Hotline 24/7
08983-08983

Trung Quốc động thổ xây 2 hải đăng trên biển Đông

Bất chấp phản ứng của cộng đồng quốc tế, Trung Quốc tiếp tục thể hiện sự khiêu khích và hiếu chiến trên biển Đông. Nhưng các nước trong khu vực không để cho Bắc Kinh muốn làm gì thì làm.

Sĩ quan Việt Nam xem các mô hình tàu chiến trưng bày ở triển lãm hải quân châu Á tổ chức tại Singapore từ ngày 19 đến 21-5- Ảnh: Reuters
Sĩ quan Việt Nam xem các mô hình tàu chiến trưng bày ở triển lãm hải quân châu Á tổ chức tại Singapore từ ngày 19 - 21/5 - Ảnh: Reuters

Theo Tân Hoa xã, hôm qua 26/5, Bộ Giao thông Trung Quốc tổ chức lễ động thổ xây dựng hai hải đăng ở bãi đá Châu Viên và bãi đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà Bắc Kinh đang chiếm đóng trái phép. Lý do giải thích với công luận là “để cải thiện an toàn hàng hải” trên biển Đông.

Đá Châu Viên và đá Gạc Ma là hai địa điểm mà Trung Quốc đang bồi đắp xây đảo nhân tạo bất hợp pháp. Đặc biệt trên đá Gạc Ma, Trung Quốc đang phát triển một đường băng quân sự mà giới chuyên môn đánh giá là có thể tiếp nhận các máy bay chiến đấu.

Cùng ngày, Bộ Quốc phòng Trung Quốc công bố sách trắng quốc phòng, cho biết sẽ tăng cường sức mạnh hải quân ở các vùng biển xa.

Quốc vụ viện Trung Quốc tuyên bố nước này “phải đối mặt với hàng loạt thách thức an ninh nghiêm trọng và phức tạp” trên biển Đông. Bắc Kinh khẳng định “sẽ bảo vệ lãnh hải” và chỉ trích các nước láng giềng “thực hiện hành vi khiêu khích ở các đảo và bãi đá của Trung Quốc”!

Khu vực tăng cường vũ trang

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân thản nhiên so sánh việc xây đảo nhân tạo trái phép trên biển Đông “cũng tương tự như xây nhà cửa, đường sá” trong lãnh thổ nước này.

Ông Dương cũng lớn tiếng chỉ trích “một số quốc gia bên ngoài cố tình can thiệp vào vấn đề Nam Hải (cách Trung Quốc gọi biển Đông)”, “thổi phồng mối đe dọa quân sự Trung Quốc”, và đe dọa “sẽ có phản ứng cần thiết” với các chuyến bay tuần tra trên biển Đông.

Trung Quốc không chỉ thể hiện sự hiếu chiến bằng lời nói. Theo báo PhilStar của Philippines, phó đô đốc Philippines Alexander Lopez tố cáo lực lượng Trung Quốc đã nhiều lần tìm cách cản trở các chuyến bay tuần tra hàng hải của quân đội Philippines trên biển Đông kể từ tháng 4 năm nay.

Ông Lopez mô tả trên thực tế Bắc Kinh đã lập một vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) hạn chế phía trên đá Xu Bi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Dù vậy chính quyền Manila nhấn mạnh sẽ tiếp tục tuần tra ở vùng trời quốc tế trên biển Đông.

Trước mối đe dọa bành trướng từ Trung Quốc, các nước trong khu vực đang tăng cường lực lượng vũ trang để tự vệ.

Theo tạp chí quốc phòng IHS Jane’s, chi tiêu quốc phòng thường niên của Đông Nam Á dự kiến sẽ chạm mức 52 tỉ USD vào năm 2020, tăng mạnh so với con số 42 tỉ USD năm nay. Và trong vòng năm năm tới, 10 nước ASEAN sẽ chi 58 tỉ USD để mua khí tài, chủ yếu là khí tài hải quân. Phần lớn các thiết bị này sẽ được triển khai ở và quanh biển Đông.

Chuyên gia Ben Moores của IHS Jane’s đánh giá các nước trong khu vực buộc phải tăng cường sức mạnh quân sự để đề phòng nguy cơ Trung Quốc gây hấn.

Nếu Trung Quốc thật sự muốn gây chiến để chiếm biển Đông, hải quân Đông Nam Á có thể khiến Trung Quốc phải trả giá dù lực lượng của từng quốc gia riêng lẻ không thể so sánh với Trung Quốc.

