Hotline 24/7
08983-08983

Trung Quốc lũng đoạn hồ tiêu: Thương lái Việt tiếp tay?

Chưa biết “mặt mũi” thương lái Trung Quốc nhưng có hiện tượng thương lái Việt tiếp tay để lừa nông dân, không loại trừ họ giả thương lái Trung Quốc.

ho-tieu-1-1429021217071

Đó là ý kiến của một số lãnh đạo Sở NN&PTNT, Sở Công thương một số tỉnh khi trao đổi với Đất Việt về hiện tượng thương lái Trung Quốc lũng đoạn thị trường hồ tiêu ở khu vực Tây Nguyên.

Thương lái Việt tiếp tay lừa nông dân Việt

Trước đó, Phòng An ninh Kinh tế - Công an tỉnh Đắk Lắk đã có công văn cảnh báo hành vi, thủ đoạn của một số thương lái Trung Quốc.

Cụ thể, từ khoảng tháng 4/2015 đến nay, Phòng An ninh Kinh tế phát hiện một số thương lái Trung Quốc đã đến địa bàn tỉnh thu gom hồ tiêu, tiêu lép, các tạp chất của tiêu từ các hộ nông dân với số lượng lớn, giá cao hơn giá thị trường từ 3.000 đồng đến 10.000 đồng.

Sau khi thu gom, thương lái Trung Quốc tiếp tục đặt cọc tiền, ký hợp đồng với các doanh nghiệp, đại lý kinh doanh nông sản với giá rất cao, mục đích tạo sự khan hiếm nguồn hàng trên thị trường. Cùng thời điểm này, nguồn hàng trong dân không còn, các doanh nghiệp và đại lý không còn hàng để giao nên các thương lái Trung Quốc thông qua thương lái người Việt dùng lượng hàng đã thu gom trước đó bán lại cho các doanh nghiệp, đại lý và cuối cùng hủy hợp đồng đã ký.

Các doanh nghiệp, đại lý ôm hàng trăm tấn tiêu đã mua với giá cao từ thương lái Trung Quốc hoặc thu gom từ các nguồn khác nhưng không thể bán theo hợp đồng đã ký.

Ông Huỳnh Ngọc Dương, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Đắk Lắk cho biết, việc thương lái mua bán tiêu lép, tiêu non, rễ tiêu từng diễn ra mạnh ở huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai.

“Tại Đắk Lắk cũng nghe thông tin này, một số anh em ở địa phương phản ánh có thương lái Trung Quốc nhưng chúng tôi chưa trực tiếp gặp thương lái Trung Quốc bao giờ. Qua việc thương lái đến các đại lý đặt mua nông sản, Sở Công thương thấy đó là hiện tượng mua bán không bình thường nên chỉ đạo ngay lực lượng quản lý thị trường rà soát. Nhưng khi xuống đến nơi thì các thương lái đã lặn mất tăm, còn một số đại lý của mình thì thu mua hàng, ôm hàng chịu lỗ.

Sở đã phối hợp với Công an tỉnh Đắk Lắk cảnh báo các doanh nghiệp kinh doanh nông sản trên địa bàn cảnh giác với các hiện tượng mua bán bất thường, để khi tái diễn cơ quan chức năng sẽ can thiệp kịp thời”.

Ông Dương dự đoán có cả thương lái Trung Quốc và thương lái người Việt thu gom hàng nông sản với giá cao rồi sau đó “bỏ bom”, thậm chí không loại trừ người Việt giả người Trung Quốc để lừa đảo nhân dân, bởi chưa bắt được thương lái Trung Quốc bao giờ.

Lý giải nguyên nhân người dân Việt dễ bị lừa, ông Huỳnh Ngọc Dương cho rằng, tâm ý của người dân nói chung là ham lợi nhuận nhưng ở một số nước có thể họ chủ động, cảnh giác tốt hơn, khi có hiệu quả kinh tế bất thường thì họ nghi ngờ, còn người dân Việt Nam cứ tặc lưỡi “nhào vô” vì không bán thì người khác cũng bán. Chưa kể, tính liên kết của các doanh nghiệp Việt Nam còn yếu, thậm chí giấu nhẹm thông tin với nhau, thiệt hại không ai biết.

