Hotline 24/7
08983-08983

Từ phòng thí nghiệm Cỏ May đến Donald Trump

Chỉ trong một buổi tối, tôi thay đổi đề tài chuyên mục này ba lần.

Gia tăng giá trị cho nấm rơm một tin vui từ phòng thí nghiệm Cỏ May

Nhận được mấy bức ảnh và một dòng tin của ông “nông doanh” Phạm Minh Thiện giới thiệu “bột ngọt từ nấm rơm” và “philê cá tra muối xả với bao bì năm lớp của Mỹ Lan”, tôi định viết một bài: Một lối thoát của hội nhập. Đang viết thì thấy một loạt tin về “nông dân kêu trời vì Trung Quốc không mua chuối”, sau hàng loạt cuộc kêu trời nối tiếp nhau: dưa hấu, heo… tôi chuyển qua viết bài Dưa, heo, chuối tìm đường thoát lệ thuộc. Đến gần sáng lại thấy xuất hiện bản tin của Bloomberg: Việt Nam trong tầm ngắm của Mỹ - giảm nhập siêu và kéo việc làm về Mỹ, bèn viết lại bài.

… Chỉ trong từng ấy thời gian mà thấy không khí tương tác thương mại bắt đầu sôi động quá sức, không chờ Việt Nam… qua mùng và chúc mừng Tân niên, rời lễ hội, uể oải trở lại làm việc.

Tin từ phòng thí nghiệm của ông chủ trẻ Cỏ May (mê nghiên cứu và sản phẩm mới) là tin vui có ý nghĩa. Vì lâu dài, muốn thoát khỏi nạn “khóc ròng” khi Trung Quốc bỗng dừng mua gà, heo, dưa chuối… thì chỉ có cách là ngưng bán nông sản thô, nâng giá trị gia tăng cho nông sản và đa dạng hoá thị trường, thay vì chỉ bỏ tất cả trứng vào cái giỏ Trung Quốc. Tin nông dân trồng chuối bị ứ hàng lại đến cùng lúc với tin: giám đốc trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu của cục Xúc tiến thương mại quốc gia thuộc Bộ Công Thương bị phát hiện cùng đoàn cán bộ đi lễ vào sáng 7/2/2017 trong giờ làm việc.

“Cái kim trong bọc” này sao lại thò ra lúc này, thêm “khẳng định” về hoạt động của cơ quan chuyên môn, về cách họ thực thi nhiệm vụ trong tình hình dầu sôi lửa bỏng của cuộc cạnh tranh thương mại hiện nay. Và thêm nữa, báo chí vẫn nhiệt tình đưa tin về kiểm tra tài sản thứ trưởng HTKT cùng với tin cục Xúc tiến thương mại kiểm điểm, đề xuất xử lý đoàn đi lễ vào giờ làm việc. Bao nhiêu sức lực thay vì tập trung tối đa cho tình hình thương mại sôi bỏng, thì các cơ quan quản lý thương mại và xúc tiến đang làm gì vậy? Có một uỷ ban quốc gia nào, bỏ ăn bỏ ngủ để các nhà quản lý ngồi miệt mài trao đổi cùng chuyên gia và doanh nghiệp, đưa ra các giải pháp ứng phó kịp thời với tình hình này không?

Nông dân và doanh nghiệp thì lâu nay cũng đã biết “tự cứu mình trước khi trời cứu” chứ không chờ chỉ đạo. Nhưng cục diện lần này thực ra hết sức liên quan với quyết sách của Nhà nước.

Nếu Tổng thống Hoa Kỳ D. Trump bắt đầu áp thuế cho hàng nhập khẩu Việt Nam vào Hoa Kỳ để theo cách ông nói, “chống bất công mậu dịch” thì các ngành dệt may, đồ gỗ, thuỷ sản ứng biến ngay thế nào? Có doanh nghiệp nói, không sao vì theo biểu đồ này, mình xếp tới… thứ ba, sau Trung Quốc và Nhật Bản. Nhưng chỉ cần nghĩ thêm chút nữa, là nếu Hoa Kỳ áp thuế nặng thì hàng hoá Trung Quốc gặp khó sẽ đi dâu? Chắc sẽ không loại trừ lộ trình gần như “tự động” là… đẩy sang Việt Nam, với biên giới và giao thương tiểu ngạch đang rất tưng bừng hiện nay (viết đến đây, tôi lại rùng mình nghĩ đến tin mới nhất, chính Trung Quốc mấy ngày này đang báo động dịch cúm gia cầm hoành hành ở Quảng Châu).

Tình hình này càng phải nghĩ đến giải pháp thoát lệ thuộc kinh tế Trung Quốc thôi, nhất là nông sản. Bức tranh bây giờ rối hơn cách đây không lâu, rất nhiều giữa bộn bề thông tin: đầu năm 2017, Thái Lan xuất siêu sang Việt Nam do thuế tiến về 0, và ôtô xuất sang Việt Nam đang tăng đến cực đại; hàng hoá các nước AEC tràn sang.

Những ai ít quan tâm đến thương mại nhất cũng phải thấy “thương mại sự” giờ sôi động chóng mặt và liên quan trực tiếp đến mình mỗi ngày. Thực phẩm bẩn vẫn là nỗi lo lớn. Nông dân muốn làm nông sản sạch thì gặp nhiều khó khăn từ biến đổi khí hậu trong điều kiện chính sách tái cấu trúc, chú trọng hơn về chất lượng thay vì số lượng nông sản cũng không phải dễ thực hiện ngay.

Chính phủ rất quyết tâm chỉ đạo và đầu tư cho “Nông nghiệp công nghệ cao”, nhưng nền nông nghiệp sạch đòi hỏi đầu tư sức người sức của để thay đổi hạ tầng, thói quen ở nhiều cấp và nhất là làm sao đa dạng hoá thị trường, là những yêu cầu bức bách mà vô cùng khó khăn. Những việc cần làm ngay như: kiểm tra chặt buôn bán tiểu ngạch để ngăn chặn tối đa thực phẩm và sản phẩm độc hại; ngăn chặn, chế tài thương lái Trung Quốc đội lốt du lịch hay thuê thương nhân Việt Nam hành xử phạm luật, gây thiệt hại cho nông dân Việt cũng đã được báo chí đề cập nhiều lần, lần này nói nữa chỉ có điều khác là tình hình chắc không cho phép trì hoãn. Và song song đó là tích cực, kiên trì tiếp cận các thị trường mới…

Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng (HVNCLC) cao, trong bối cảnh đó, đưa ra một giải pháp: xây dựng bộ tiêu chuẩn mới về chất lượng sản phẩm, bên cạnh việc bình chọn doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn mềm là HVNCLC do người tiêu dùng. Bộ tiêu chí này tổng hợp, chọn ra các tiêu chuẩn phổ quát nhất, giữa quy chuẩn Việt Nam với các bộ tiêu chuẩn được thế giới công nhận từ các nền kinh tế, và khuyến khích doanh nghiệp sử dụng như một lời cam kết công khai, chặt chẽ nhất với lòng tin vào chất lượng hàng Việt của người tiêu dùng. Bộ tiêu chí đầu tiên dành cho ngành hàng thực phẩm sẽ được công bố đúng vào lúc công bố HVNCLC 2017 tại TPHCM, tối ngày 2/3/2017.

Theo Kim Hạnh - Thế giới tiếp thị

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X