Hotline 24/7
08983-08983

Vụ tàu vỏ thép “67”: Nam Triệu nói gì về phát ngôn gây "sốc"?

Phát ngôn gây "sốc" của Phó tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Nam Triệu được lý giải là "truyền đạt không rõ ý".

tau-thep-khung-vua-dong-da-hong-1-102416
Tàu vỏ thép của ngư dân Bình Định nằm bờ sửa chữa

Ngày 16/5, trao đổi với Báo Giao thông, ông Trần Văn Nguyện, Chánh Văn phòng Công ty TNHH MTV Nam Triệu (Bộ Công an) cho biết, ngày 15/5, Công ty TNHH MTV Nam Triệu đã có báo cáo gửi Tổng cục Hậu cần, kỹ thuật (Bộ Công an) về tình hình sửa chữa bảo hành cho tàu ngư dân theo Nghị định 67CP/NĐ - CP tại Bình Định.

Ông Trần Văn Nguyện cho rằng, Công ty TNHH MTV Nam Triệu là công ty đóng tàu đạt tiêu chuẩn theo đăng kiểm. Công ty đã dùng đúng chủng loại thép nhập khẩu từ Hàn Quốc, sơn nhập khẩu của Mỹ.

"Tuy nhiên, trong quá trình đánh bắt cá của ngư dân có xảy ra việc cọ xát của chì lưới với lực ma sát mạnh lên boong tàu làm cho bong, tróc lớp sơn tại một số vị trí, nước biển bám vào các vết bong tróc sơn đó gây ra hiện tượng rỉ sét", ông Nguyện nói.

Trước phát ngôn gây sốc của ông Bùi Hữu Hùng, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Nam Triệu “Tàu rỉ sét do nước biển quá mặn”, ông Nguyện lý giải chỉ là "truyền đạt không rõ ý".

Theo ông Nguyện, với quy trình vận hành bình thường, lẽ ra sau mỗi chuyến ra khơi các ngư dân phải tiến hành cọ rửa bằng nước ngọt để tránh hiện tượng rỉ sét nhưng nhiều ngư dân đã không làm. Khi bàn giao tàu, Công ty cũng tặng mỗi tàu 1 thùng sơn Mỹ để tự sơn, xử lý các vết rỉ sét nhưng nhiều ngư dân cũng không thực hiện. Ngoài ra, thông thường tại phần mạn tàu đều sử dụng những vật dụng như lốp ô tô cũ đặt tại các vị trí dễ va chạm để tránh xước sơn. "Tuy vậy, khi chúng tôi đi kiểm tra và ngay cả các hình ảnh mà báo chí đăng tải, nhiều tàu không hề có những vật dụng đơn giản này. Quá trình các tàu neo đậu gần nhau, va chạm tróc sơn là điều không thể tránh khỏi”, ông Nguyện nói.

Theo báo cáo gửi Tổng cục Hậu cần, kỹ thuật (Bộ Công an) của Công ty TNHH MTV Nam Triệu thì Công ty thực hiện đóng mới 25 tàu cá và tàu hậu cần nghề cá cho ngư dân các tỉnh Quảng Ngãi, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Hải Phòng và Bình Định (trong đó riêng Bình Định là 20 tàu). Qua quá trình vận hành tàu của ngư dân nảy sinh nhiều vấn đề như vận hành không đúng quy trình dẫn đến hỏng hóc không đáng có. Có tàu không bố trí thợ máy trực 24/24 để nước ngập máy tàu dẫn đến hỏng máy phát điện, máy bơm điện, nhiều tàu sử dụng dần cạn không bảo đảm chất lượng.

Đối với phản ánh về chất lượng máy, Công ty TNHH MTV Nam Triệu cho biết máy tàu là của 2 hãng Mitsuhishi (Nhật Bản) và Doosan (Hàn Quốc). Máy mới được nhập khẩu nguyên đai nguyên kiện, có đầy đủ giấy chứng nhận nguồn gốc xuất xứ, chứng nhận chất lượng sản phẩm. Khi máy được nhập khẩu về, đại diện nhà máy đóng tàu và ngư dân đã cùng kiểm tra, ký biên bản xác định máy mới 100%. Quá trình vận hành, trong số 20 tàu đóng cho ngư dân Bình Định có 4 tàu ngư dân có đơn kiến nghị.

"Chúng tôi đã kiến nghị tới các hãng Mitsuhishi (Nhật Bản) và Doosan (Hàn Quốc). Ngày 25/5 tới đây, chuyên gia của các hãng trên sẽ bay tới Việt Nam, tới hiện trường để kiểm tra chất lượng máy để xác định nguyên nhân hỏng hóc từ đó có hướng xử lý", ông Nguyện thông tin.

Theo Việt Hòa - Báo Giao thông

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X