Hotline 24/7
08983-08983

Truy thu Sabeco gần 2.500 tỷ đồng: Sabeco lách luật kiểu gì?

Doanh nghiệp lách luật, chỉ tính thuế TTĐB ở khâu bán trung gian nên việc nhà nước truy thu thêm 2.500 tỷ đồng là cần thiết để tránh thất thu.

Doanh nghiệp lách luật

Tiếp tục chia sẻ ý kiến về việc Thanh tra Chính phủ đề nghị truy thu nộp bổ sung ngân sách gần 2.480 tỷ đồng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với Tổng công ty Bia - rượu - nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), trao đổi với Đất Việt, PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá cả (Bộ Tài chính) khẳng định đây là việc làm cần thiết.

Theo PGS.TS Long, trong tuyên bố của Thanh tra Chính phủ (TTCP), đây là số tiền thuế phát sinh tăng phát hiện qua thanh tra từ năm 2010 đến 2014 do thay đổi giá tính thuế từ Công ty TNHH MTV Thương mại Bia Sài Gòn sang Công ty Cổ phần Thương mại khu vực của Sabeco. Vị chuyên gia cho rằng, ở đây doanh nghiệp tìm cách lách luật để không phải nộp thuế TTĐB cao. Vì vậy khi phát hiện có dấu hiệu sai phạm thì việc đưa ra đề nghị truy thu là trách nhiệm phải làm của TTCP.

“Truy thu như thế không có gì sai cả vì doanh nghiệp lách luật. Ở đây là Sabeco bán lại cho một công ty con của họ với giá thấp hơn rất nhiều. Nhưng thực chất công ty con của Sabeco lại bán ra với giá rất cao.

Khi tính thuế TTĐB, doanh nghiệp chỉ tính giá bán trung gian, không tính giá khâu cuối cùng khi bán ra thị trường cho người tiêu dùng. Nếu chúng ta không truy thu thêm sẽ làm mất một khoản tiền lớn cho ngân sách”, ông Long phân tích.

Ông Long nhấn mạnh, trong trường hợp này Sabeco phải chấp hành các yêu cầu từ cơ quan nhà nước và có nghĩa vụ nộp thuế đầy đủ. Bởi lẽ kiểm toán nhà nước và TTCP chịu trách nhiệm trước Chính phủ về các quyết định của mình, vì vậy họ làm rất chặt chẽ về quy trình. Để đưa ra đề nghị truy thu một số tiền lớn như vậy, cơ quan nhà nước phải có căn cứ, có cơ sở pháp lý, văn bản quy định rõ ràng, công khai, minh bạch.

Truy thu Sabeco gan 2.500 ty dong: Sabeco lach luat kieu gi?
Truy thu thuế 2.500 tỷ đồng thuế TTĐB với Sabeco là cần thiết

“Doanh nghiệp có thể cho rằng việc truy thu thêm gần 2.500 tỷ đồng với họ thể hiện sự không nhất quán của cơ quan nhà nước. Họ có thể hỏi tại sao trước đây không tính nhưng bây giờ lại truy thu. Tuy nhiên cần phải hiểu cụ thể vấn đề. Trước đây khâu nào sai thì khâu đó phải chịu trách nhiệm. Có thể họ bỏ sót hoặc cũng có thể móc nối với nhau để tránh khoản thuế kia ra.

Đồng quan điểm trên, PGS.TS Lê Cao Đoàn, Viện Kinh tế trung ương khẳng định, tài chính của một quốc gia là vấn đề hết sức quan trọng. Việc để ra thất thu một khoản thuế lớn lên tới 2.500 tỷ đồng đối với Sabeco có thể làm cho nền kinh tế bị suy kiệt.

“Hiện nay nước ta đang ở trong thời điểm thâm hụt tài chính. Vì vậy, việc TTCP kiểm tra, rà soát hoạt động tài chính là cần thiết nếu có các dấu hiệu thất thoát nguồn lực. cần phải chấn chỉnh ngay. Đây là việc hết sức bình thường vì 2.500 tỷ đồng rất lớn. Việc các doanh nghiệp nợ thuế, trốn thuế là điều không thể chấp nhận được. Khẩu hiệu của chúng ta “thuế là nguồn thu cơ bản của nền kinh tế”. Vì vậy phải thu cho đúng, cho đủ”, ông Đoàn nêu quan điểm.

Chấn chỉnh các doanh nghiệp khác

Tiếp tục phân tích việc truy thu thuế TTĐB gần 2.500 tỷ đồng với Sabeco, PGS.TS Lê Cao Đoàn khẳng định, đây sẽ là tiền đề để các cơ quan quản lý nhà nước mạnh tay với các doanh nghiệp có sự gian lận trong việc đóng thuế.

“Sau trường hợp Sabeco, Habeco, nếu các doanh nghiệp khác có dấu hiệu tiêu cực thì phải cho thanh tra. Chúng ta cần làm nghiêm chỉnh nếu không sẽ không bị loạn. Mục tiêu lớn khi tiến hành rà soát, kiểm tra không phải là trù dập doanh nghiệp mà là làm lành mạnh hóa nền tài chính, cấu trúc lại nền tài chính để tạo ra sự phát triển lành mạnh. Chúng ta không phân biệt doanh nghiệp hay lĩnh vực nào cả. Cứ phát hiện sai phạm thì phải kiểm tra ngay”, PGS.TS Đoàn nói.

Theo ông Đoàn, hiện nay hệ thống pháp luật và quản lý nhà nước của chúng ta chưa hoàn thiện, chưa tốt nên tạo điều kiện cho các doanh nghiệp lách luật. Hàng năm nhà nước thất thu một khoản thuế lớn. Vì vậy việc tăng cường kiểm tra, giám sát, truy thu thuế TTĐB cũng là một trong những biện pháp quan trọng nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng thất thu.

“Thất thu của chúng ta có rất nhiều hình thức. Vì vậy tăng cường kiểm tra để thu thuế TTĐB hết sức cần thiết. Thanh tra ở đây, tôi cho rằng còn cần rà soát các hoạt động ấy có phù hợp với các quy định cũ về tài chính không. Nếu có tồn tại bất cập phải lên phương án điều chỉnh ngay”, ông Đoàn nhấn mạnh.

Trong khi đó, PGS.TS Ngô Trí Long nhận định, từ trường hợp truy thu thêm thuế TTĐB của Sabeco, dư luận đặt ra câu hỏi về trách nhiệm của các cơ quan kiểm tra, giám sát. Vì vậy cần phải rà soát lại để tìm hiểu nguyên nhân vì sao phải thanh tra nhiều lần chúng ta mới phát hiện ra những vấn đề tồn tại của Sabeco.

“Tôi đề nghị phải xem lại trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị liên quan. Phải chỉnh sửa lại bộ máy của chính quyền nhà nước thì mới trong sạch, vững mạnh được, mới tạo ra môi trường pháp lý”, ông Long nhấn mạnh.

Ngoài lĩnh vực nước giải khát, bia rượu, ông Long cho rằng nhà nước cũng cần tăng cường kiểm tra các khu vực khác như: xăng dầu, phí BOT, hay những ngành tác động đến môi trường. Đây là những vấn đề mà người dân và các nhà chuyên môn nhắc đến nhiều thời gian qua.

“Cái chính là phải giải quyết gốc rễ từ những người thực hiện. Chức năng nhiệm vụ phải làm đúng. Doanh nghiệp từng nói đại ý họ không sợ chính sách chỉ sợ người thực thi chính sách. Việc này không thể làm qua loa được”, ông Long khẳng định.

Theo Hoàng Nam - Đất Việt

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X