Trong khi đó, ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định cũng cho hay “chưa biết mặt mũi thương lái Trung Quốc thế nào nhưng có hiện tượng thương lái Việt tiếp tay cho thương lái Trung Quốc”.

Dẫn lại mô hình sản xuất lạc kết hợp với doanh nghiệp để chế biến, xuất khẩu đang được Sở triển khai thí điểm, ông Hổ kể rằng, ở một số xã, mô hình này đã bị phá nát bởi thương lái.

“Ban đầu theo hợp đồng ký kết, doanh nghiệp mua lạc với giá 5.500 đồng/kg, người dân đã lãi trên 40-50%. Tuy nhiên, đến mùa thu hoạch, thương lái kéo đến nâng giá, doanh nghiệp phải ký với giá 9.000 đồng/kg thì thương lái mua lên 11.000 đồng/kg. Khi doanh nghiệp nâng lên 10.000 đồng/kg, thương lái lại tiếp tục mua 13.000 đồng/kg, họ mang bao đến mua cả lạc non lẫn lạc già, ứng tiền trước cho nông dân.

Chúng tôi tìm hiểu thì được biết những người này chở lạc sang Trung Quốc để bán, nhưng qua Trung Quốc họ có mua hay không thì không biết. Về phía doanh nghiệp, họ rất bức xúc vì họ ký hợp đồng xuất khẩu ra nước ngoài nên phải nhắm mắt nâng giá thu mua lên, nghĩa là chấp nhận lỗ.

Qua xã khác, Sở Công thương rút kinh nghiệm, phối hợp với công an huyện, quản lý thị trường, khi thương lái xuống mua nông sản thì mời họ về xã, hỏi giấy phép kinh doanh và yêu cầu họ ký hợp đồng như doanh nghiệp đã làm. Làm thế này sẽ khiến thương lái “mất hồn” bởi chắc chắn họ không có giấy phép kinh doanh. Hơn nữa, họ cũng từ chối ký hợp đồng và cho biết, nếu Nhà nước không tổ chức sản xuất theo chuỗi, họ cũng chỉ thu mua với giá 5.500-6.000 đồng/kg.


Lỡ mua 20 tấn bụi tiêu với giá cao, chị N không biết bán cho ai .Tạp chất của tiêu cũng được thương lái thu mua với giá 15.000 đồng/kg. Ảnh: NLĐ

Bộ Công thương sao chưa vào cuộc?

Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định lo lắng rằng cách làm của Bình Định cũng chỉ là tạm thời bởi lực lượng công an cũng như nhân viên của Sở NN&PTNT phải làm việc rất vất vả khi phải ‘canh’ cả tuần dưới địa phương, nếu kéo dài sẽ không đủ sức và lực lượng.

Về phía doanh nghiệp cũng cho biết, nếu năm sau thương lái tiếp tục thu mua giá cao thì doanh nghiệp khó tham gia mô hình sản xuất theo chuỗi khi để giữ hợp đồng, họ đã phải nâng giá thu mua lên 9.000 đồng/kg, nghĩa là nông dân dù đã lãi trên 70%, cộng với việc tăng năng suất lên 40% vì được Nhà nước hỗ trợ 50% giá giống nhưng vẫn phá hợp đồng.

Còn người nông dân thừa nhận phá hợp đồng nhưng mức giá thu mua của thương lái quá lớn. Dù biết năm sau thương lái có thể hạ giá xuống 5.000-6.000 đồng/kg nhưng họ chấp nhận, năm nào biết năm đó.

