Hotline 24/7
08983-08983

Vua mì tôm Miliket: Sống khỏe và báo lãi chục tỷ nhờ 2 con tôm

Thị phần tụt dốc trước sự bành trướng của các ông lớn ngành thực phẩm, nguồn lực hạn chế nhưng "vua mì tôm" Miliket vẫn sở hữu chỉ số lợi nhuận kinh doanh ấn tượng.

Lừng lẫy một thời với thương hiệu mì tôm nổi tiếng, Miliket chính là cha đẻ của tên gọi mì tôm. Đến tận bây giờ nhiều người vẫn có thói quen gọi mì ăn liền là mì tôm. Tên gọi mì tôm được sinh ra từ hình ảnh minh họa ở trên bao bì gói mì ăn liền của Miliket.

Loại mì phổ biến nhất

Hiện nay, mì tôm Miliket do Công ty cổ phần lương thực thực phẩm Colusa -Miliket sản xuất. Thương hiệu mì tôm Colusa đã được sản xuất từ trước năm 1975 bởi công ty thực phẩm Sài Gòn, sau năm 1975, được đổi tên thành Xí nghiệp chế biến lương thực thực phẩm Colusa.

Năm 1983, Tổng công ty Lương thực miền Nam mở thêm Xí nghiệp lương thực thực phẩm Miliket, năm 2004, Colusa và Miliket được sáp nhập thành Công ty lương thực thực phẩm Colusa - Miliket và chuyển đổi thành công ty cổ phần vào năm 2006.

Những năm 90 của thế kỷ trước, mì tôm Miliket là một trong những sản phẩm thực phẩm phổ biến nhất Việt Nam. Giá thành rẻ, tiện lợi, hương vị phù hợp từng có giai đoạn Miliket chiếm tới 90% thị phần mì ăn liền tại Việt Nam.

Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, sự xuất hiện của hàng loạt ông lớn ngành thực phẩm đã khiến thị phần của Miliket ngày càng thu hẹp.

Thị trường mì ăn liền dần quen với Vina Acecook, Masan, Vifon... cùng nhiều thương hiệu mỳ nổi tiếng khác như Tiến Vua, Cung Đình, Hảo Hảo… rồi hàng loạt loại mì ăn liền khác nhau từ mì khô cho tới miến, phở…

Trong khi đó, Miliket vẫn trung thành với sản phẩm mì ăn liền giá rẻ bao bì 2 tôm, 4 tôm như trước đây.

Sống khỏe nhờ giá rẻ

Theo thống kê của hiệp hội Mì ăn liền thế giới, những năm gần đây Việt Nam có khoảng 50 doanh nghiệp sản xuất mì ăn liền nhưng sản lượng chủ yếu tập trung vào các công ty lớn như Vina Acecook, Asia Foods và Masan.

Trong đó, Vina Acecook (100% vốn Nhật) đang chiếm khoảng 50% thị phần, Masan sở hữu hơn 20% và Asia Foods nắm khoảng 10% thị phần ngành mì ăn liền. Trên khắp các phương tiện truyền thông, hầu hết là chiến dịch quảng cáo của Vina Acecook, Asia Foods và Masan… hiếm khi thấy hình ảnh của Miliket.


Trên các kệ hàng mì ăn liền trong siêu thị, hình ảnh của mì tôm Miliket khá khiêm tốn. Ảnh minh họa: Hà Yên.

Trên các kệ hàng mì ăn liền trong siêu thị, hình ảnh của mì tôm Miliket khá khiêm tốn. Ảnh minh họa: Hà Yên.

Sự xuất hiện và cạnh tranh của các đổi thủ có tiềm lực mạnh mẽ đã ảnh hưởng rất nhiều tới Miliket. Theo tính toán, thị phần mì ăn liền hiện nay của vua mì tôm chỉ dưới 4%, với sản lượng gần 15.000 tấn trong năm 2016.

Thị phần Miliket sụt giảm nhanh chóng, người tiêu dùng dần quen với những gói mì ăn liền với bao bì hình ảnh hấp dẫn... Trên các kệ hàng trong siêu thị, hàng tạp hóa... hầu hết là sản phẩm mì ăn liền của các thương hiệu lớn, Miliket chỉ sở hữu một góc nhỏ trên các kệ hàng.

