Hotline 24/7
08983-08983

Việt Nam vỡ kế hoạch nhập than: Chiến lược Trung Quốc

Tính đến tháng 8/2016, Việt Nam đã nhập khẩu tới 9,7 triệu tấn than, vượt 3 lần kế hoạch đề ra.

Đây là con số thống kê của Tổng cục Hải quan. Như vậy, việc nhập khẩu than của Việt Nam đã bị "vỡ kế hoạch" bởi trước đó, theo dự báo của Bộ Công thương, trong năm 2016, Việt Nam sẽ nhập khẩu hơn 3,1 triệu tấn than.

Nhập than Nga nhiều hơn than Trung Quốc

Cũng theo Tổng cục Hải quan, ba thị trường cung ứng than nhiều nhất cho Việt Nam là: Nga, cung ứng 2,8 triệu tấn, kim ngạch hơn 179 triệu USD; Trung Quốc với 1,4 triệu tấn, kim ngạch 100 triệu USD và Indonesia với 1,8 triệu tấn, kim ngạch đạt 80 triệu USD…

Tính ra, mức giá nhập khẩu trung bình than từ Nga là khoảng 63 USD/ tấn; giá than nhập trung bình từ Indonesia là 44 USD/ tấn. Cao nhất là giá than nhập khẩu từ Trung Quốc với 71 USD/tấn, gấp gần 2 lần so với than nhập từ Indonesia và hơn 1 lần than nhập từ Nga.

Trước thông tin việc nhập khẩu than của Việt Nam bị 'vỡ kế hoạch', PGS.TS Trương Duy Nghĩa, Chủ tịch Hội Nhiệt Việt Nam không tin Việt Nam đã nhập tới 9,7 triệu tấn bởi nhìn vào thực tế 'ăn than' của các nhà máy điện, có thể lượng than nhập khẩu không đến mức ấy.

Viet Nam vo ke hoach nhap than: Chien luoc Trung Quoc
Trong 8 tháng đầu năm, Việt Nam đã nhập tới 9,7 triệu tấn than

"Cần làm rõ lượng than nói trên được nhập theo con đường nào? Đơn vị nào xin nhập? Có thể doanh nghiệp nhập về rồi bán trong vài năm.

Việt Nam chủ yếu nhập theo con đường trong Nam, mà như thế chỉ có nhà máy điện Duyên hải 3 nhập mỗi năm khoảng 3-3,5 triệu tấn. Nhà máy đã đấu thầu và cũng có nhiều hãng mời chào, nhưng số liệu theo nhu cầu cũng chỉ như trên là tối đa. Riêng trong năm 2016, Duyên hải 3 chỉ có nhu cầu nhập khoảng 700.000 tấn.

Sang năm 2017 sẽ cần than cho nhà máy điện Duyên hải 3, Vĩnh Tân 4 - hai nhà máy sử dụng than nhập khẩu, nhưng nếu nếu họ có dùng nhiều cũng chỉ hết 7 triệu tấn", PGS.TS Trương Duy Nghĩa cho biết.

Bởi vậy, ông cho rằng, lượng than nhập khẩu của Việt Nam nếu tăng đến mức như thống kê của Tổng cục Hải quan có thể do phục vụ cho nhu cầu trong công nghiệp, chẳng hạn các nhà máy điện nhỏ ở các xí nghiệp công nghiệp và chúng không nằm trong Quy hoạch Điện VII. Ngoài ra, có rất nhiều doanh nghiệp đứng ra nhập khẩu than, kể cả công ty tư nhân, nhưng đến nay chưa có một thống kê đầy đủ nào.

Lý giải việc Trung Quốc không phải là thị trường nhập khẩu than lớn nhất của Việt Nam dù khoảng cách địa lý gần hơn, vị chuyên gia cho biết, Trung Quốc là nước khai thác than nhiều nhất thế giới và trước kia cũng là nước xuất khẩu nhiều, khoảng 60-70 triệu tấn/năm, nhưng nhiều năm trở lại đây, Trung Quốc đóng cửa không xuất khẩu than nữa mà đi nhập khẩu.

"Trung Quốc chỉ xuất tượng trưng trong những điều kiện đặc biệt nào đó. Chẳng hạn, họ có mỏ than gần Việt Nam mà thấy bán có lợi, than đó lại dùng trong nước họ không thuận lợi thì họ xuất. Còn về chủ trương chung, Trung Quốc coi than là "của để dành", chỉ nhập chứ không xuất", ông Nghĩa chỉ rõ.

Đối với Nga, Chủ tịch Hội Nhiệt Việt Nam chỉ ra một thực tế: lâu nay, các doanh nghiệp nhập khẩu than ít chú ý đến đặc điểm than dùng cho nhà máy điện. Nhìn chung, than nhập khẩu của Nga rẻ nhưng không đáp ứng được tính chất của than dùng cho nhà máy điện.

