Hotline 24/7
08983-08983

​Vỉa hè Sài Gòn bị lấn chiếm: Có chống lưng, 'bảo kê'?

Câu hỏi được phó ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TPHCM Nguyễn Ngọc Tường đặt ra với ông Trần Đức Tài - phó giám đốc Công an TPHCM tại Hội nghị ngày 11/3.

Lực lượng trật tự đô thị dọn dẹp vỉa hè trên đường Hoàng Sa, TP.HCM - Ảnh: HỮU THUẬN
Lực lượng trật tự đô thị dọn dẹp vỉa hè trên đường Hoàng Sa, TPHCM - Ảnh: HỮU THUẬN

“Dân ở đâu cũng là dân của mình, những người buôn bán trên vỉa hè cũng đóng góp cho kinh tế, du lịch, cho phát triển ngân sách của TPHCM. Phải thấy điều đó để làm quyết liệt nhưng cũng phải

“Người dân có nghi ngại: Chính quyền làm nhiều lần rồi, lần này có làm được không? Tôi tin chúng ta sẽ làm được" - Bí thư Thành ủy ĐINH LA THĂNG

nhân văn, thấu tình đạt lý”.

Ông Đinh La Thăng - ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Thành ủy TPHCM - đã dành những lời nhắn nhủ này để kết luận Hội nghị quán triệt, thực hiện công tác quản lý trật tự đô thị trong thời gian tới do Thành ủy TP.HCM tổ chức ngày 11/3.

“Hãy lùi lại một chút”

Tinh thần mà ông Đinh La Thăng kết luận thực tế đã được không ít đại biểu mang đến và phát biểu tại hội nghị. Người đề cập nhiều nhất về việc này là ông Huỳnh Văn Hạnh - giám đốc Sở Tư pháp.

Ông nói: “Dù làm gì thì cũng nên nghĩ rằng người vi phạm cũng là dân, chúng ta cần có khoảng lùi để xử lý cho thấu tình đạt lý”. Khoảng lùi mà ông Hạnh nói chính là thời gian 10 ngày để thi hành cưỡng chế nếu người vi phạm không tự khắc phục, tháo dỡ.

“Chuyện vỉa hè đã tồn đọng nhiều năm nay rồi, 10 ngày nữa thì không là gì cả. Tôi đề nghị nếu đã xem xét, vận động tốt rồi thì cứ làm, nhưng nếu chưa thì hãy lùi lại một chút” - ông Hạnh nói.

Ông Hạnh nói ông vẫn còn băn khoăn rằng nếu việc lấy lại vỉa hè được bền vững thì phải đúng quy trình và không được nóng vội.

“Một bữa cưỡng chế thì phải có mười bữa vận động, 100 trường hợp thì hai trường hợp cưỡng chế thôi... Còn lại để dân tự làm” - ông nói.

Theo ông, để xảy ra lấn chiếm vỉa hè thực ra cũng do lỗi của cả chính quyền trong nhiều năm chứ không phải chỉ do ý thức người dân. Hãy nhớ là bà con buôn bán vỉa hè mấy năm rồi cũng đóng thuế nộp cho bộ máy.

Có chống lưng, có bảo kê hay không?

Câu hỏi này được phó ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TPHCM Nguyễn Ngọc Tường đặt ra: “Ở Hà Nội ông Nguyễn Đức Chung nói như thế thì ở TPHCM tôi xin hỏi đồng chí Trần Đức Tài, phó giám đốc Công an TPHCM, là mình có không? Nếu có thì nó nằm ở đâu để chấn chỉnh?”.

Ông Tường cho rằng đặt ra câu hỏi này để nói rằng cần phải thay đổi nhận thức về trật tự vỉa hè lòng đường, không chỉ là nhận thức của người dân mà cả ý thức của người thực thi công vụ.

Ông Tường nói việc phòng chống tội phạm, trộm cướp giết người, mại dâm ma túy còn quyết liệt tập trung làm được, trong khi trật tự đô thị “nhan nhản trước mặt chúng ta” mà xử lý nhiều năm không được.

“Nhưng chúng ta chưa từng xử lý một lãnh đạo, người đứng đầu địa phương nào. Chỉ có gần đây một số quận huyện như Củ Chi, quận 1 có động tác điều chuyển, kiểm điểm xử lý trách nhiệm cán bộ” - ông Tường nói.

Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Đức Tài cũng khẳng định trật tự vỉa hè sẽ làm được và giữ được, nếu như lực lượng thực thi công vụ quyết liệt, làm đúng, gương mẫu, từ đó vận động nhân dân đồng thuận.

Yêu cầu cụ thể hơn việc này, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng nói phải khoán trách nhiệm công vụ, từng tuyến đường, từng khu phố cho từng cán bộ. Để xảy ra mất trật tự đô thị trên tuyến nào thì xử lý cán bộ được khoán trách nhiệm của tuyến đó. Theo ông Thăng, ba vị trí quan trọng nhất chính là chủ tịch, bí thư và trưởng công an phường.

“Ba ông này là chủ chốt chứ không phải cứ đợi quận dẫn quân đi mãi thế được” - ông Thăng nói.

Ông Thăng cũng khẳng định phải kiên quyết dẹp chuyện bảo kê, chống lưng cho hoạt động kinh doanh trên vỉa hè. Và muốn dẹp bảo kê, chống lưng phải công khai minh bạch các điểm đỗ, đậu xe, mức giá cụ thể...

