Hotline 24/7
08983-08983

Vụ Huyền Như: Tòa truy vấn chủ trương Navibank đem tiền gửi Vietinbank

VKS và HĐXX công bố thông tin việc ngân hàng Navibank để nhân viên mang tiền sang Vietinbank gửi lấy lãi suất là chủ trương của HĐQT...

Sáng 18/12, phiên xử Huỳnh Thị Huyền Như tiếp tục với phần xét hỏi liên quan đến yêu cầu kháng cáo của Ngân hàng Navibank và ACB. Mở đầu buổi làm việc đại diện Navibank trình bày kháng cáo toàn bộ nội dung bản án sơ thẩm, yêu cầu Vietinbank trả lại số tiền 200 tỷ đồng đã bị Huyền Như chiếm đoạt.

Phía Navibank cho biết, ngân hàng này có 18 hợp đồng tiền gửi tại Vietinbank với tổng số tiền 500 tỷ, trong đó có 12 hợp đồng (300 tỷ) đã được tất toán, còn lại 6 hợp đồng trị giá 200 tỷ thông qua 4 nhân viên của Navibank đứng tên chưa tất toán.

Số tiền này được gửi tại Vietinbank chi nhánh TPHCM do bà Nguyễn Thị Minh Hương ký hợp đồng và hoàn toàn không biết việc bị Như chiếm đoạt; cho đến khi vụ việc bị khởi tố mới yêu cầu nhân viên đến làm việc với Vietinbank nhưng đến giờ chưa được giải quyết.

Huyen-Nhu-1-7095-1418887415.jpg

Quá trình xét hỏi, HĐXX cho biết, Huyền Như "có một bộ óc thông minh". Ảnh: H. Duyên

Trả lời HĐXX về phương thức huy động vốn và lừa đảo số tiền của Navibank, Huyền Như cho biết thông qua Đoàn Đăng Luật (Trưởng Phòng nguồn vốn Navibank) được biết ngân hàng này có tiền muốn gửi thông qua các nhân viên của mình.

Sau khi tiền được chuyển vào tài khoản 4 nhân viên Navibank tại Vietinbank thì Như chiếm đoạt bằng 2 cách: làm giả lệnh chi trích chuyển trực tiếp cho các chủ nợ và làm giả sổ tiết kiệm đem cầm cố vay của Navibank.

“Khi làm giả lệnh chi, chẳng lẽ bị cáo đều qua mặt tất cả các nhân viên của Vietinbank. Bị cáo không những lam lam mà còn dẫn dắt bao nhiêu người phạm tội. Giá như bị cáo sử dụng bộ óc thông minh này vào những việc thiện thì tốt biết mấy. Đằng này lại làm việc phạm pháp, lôi kéo ít nhất 22 người khác vướng vào lao lý”, vị chủ tọa nói.

Việc xét hỏi sau đó chuyển sang cho VKSND Tối cao. VKS đặt câu hỏi với đại diện của Navibank rằng, ngân hàng này lấy tư cách gì để đòi tiền từ Vietinbank trong khi 12 hợp đồng đã được tất toán trước đó là do Vietinbank tất toán với nhân viên Navibank. Lúc này, đại diện Navibak cho rằng đây là số tiền mà Navibank cho các nhân viên vay. 

“Navibank ký hợp đồng cho các nhân viên vay tiền là để cho các nhân viên này mang tiền sang gửi tại Vietinbank là theo chủ trương của ai?”, VKS tiếp tục truy vấn. Tuy nhiên đại diện của Navibank không trả lời. VKS sau đó cho biết trong hồ sơ vụ án đã thể hiện rõ chủ trương này là của HĐQT nhưng ông muốn hỏi lại đại diện Navibank là để xét hỏi công khai trước tòa. “Không có người chủ trương thì sao thực hiện được?”, vị kiểm sát viên nói.

“Navibank nói ký hợp đồng cho các nhân viên của mình vay tiền, như vậy hợp đồng vay này có thực hiện theo đúng quy trình về hoạt động cho vay hay không. Có phải đây là một dạng hợp đồng giả tạo?”, VKS liên tiếp hỏi đại diện của Navibank nhưng ngân hàng này không có câu trả lời. Đồng thời VKS cũng đề nghị Navibank phải trưng ra bằng chứng về các hợp đồng cho nhân viên vay như đã khai tại tòa.

