Hotline 24/7
08983-08983

Xây nhà máy kẽm Lăng Cô: Trái đắng luyện đồng Trung Quốc

“Chúng ta đã có quá nhiều bài học rồi. Vì vậy tôi cho rằng với xuất xây nhà máy kẽm ở  Lăng Cô phải cân nhắc hết sức thận trọng”.

Nhiều bài học xương máu

Tiếp tục chia sẻ với Đất Việt xung quanh việc Công ty TNHH công nghiệp fuda Bắc Kinh(Trung Quốc) mong muốn đầu tư nhà máy sản xuất kẽm tại khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô để xuất khẩu kẽm sang Nhật Bản và Trung Quốc, PGS.TS Đặng Văn Hảo, Viện Khoa học và Kỹ thuật vật liệu, trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã chỉ ra nhiều bài học kinh nghiệm trước đó.

Theo PGS.TS Hảo, vấn đề quan trọng nhất trong việc xây dựng nhà máy kẽm là phải lựa chọn được công nghệ phù hợp, đạt tiêu chuẩn, chất lượng thiết bị tốt nhằm tránh những tác động xấu dẫn đến ô nhiễm môi trường.

Từng sang trực tiếp Trung Quốc thăm quan một số mô hình nhà máy sản xuất kim loại màu, PGS.TS Hảo khẳng định, công nghệ của nước này không hề kém. Thậm chí có nhiều loại thuộc dạng tốt, tiên tiến so với thế giới.

Xay nha may kem Lang Co:TraidangluyendongTrung Quoc
PGS.TS Hảo bày tỏ nhiều lo ngại trước việc xây dựng nhà máy kẽm tại khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô

“Trung Quốc không phải kém công nghệ. Bằng chứng là nhiều nhà máy luyện kim loại màu của họ hoạt động rất tốt. Tuy nhiên khi tiến hành chuyển giao công nghệ cho chúng ta thì lại hoàn toàn khác. Trung Quốc giấu và không đưa hết cho chúng ta. Một phần cũng do chúng ta ham công nghệ giá rẻ, cũ và không có sự tham gia của các nhà khoa học trong công đoạn lựa chọn thiết bị, kỹ thuật”, PGS.TS Hảo nhận định.

Để chứng minh cho điều vừa nói, vị Phó giáo sư kể lại câu chuyện mắt thấy, tai nghe trong chuyến khảo sát 2 nhà máy luyện đồng ở Côn Minh (Trung Quốc) hồi năm 2013.

“Trung Quốc có 2 máy luyện đồng. Đứng đầu là nhà máy ở Vân Đồng (500.000 tấn/năm), một nhà máy khác ở Sở Hùng (100.000 tấn/năm). Khi chúng tôi sang Côn Minh thì mới vỡ nhẽ. Công nghệ Trung Quốc sử dụng ở Sở Hùng mua bản quyền 100% của Úc.

Ở phía sau lò luyện stên có lắp thêm hệ thống 3 lò điện xỉ công suất 6300 KVA, nhờ đó giúp cho việc lắng tách stên khỏi xỉ tốt hơn, hàm lượng đồng trong xỉ chỉ còn 0,7%. Trong khi đó, năm 2009  khi Trung Quốc đầu tư xây dựng nhà máy luyện đồng Sinh Quyền ở Lào Cai thì lại vận hành không hiệu quả. Và cũng là chuyên gia Trung Quốc đã làm bục lò khiến phía Việt Nam phải tái cơ cấu lại mất 200 triệu.

Năm 2009, khi đoàn cán bộ giáo viên bộ môn Vật liệu kim loại màu và Compozit  lên thì nhà máy luyện đồng Sinh Quyền công nghệ nấu luyện vẫn chưa ổn định, hàm lượng đồng  trong xỉ thải còn cao (khoảng 4,5%) trong khi tiêu chuẩn của thế giới là dưới 0,7 %.

Bây giờ, bằng nội lực và kinh nghiệm đội ngũ cán bộ nhà máy Luyện đồng Sinh Quyền đã làm chủ công nghệ, đã đưa nhà máy này đi vào hoạt động ổn định. Vấn đề ở đây là Trung Quốc giấu giếm chúng ta cái gì? Thứ nhất là lò luyện Stên đồng. Thứ hai là hệ thống điện xỉ. Thông qua hệ thống này mới tách triệt để đồng ra khỏi xỉ. Nhưng nhà máy luyện đồng họ làm cho chúng ta hoàn toàn không có”, PGS.TS Hảo kể lại.