“Người dân ham lợi nhuận, nhận thức kém, hợp đồng dù đã ký nhưng không thể phạt được họ bởi không ràng buộc trách nhiệm của người dân với doanh nghiệp. Cũng không thể bắt thương lái vì họ không vi phạm pháp luật, họ đâu có mua gian bán lận, đây cũng không phải sản phẩm cấm. Chúng tôi chỉ còn biện pháp cuối cùng là mời thương lái đến làm việc và làm mấy động tác như nói ở trên. Tôi sợ sau này chỉ lơ đễnh một chút, chuỗi nông nghiệp sẽ bị phá nát”.

Bởi thế, ông Phan Trọng Hổ cho rằng, Bộ Công thương cần chỉ đạo các Sở Công thương có chiến lược rõ ràng để đối phó với tình trạng thương lái thu mua nông sản giá cao sau đó ‘lặn mất tăm’.

“Chỉ ngành nông nghiệp làm thì không đủ sức vì chúng tôi chỉ tổ chức sản xuất. Nếu chúng tôi xây dựng 4-5 chuỗi nữa mà thương lái cứ phá thì sức đâu chúng tôi giữ được, trong khi công an cũng không có cớ gì bắt họ được. Cần có chiến lược giúp nông dân trong việc tiêu thụ sản phẩm, xây dựng các chuỗi giữ uy tín giữa nông dân với doanh nghiệp chứ không phải theo kiểu tiêu thụ dưa hấu, đó cũng không là chiến lược lâu dài. Nếu không làm được như vậy, người dân Việt Nam sẽ tiếp tục khổ bởi nhận thức của họ kém, quy mô sản xuất không lớn”.

Đồng quan điểm, ông Huỳnh Ngọc Dương nhấn mạnh rất cần vai trò của Bộ Công thương. 

“Hiện nay, tình trạng thương lái nước ngoài thu mua nông sản xảy ra rất nhiều tại các địa phương trên cả nước nên phải thường xuyên cử cán bộ nhân viên kiểm tra, nắm được thông tin từ cơ sở một cách kịp thời, nếu chỉ ngồi chỉ đạo bằng văn bản thì không ai nghe.

Vì chưa bắt được thương lái Trung Quốc, trong khi văn bản của Bộ Công thương quy định rõ thương lái nước ngoài không được trực tiếp thu mua nông sản của nông dân mà phải thông qua đại lý doanh nghiệp, Sở đã thông báo luôn những thông tin này cho Cục Thuế để phổ biến cho các cơ sở thu mua. Đồng thời, triển khai lực lượng quản lý thị trường hoặc công an kinh tế kiểm tra, phối hợp làm rõ đối tượng đó là người Việt hay người Trung Quốc.

Trong chương trình xúc tiến thương mại, Sở Công thương tỉnh Đắk Lắk cũng đặt ra các vấn đề: nếu đúng là thương lái Trung Quốc mua những mặt hàng dị biệt thì cần có thông tin từ bên ngoài. Ví dụ, ngành công thương cầng có những thông tin ở cửa khẩu Lạng Sơn, Lào Cai… xem những dạng hàng xuất khẩu như thế có hay không, rồi thông qua kênh tham tán thương mại của Việt Nam để có thông tin chính xác về doanh nghiệp hay đối tượng Trung Quốc mua hàng.

Chúng tôi cũng đề nghị cung cấp cho tất cả các địa phương tình hình biên mậu của Việt Nam-Trung Quốc vì không biết họ đóng cửa, mở cửa thế nào, hình thức mua bán của họ rất phức tạp. Chúng tôi đã làm việc và xin ý kiến Bộ Công thương về các việc này, còn ở địa phương, Sở luôn nhắc nhở các doanh nghiệp phải đề cao cảnh giác, đặc biệt là những hiện tượng mua bán bất thường, mặt hàng không giống ai như mua lá, ngọn, rễ, giá cả đột biến”.

Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Đắk Lắk đặc biệt đề nghị công an kinh tế vào cuộc, truy nguồn gốc người mua, ví dụ, có thể đến đại lý lừa đảo để bắt 1-2 vụ rồi đưa ra công khai, tuyên truyền cho người dân thì hiệu quả rất cao.

Theo Đất Việt

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X