Nhiều người cho rằng, Miliket đang bị các ông lớn ngành thực phẩm nuốt chửng. Tuy nhiên nếu nhìn kỹ, thương hiệu này lại đang đi đúng phân khúc thị trường mà chưa ông lớn nào chạm tới.

Cụ thể, trong khi các doanh nghiệp lớn đang phải căng mình cạnh tranh trong thị phần tiêu dùng hàng ngày của người dân, thì Miliket lại len lỏi vào những quán ăn, hàng lẩu. Từ vỉa hè cho tới nhà hàng, mì tôm Miliket vẫn xuất hiện trên bàn ăn chứ không phải là một thương hiệu mì nào khác.


Sở hữu nguồn lực rất hạn chế nhưng vua mì tôm Miliket vẫn đều đặn báo lãi hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Đồ họa: Quang Thắng.

Sở hữu nguồn lực rất hạn chế nhưng vua mì tôm Miliket vẫn đều đặn báo lãi hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Đồ họa: Quang Thắng.

Và báo lãi hàng chục tỷ

Theo báo cáo kết quả kinh doanh năm 2016 của Miliket, công ty này sản xuất 14.859 tấn mì ăn liền và thu về tới 461 tỷ đồng doanh thu. Lãi sau khi trừ các chi phí liên quan là 25 tỷ đồng.

3 tháng đầu năm 2017, Miliket cũng thu về 126 tỷ đồng doanh thu, và 6 tỷ đồng lợi nhuận.

So với Vina Acecook, Masan…lợi nhuận của Miliket rất nhỏ bé, nhưng nhìn vào nguồn lực hiện có thì công ty này đang làm ăn rất hiệu quả.

Cụ thể, dù chỉ thu về 25 tỷ đồng tiền lãi trong năm 2016, nhưng vốn điều lệ của Miliket cũng chỉ ở mức 48 tỷ đồng, thấp hơn rất nhiều các ông lớn ngành thực phẩm như Masan là hơn 5.381 tỷ đồng, Asia Food hơn 1.110 tỷ đồng hay Acecook là gần 2.000 tỷ đồng…

Tỷ suất lợi nhuận ròng trên vốn điều lệ của công ty này lên tới 52%, con số vô cùng ấn tượng đối với một đơn vị sản xuất mì ăn liền nhỏ. Thậm chí, lớn như Masan trong năm 2016 cũng chỉ sở hữu tỷ suất lợi nhuận trên vốn xấp xỉ con số Miliket đạt được.


Hiện nay, HĐQT của Colusa - Miliket nắm giữ tới 80,85% vốn. Đồ họa: Quang Thắng.

Hiện nay, HĐQT của Colusa - Miliket nắm giữ tới 80,85% vốn. Đồ họa: Quang Thắng.

Tính tới hết quý I, tổng tài sản của Miliket đạt 194 tỷ đồng, bao gồm 65 tỷ đồng nợ phải trả và 129 tỷ đồng vốn chủ sở hữu. Đặc biệt, công ty này không có bất kỳ một khoản nợ vay ngân hàng nào.

Dù kết quả kinh doanh chỉ vài chục tỷ đồng nhưng Miliket rất chịu khó chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ cao. Năm 2015, công ty đã chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 30%, đến năm 2016 mức chi cổ tức là là 25%. Hiện tại, doanh nghiệp vẫn còn khoản lợi nhuận chưa phân phối gần 27 tỷ đồng.

Cổ phần tại Miliket chủ yếu nằm trong tay HĐQT công ty với 80,85% vốn, bao gồm 30,72% vốn Nhà nước do Tổng công ty Lương thực miền Nam nắm giữ; 20% do ông Trịnh Trung Hiếu đại diện vốn Tổng công ty thuốc lá Việt Nam sở hữu; 20,42% do bà Lưu Thị Tuyết Mai, đại diện vốn Công ty TNHH TM&DV Mesa, nắm giữa và 9,71% do ông Trịnh Việt Dũng nắm giữ, ngoài ra các cổ đông khác nắm giữ 19,15%.

Theo Quang Thắng - Zing.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X