Hotline 24/7
08983-08983

Vụ tiêu huỷ 20.000 viên thuốc đặc trị ung thư: Phải xem lại thủ tục hành chính

20.000 viên thuốc trị ung thư buộc phải tiêu huỷ vì quá hạn sử dụng là điều lãng phí. Lẽ ra, Bệnh viện nên dự trù và có thể chuyển qua cho các bệnh viện khác cùng sử dụng.

Lẽ ra bệnh viện phải có kế hoạch dự trù, xin phép trước khi nhận thuốc từ đối tác

Lấy làm tiếc với hàng ngàn viên thuốc hết hạn sử dụng

Số thuốc hết hạn phải tiêu hủy là thuốc Tasgina, đặc trị ung thư bạch cầu mãn dòng tủy (một dạng ung thư máu). Tháng 7/2013, BV Huyết học và Truyền máu TPHCM được nhà sản xuất đề xuất tặng loại thuốc này. Tuy nhiên, đến tháng 5/2015, thuốc bị hết hạn sử dụng và phải tiêu hủy gần 20.000 viên thuốc tồn kho.

Nguyên nhân được bệnh viện đưa ra là do chậm trễ trong thủ tục xác nhận thuốc viện trợ. Cụ thể là thời gian được cấp phép sử dụng lên tới hơn 1 năm, trong khi thời hạn đối với các thuốc này không còn dài.

Theo PGS Nguyễn Hữu Đức - Trường Đại học Y Dược TPHCM, qua thông tin đại chúng, PGS Đức biết được sự việc này và ông lấy làm tiếc vì thủ tục hành chính quá lâu, quá rắc rối.

PGS Đức cho rằng đã đến lúc chúng ta nên bỏ qua các khâu thủ tục vì thuốc có hạn sử dụng, thuốc không thể chờ thủ tục hành chính của mình. Sự lãng phí này là do cả hệ thống trong khi đất nước chúng ta còn nghèo, sự viện trợ cũng bị lãng phí.

PGS Đức phân tích: Bất cứ loại thuốc nào cũng có hạn sử dụng và tuỳ từng loại thuốc. Có thuốc hạn sử dụng 1 năm, 2 năm, 3 năm nhưng có thuốc hạn sử dụng chỉ có vài tháng. Điều quan trọng, PGS Đức cho rằng, ta nên biết hạn để sử dụng trước hạn chứ không phải dùng đến tận ngày hết date.

"Một viên thuốc ra đời để xác định được hạn dùng nhà sản xuất mất rất nhiều thời gian. Họ phải thử độ ổn định, an toàn của thuốc để có thể xác định rõ thời gian và hạn dùng chính xác nhất. Trên bao bì sản phẩm ghi hạn dùng cụ thể là ngày 30/4/2017 chẳng hạn thì từ ngày 1/5/2017 tuyệt đối không được dùng.

Thuốc hết hạn dùng sẽ không còn giữ được các tính chất cần thiết như đã đăng ký trong tiêu chuẩn chất lượng mặc dù trong vẻ bề ngoài, đặc tính cảm quan của thuốc không có sự thay đổi, thuốc trông giống y như khi còn hạn dùng.

Nhiều người thấy thuốc bề ngoài còn tốt nghĩ rằng thuốc quá hạn dùng trong thời gian ngắn không sao nên cứ dùng để tránh lãng phí nhưng thực tế có thể gặp nguy hiểm.

Thuốc quá hạn không chỉ giảm hoặc mất tác dụng điều trị mà còn có thể gây độc. Điển hình là thuốc kháng sinh tetracyclin, tetracyclin quá hạn dùng trở thành rất độc gây hại thận: - PGS Đức phân tích.

PGS Đức cho biết một bài toán “khôn ngoan” để không lãng phí khi nước ta còn nghèo, nhiều người bệnh không có tiền điều trị bệnh đó là nên xác định và đến thời gian cận date cần xem xét để “chia sẻ” với các bệnh viện khác để cùng sử dụng hiệu quả.

Vì sao không thể cho bệnh nhân dùng thuốc gần hết hạn sử dụng?


Theo GS Nguyễn Bá Đức, Phó Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, nguyên Giám đốc Bệnh viện K Trung ương, trong sự việc này, thủ tục hành chính là vấn đề cần xem xét: “Do thủ tục quá chậm trễ, phải mất 13 tháng, thuốc mới vào đến bệnh viện nên hạn sử dụng còn 10 tháng, bệnh viện không dùng hết. Vì vậy, phải cải cách thủ tục hành chính”.

GS Đức cũng cho biết thêm thông thường những loại thuốc mới như Tasgina, thủ tục mới phức tạp hơn và kéo dài hơn một năm, còn thông thường chỉ mất khoảng 3 tháng. Nếu BV Huyết học và Truyền máu TPHCM làm thủ tục xin phép sử dụng thuốc viện trợ trước khi thuốc về thì sẽ tránh được tình trạng thuốc hết hạn sử dụng.

Một chuyên gia về ung thư khác cho rằng với các dòng thuốc đặc trị ung thư thì bệnh nhân phải sử dụng trong một thời gian dài. Có thuốc, bệnh nhân phải sử dụng 5 năm liền như thuốc nội tiết trong điều trị ung thư vú. Việc thay đổi loại thuốc khi đang điều trị là không tốt, nên việc bệnh nhân không sử dụng hết thuốc, trả lại thuốc cận date trong thời gian ngắn 10 tháng là điều dễ hiểu.

Với đầu thuốc bị tiêu huỷ như thuốc Tasigna 200mg là thuốc đặc trị cho bệnh ung thư máu, bệnh bạch cầu thể mãn tính (hay còn gọi là bệnh máu trắng) chỉ sử dụng cho bệnh nhân bị bệnh này và sử dụng trong thời gian dài chứ không phải 1 – 2 viên mà có thể dùng nhanh cho hết.

Vị chuyên gia này cho rằng lẽ ra BV Huyết học TPHCM nên dự trù và nếu số lượng thuốc quá lớn so với nhu cầu chỉ định cho bệnh nhân nên có kế hoạch trao đổi lại với bên viện trợ để chuyển qua cho các cơ sở y tế khác sử dụng thay vì nước đến chân mới nhảy gây lãng phí phải bỏ thuốc.

Theo P.Thúy - Infonet

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X