Hotline 24/7
08983-08983

Việt Nam - Italy tăng cường thúc đẩy quan hệ Đối tác Chiến lược

Chuyến thăm của Thủ tướng Matteo Renzi là dịp để hai bên trao đổi các biện pháp đưa quan hệ hai nước ngày càng thực chất hơn.

Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Cộng hòa Italy Matteo Renzi bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam từ 9-10/6/2014. Đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của một Thủ tướng Italy kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1973.

Công ty Piaggio Việt Nam - một biểu tượng hợp tác giữa Việt Nam và Italy

Quan hệ chính trị Việt Nam - Italy ngày càng mở rộng và nâng lên tầm cao mới

Nhìn một cách tổng quan, quan hệ chính trị giữa Việt Nam và Italy đã phát triển tốt đẹp trong thời gian qua. Đặc biệt từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước, mối quan hệ này ngày càng được củng cố và phát triển rõ nét.

Italy là nước Tây Âu đầu tiên tích cực ủng hộ việc tăng cường hợp tác giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu, trên các diễn đàn quốc tế lớn cũng như việc bình thường hoá quan hệ giữa Việt Nam và các tổ chức tài chính, thương mại, tiền tệ quốc tế đầu những năm 90.

Sau chuyến thăm chính thức Việt Nam của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Italy G. De Michelis (12/1989), hai nước duy trì thường xuyên việc trao đổi đoàn ở cấp cao.

Trong các cuộc tiếp xúc, lãnh đạo cấp cao Italy khẳng định quyết tâm thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt với Việt Nam, coi Việt Nam là nước ưu tiên phát triển quan hệ ở khu vực Đông Nam Á và là điểm đến của các doanh nghiệp Italy từ nay cho đến 2020.

Ngày 21/1/2013, Việt Nam và Italy đã ký Tuyên bố chung về thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược nhân chuyến thăm Italy cấp Nhà nước của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Hai bên đã ký Kế hoạch hành động triển khai Đối tác chiến lược giai đoạn 2013-2014 nhân chuyến thăm chính thức Italy của Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải tháng 9/2013.


Bên cạnh đó, hai nước đã phối hợp tổ chức thành công các hoạt động kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1973 - 2013), tổ chức Năm Việt Nam tại Italy và năm Italy tại Việt Nam. Ngoài ra, Việt Nam và Italy cũng đã hợp tác tích cực

Hợp tác kinh tế, thương mại có bước phát triển nhanh chóng

Italy là một trong những nước Tây Âu đầu tiên nối lại và phát triển các quan hệ hợp tác với Việt Nam sau thời kỳ ngưng đọng (những năm 1979 - 1989). Một số tập đoàn sản xuất lớn của Italy đã thiết lập quan hệ hợp tác và bước đầu có được một số kết quả quan trọng tại Việt Nam như Technip Italy (dự án Nhà máy đạm Phú Mỹ), Danieli Officina (nhà máy sản xuất thép), Fiat Iveco (liên doanh ôtô Mekong), Piaggio (xe tay ga), Datalogic Scanning (thiết bị thu thập dữ liệu ngoại vi), Bonfiglioli (động cơ tua bin, thiết bị sử dụng năng lượng chiết lưu), Carvico (vải dệt kim). Mới đây, Italy đã đưa Việt Nam vào danh sách 10 thị trường mới nổi ưu tiên phát triển thương mại và đầu tư.

Theo số liệu, kim ngạch thương mại hai chiều tăng đều trong những năm qua. Năm 2013, kim ngạch hai chiều đạt 3,5 tỷ USD (so với 2,8 tỷ USD năm 2012).

Những mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam vào thị trường Italy là giày dép (231 triệu Euro), và thuỷ sản (134 triệu Euro) cà phê (115 triệu Euro), hàng dệt may (115 triệu Euro). Việt Nam nhập từ Italy chủ yếu là máy móc thiết bị cơ khí, phương tiện vận tải và nguyên liệu da.

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến hết tháng 8/2013, Italy đứng thứ 29 trên tổng số 100 quốc gia và lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam với 53 dự án đầu tư với tổng số vốn là 294,22 triệu USD chủ yếu trong các ngành: công nghiệp chế biến, chế tạo, giày da, xây dựng, thiết bị vệ sinh, bình nóng lạnh, chế biến thép.

Công ty Piaggio đã đầu tư 70 triệu USD để xây dựng tại Vĩnh Phúc 2 nhà máy sản xuất xe máy Vespa (dự kiến 200.000 chiếc/năm) và động cơ xe máy không chỉ phục vụ thị trường Việt Nam mà còn để xuất khẩu sang các nước Đông Nam Á.

Về hợp tác phát triển giữa hai nước, Italy bắt đầu cung cấp ODA cho Việt Nam vào những năm 1980 dưới các hình thức: cho vay ưu đãi, viện trợ khẩn cấp, viện trợ không hoàn lại song phương hoặc thông qua các tổ chức quốc tế như UNIDO, IFAD. Các lĩnh vực hợp tác ưu tiên giữa Italy và Việt Nam gồm: cấp thoát nước, bảo vệ môi trường, phát triển nguồn nhân lực, y tế, hỗ trợ thể chế...

Năm 1997, Italy cho Việt Nam vay 100 tỷ lia (tương đương 60 triệu USD) thời hạn 35 năm, ân hạn 14 năm, lãi suất 0,5% để thực hiện các dự án về cấp nước và giáo dục. Năm 2000, tại kỳ họp Ủy ban Liên chính phủ (12/2000), Chính phủ Italy cam kết cấp bổ sung cho Việt Nam 16 tỷ lia tín dụng ưu đãi.

Ngoài ra, Italy đã cung cấp vốn viện trợ không hoàn lại đối với dự án hàng hoá cho ngành nước trị giá 2,737 triệu Euro và dự án hỗ trợ kỹ thuật nâng cao năng lực thể chế giúp Việt Nam gia nhập WTO  trị giá ODA 751.950 Euro.

Bên cạnh đó, Italy còn có hình thức viện trợ rất hiệu quả thông qua uỷ thác hoặc đồng tài trợ như tài trợ 839.424 Euro uỷ thác qua trường Đại học Sassari cho dự án “Xây dựng trung tâm y tế Carlo Urbani” tại Đại học Y Huế; tài trợ 1,083 triệu Euro thông qua UNIDO cho dự án “Hỗ trợ thành lập cơ cấu trợ giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ”; tài trợ 1,5 triệu Euro thông qua IFAD cho dự án “Xoá đói giảm nghèo tại tỉnh Gia Lai”; tài trợ 1,49 triệu USD thông qua FAO cho dự án “Quản lý tổng hợp các hoạt động ở đầm phá Thừa Thiên Huế.

Với những kết quả hợp tác tốt đẹp giữa hai nước trong thời gian qua, chuyến thăm Việt Nam lần này của Thủ tướng Italy Matteo Renzi sẽ là cơ hội để hai bên trao đổi các biện pháp thúc đẩy quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam - Italy trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư; tăng cường hợp tác trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, năng lượng, du lịch cũng như trao đổi các vấn đề quốc tế và khu vực mà hai bên cùng quan tâm.

AloBacsi.vn
Theo VOV

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X