Hotline 24/7
08983-08983

Vụ cháy nhà ở quận 9: Lẽ ra 2 nạn nhân đã không chết!

Hai người phụ nữ tử vong trong đám cháy tại ngôi nhà trên đường Hồ Bá Phấn (quận 9) khiến dư luận không khỏi xót xa. Đáng lẽ, họ đã có thể tự cứu sống bản thân mình nếu như…

Nhà còn có lối thoát hiểm là cửa sổ

Gần 5g chiều 28/11, con đường Hồ Bá Phấn (phường Phước Long A, quận 9, TPHCM) nhốn nháo tiếng người la hét. Khói bốc ngùn ngụt. Cả ngôi nhà chìm trong biển lửa. Trong căn nhà vẳng tiếng người kêu cứu thảm thiết rồi im bặt.

Vụ cháy nhà ở quận 9: Lẽ ra 2 nạn nhân đã không chết! - ảnh 1Cả ngôi nhà chìm trong biển lửa.

Vụ hỏa hoạn lớn đã khiến chị Trần Ngọc Bích (47 tuổi) và chị Thái Hiếu Sinh (ngụ quận Thủ Đức) kẹt trong đám cháy và tử vong. Chị Phạm Thị Thùy (29 tuổi, ngụ quận 9) phải nhập viện cấp cứu. Hiện tại, chị Thùy đang được điều trị tại BV Chợ Rẫy trong tình trạng bị nhiễm độc, không nói được.

Chiều 29/11, trao đổi với PV báo Pháp Luật TPHCM, Trung tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng Pháp chế điều tra, xử lý về cháy nổ (Cảnh sát PCCC TPHCM) cho biết hai người phụ nữ đã có thể tự cứu sống bản thân mình nếu bình tĩnh hơn.

“Thực tế, ngôi nhà đó có hai cửa thoát hiểm. Một là cửa chính theo hướng cầu thang tầng trệt, cửa thứ hai chính là cửa sổ. Nạn nhân có thể leo qua cửa sổ, men theo lan can rồi từ từ thả mình xuống, cùng lắm chỉ bị thương chứ không thể chết ngạt. Nếu bình tĩnh hơn, nạn nhân sẽ biết vứt quần áo, chăn gối… xuống mặt đất làm nệm để an toàn khi rơi xuống! Ba người cùng ở trên tầng nhưng một người đã thoát ra được bằng cửa sổ, khả năng hai người kia chạy ra hướng cầu thang mà do khói quá, không thoát ra được nên bị ngạt, chết cháy trong đó...” - Trung tá Lê Mạnh Hà trầm ngâm nhớ lại.

Vụ cháy nhà ở quận 9: Lẽ ra 2 nạn nhân đã không chết! - ảnh 2Trung tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng Pháp chế điều tra, xử lý về cháy nổ (Cảnh sát PCCC TPHCM)

Ông nhấn mạnh người dân có thể dùng chăn, khăn mặt, khẩu trang, áo, mền,... (bất kỳ vật dụng gì có tác dụng như mặt nạ phòng độc) thậm chí là cả áo lót... nhúng nước như trường hợp cô gái ở Hà Nội để tự tạo ra mặt nạ chống độc cho mình. Những vật dụng dùng để phòng độc nên nhúng nước vì nước giúp lọc độc hiệu quả hơn và khói khó xuyên qua được. Vì đa phần, nạn nhân của các vụ hỏa hoạn thường không chết vì cháy mà họ chết vì bị ngạt khí độc.

Vụ cháy nhà ở quận 9: Lẽ ra 2 nạn nhân đã không chết! - ảnh 3Hai người phụ nữ tử vong, một người bị thương nặng, ngôi nhà bị thiêu rụi.

Nghi do chập điện

Khoảng sau một tiếng khi nhận được tin báo, Cảnh sát PCCC quận 9 phối hợp với Cảnh sát PCCC quận 2 và Phòng Cứu nạn cứu hộ, phòng hướng dẫn chỉ đạo về chữa cháy của Cảnh sát PCCC TPHCM đã khống chế được hoàn toàn lửa.

