Hotline 24/7
08983-08983

Vào mùa... đào đường

Việc thi công kéo dài, tái lập mặt đường cẩu thả đã ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt và hoạt động buôn bán của người dân.

Tập trung đào đường vào thời điểm cuối năm dường như đã thành thông lệ. Hơn 1 tháng qua, các cửa hàng buôn bán trên đường Hậu Giang (phường 5, quận 6, TPHCM) khá vắng vẻ bởi khách hàng không thể tìm thấy lối dẫn vào...

Méo mặt vì ế ẩm

Theo người dân địa phương, từ tháng 9/2014, đường Hậu Giang được lập rào chắn để nâng cấp, mở rộng. Cũng từ thời điểm này, người dân ngao ngán vì đi lại khó khăn, đặc biệt các chủ các cửa hàng buôn bán kinh doanh “khóc dở” vì lâm vào cảnh ế ẩm.

Trưa 22/12, chúng tôi nhận thấy mặt đường Hậu Giang được trải thảm nhựa, đơn vị thi công đang nâng vỉa hè. Tuy nhiên, các bó vỉa hai bên đường cao hơn mặt đường mới làm và vỉa hè hiện hữu nên xe máy không thể đi qua để vào các cửa hàng bên trong.

“Đường sá ngổn ngang, ai cũng muốn đi qua cho nhanh chứ có ai chịu ghé vào mua bán gì. Mỗi lần làm đường là y rằng buôn bán ế ẩm, trong khi tiền thuê mặt bằng, nhân công đến tháng vẫn phải trả...” - một chủ hiệu mắt kính trên đường Hậu Giang  phàn nàn.

Vỉa hè đường Lý Thái Tổ, phường 10, quận 10, TP HCM tái lập mặt bằng quá cẩu thả
Vỉa hè đường Lý Thái Tổ, phường 10, quận 10, TPHCM tái lập mặt bằng quá cẩu thả

Cùng chung cảnh ngộ, các hộ dân trên đường Lý Thái Tổ (phường 10, quận 10) cũng kêu trời vì đơn vị thi công tái lập mặt đường cẩu thả. Theo ghi nhận của chúng tôi vào sáng 17/12, nhiều đoạn vỉa hè bị đào xới với chiều rộng khoảng 1 m nhưng không được tái lập cẩn thận.

Bà Thanh, sống gần đó, than vãn: “Hồi tháng trước mới đào đường làm đèn chiếu sáng, giờ lại tiếp tục đào đường làm cống thoát nước như vầy dân chịu sao thấu? Cứ ngủ một giấc sáng ra đã thấy vỉa hè trước nhà mình nham nhở”. Cách đó không xa, vỉa hè đường Lê Hồng Phong cũng bị đào lên để hạ cáp ngầm nhưng tái lập qua loa.

Mặt đường Tái Thiết, phường 11, quận Tân Bình, TP HCM rất nham nhở
Mặt đường Tái Thiết, phường 11, quận Tân Bình, TPHCM rất nham nhở

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Anh Điệp - Chủ tịch UBND phường 10, quận 10 - cho biết đường Lý Thái Tổ (đoạn từ hẻm 384 đến đường Sư Vạn Hạnh) được cấp phép thi công công trình giảm ngập do Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TP làm chủ đầu tư.

“Phường sẽ đề nghị đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ để người dân đi lại an toàn và yên tâm kinh doanh. Hiện chúng tôi đã cử cán bộ phụ trách xuống kiểm tra và giám sát việc thi công công trình này” - ông Điệp nói.

Hơn 2 tháng không xong 120 m đường

“Mang tiếng làm đường mới nhưng hiện trạng bây giờ không khác đường làng”. Ông Phạm Đình Tuấn - ngụ đường Tái Thiết, khu phố 1, phường 11, quận Tân Bình - bức xúc. Người dân cho biết đường Tái Thiết bắt đầu thi công từ ngày 13/10 với 2 hạng mục chính là thay cống thoát nước và bó vỉa. Trong quá trình thi công, người dân đề nghị Công ty TNHH MTV Cấp nước Tân Hòa kết hợp luôn thay ống nước sinh hoạt. Tuy nhiên, từ khi thay xong ống nước, công trình bắt đầu chựng lại.

Đến con “đường làng” này vào ngày 17/12, hơn 2 tháng kể từ ngày thi công, đập vào mắt chúng tôi là hình ảnh nhiều hố ga thoát nước nằm cao hơn mặt đường khoảng 30 cm, trở thành những cái bẫy. Nan giải hơn, do mặt đường chưa được thảm nhựa nên nhà dân cao hơn mặt đường khoảng 40 cm khiến việc đi lại hết sức khó khăn. Để tự cứu mình, một số hộ dân phải xây bệ xi-măng dẫn vào hoặc nhờ hàng xóm khiêng xe vào giúp.

Ông Nguyễn Ngọc Anh Quốc - Phó Chủ tịch UBND phường 11, quận Tân Bình - cho biết đường Tái Thiết có chiều dài 120 m được cấp kinh phí từ dự án nâng cấp đô thị TP. Tuy nhiên, do nguồn vốn từ ngân sách giải ngân chậm nên việc thi công đường Tái Thiết chỉ làm cầm chừng.

Theo ông Quốc, chủ đầu tư dự kiến cuối tháng 11  hoàn thành nhưng nay đã quá hạn 1 tháng và gần kết thúc năm mà chưa xong. Hiện đơn vị thi công đang nạo vét đường để trải thảm nhựa và cam kết sẽ hoàn thành trước ngày 31/12.

Mặc dù chính quyền TP đưa ra nhiều biện pháp chế tài mạnh nhưng dường như điệp khúc “đào lên lấp xuống” của các đơn vị thi công vẫn diễn ra phổ biến ở nhiều nơi, vừa lãng phí tiền ngân sách vừa làm khổ người dân.

Theo Sỹ Đông  - Người lao động

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X