Hotline 24/7
08983-08983

Xả rác, tiểu bậy..., ai phạt?

Từ ngày 1/2, hành vi xả rác, vệ sinh cá nhân không đúng nơi quy định bị phạt từ 500.000 đồng đến 7 triệu đồng.

Nghị định 155/2016 của Chính phủ (thay thế Nghị định 179/2013) về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường có hiệu lực từ ngày 1/2.

Phạt nặng để răn đe

Theo Nghị định 155, hành vi vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện) không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ, nơi công cộng (gọi tắt là nơi công cộng) sẽ bị phạt tiền từ 1 triệu đến 3 triệu đồng.

Ngoài ra, hành vi vứt, thải, bỏ đầu, mẩu thuốc lá không đúng chỗ quy định nơi công cộng bị phạt 500.000 đồng đến 1 triệu đồng; vứt, thải, bỏ rác sinh hoạt không đúng chỗ quy định nơi công cộng bị phạt 3-5 triệu đồng; vứt, thải rác sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố, vào hệ thống thoát nước đô thị hoặc vào hệ thống thoát nước mặt trong khu đô thị bị phạt 5-7 triệu đồng.

Bà Hứa Thị Hồng Đang - Chủ tịch UBND quận Tân Phú, TPHCM - cho biết vừa tổ chức cuộc họp toàn quận về Nghị định 155. Theo đó, bước đầu quận sẽ tiến hành tuyên truyền, nhắc nhở bằng cách treo băng rôn, xe lưu động và đến tận các hộ dân để họ nắm được quy định pháp luật trước khi xử phạt.

Theo ông Phan Quang Khánh - Chủ tịch UBND phường 26, quận Bình Thạnh, TPHCM - trước đây, phường vẫn xử phạt các trường hợp vi phạm như đổ rác thải, tiểu tiện… không đúng nơi quy định. Mức phạt mới tăng rất cao so với quy định cũ nhưng tương đối phù hợp với thu nhập của người dân TP và tăng tính răn đe. Việc xử phạt 5-7 triệu đồng vượt thẩm quyền của UBND cấp phường nhưng vẫn có thể xử lý được bằng cách lập biên bản và trình UBND quận để ban hành quyết định xử phạt theo thẩm quyền.

Nêu ý kiến về mức phạt mới, kiến trúc sư (KTS) Trần Văn Hùng dẫn chứng tại Singapore, nếu xả rác, tiểu bậy sẽ bị phạt đến 1.000 SGD (khoảng 16 triệu đồng), tái phạm sẽ bị phạt 2.000-5.000 SGD và phải lao động công ích nhiều giờ liền. Ở Kuala Lumpur - Malaysia, nếu vi phạm bị phạt 5.000 RM (hơn 25 triệu đồng), thậm chí nơi cấm tiểu bậy mà vi phạm nhiều lần có thể kết án tù.

“Tôi nêu ra dẫn chứng như thế để thấy các nước xử phạt nặng hơn ở Việt Nam. Thậm chí, ngoài việc xử lý, họ còn mời báo, đài đến ghi hình, đưa tin khiến người vi phạm thấy xấu hổ. Nghị định 155 nâng số tiền xử phạt sẽ khiến nhiều người ngán sợ, dần dần hình thành ý thức. Trước đây, việc bắt buộc đội mũ bảo hiểm đã làm rất tốt” - KTS Hùng bày tỏ.

Tuy nhiên, KTS Hùng cho rằng bên cạnh việc xử phạt, chính quyền cần đầu tư nhiều thùng rác, nhà vệ sinh để người dân không vi phạm. Có thể khuyến khích các cửa hàng kinh doanh cho phép khách vãng lai sử dụng nhà vệ sinh mà không cần dùng dịch vụ của cửa hàng như các nước tiên tiến trên thế giới đang làm. Hiện nhà vệ sinh công cộng ở trung tâm TP HCM và nhiều nơi khác vẫn còn ít. Về đêm, một số chỗ lại đóng cửa.

Một người dân vô tư tiểu bậy bên hông nhà vệ sinh công cộng Ảnh: Hoàng Triều
Một người dân vô tư tiểu bậy bên hông nhà vệ sinh công cộng Ảnh: Hoàng Triều

Còn nhiều băn khoăn

Trong khi đó, chủ tịch một phường ở quận Thủ Đức, TPHCM băn khoăn rằng cấp quận có thẩm quyền ban hành mức phạt; người dân không đóng phạt thì cấp quận phải ban hành quyết định cưỡng chế và trực tiếp cưỡng chế hoặc ủy quyền cho phường thi hành. Tuy nhiên, để cưỡng chế một quyết định hành chính không hề đơn giản. Phường lập biên bản, người dân vẫn nhận nhưng nếu người vi phạm ở nơi khác và chây ì không đóng phạt thì rất khó để cưỡng chế.

Theo luật sư Cao Thế Luận, Giám đốc Công ty Luật Cao Kiến, từ trước đến nay, chúng ta “ít chịu phạt” chứ không hẳn người dân “bị phạt ít tiền quá nên không sợ”. Với mức từ 5 triệu đồng trở xuống, chủ tịch UBND cấp phường, xã được xử phạt thì không đáng lo ngại vì lực lượng phát hiện và ghi nhận hành vi vi phạm này đa phần là từ cơ sở (các lực lượng quản lý đô thị, đội thanh tra chuyên ngành về môi trường). Riêng với mức phạt từ 5 triệu đồng trở lên, lực lượng này chỉ có thể lập biên bản vi phạm, chuyển lên chủ tịch UBND cấp quận, huyện để xử lý.