Hay như gần đây nhất là việc không đồng bộ trong thiết bị và công nghệ nhà máy luyện thép Formosa Hà Tĩnh xả thải gây ô nhiễm nặng nề môi trường cho 4 tỉnh miền Trung là Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế.

“Chúng ta đã có quá nhiều bài học rồi. Vì vậy tôi cho rằng với dự án xây dựng nhà máy luyện kẽm ở Huế phải cân nhắc hết sức thận trọng trong việc lựa chọn thiết bị và công nghệ. Nếu chúng ta vội vàng thì nguy cơ ô nhiễm môi trường còn cao hơn gấp nhiều lần so với Formosa Hà Tĩnh”, ông Hảo lo ngại.

Phải đánh giá toàn diện

Từ những bài học trên, giảng viên trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng cần phải đánh giá toàn diện với một thái độ hết sức thận trọng với đề xuất từ phía doanh nghiệp Trung Quốc.

Yếu tố đầu tiên được PGS.TS Hảo nhắc đến đó là nguyên liệu dùng để sản xuất kẽm nếu như dự án được thông qua. Với 40 năm nghiên cứu và giảng dạy, ông Hảo không hiểu vì sao công ty Fuda Bắc Kinh lại lựa chọn Lăng Cô, một vùng không có thế mạnh về nguyên liệu về kẽm để đặt nhà máy.

“Tôi giật mình không hiểu nguồn nguyên liệu họ sẽ lấy ở đâu? Bởi vì vùng Huế không phải quê hương của quặng kẽm. Quặng kẽm của chúng ta chủ yếu ở các tỉnh phía Bắc như Hà Giang, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Lào Cai và một phần Nghệ Tĩnh. Vậy khi đi vào hoạt động nguồn nguyên liệu phía Trung Quốc sẽ lấy từ đâu?”, PGS.TS Hảo đặt câu hỏi.

Yếu tố thứ hai mà vị chuyên gia đề cập đến đó là sự công khai, minh bạch. Ở đây phía công ty fuda Bắc Kinh phải công bố rộng rãi các thông tin về tính tiên tiến về công nghệ, thiết bị và hoạt động của họ tại Trung Quốc.

“Chúng ta phải đặt vấn đề về ô nhiễm môi trường lên hàng đầu. Để giải quyết được việc này cần phải yêu cầu công nghệ tiên tiến. Tôi nghĩ chúng ta nên dùng công nghệ của châu Âu thay vì của Trung Quốc để đảm bảo tính an toàn cũng như tránh như nguy hại về sau.

Đặc biệt, cần phải có sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành về luyện kim màu nói chung và luyện kẽm nói riêngđể họ đưa ra các ý kiến phản biện, phân tích, đánh giá. Nếu chỉ có cán bộ lãnh đạo, chính quyền địa phương với trình độ không cao về  công nghệ luyện kẽm đàm phán sẽ rất nguy hiểm. Những kịch bản tương tự như ở Formosa, ở gang thép Thái Nguyên có thể tái diễn”, ông Hảo nhấn mạnh.

Một vấn đế khác ông Hảo đề cập tới ở đây là vị trí đặt nhà máy sản xuất kẽm. Theo ông Hảo, Việt Nam nên học hỏi kinh nghiệm của các nước châu Âu để đưa ra những quyết định chính xác nhất.

“Ở bên châu Âu, họ làm hoàn toàn khác chúng ta. Nhà máy luyện kim loại nói chung và kim loại màu nói riêng như đồng, chì, kẽm bao giờ họ cũng ở xa khu dân cư. Đó là những vùng đất đai rộng, kinh doanh nông nghiệp không có hiệu quả. Những khu vực đang phát triển tốt, trù phù, chắc chắn họ sẽ không chấp nhận đánh đổi.

Trong khi chúng ta lại xây dựng nhiều nhà máy sát ngay khu dân cư, để lại nhiều hậu quả nặng nề. Vì thế với đề xuất này, chúng ta cần phải đánh giá xem nhà máy sẽ xa Lăng Cô bao xa. Nếu đủ mức độ an toàn thì sẽ xét đến những yếu tố trên”, PGS.TS Hảo lưu ý thêm.

Theo Nguyễn Hoàn - Đất Việt

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X