Hotline 24/7
08983-08983

Vì sao Nga im lặng khi Trung Quốc báo tin tập trận chung ở biển Đông?

Trung Quốc là bên đầu tiên công khai thông tin Nga-Trung tập trận hải quân ở biển Đông vào tháng 9 tới, trong khi Moscow chưa phản hồi chính thức.

Sau khi Bộ quốc phòng Trung Quốc xác nhận thông tin về cuộc tập trận vào hôm 28/7, các thông tin trong hai ngày qua của Điện Kremlin chủ yếu đề cập hoạt động thị sát địa phương của Tổng thống Nga Vladimir Putin và vấn đề điều chỉnh nhân sự, nhưng không nhắc đến Trung Quốc.

Nga không muốn 'làm tường' cho Trung Quốc đắc lợi

Bài phân tích trên trang Đa Chiều (Mỹ) ngày 30/7 nhận định, thái độ của Nga cho thấy nước này không muốn trở thành 'kẻ dọn đường' cho Trung Quốc hưởng lợi trong vấn đề biển Đông, đặc biệt khi thời điểm công bố thông tin khá 'nhạy cảm' - sau phán quyết vụ kiện biển Đông của Tòa trọng tài thường trực (PCA).

Việc Bắc Kinh thông báo cuộc tập trận với Nga vào lúc này chủ yếu nhằm chứng minh với dư luận rằng lập trường của Trung Quốc ở biển Đông 'được Nga thừa nhận', như một cách để dựa vào Nga tạo ra lợi thế cho Trung Quốc trong cuộc chiến thông tin và ngoại giao.

Đa Chiều cho hay, Trung Quốc từng 'lợi dụng' Nga theo cách tương tự hồi đầu tháng 6 khi chiến hạm nước này xuất hiện gần như đồng thời với 3 tàu chiến của hải quân Nga ở Vùng tiếp giáp lãnh hải Nhật Bản, gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà Trung-Nhật tranh chấp.

Nhiều ý kiến phân tích gọi vụ việc trên là 'Nga bắt tay với Trung Quốc', trong khi Bắc Kinh không lên tiếng giải thích rõ ràng.

Theo Đa Chiều, phản ứng của Nga về thông tin tập trận chung với Trung Quốc xuất phát từ đánh giá thận trọng của Moscow đối với tình hình căng thẳng ở biển Đông.

Mặc dù Trung Quốc đơn phương tuyên bố Nga 'ủng hộ lập trường của Bắc Kinh về biển Đông' nhưng Moscow chưa từng lên tiếng xác nhận vấn đề này, đồng thời tuyên bố giữ quan điểm trung lập, 'không ủng hộ bên nào' sau khi có phán quyết PCA.

Moscow không mong muốn bị dư luận quốc tế nhìn nhận với ấn tượng 'sát cánh cùng Trung Quốc' trong vấn đề biển Đông, đồng thời không muốn bị đánh giá là can thiệp sâu vào căng thẳng khu vực này.

Trên thực tế, Nga thậm chí hy vọng 'làm mờ nhạt' vai trò của họ đối với tình hình biển Đông - Đa Chiều bình luận.

Các lãnh đạo dự Hội nghị thượng đỉnh Nga-ASEAN tại Sochi, Nga ngày 19-20/3/2016. Ảnh: Sputnik.Các lãnh đạo dự Hội nghị thượng đỉnh Nga-ASEAN tại Sochi, Nga ngày 19-20/3/2016. Ảnh: Sputnik.

Nga phải tính đến quan hệ đối tác với ASEAN

Nga đang nỗ lực mở rộng quan hệ hợp tác với các thành viên trong khối ASEAN như một phần không thể thiếu của chính sách 'hương Đông', sau khi Moscow bị phương Tây trừng phạt vì cuộc khủng hoảng Ukraine.

Hồi tháng 3, Moscow đã chủ trì hội nghị thượng đỉnh với sự tham gia của Tổng thống Putin cùng các lãnh đạo ASEAN.

