Hotline 24/7
08983-08983

Vì “con đường tơ lụa” mà Trung Quốc sẽ ký COC?

Theo học giả chuyên nghiên cứu về Đông Nam Á Phạm Nguyên Long, Trung Quốc sẽ ký Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) khi họ cảm thấy rằng việc ký kết đó có lợi cho họ.

Trung QuocĐồ họa con đường tơ lụa của Trung Quốc. Ảnh: VnExpress

Trong thời gian qua, biển Đông nóng lên và rất nhiều người nghĩ đến việc cần sớm có Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) nhưng nó vẫn chưa thể ra đời. Theo ông, việc COC chậm ra đời có nguyên nhân từ đâu?

COC chưa ra đời không phải do ASEAN mà là Trung Quốc. Trung Quốc sẽ ký COC khi họ cảm thấy rằng việc ký kết đó họ có lợi.

Trung Quốc đặt ra chiến lược "Một vành đai, một con đường". "Một vành đai" là "con đường tơ lụa" trên đất liền và "Một con đường" là "con đường tơ lụa" trên biển. Nếu khu vực ASEAN mà "lục đục" thì con đường tơ lụa trên biển liệu có thể thành công?

Trung Quốc muốn có con đường tơ lụa trên biển thì phải có hòa bình ở khu vực biển Đông. "Con đường tơ lua" do Trung Quốc khởi xướng đâu phải chỉ có chuyện đầu tư vào cơ sở vật chất như việc làm đường, làm bến cảng?

Trên thế giới, Nga đã từng làm đường ống dẫn dầu từ Nga sang châu Âu qua Ukraine nhưng khi Ukraine thay đổi thì đã có nhiều vấn đề xảy ra. Như vậy, cơ sở vật chất đâu có thể làm nền tảng cho sự hợp tác. Nó là điều kiện cần cho sự hợp tác, còn sự thống nhất về chiến lược mới là nền tảng.

Theo ông nói, nếu đặt lợi ích từ "con đường tơ lụa" và lợi ích từ COC lên bàn cân thì TQ sẽ chọn "con đường tơ lụa" và chấp nhận ký COC để lấy cái lợi lớn hơn?

Chọn hay không chọn còn khó khăn ở chỗ các nước có chấp nhận hay không.

Tại sao chúng ta vẫn nói đến sự thống nhất trong khác biệt, tôn trọng lẫn nhau để thương lượng và nhất trí là bởi vì tinh thần dân tộc của các nước Đông Nam Á rất cao. Vì họ từng là các nước thuộc địa hoặc bị lệ thuộc mà giành được độc lập nên họ rất ý thức tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của từng quốc gia.

Khi đưa ra một thiết chế liên kết mà không có sự tôn trọng nền độc lập và chủ quyền của các nước thì thiết chế đó không bao giờ được chấp nhận.

EU liên kết chặt chẽ như vậy nhưng khi động đến lợi ích quốc gia thì sẽ có cách ứng xử khác nhau. Vụ việc bao vây, cấm vận Nga trong sự kiện Ukraine là một ví dụ điển hình. Mỗi nước có một quan điểm khác nhau vì có những lợi ích kinh tế khác nhau đối với Nga.

Vị thế của Việt Nam sẽ ngày càng cao trong ASEAN

Trong thời gian qua, vì một số lý do nào đó mà trước những sự việc liên quan đến biển Đông, ASEAN không tìm được sự thống nhất giữa các nước. Trong thời gian tới, những sự tác động từ bên ngoài vào một số quốc gia trong ASEAN có phải là mối lo cho cả Hiệp hội?

Tôi cho rằng không có sự tác động nào gây ra sự chia rẽ của khu vực. Mỹ không bao giờ muốn ASEAN chia rẽ vì ASEAN yếu đi tức là bị chia rẽ thì có nước nào đó sẽ chi phối. Ấn Độ cũng như vậy.

Tôi lấy một ví dụ, đó là năm 1979, khi ta giúp Campuchia thoát khỏi hoạ diệt chủng và những người cách mạng Campuchia thành lập chính quyền thì Ấn Độ chính là nước đầu tiên công nhận chính quyền Campuchia trong khi thế giới vẫn còn phê phán nọ kia. Bởi vì Ấn Độ biết rằng không thể để cho khu vực này bị phân liệt và yếu kém. Tầm nhìn đó có từ năm 1979 và bây giờ càng rõ ràng.

Trong quá khứ, Nhật Bản cũng là nước sớm bình thường hóa quan hệ với Việt Nam và cũng không muốn ASEAN mất đoàn kết, có khoảng trống quyền lực để cho nước nào đó có thể lấp khoảng trống đó.

Và vì không muốn ASEAN suy yếu dẫn đến việc bị chi phối nên các nước sẽ tìm cách để cho ASEAN đoàn kết, phát triển mạnh mẽ.

Nhất định vẫn có ai đó, trong một sự kiện nào đó muốn lách ra để chia tách ASEAN nhưng đó chỉ là nhất thời.

Trong thời gian tới, VN cần phải có những hành động như thế nào để tăng cường vị thế của mình trong ASEAN, tranh thủ sự ủng hộ của các nước trong vấn đề biển Đông bên cạnh những thuận lợi vốn có của mình, thưa ông?

Vấn đề biển Đông hiện nay không chỉ là việc tranh chấp giữa Việt Nam, Philippines với Trung Quốc hay ASEAN với Trung Quốc mà nó đã trở thành vấn đề quốc tế rồi. Các nước G7 vừa qua nhóm họp đã phản đối những hành động của Trung Quốc nhằm thay đổi hiện trạng các thực thể ở biển Đông. Các nước EU cũng thế. Việt Nam chỉ là một nhân tố trong vấn đề quốc tế đó chứ không phải là nhân tố đi đầu.

Ngọn cờ để tập hợp lực lượng để chống lại cường quyền khu vực chính là Hòa bình. Càng giương cao ngọn cờ Hòa bình thì chúng ta càng tăng cường uy tín đối với các nước trên thế giới.

Hòa bình hiện nay không chỉ là phương pháp đấu tranh mà còn là lý tưởng của nhân loại. Hiện nay vấn đề vũ khí hạt nhân rất nóng, ngay cả Mỹ cũng phải đàm phán với Iran để xử lý vấn đề này. Vấn đề xung đột sắc tộc cũng dẫn đến chiến tranh khiến cho các nước liên quan cũng khó phát triển.

Phương pháp đấu tranh hòa bình rất tinh tế và phong phú bởi nó chứa đựng lý tưởng của nhân loại.

Xin trân trọng cảm ơn ông.

Theo Tuệ Minh - Một thế giới

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X