Hotline 24/7
08983-08983

​Vì sao nguyên lãnh đạo PVN đi công tác nước ngoài trước khi bị bắt?

Đó là vấn đề được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên giải đáp tại cuộc họp báo chiều 31/7.


Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên trả lời báo chí trong cuộc họp báo - Ảnh: Việt Dũng
Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên trả lời báo chí trong cuộc họp báo - Ảnh: Việt Dũng

Theo đó, trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ xung quanh việc vừa qua cơ quan chức năng đã bắt ông Nguyễn Xuân Sơn, nguyên tổng giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương, nguyên chủ tịch HĐTV của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên nói đây là trường hợp cán bộ tham gia công tác nước ngoài theo nhiệm vụ ở vị trí của mình.

Cơ quan điều tra nói rằng khi và chỉ khi có đủ căn cứ thì cơ quan điều tra mới áp dụng biện pháp ngăn chặn cần thiết. Khi ông Nguyễn Xuân Sơn đi công tác nước ngoài thì chưa có đủ căn cứ để đánh giá ông có vi phạm hay không, cho nên việc đó là hoàn toàn bình thường.

“Đánh giá cán bộ là công việc khó. Nhưng tôi muốn nhấn mạnh rằng qua vụ việc này cho thấy có thể qua các khâu vì lý do nào đó không phát hiện vi phạm của một trường hợp cụ thể, nhưng cuối cùng một người dù ở cương vị nào cũng đều được xử lý công bằng, bình đẳng trước phát luật.

Nếu các khâu khác chưa phát hiện được thì cơ quan điều tra phát hiện. Cụ thể ở đây là điều tra mở rộng vụ án liên quan đến ông Hà Văn Thắm ở Ngân hàng Đại Dương thì phát hiện ra vụ ông Nguyễn Xuân Sơn với hai tội danh như đã thông báo” - ông Nên nói.

Tại cuộc họp báo, Văn phòng Chính phủ cũng cung cấp nội dung trả lời của bộ trưởng, chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - người phát ngôn của Chính phủ, về một số vấn đề mà báo chí và dư luận quan tâm. Nội dung như sau:

Ngân hàng Thế giới (WB) công bố nợ công Việt Nam đến cuối năm 2014 là hơn 110 tỉ USD, vượt xa con số mà Bộ Tài chính trình trước Quốc hội; mỗi người dân Việt Nam hiện đang gánh hơn 1.200 USD (hơn 26 triệu đồng) nợ công. Xin cho biết vì sao có sự khác biệt như vậy? Con số nợ công chính thức của Việt Nam là bao nhiêu?

Thay mặt Chính phủ, Bộ Tài chính đã báo cáo trước Quốc hội nợ công của Việt Nam đến cuối năm 2014, ước tính là 2,346 triệu tỉ đồng, tương đương khoảng 110 tỉ USD.

Số liệu nợ công mà WB công bố cũng chính là số liệu do Bộ Tài chính cung cấp. Mức nợ công này vẫn trong giới hạn theo quy định của nghị quyết Quốc hội.

Chính phủ luôn quan tâm chỉ đạo tập trung thực hiện tốt các giải pháp tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng nợ công, bảo đảm an toàn tài chính quốc gia và ổn định kinh tế vĩ mô. Mới đây Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị về việc này.

Ngân hàng Nhà nước vừa nêu quan điểm không nên có gói tín dụng cho giao thông theo chỉ đạo xem xét nghiên cứu tại nghị quyết phiên họp của Chính phủ. Việc này diễn ra trong bối cảnh rất nhiều dự án giao thông đang kêu gọi đầu tư ngoài xã hội, mà trong đó vốn các doanh nghiệp chủ yếu đi vay. Vậy Chính phủ có lo ngại chủ trương kêu gọi xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông sẽ bị ảnh hưởng và có giải pháp gì để thay thế?

Tại nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 2-2015, Chính phủ đã giao Ngân hàng Nhà nước phối hợp với các bộ: Tài chính, Kế hoạch - đầu tư, Giao thông vận tải nghiên cứu, đề xuất gói tín dụng cho đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông.