“Việc này tôi đề nghị HĐND TP làm sớm, phải minh bạch như vậy mới làm triệt để được” - ông Thăng nói.

Phải làm thôi chứ còn kiến nghị gì nữa!

Bên lề hội nghị, ông Nguyễn Thành Phong - chủ tịch UBND TPHCM - đã cho phóng viên Tuổi Trẻ xem rất nhiều tin nhắn người dân TP.HCM gửi cho ông về chuyện lấy lại vỉa hè những ngày qua.

Ông Phong nói một trong những điều mà người dân quan tâm nhất chính là chuyện này có làm đồng bộ hay không.

Sự đồng bộ không chỉ là ra quân đều khắp các quận huyện mà đồng bộ trong cách xử lý vấn đề, phải có sự thống nhất cao từ trên xuống, từ tất cả các quận huyện để người dân hài lòng.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Thành Phong yêu cầu các lãnh đạo quận: “Giờ phải làm thôi chứ còn kiến nghị gì nữa!”.

Bởi hành lang pháp lý đã có đủ, các quận huyện phải tích cực làm, trong quá trình làm có vấn đề gì thì báo cáo sau. Chứ không được kiểu “chưa làm, hoặc làm chưa tới nơi tới chốn” mà cứ kiến nghị hoài.

Vỉa hè của người đi bộ bị chiếm dụng để trưng bày các loại xe máy trước các cửa hàng bán xe máy trên đường Lý Tự Trọng, quận 1 - Ảnh: HŨU KHOA
Vỉa hè của người đi bộ bị chiếm dụng để trưng bày các loại xe máy trước các cửa hàng bán xe máy trên đường Lý Tự Trọng, quận 1 - Ảnh: HŨU KHOA

Quận 1 hỗ trợ mỗi ngày 50.000 - 100.000 đồng/người buôn bán vỉa hè

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Thế Thuận - chủ tịch UBND quận 1 - cho biết kế hoạch về đẩy mạnh tổ chức lại vỉa hè giai đoạn 2 vừa được quận thông qua. Theo đó, việc tổ chức lại vỉa hè trên địa bàn quận 1 sắp tới sẽ có các điểm nhấn.

Một là, chính quyền tiếp tục ra quân chấn chỉnh, đồng thời tuyên truyền để dân tự giác thực hiện. Hai là, giải quyết lao động cho những người đang buôn bán trên vỉa hè.

Với những người vẫn còn khả năng học tập, chuyển nghề thì trung tâm dạy nghề của quận sẽ tổ chức dạy nghề miễn phí, thậm chí hỗ trợ mỗi ngày 50.000 - 100.000 đồng/người để bù vào số tiền mà ngày hôm đó không buôn bán được, và cho vay vốn để phát triển các ngành nghề.

“Đó mới là cái chính, cái quan trọng, là mục tiêu cuối cùng của mình” - ông Trần Thế Thuận khẳng định.

Cố gắng sắp xếp để không lấn chiếm vỉa hè

Bà N.T., một người bán khẩu trang, thuốc lá trên đường D2 (Q.Bình Thạnh), cho biết thời gian gần đây bên trật tự đô thị phường ra quân thường xuyên nên bà phải đẩy xe vô sát trong lề để không bị phạt.

Do vào trong bị khuất nên ít người thấy để mua, buôn bán cũng ế ẩm, nhưng chủ trương này của toàn thành phố nên bà vẫn tuân thủ. Mấy lúc nắng quá, bà dịch chuyển xe ra một chút nhưng vẫn trong phạm vi cho phép.

“Vỉa hè là của người đi bộ mà, mình phải trả lại cho họ thôi. Bản thân mình cũng nhiều lúc đi bộ nên hiểu cảm giác phải đi xuống lòng đường rất lo lắng xe đụng. Việc lập lại trật tự đô thị là đúng, nên nếu vì vậy mà chuyện buôn bán ế ẩm quá mình cũng phải tính cách mưu sinh khác thôi” - bà N.T. nói.

Cách đó không xa, xe nước giải khát của chị N.T.N.N. cũng trên vỉa hè nhưng bàn ghế được chị thu gọn lại chứ không bày biện, khi có khách mới lấy ra để cho khách ngồi nép vào vách căn nhà bên trong.

Chị N. chia sẻ rất sợ bị xử phạt và thu xe vì mọi chi phí sinh hoạt của gia đình và nuôi hai con nhỏ đều phụ thuộc vào xe nước này. Lúc trước chưa làm nghiêm còn buôn bán ổn định, nhưng thời gian gần đây có những bữa cứ vừa bán vừa canh để dọn đồ rất mệt mỏi.

“Bây giờ rất khó để xin được nhà nào cho mình để đồ phía trước mà bán lắm, tôi cũng ráng sắp xếp sao cho gọn gàng không lấn chiếm ra vỉa hè. Giờ mà bị đuổi không cho bán nữa là không biết sống sao luôn” - chị N. nói.

Tương tự, tại đường Điện Biên Phủ, ông B., một người sửa xe trên vỉa hè, cho biết hôm nay mới quay trở lại làm sau hai ngày phải nghỉ do lực lượng trật tự đô thị kiểm tra thường xuyên tuyến đường này.

Ông cho biết đã đẩy xe đồ nghề vào tận bên trong để không vi phạm và chấp hành chủ trương chung của thành phố.

Lê Phan


Theo Viễn Sự - Mai Hoa - Tuổi trẻ

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X