Về nguồn nhập, trước đây Việt Nam còn nhập than của CHDCND Triều Tiên, Mông Cổ. Bây giờ, với nguồn than từ Nga, có điểm thuận lợi là thời gian từ Siberia sang Việt Nam không còn quá lâu nên Việt Nam có thể nhập, nhất là than Nga rẻ hơn than nhiều nước khác. Việt Nam cũng nhập khẩu than của Nam Phi dù quốc gia này ở xa vì than của họ rất rẻ.

"Doanh nghiệp phải cân đối chi phí vận chuyển với giá xuất than ở cảng về Việt Nam. Chính vì thế không thể nói chuyện địa lý xa gần với việc nhập khẩu than mà phải xem than về đến cảng Việt Nam là bao nhiêu tiền. Các nhà máy khi nhập than đều đấu thầu và cũng có nhiều đơn vị vào thầu, có những hồ sơ có tới 4-5 đơn vị vào thầu.

Giá than trên thị trường thế giới cũng chênh nhau nhiều. Ví dụ, Indonesia chào giá vào khoảng 40 USD/tấn, nhưng Nam Phi chỉ chào 23-25 USD/tấn... Câu hỏi đặt ra là tại sao Nam Phi ở xa như  thế mà vẫn nhập? Đó là vì tính ra cuối cùng nó về đến Việt Nam, than tốt hơn mà giá rẻ hơn thì người ta vẫn nhập.

Chưa nói đến việc nhập khẩu than bằng tàu nào? Nếu là tàu công suất lớn 200.000 tấn thì chi phí vận chuyển sẽ thấp đi rất nhiều, ngược lại, nếu nhập khẩu bằng tàu 20.000 tấn chi phí vận chuyển sẽ tăng lên. Cái này do người nhập khẩu và người mua than phải cân đối với nhau", ông Nghĩa nói.

Vị chuyên gia cũng lưu ý, việc chọn lựa loại than nhập khẩu phải căn cứ theo nhiều yếu tố, đặc biệt là theo nhiệt lượng của than. Nếu chọn than đắt mà chất lượng than không tốt hơn mấy là có lỗi với nền kinh tế, với người dân.

Vinacomin vẫn độc quyền

Theo PGS.TS Trương Duy Nghĩa, than của Vinacomin thường được bán với giá từ 70-80 USD/tấn, trong khi đó giá chào than nhập đắt nhất cũng chỉ tới 40 USD/tấn. Các nhà máy xin nhập khẩu than, không dùng than của Vinacomin thì tập đoàn này lại kêu cứu Chính phủ và cuối cùng được giao làm đầu mối.

"Đây là chuyện phức tạp và cũng là khó khăn của các nhà máy điện vì bắt buộc phải dùng than của Vinacomin, thế nhưng than của Việt Nam chất lượng xấu. Hầu hết các nhà máy nhiệt điện than ở Việt Nam sử dụng than antraxit, loại than xấu rất khó cháy.

Trên thế giới, trữ lượng than antraxit rất nhỏ, phần lớn các nhà máy nhiệt điện than ở nước ngoài sử dụng than bitum và than á bitum (steam coal), rất ít nhà máy sử dụng than antraxit.

Các nhà máy điện Việt Nam sẵn sàng nhập 20% than để cải thiện chất lượng than. Ví dụ, một nhà máy điện tiêu thụ 3,5 triệu tấn than, nhập thêm 20%  (700.000 tấn), nếu tính trung bình giá nhập khẩu khoảng 40-50 USD/tấn thì cũng lên tới 30 triệu USD, đó không phải con số nhỏ. Chính vì thế, rất cầnn có sự chỉ đạo của Nhà nước ở đây. Thế nhưng Nhà nước đã quyết định đầu mối là Vinacomin mà không có các quyết định tiếp theo tạo nên nhiều cái khó.

Đến bây giờ, Vinacomin vẫn là độc quyền và ở Việt Nam vẫn là tình trạng mạnh ai nấy làm, làm ăn theo kiểu chộp giật, không phù hợp với cách làm ăn của một quốc gia mà chính sách về than phải coi là một chiến lược, không thể tùy tiện. Đặc biệt, vẫn tồn tại chuyện nhà máy này gọi thầu cung cấp, nhà máy kia lại cạnh tranh. Điều kỳ lạ ở chỗ nó giống như ngày xưa Việt Nam có phong trào làm nhà máy xi măng lò đứng, nhà máy đường ở các tỉnh: một tỉnh này mua, tỉnh kia cũng bắt chước mua, Trung Quốc là bên bán cứ thế tăng giá lên, tỉnh sau phải mua đắt hơn tỉnh trước", PGS.TS Trương Trọng Nghĩa chỉ rõ.

Theo Thành Luân - Đất Việt

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X