Tại tòa hôm nay, người đại diện của Ngân hàng ACB cũng cho biết, kháng cáo toàn bộ nội dung bản án sơ thẩm buộc Vietinbank phải trả số tiền 718 tỷ đồng mà Huyền Như đã chiếm đoạt của ngân hàng này. Theo đại diện của ACB, ngân hàng này đã ủy thác cho 19 cá nhân mang số tiền nói trên sang gửi tại Vietinbank trong đó có 17 nhân viên gửi tại chi nhánh TPHCM  và 2 nhân viên gửi tại chi nhánh Nhà Bè.

“Vì sao Ngân hàng ACB không gửi thẳng cho Vietinbank để lấy lãi suất mà phải ủy thác cho 19 nhân viên của mình, vì sao phải đi lòng vòng như vậy”, chủ tọa đặt câu hỏi. Theo đại diện của ACB, trong bối cảnh thời điểm đó, việc để cho nhân viên của mình gửi tiền tại Vietinbank là để chủ động trong việc được thanh toán tiền gửi nhằm bảo toàn nguồn vốn.

“Đó là các anh tự suy luận ra đấy chứ. Đơn giản bởi vì tiền gửi tiết kiệm chỉ dành cho các cá nhân chứ không dành cho pháp nhân. Lãi suất tiền gửi tiết kiệm cao hơn tiền gửi thanh toán”, người điều khiển phiên tòa nhấn mạnh.

Tiếp tục trả lời các câu hỏi của HĐXX, người đại diện của ACB khẳng định, tiền các nhân viên nhận ủy thác, nghĩa là tiền này không thuộc quyền sở hữu của họ. Trong hợp đồng ủy thác cũng khẳng định tiền ủy thác là của ACB. Và các nhân viên này cũng đã nộp đơn khởi kiện Vietinbank tại tòa án.

“Như vậy nếu về nguyên tắc khi đi kiện thì Vietinbank phải trả cho 19 nhân viên, sau đó 19 nhân viên này trả cho ACB. Nếu ACB đi kiện thì phải kiện những nhân viên này vì không làm tròn trách nhiệm ủy thác đã ký với ngân hàng chứ”, vị thẩm phán dẫn dụ và người đại diện của ngân hàng ACB cũng thừa nhận điều này.

HĐXX sau đó quay lại hỏi Huyền Như về thủ đoạn huy động tiền của ACB. Bị cáo trả lời rằng thông qua Huỳnh Bảo Ngọc (phó phòng quản lý quỹ Ngân hàng ACB). Tất cả các hồ sơ mở tài khoản cho nhân viên ACB đều do Ngọc đưa lại cho mình chứ không giao dịch trực tiếp với các nhân viên này. Đồng thời Như khai đã chi một phần tiền lãi suất ngoài cho Ngọc còn lại chuyển vào tài khoản của các nhân viên ACB.

Tuy nhiên, khi mời Huỳnh Bảo Ngọc lên thẩm vấn với tư cách người có quyền và nghĩa vụ liên quan thì người này “chối bay” cho rằng không có nhận bất kỳ khoản tiền nào từ Như. HĐXX sau đó phải công bố thông tin cơ quan điều tra đã xác minh số tiền Huyền Như chuyển cho Ngọc thông qua tài khoản của Huỳnh Chiêu Uyên - em gái của Ngọc.

Trước khi kết thúc buổi làm việc sáng nay, luật sư bảo vệ quyền và lợi ích cho Navibank đề nghị xin được hỏi ông Nguyễn Văn Sẻ (nguyên Giám đốc Vietinbank chi nhánh TPHCM). Tuy nhiên, HĐXX cho biết người này đã "đi đâu không rõ" và chưa thể triệu tập. Trước đó, HĐXX chấp nhận yêu cầu của các luật sư cho phép triệu tập bổ sung người này trong quá trình xét hỏi.

Theo Hải Duyên - VnExpress

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X