường.

Vừa "chân ướt chân ráo" đến xã Tân Hội Trung, lãnh đạo Công ty Sen Hoàng Giang ở Hà Nội đã "xúi" người dân phá bỏ lúa gần đến ngày thu hoạch để trồng sen; nguy hiểm hơn, công ty này thả sinh vật ngoại lai, có nguy cơ gây hại đến ngành nông nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều lao động Trung Quốc được đưa đến đây làm việc.

Phá bỏ lúa sắp thu hoạch

Ông Nguyễn Việt Tâm, Chủ tịch UBND xã Tân Hội Trung, cho biết: "Lần tiếp xúc cử tri gần đây, rất nhiều người dân đã yêu cầu làm rõ động cơ hoạt động của doanh nghiệp trồng sen tại địa phương và tiêu hủy triệt để những sinh vật lạ nguy hiểm do họ mang đến xã".

'Xui' nong dan bo lua, dua lao dong Trung Quoc den trong sen hinh anh 1
Người dân Đồng Tháp phá bỏ lúa sắp thu hoạch để lấy đất cho doanh nghiệp thuê trồng sen. Ảnh: M.A.

Chuyện bắt đầu gần một năm nay, khi làng quê thanh bình ở Tân Hội Trung bỗng xôn xao khi có một doanh nghiệp thuê đất trồng sen. Đó là tháng 4/2016, những cánh đồng lúa vừa sắp thu hoạch đã được người dân phá bỏ.

Ông Đặng, một hộ dân đồng ý phá lúa nói: "Doanh nghiệp chịu bồi thường 10 tấn/ha, với giá bán thị trường thời điểm này là 6.000 đồng/kg. Lúa sắp thu hoạch bông lúa nặng trĩu, cắt bỏ cũng tiếc nhưng doanh nghiệp nói cần gấp để lấy đất trồng sen".

Những hộ dân xung quanh ruộng của ông Đặng cho biết họ cũng được doanh nghiệp thương thảo để lấy đất lúa trồng sen. "Họ định thuê lại đất của nông dân trong thời hạn 3 năm, giá khoảng 3,5 triệu/công/năm" một nữ nông dân nói.

Theo ông Võ Trung Kiên, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cao Lãnh, doanh nghiệp ở Hà Nội đến địa phương này khảo sát, tìm quỹ đất rộng khoảng 20 ha để trồng sen, lấy ngó xuất khẩu. Khi doanh nghiệp khảo sát một vài ruộng sen để ươm giống, cán bộ kỹ thuật của họ cho rằng đất không phù hợp, trồng dễ lẫn lộn nên thuê đất trồng lúa để trồng sen. Bước đầu doanh nghiệp cần 2 ha để ươm giống, sau đó mở rộng lên 20 ha để trồng đại trà.

"Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cao Lãnh có trao đổi với công ty, nói lúa gần thu hoạch, chờ khoảng 20 ngày nữa hãy trồng sen. Tuy nhiên, doanh nghiệp này nói cần đất sớm, nếu không có đất họ sẽ đi địa phương khác. Địa phương cũng đang khuyến khích chuyển đổi cơ cấu cây trồng nên họ tự thỏa thuận với nông dân phá lúa rồi đền bù thiệt hại", ông Kiên kể.

Thả tôm hùm đỏ có nguy cơ gây hại

Tháng 11/2016, người dân Tân Hội Trung phát hiện một số sinh vật "lạ" trong các ruộng sen của Công ty Sen Hoàng Giang. Theo miêu tả của người dân, sinh vật này hình dáng giống tôm lai với cua và có phần giống bò cạp.

Con vật màu đỏ, lớp vỏ bên ngoài rất cứng và khá hung dữ. Lúc đầu người dân bắt được vài con, thấy lạ nên giữ lại nuôi. Sinh vật "lạ" sau đó phát tán ra môi trường ngày càng nhiều, người dân nghi ngờ nên báo với chính quyền địa phương.

'Xui' nong dan bo lua, dua lao dong Trung Quoc den trong sen hinh anh 2
Tôm hùm đỏ do người dân bắt được. Ảnh: M.A.

Ông Nguyễn Văn Hồng, ngụ ấp 6, xã Tân Hội Trung, cho rằng ông là người đầu tiên phát hiện sinh vật "lạ". Lúc đó ông ra đồng buổi tối, thấy con vật bò trên bờ đất.

"Tôi hoảng hồn vì 60 tuổi rồi mà chưa từng thấy con nào giống con này. Ban đầu tôi còn không dám bắt bằng tay vì sợ nó có độc. Doanh nghiệp mang con này về đây thả, lỡ nó phá như con ốc bươu vàng, hại lúa là chết nông dân", ông Hồng chia sẻ.

Ông Trần Văn Hòa, Giám đốc Công ty Sen Hoàng Giang, thừa nhận sinh vật mà người dân phản ánh là tôm do ông thả nuôi.

"Tôi không biết con tôm này có được phép nuôi hay không. Có người bạn ở ngoài bắc cho tôi 4 kg, nói là nuôi ở miền nam sẽ mập và ăn ngon hơn nên tôi mang về đây nuôi thử", ông Hòa giải thích.