Tam giác chiến lược

Cũng liên quan đến tình hình biển Đông, mới đây Chính phủ Nhật cho biết lực lượng quân sự nước này sẽ tham gia cuộc tập trận Talisman Sabre giữa quân đội Mỹ và Úc. Theo Reuters, khoảng 30.000 binh sĩ Mỹ và Úc sẽ thực hiện cuộc tập trận vào đầu tháng 7.

Dù Nhật chỉ cử 40 sĩ quan và binh sĩ đến Úc, nhưng đây là tín hiệu cho thấy Washington quyết tăng cường hợp tác quân sự với các nước đồng minh tại châu Á để đối phó với nguy cơ Trung Quốc.

Cuộc tập trận Talisman Sabre sẽ được tổ chức tại nhiều địa điểm ở Úc, bao gồm các chiến dịch hàng hải, đổ bộ, chiến thuật đặc nhiệm, chiến tranh đô thị... “Có một sự đối xứng rõ ràng trong liên minh Tây Thái Bình Dương. Nhật là trụ cột phía bắc, còn Úc là trụ cột phía nam” - Reuters dẫn lời chuyên gia Euan Graham thuộc Viện Lowy ở Sydney. Trong thời gian qua, cả ba nước đều bày tỏ lo ngại về việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo trái phép trên biển Đông.

Giới quan sát nhận định đây là một tam giác chiến lược mà Mỹ thành lập nhằm ngăn chặn tham vọng lãnh thổ vô căn cứ của Trung Quốc trên biển Đông và biển Hoa Đông.

TS Trần Công Trục (nguyên trưởng Ban Biên giới Chính phủ): 

Đó là âm mưu hợp thức hóa yêu sách chủ quyền

Việc Trung Quốc tiến hành động thổ xây dựng hai hải đăng trên bãi Châu Viên và bãi Gạc Ma ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam thể hiện âm mưu hợp thức hóa yêu sách chủ quyền của họ.

Trung Quốc nhảy vào Trường Sa bằng vũ lực. Sau khi chiếm đóng trái phép, Trung Quốc xây dựng đường băng, xây dựng cơ sở hậu cần, quân sự... làm thế giới hết sức quan ngại.

Họ đang thực hiện chiến thuật lợi dụng các hoạt động mang tính chất khoa học như khí tượng, thủy văn để hợp thức hóa chủ quyền bằng cách vận động các tổ chức khí tượng, thủy văn thế giới công nhận các công trình của họ.

Vấn đề là xây ở đâu, xây như thế nào? Nếu Bắc Kinh xây dựng hải đăng trên lãnh thổ của họ thì không sao nhưng nếu họ xây dựng trên lãnh thổ của Việt Nam thì hoàn toàn trái phép.

Việt Nam cần phải phản đối và yêu cầu các tổ chức khí tượng, thủy văn thế giới không công nhận hai ngọn hải đăng này vì những công trình này được xây dựng trái phép trên lãnh thổ của chúng ta.

Bắc Kinh nói họ xây dựng các công trình phục vụ hoạt động kinh tế, hành chính, khoa học, dự báo thời tiết để phục vụ người dân nhưng thực chất là họ muốn che lấp những công trình quân sự đằng sau.

Ngoài ra họ còn âm mưu biến đảo nhân tạo thành đảo để mở rộng phạm vi vùng biển. Nhưng theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS), đảo nhân tạo không được công nhận là đảo nên không được dùng để phân định ranh giới lãnh hải.

* Tiến sĩ Hà Anh Tuấn (cán bộ nghiên cứu của Học viện Ngoại giao Việt Nam): 

“Tôi không bất ngờ”

Điều này hoàn toàn không bất ngờ. Việc xây hải đăng là hoạt động chắc chắn Trung Quốc sẽ làm để phù hợp với tuyên bố trước đây của họ về cung cấp các dịch vụ dân sự như điều hướng tàu thuyền, dự báo thời tiết, cứu hộ, cứu nạn cũng như xây dựng cơ sở, trang thiết bị quân sự.

Ngoài ra, theo tôi, sắp tới Trung Quốc còn cung cấp, bán xăng dầu, mua cá của ngư dân để tiếp tục khẳng định mục tiêu dân sự của họ.

Q.TRUNG ghi

Theo Hiếu Trung - Tuổi trẻ

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X