Hotline 24/7
08983-08983

Vì sao lính Mỹ được ăn như vua mà vẫn thua bộ đội VN?

Ngoài việc trang bị vũ khí đến tận răng, lính Mỹ còn được cung cấp thực phẩm thượng hạng nhưng điều đó không giúp họ giành chiến thắng tại chiến trường Việt Nam.

Trong cuộc chiến tranh Việt Nam, việc đảm bảo hậu cần luôn là một gánh nặng lớn làm đau đầu các nhà hoạch định chiến lược quân sự Mỹ. Sự xa cách về địa lý, điều kiện khí hậu khắc nghiệt khiến công tác hậu cần gặp rất nhiều khó khăn.

Quân đội Mỹ vốn được mệnh danh là "quân đội nhà giàu", binh lính của họ được trang bị "tận răng" mỗi khi ra trận. Không chỉ được trang bị đầy đủ về vũ khí, họ còn được cung cấp những suất ăn chế biến sẵn khi ở chiến trường hoặc những bữa ăn thịnh soạn khi ở căn cứ với nguyên liệu làm từ những loại thực phẩm thượng hạng.

Khẩu phần ăn tiêu chuẩn cho binh lính Mỹ trong chiến tranh Việt Nam được ký hiệu là MCI (viết tắt của cụm từ bữa ăn chiến đấu cá nhân). Đây là một loại thực phẩm đóng hộp dành cho binh lính Mỹ trên chiến trường, được đưa vào sử dụng trong giai đoạn 1958-1980.

MCI thay thế cho khẩu phần ăn loại C được sử dụng trong chiến tranh thế giới thứ 2, tuy vậy nó vẫn bị gọi với tên cũ do có cách đóng gói gần như giống hệt chỉ khác về trọng lượng. MCI được xem như một bước cải tiến khá khiêm tốn so với khẩu phần ăn loại C vốn bị chỉ trích là quá cồng kềnh đối với binh lính trên chiến trường.

Khẩu phần ăn MCI cùng các vật dụng kèm theo cho lính Mỹ trong chiến tranh Việt Nam.

Khẩu phần ăn MCI cùng các vật dụng kèm theo cho lính Mỹ trong chiến tranh Việt Nam.

MCI được sản xuất tại Mỹ bởi một số công ty thực phẩm lớn như HJ Heinz, Patten Food Products, The Cracker Jack Company, nó được đặt hàng riêng để cung cấp cho Bộ Quốc Phòng Mỹ và không được phép bán ra ngoài thị trường khi chưa nhận được sự đồng ý của Lầu Năm Góc.

Chúng được vận chuyển đến Việt Nam chủ yếu bằng đường hàng không và lưu trữ tại các kho lớn ở Sài Gòn, Cam Ranh, Đà Nẵng, Quy Nhơn, sau đó sẽ được chuyển đến căn cứ của các đơn vị chiến đấu. Những đơn vị chiến đấu đồn trú ở khu vực xa xôi hoặc các đơn vị tiền tiêu sẽ được cung cấp thực phẩm và đạn dược bằng trực thăng.

MCI được đóng gói trong những thùng carton, mỗi thùng carton lớn chứa 12 thùng carton nhỏ, mỗi thùng carton nhỏ tương ứng với một bữa ăn dành cho 1 binh sĩ. Bên ngoài mỗi thùng carton lớn đều có in dòng chữ "Meal Combat Individual C", trên mỗi thùng carton nhỏ bên trong có đánh dấu ký hiệu B-1, B-2, B-3 tương ứng với thực đơn bên trong.

Mỗi khẩu phần ăn được chế biến khá phong phú về chủng loại bao gồm: thịt, cá, trứng, sữa, chocolate, bột cacao, bánh quy, các loại đậu... Ngoài ra, còn có các vật dụng đi kèm như đường, cafe hòa tan, muối, tiêu, thuốc lá, kem không sữa, kẹo cao su, giấy vệ sinh, giấy chống ẩm.

Khẩu phần ăn trong mỗi thùng nhỏ được đóng gói như sau: Phía trên cùng là 1 bao đựng bánh mì, tiếp đó là 2 lon nhỏ và 1 lon lớn chứa thực phẩm đã được chế biến sẵn theo thực đơn quy định ở bên ngoài. Phụ kiện đi kèm gồm một chiếc muỗng và không thể thiếu "vật bất ly thân" là dụng cụ mở lon P-38.