Khi đặt vấn đề con tôm ăn gì thì ông Hòa lại trả lời một cách khó hiểu là không biết chúng ăn gì. Còn việc tôm của ông phát tán ra môi trường xung quanh, ông Hòa cho rằng người dân vào khu vực đất công ty thuê để "trộm tôm".

Ông Nguyễn Thanh Hải, Trưởng Công an huyện Cao Lãnh, cho biết trước đó số lao động Trung Quốc làm việc tại cơ sở của ông Hòa là lao động "chui", sử dụng visa du lịch. Hiện, số lao động này đã thực hiện đầy đủ thủ tục theo quy định nên đã được cấp tạm trú tại địa phương.

"Sau bổ sung các loại giấy tờ và hoàn thành thủ tục cần thiết, số lao động Trung Quốc này vẫn chưa có hoạt động gì bất thường", ông Hải nói.

Trao đổi với báo chí, ông Phạm Minh Chí, Phó phòng Thanh tra thuộc Chi cục Thủy sản tỉnh Đồng Tháp, cho biết tôm "lạ" do ông Hòa nuôi là sinh vật ngoại lai nguy hại. Đó là tôm hùm đỏ, có tên khoa học Procambarus clarkii.

Đây là loài giáp xác nước ngọt, nguồn gốc ở Nam Mỹ. Chúng thậm chí còn được gọi là "sâu" ngoại lai, tiêu diệt nhiều loài tôm bản địa, nhiều khả năng còn nguy hại hơn cả ốc bươu vàng.

"Theo các tài liệu nghiên cứu tôm hùm đỏ lớn rất nhanh, ngay cả trong điều kiện ít nước. Mùa khô chúng có thể chịu hạn đến 4 tháng và vòng đời có thể kéo dài đến 6 năm",ông Chí nói.

"Tác hại của tôm hùm đỏ rất lớn, chúng có thể đào hang rất giỏi nên sẽ phá hại hệ thống kênh mương, ăn tạp nên có thể làm tan hoang các hệ sinh thái bản địa. Đặc biệt, chúng mang theo nhiều virus gây bệnh trên tôm kể cả loài giun ký sinh động vật có vú, kể cả con người", ông Chí cho biết thêm.

'Xui' nong dan bo lua, dua lao dong Trung Quoc den trong sen hinh anh 3
Ông Hòa nói về việc thả tôm hùm đỏ và dự án trồng sen lấy ngó. Ảnh: M.A.

Sau khi xác định được chủng loài, Chi cục Thủy sản tỉnh Đồng Tháp đã làm việc với ông Hòa và yêu cầu giám đốc doanh nghiệp này tổ chức tiêu hủy dưới sự giám sát của các cơ quan chức năng.

Đợt tiêu hủy tôm hùm đỏ đầu tiên vào ngày 6/12/2016, bắt được 33 con tôm sống và 55 con tôm chết. Sau khi tiêu hủy tôm, đoàn giám sát yêu cầu ông Hòa phun hóa chất để tiêu diệt những con còn sót lại cũng như tôm con nếu có sinh sản.

"Sau đợt tiêu hủy này, ông Hòa cam kết chỉ thả có một chỗ. Tuy nhiên, người dân sau đó tiếp tục phát hiện tôm bị phát tán ra môi trường xung quanh ở một khu vực khác gần nhà xưởng của ông Hòa. Chúng tôi làm việc với ông Hòa thì ông khẳng định không phải ông thả nuôi mà có thể do công nhân thả", ông Chí nói.

Đến ngày 10/12/2016, cơ quan chức năng ở Đồng Tháp tiếp tục tiêu hủy lần hai với 8 con tôm sống và 4 con chết. Ngoài ra, bên ngoài ao nuôi người dân bắt được 6 con trong đó có 1 con đã chết.

"Do tôm đã phát tán ra môi trường nên chi cục kiến nghị địa phương thực hiện nhiều biện pháp như bơm rút nước của ô đê bao sử dụng lưới chắn ngăn chặn tôm ra sông lớn", ông Chí khẳng định.

Đầu tư 10 tỷ đồng nhưng chưa thu được đồng vốn nào

Ông Nguyễn Văn Hùm, Phó chủ tịch UBND xã Tân Hội Trung, cho biết ngoài nuôi tôm hùm đỏ, ông Hòa còn trồng sen không rõ nguồn gốc, không giống với sen bản địa. UBND xã cũng đã kiến nghị các ngành liên quan tìm hiểu nguồn gốc chủng loại sen của ông Hòa.

"Cái khó là sen của ông Hòa trồng đã chết hết. Theo tìm hiểu của xã, ông Hòa đã đầu tư thuê đất và xây nhà xưởng với số tiền 10 tỷ đồng nhưng sau một năm doanh nghiệp này vẫn chưa thu được đồng nào từ việc trồng sen", ông Hùm nói.


* Tên một số nông dân đã thay đổi.

Theo Minh Anh - Việt Tường - Zing.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X