Đây mới là nội dung Chính phủ giao nghiên cứu. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, đề xuất của Ngân hàng Nhà nước và ý kiến của các bộ liên quan, Chính phủ sẽ xem xét, quyết định.

Tuy nhiên, để triển khai bằng hình thức PPP thì vốn góp của Nhà nước là hết sức cần thiết; nghị định số 15/2015/NĐ-CP của Chính phủ cũng đã nêu rõ vấn đề này.

Tình trạng các doanh nghiệp lợi dụng gói hỗ trợ 30.000 tỉ đồng để trục lợi, trong khi đó đối tượng chính của gói hỗ trợ là người thu nhập thấp lại gặp khó khăn khi tiếp cận gói vay này cho thấy cơ quan quản lý chưa có giải pháp ngăn chặn doanh nghiệp trục lợi, khiến người dân phải chịu thiệt hại. Xin cho biết quan điểm chỉ đạo của Chính phủ về việc này?

Mục đích của gói 30.000 tỉ đồng là để hỗ trợ cho vay đối với cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người lao động có thu nhập thấp, khó khăn về nhà ở được vay vốn mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội và nhà ở thương mại có diện tích nhỏ, giá thấp.

Sau hơn hai năm thực hiện (đến 31-5-2015), tổng số tiền cam kết cho vay đối với khách hàng khoảng 14.161 tỷ đồng (đạt gần 50% tổng số tiền của gói hỗ trợ), trong đó có hơn 18.000 hộ gia đình, cá nhân với số tiền là gần 9.000 tỉ đồng.

Vừa qua, báo chí phản ánh về tình hình một số doanh nghiệp lợi dụng chính sách hỗ trợ này để trục lợi, Bộ Xây dựng đã giao thanh tra bộ và Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản kiểm tra làm rõ; đồng thời tiến hành rà soát, tiếp tục hoàn thiện các quy định về đối tượng và điều kiện cho vay để tránh việc lợi dụng.

Ngân hàng Nhà nước cũng đã chỉ đạo rà soát kỹ quy trình cho vay, việc giải ngân vốn vay đảm bảo đúng mục đích, đúng đối tượng theo quy định và sẽ phối hợp với các địa phương kiểm tra các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn, trước hết là ở những địa phương mà báo chí phản ánh, xử lý nghiêm các vi phạm.

Việc triển khai thu phí đường bộ đối với xe máy gặp khó khăn, thiếu khả thi; Bộ Giao thông vận tải cho biết sẽ có văn bản kiến nghị Chính phủ dừng thu phí xe máy. Xin cho biết quan điểm của Chính phủ về vấn đề này? Trong khi đó, một số tỉnh, thành phố lại cho biết sẽ không dừng việc thu phí do ngân sách khó khăn. Một số ý kiến khác đặt vấn đề về việc xử lý số tiền đã thu nếu dừng thu phí xe máy. Xin cho biết xử lý trường hợp này như thế nào?

Việc thu phí sử dụng đường bộ đối với phương tiện giao thông cơ giới hiện nay được thực hiện theo nghị định số 18/2012/NĐ-CP ngày 13/3/2012 của Chính phủ. Nghị định quy định phí sử dụng đường bộ được thu hằng năm trên đầu phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, bao gồm: ôtô và xe môtô và thông tư số 197/2012/TT-BTC ngày 15/11/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện.

Trong thời gian qua, việc thực hiện thu phí sử dụng đường bộ đối với xe môtô còn tồn tại một số hạn chế, bất cập. Nhiều địa phương chưa triển khai thực hiện được; việc tổ chức thu gặp nhiều khó khăn; một số địa phương đã triển khai thu nhưng hiệu quả thấp.

Trước tình hình trên, Quỹ bảo trì đường bộ trung ương đã có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị không thực hiện việc thu phí bảo trì đường bộ đối với xe môtô trên phạm vi toàn quốc bắt đầu từ ngày 1/1/2016.

Về việc này, Phó thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã giao Bộ Giao thông vận tải xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/9.

Theo V.V.Thành - C.V.Kình - Tuổi trẻ

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X