Trước đó, nước này đã ký kết hợp đồng cung cấp máy bay quân sự cho Myanmar, hay đón tiếp đoàn đại biểu cấp cao Thái Lan hồi tháng 2.

Trong năm 2015, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã công du Việt Nam, Thái Lan và Campuchia để thắt chặt quan hệ hữu nghị với các thành viên ASEAN này.

Đa Chiều đánh giá, với việc Trung-Mỹ trở thành trục đối đầu chính trên biển Đông hiện nay, sự gia tăng hiện diện của Nga, dù mới thông qua 1 cuộc tập trận với Trung Quốc, có thể tạo ra lo ngại cho các nước trong khu vực về diễn biến phức tạp.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry  (trái) và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov gặp nhau hôm 24/3 tại Moscow,  đạt thỏa thuận quan trọng về nỗ lực chung thúc đẩy hòa bình ở Syria.  Ảnh: Reuters.Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái) và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov gặp nhau hôm 24/3 tại Moscow, đạt thỏa thuận quan trọng về nỗ lực chung thúc đẩy hòa bình ở Syria. Ảnh: Reuters.

Nga không thể phớt lờ phương Tây

Mối quan hệ đang có nhiều tiến triển cởi mở hơn giữa Nga với châu Âu là điều Moscow luôn cân nhắc, bởi chính sách 'hướng Đông', với đối tác số 1 là Trung Quốc, không mang lại hiệu quả như mong đợi.

Các thỏa thuận hợp tác lớn giữa Nga-Trung luôn rầm rộ khi ký kết, nhưng gặp rất nhiều khó khăn khi triển khai vào thực tế.

Đồng thời, Nga đang cố gắng cải thiện quan hệ với Nhật Bản, một đồng minh lớn của phương Tây và là đối trọng với Trung Quốc trong 'tam giác ba bên' ở khu vực Đông Bắc Á.

Nga, Nhật đã đạt được đồng thuận chung quan trọng trong chuyến thăm không chính thức Nga của Thủ tướng Shinzo Abe hồi tháng 5 để giải quyết tranh chấp chủ quyền giữa hai nước và tiến tới một hiệp định hòa bình chính thức.

Đa Chiều cho rằng, cải thiện quan hệ với phương Tây, mà Tokyo là một trong những 'cầu nối' quan trọng, là ưu tiên hàng đầu đối với Tổng thống Putin để vực dậy nền kinh tế đang gặp khó khăn của Nga.

Quan trọng hơn, quan hệ giữa Moscow với Mỹ đã được cải thiện đáng kể sau khi Nga tuyên bố rút quân khỏi Syria ngày 15/3. Hai nước thậm chí đạt được triển vọng hợp tác chống khủng bố ở Syria.

Nga sẽ không để tiến triển quan trọng bị ảnh hưởng khi tham gia tập trận quân sự với Trung Quốc ở biển Đông, trong khi chính phủ Mỹ đã lên tiếng 'nhắc nhở' ngay sau thông báo của Bộ quốc phòng Trung Quốc.

Người phát ngôn Bộ ngoại giao Mỹ John Kirby nói hôm 28: 'Bản thân hoạt động tập trận không hẳn sẽ làm gia tăng mâu thuẫn. Chủ yếu là hoạt động đó được triển khai như thế nào'.

'Nga và Trung Quốc tranh thủ cơ hội tổ chức tập trận hai bên và nhiều bên là điều có thể đoán trước. Nhưng chúng tôi kỳ vọng cuộc tập trận sắp tới sẽ phù hợp với luật pháp và nghĩa vụ quốc tế'.

Vì vậy, phản ứng và thái độ cẩn trọng của Nga liên quan đến cuộc tập trận đối lập với thông báo rầm rộ của phía Trung Quốc là điều không khó lý giải - Đa Chiều kết luận.

Theo Hải Võ - Thegioitre/ Infonet

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X