“Với một số hành vi vi phạm, việc lập biên bản không phải lúc nào cũng dễ. Chẳng hạn, khi phát hiện người tiểu tiện, đại tiện hoặc vứt bỏ rác nơi công cộng, người vi phạm không thừa nhận thì việc lập biên bản sẽ tiến hành như thế nào? Có sử dụng phương tiện là máy ghi hình để ghi lại cảnh họ đang vi phạm không? Nếu có thì có nguy cơ phát tán hành vi, hình ảnh cá nhân (rất phản cảm) của người vi phạm không? Nếu không có ghi hình thì lấy cơ sở nào để xử lý vi phạm?” - luật sư Luận nêu vấn đề.

Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết điều 56 Nghị định 155/2016 đã quy định về biên bản, thẩm quyền lập biên bản và quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Theo đó, các chức danh có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường gồm: Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đang thi hành công vụ; công chức, viên chức đang thi hành nhiệm vụ bảo vệ môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Môi trường; Sở Tài nguyên và Môi trường, Chi cục Bảo vệ môi trường và Ban Quản lý các khu kinh tế, KCN-KCX của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Phòng Tài nguyên và Môi trường thuộc UBND cấp huyện.

Ngoài ra, công chức đang thi hành nhiệm vụ bảo vệ môi trường của ngành mình quản lý thuộc các bộ, cơ quan ngang bộ; cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn đang thi hành nhiệm vụ bảo vệ môi trường trên địa bàn quản lý; chiến sĩ công an nhân dân, công an xã, phường, thị trấn và cán bộ trật tự công cộng đang thi hành nhiệm vụ liên quan đến bảo vệ môi trường tại các khu đô thị, khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng; cán bộ, công chức, viên chức thuộc ban quản lý rừng, ban quản lý các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên đang thi hành nhiệm vụ bảo vệ môi trường... cũng có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Chở hàng hóa không che chắn: Phạt nặng

Cũng theo Nghị định 155, với hành vi điều khiển phương tiện vận chuyển nguyên liệu, vật liệu, hàng hóa không che chắn hoặc để rơi vãi ra môi trường, mức phạt từ

7 triệu đến 10 triệu đồng.

Hành vi không sử dụng thiết bị, phương tiện chuyên dụng trong quá trình vận chuyển nguyên liệu, vật liệu, hàng hóa làm rò rỉ, phát tán ra môi trường bị phạt 10-15 triệu đồng.

Một số chính sách có hiệu lực từ tháng 2/2017

Ba trường hợp được cấp thẻ căn cước công dân miễn phí

Thông tư 331/2016 của Bộ Tài chính có hiệu lực từ ngày 10/2 quy định 3 trường hợp không phải nộp lệ phí cấp thẻ căn cước công dân (CCCD) gồm:

Cấp thẻ CCCD lần đầu; đổi thẻ CCCD khi công dân đủ 25 tuổi, 40 tuổi và 60 tuổi; đổi thẻ CCCD khi có sai sót về thông tin trên thẻ do lỗi của cơ quan quản lý CCCD.

Ngoài ra, Thông tư 331 cũng sửa đổi quy định người nộp lệ phí là công dân Việt Nam “từ đủ 14 tuổi trở lên” thay vì “từ đủ 16 tuổi trở lên khi làm thủ tục cấp mới, đổi, cấp lại thẻ” như trước đây.

Hỗ trợ đào tạo nghề cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ

Có hiệu lực từ ngày 12/2, Thông tư 43/2016/TT-BLĐTBXH hướng dẫn chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, công an, thanh niên tình nguyện hoàn thành dự án phát triển kinh tế - xã hội.

Theo đó, các đối tượng nêu trên có nhu cầu đào tạo nghề trình độ sơ cấp đáp ứng điều kiện và được cấp thẻ đào tạo nghề được cơ sở giáo dục nghề nghiệp tiếp nhận, tổ chức đào tạo và chi hỗ trợ: Chi hỗ trợ đào tạo theo điều 10 Thông tư 152/2016/TT-BTC. Mức hỗ trợ tiền ăn: 30.000 đồng/người/ngày thực học, tiền đi lại: 200.000 đồng/người/khóa học nếu địa điểm đào tạo ở xa nơi cư trú từ 15 km trở lên. Trong đó, ưu tiên chi hỗ trợ đào tạo trong giá trị tối đa của thẻ, giá trị còn lại của thẻ chi hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại.

Trường hợp tổng chi hỗ trợ vượt quá giá trị tối đa của thẻ, người học tự chi trả phần kinh phí chênh lệch cho cơ sở giáo dục nghề nghiệp; nếu thấp hơn giá trị của thẻ thì ngân sách nhà nước quyết toán số chi thực tế.

Cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài

Nghị định 07/2017 quy định trình tự, thủ tục thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam có hiệu lực từ ngày 1/2. Theo đó, người nước ngoài muốn có thị thực điện tử sẽ khai thông tin đề nghị cấp thị thực điện tử tại trang thông tin cấp thị thực điện tử, tải ảnh và mẫu nhân thân hộ chiếu; nhận mã hồ sơ điện tử và nộp phí vào tài khoản quy định.

Trong 3 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ, Cục Quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Công an sẽ trả lời người dân.

V.Thư

Theo Nhóm Phóng viên - Người lao động

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X