Hai lính thủy quân lục chiến Mỹ đang dùng khẩu phần ăn MCI bên trong một xe thiết giáp M113 tại chiến trường Việt Nam.

Hai lính thủy quân lục chiến Mỹ đang dùng khẩu phần ăn MCI bên trong một xe thiết giáp M-113 tại chiến trường Việt Nam.

Mặc dù được chế biến khá phong phú từ nhiều loại thực phẩm khác nhau song MCI vẫn bị lính Mỹ phàn nàn là quá nhàm chán. Một cựu binh Mỹ tại Việt Nam từng phát biểu rằng "Nó (MCI) - Có vẻ như quân đội có cùng một triết lý như mẹ của tôi, rằng "con sẽ ăn tất cả những gì mẹ nấu", sự khác biệt lớn ở đây là mẹ tôi không bao giờ cố định bất cứ một điều gì cả". Các lính Mỹ tại chiến trường Việt Nam còn phàn nàn rằng họ lúc nào cũng phải ăn những thức ăn nguội lạnh, một dạng phàn nàn đặc trưng kiểu "được voi đòi tiên".

Một sự bất tiện khác của MCI là binh lính không bao giờ được phép quên "vật bất ly thân" là dụng cụ mở hộp P-38. Tệ hại hơn là nó quá nặng, để mang theo đủ khẩu phần ăn cho một ngày, mỗi binh lính sẽ phải cõng thêm 2,5 kg MCI tương ứng với 3 hộp carton nhỏ. Đây là hạn chế rất lớn, nhất là đối với những binh sĩ phải thực hiện nhiệm vụ chiến đấu dài ngày cách xa căn cứ.

Đến năm 1966, binh lính làm nhiệm vụ trinh sát hoặc tuần tra dài ngày tại Việt Nam như các đơn vị chiến đấu đặc biệt SEAL, Ranger được cung cấp một loại thực phẩm chế biến sẵn mới là LRP hoặc Lurpfood, được đóng gói trong các túi nilon tráng bạc giúp giảm trọng lượng và sự cồng kềnh so với khẩu phần ăn MCI. LRP chính là tiền đề tạo ra khẩu phần ăn MRE mà về sau được dùng để thay thế hoàn toàn cho khẩu phần ăn MCI vào năm 1980.

Bức ảnh cho thấy sự khác biệt rất lớn về trang bị đi kèm của lính Mỹ và bộ đội Việt Nam.
Bức ảnh cho thấy sự khác biệt rất lớn về trang bị đi kèm của lính Mỹ và bộ đội Việt Nam.

Quân đội Mỹ luôn quan tâm một cách đặc biệt đến việc cải tiến khẩu phần ăn cho binh lính trên chiến trường. Họ xem việc đảm bảo cung cấp thực phẩm cho binh lính là một trong những nguồn động viên tinh thần chiến đấu. Rất nhiều chuyên gia thực phẩm nổi tiếng đã được mời làm việc cho Lầu Năm Góc để cải tiến các khẩu phần ăn chế biến sẵn.

Có một thực tế khá thú vị là mặc dù lính Mỹ được trang bị đến "tận răng" nhưng điều đó lại góp phần làm hạn chế khả năng tác chiến của họ. Mỗi khi hành quân họ phải mang theo quá nhiều những thứ lỉnh kỉnh, khả năng tác chiến của họ phụ thuộc quá nhiều vào những vật dụng mang theo nhất là thực phẩm. Phải chăng việc ỉ lại quá nhiều vào hậu cần đã khiến Mỹ phải trả giá đắt ?

Trong khi đó, Quân đội Việt Nam vốn nghèo nàn về trang bị, thiếu thốn về thực phẩm nhưng các chiến sĩ quân giải phóng thường không bị động quá nhiều như binh lính Mỹ. Ngoài lương thực được cung cấp từ các đơn vị hậu cần, bộ đội Việt Nam còn chủ động tìm kiếm nguồn thực phẩm sẵn có tại khu vực tác chiến mỗi khi công tác hậu cần bị gián đoạn. Đó chính là một trong những điểm tạo nên sự khác biệt giữa "lính vua" của Mỹ và "lính nhà nghèo" của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Hộp carton đựng khẩu phần ăn MCI của lính Mỹ

AloBacsi.vn
Theo Tri Thức Trẻ

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X