Hotline 24/7
08983-08983

Xử phạt hành vi không đội mũ bảo hiểm cho trẻ: Đừng đánh trống bỏ dùi

Sau 1 tuần ra quân xử lý, việc đội mũ bảo hiểm ở trẻ ít nhiều đã có chuyển biến. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, việc đội mũ bảo hiểm cho trẻ còn theo kiểu “chống chế”.

Vẫn thực hiện theo kiểu đối phó

Mới đây, khi Ủy ban An toàn giao thông quốc gia và Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, đường thủy (Bộ Công an) công bố kế hoạch hành động quốc gia chương trình đội mũ bảo hiểm cho trẻ em đã khiến dư luận quan tâm.

Điểm nhấn của kế hoạch, lực lượng cảnh sát giao thông và lực lượng chức năng sẽ tổ chức tuần tra, nhắc nhở người dân đội mũ bảo hiểm cho trẻ em trong tuần đầu tại các khu vực xung quanh trường học.

Sau đó, nếu phụ huynh không đội mũ bảo hiểm cho trẻ em khi đi xe gắn máy, xe đạp điện sẽ bị xử lý, thông báo lên nhà trường để có biện pháp giáo dục.

Phần lớn trẻ được đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông để tránh lực lượng chứng năng Phần lớn trẻ được đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông để tránh lực lượng chứng năng. Ảnh Internet.

Ngay khi kế hoạch trên được công bố, lực lượng cảnh sát giao thông ở khắp các tỉnh, thành phố đã đồng loạt ra quân xử lý phụ huynh, học sinh không đội mũ bảo hiểm.

Theo đó, bất kỳ ai đi xe mô tô 2 bánh, 3 bánh, xe gắn máy, xe đạp máy chở trẻ trên 6 tuổi không đội mũ bảo hiểm phải chịu trách nhiệm nộp phạt từ 100.000 đến 200.000 đồng. Chế tài được coi là khá mạnh tay này đã được các phụ huynh, học sinh chấp hành.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên thì đến thời điểm này vẫn không khó bắt gặp cảnh học sinh đầu trần ngồi sau xe máy của hoặc tự đi xe đạp điện đến lớp. Đó là chưa kể, trên nhiều tuyến đường vẫn không khó bắt gặp cảnh phụ huynh "kẹp hai, kẹp ba" con em mà không có mũ bảo hiểm.

Và có một thực tế đang diễn ra, không ít phụ huynh cho trẻ đội mũ bảo hiểm phần lớn nhằm để "tránh" lực lượng chức năng. Mũ các em đang đội còn chưa đạt chuẩn theo quy định.

Tuy nhiên, theo khảo sát của PV, tình trạng không đội mũ bảo hiểm của trẻ khi tham gia giao thông vẫn còn khá phổ biến. Ngay tại khu vực các cổng trường học, nhiều phụ huynh vẫn để con đầu trần đến lớp.

Tình trạng này ở các trường khu vực ngoại thành xuất hiện nhiều hơn các trường khu vực nội thành. Thậm chí, không ít phụ huynh khi biết có lực lượng chức năng túc trực ở cổng trường đã dừng xe ở cách xa rồi cho con đi bộ vào lớp.

Cần nhiều biện pháp đồng bộ

Liên quan đến việc đội mũ bảo hiểm cho trẻ, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng đã có quyết sách "mạnh tay", đó là thông báo đến tất cả trường phổ thông trên địa bàn để tuyên truyền cho học sinh, phụ huynh. Theo đó, Sở đề nghị các trường bố trí địa điểm, nơi treo, giữ mũ bảo hiểm, tạo điều kiện cho học sinh, phụ huynh thực hiện quy định về an toàn giao thông.

Với học sinh vi phạm, bị công an thông báo về trường, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đề ra hình thức xử lý như sau: Tùy mức độ sẽ phê bình trước lớp, trường (vi phạm lần 1) đến viết kiểm điểm, gọi phụ huynh lên trao đổi (lần 2) và tái phạm nhiều lần sẽ hạ hạnh kiểm một tháng, một kỳ.

Trường nào để công an thông báo có nhiều học sinh vi phạm sẽ bị đánh giá thi đua. Đây là một trong những biện pháp của Sở Giáo dục Đào tạo Hà Nội nhằm mục đích cho trẻ chấp hành tốt quy định đề ra.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng những ngoài những biện pháp trên thì các cơ quan chức năng cần có giải pháp đồng bộ.

Bà Trần Thị Hương, một phụ huynh ở quận Cầu Giấy thẳng thắn: "Trẻ em vốn chưa ý thức được đầy đủ về các vấn đề xã hội, vì thế việc dạy cho các em tránh xa những mối nguy hiểm khi tham gia giao thông là do các bậc phụ huynh và thầy cô, giáo. Có như thế, khi lớn lên, các em mới có ý thức mà tuân thủ những quy định của pháp luật".

"Đội mũ bảo hiểm là một hình thức nhắc nhở mọi người về ý thức giao thông. Thế nên mỗi khi ra đường tôi đều đội mũ bảo hiểm cho con mình, bởi tôi luôn tâm niệm một điều, bộ phận đầu của trẻ còn mềm, rất dễ bị tổn thương khi bị va chạm, hơn nữa, không may gặp sự cố như tai nạn... trẻ em dễ bị té xuống đường trong khi khả năng tự bảo vệ mình lại kém.

Theo tôi các bậc phụ huynh nên đội mũ bảo hiểm cho con mình để đảm bảo an toàn cho trẻ. Hơn nữa, đã đội mũ phải là mũ chất lượng tốt chứ không phải vì chuyện phạt mà đội theo kiểu đối phó"- bà Hương cho hay.

Với thực tế trên, có thể thấy rằng, ý thức của người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy là hết sức quan trọng. Nếu như những người tham gia giao thông không biết quý trọng tính mạng của bản thân thì dù cơ quan chức năng có tăng cường kiểm tra, xử lý đến mấy cũng khó có thể đạt hiệu quả như mong đợi.

Nói như một chiến sĩ cảnh sát giao thông ở TP Hà Nội thì, quy định về đội mũ bảo hiểm có thực sự thành công và trở thành văn hóa giao thông hay không, phần lớn phụ thuộc vào ý thức trách nhiệm của người dân khi tham gia giao thông. Có thế luật vừa khả thi mà tính mạng của người dân vẫn được đảm bảo.

Theo Hoàng Vững - Gia đình Việt Nam

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X