Bên trong ngôi nhà, đồ đạc, bàn ghế bị thiêu rụi hoàn toàn chỉ còn trơ ra những khung thép, các mảng tường bị đổ sụp. Mùi khét vẫn còn nồng nặc.Tường của một số ngôi nhà xung quanh cũng bị ảnh hưởng hư hỏng nặng. Và hai người phụ nữ đã vĩnh viễn chẳng thể trở về.

Trung tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng Pháp chế điều tra, xử lý về cháy nổ, cho biết: Ngay sau khi xảy ra vụ cháy, phòng Pháp chế điều tra, xử lý về cháy nổ Cảnh sát PCCC TPHCM phối hợp cùng Công an quận 9 và Viện Khoa học hình sự Bộ Công an tiến hành điều tra khám nghiệm hiện trường.

“Qua khám nghiệm, chúng tôi phát hiện có sự cố điện ở đường dây điện, cụ thể dây dẫn ổ cắm có hiện tượng nóng chảy, vón cục. Ở đó là chỗ cắm điện cho máy tính và quạt điện, Người hàng xóm qua chơi gần khu vực cửa cũng xác nhận phát hiện lửa bắt đầu bùng cháy ở đó. Ngay gần đó lại là những tấm thảm nhựa là những chất bắt cháy nhanh. Đó là thông tin ban đầu, nguyên nhân chính thức phải đợi kết luận chính thức từ giám định pháp y, cơ quan cảnh sát điều tra”.

Các kỹ năng sống sót trong đám cháy

+ Khi xảy ra cháy, tuyệt đối không di chuyển bằng thang máy mà phải bằng thang bộ.

+ Cúi thấp người hoặc bò khi di chuyển: Khi cháy, dưỡng khí tập trung phía dưới, khí độc, khói độc ở phía trên. Khói và khí độc làm con người tử vong nhanh hơn so với lửa.

+ Nép sát tường khi di chuyển vì sẽ hạn chế việc bị la phông, vật nặng từ trần nhà rơi xuống; điều này còn hạn chế bị người phía sau chen lấn, giẫm đạp và nếu tường có bị sập, lực bị va đập nhỏ hơn.

+ Phải sờ vào cửa trước khi mở: Khi sờ vào cửa thấy nóng, thấy khói bốc lên từ dưới cửa thì tuyệt đối không mở, phải di chuyển sang hướng khác. Khi mở cửa phải mở từ từ, người nép sau cánh cửa. Nếu mở cửa mà không thể thoát được thì phải đóng lại ngay, chèn kín các khe cửa để giữ dưỡng khí, đợi lực lượng cứu hộ.

+ Nếu ban công, cửa sổ hướng không cháy ở vị trí thấp, trước khi nhảy hãy vứt chăn, gối, nệm xuống trước. Tìm cách leo xuống càng thấp càng tốt trước khi thả người rơi tự do, cho chân tiếp đất khi rơi.

+ Dùng dây thừng chuyên dụng, vòi chữa cháy, chăn mền nối lại, buộc chặt một đầu vào cấu kiện xây dựng rồi từ từ tuột xuống đất.

+ Nếu thấy có cửa sổ nhưng quá cao thì mở ra để thoát khói, khí độc, đồng thời la lớn, ra hiệu kêu cứu.

+ Nếu bị bén lửa vào quần áo, dùng chăn, ga, quần áo nhúng nước choàng lên người để dập lửa hoặc nằm xuống lăn qua lăn lại cũng là cách dập lửa hữu hiệu.

+ Phải hết sức bình tĩnh mới giữ được mạng sống trong đám cháy và nên nhớ con người có thể làm ra tài sản nhưng bao nhiêu tài sản cũng không thể lấy lại mạng sống con người, vì vậy đừng tiếc của lao vào đám cháy lấy đồ.

Trung tá Huỳnh Quang Tuyến (Phó Trưởng phòng Tham mưu cảnh sát PCCC TPHCM)

Theo Nguyễn Trà - Pháp luật TPHCM

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X