Hotline 24/7
08983-08983

Trong thế giới người điên: “Dưỡng trí viện” về đêm

Trái với suy nghĩ của nhiều người, rằng người “điên” luôn luôn hò hét đập phá bất kể ngày đêm, thực ra ngược lại, không khí ban đêm ở đây khá yên tĩnh.


3 người chen chúc 1 giường

Khoảng lặng của một ngày

"Một ngày tại "dưỡng trí viện" bắt đầu từ 3h sáng" - thú thực tôi đã hết sức sửng sốt khi anh Phạm Đình Thắng, chủ tịch công đoàn của trại thông báo như vậy khi tôi có ý định xuống khoa 2 ngủ chung với Điều dưỡng trưởng Nguyễn Văn Tuân để xem người "điên" sẽ "giở trò" gì vào ban đêm.

Anh Thắng nói: "Các nhân viên của trại sẽ đi ngủ lúc 23h30 sau khi kiểm tra lần cuối toàn bộ khu vực họ phụ trách". Như vậy có nghĩa nếu phải trực đêm mỗi cán bộ chỉ được chợp mắt vỏn vẹn 3 tiếng đồng hồ. Thấy vẻ mặt thẫn thờ của tôi, anh Thắng cắt nghĩa: "Bữa thuốc cuối cùng của bệnh nhân sẽ được phát vào buổi tối sau khi bệnh nhân dùng bữa cơm chiều. Số thuốc này ngoài việc chữa bệnh theo phác đồ điều trị tâm thần nó còn có tác dụng an thần giúp cho bệnh nhân có thể ngủ được, bởi nếu không có thuốc họ sẽ không ngủ, tình trạng bệnh sẽ ngày càng nặng thêm. Thường thì 21h bệnh nhân sẽ đi ngủ, tuy nhiên, chỉ đến 3h sáng là thuốc bắt đầu "tan", lúc đó những bệnh nhân nào ngủ ít sẽ bắt đầu thức dậy và bắt đầu… hành cán bộ".

23h tôi theo anh Thắng cầm đèn pin tuần tra bắt đầu từ khoa 1. Bước qua cánh cổng sắt ngăn cách khu bệnh nhân với khu hành chính, bóng tối đen đặc khiến tôi bồn chồn. Biết đâu trong kia có 5-6 anh tâm thần nào đấy đang sẵn sàng nhảy bổ vào chúng tôi thì… chết chắc. Lo ngại của tôi là có cơ sở, bởi lúc này trời mưa như trút nước, ánh đèn loang loáng, thấp thoáng sau những cánh cửa tối om om là những bóng người dật dờ đi lại.

Anh Thắng bảo: "Đó là những bệnh nhân nhờn thuốc. Họ cứ vật vờ cả đêm, thỉnh thoảng lại lảm nhảm hay hò hét một mình. Rất may hôm nay trời mưa nên bệnh nhân vào phòng nằm cả, nếu không thế nào anh cũng vấp phải một ai đó nằm lù lù giữa đường".

Các căn phòng ở khu 1 đều mở toang cả cửa chính lẫn cửa sổ cho thoáng, nhưng không thể xua hết thứ mùi rất khó tả, vừa hôi hám, vừa khét lẹt và nồng nặc Amoniac. Ngày nào các cán bộ ở đây cũng phải dọn vệ sinh bởi người "điên" phóng uế rất bừa bãi, nhưng vẫn không xuể. Cái mùi kinh dị ấy "ám chết" vào từng viên gạch, từng thớ gỗ, lát vữa… của các bức tường sau mấy chục năm. Vừa bấm đèn soi vào một căn phòng, tôi bỗng rủn người vì bất ngờ gí sát mặt mình là 1 khuôn mặt nhăn nhở, ánh mắt man dại và bộ răng vàng khè chiếc còn chiếc mất: "Sư phụ! Cho em xin tý lửa".

Tim tôi muốn ngừng đập, huyết áp có lẽ vọt lên đến 300mmHg vì hoảng hốt. Anh Thắng dường như đã quá quen với cảnh này thì nhỏ nhẹ: "Hùng vào ngủ đi, thuốc men gì giờ này". Cái hình người đầy vẻ "dọa ma" ấy hóa ra nấp sau cánh cửa theo dõi chúng tôi tự bao giờ.

Nghe anh Thắng nhắc, Hùng lò dò bước ra ngoài, tay nâng niu điếu thuốc tưởng tượng bằng quân bài tú lơ khơ cuộn tròn. Anh Thắng quay sang trấn an tôi: "Không hiểu tại sao tất cả bệnh nhân tâm thần đều thích hút thuốc. Nhìn thấy thuốc cứ như mèo thấy mỡ. Ngó vậy thôi chứ bệnh nhân ở khoa này họ không tấn công anh đâu". Rồi anh cười: "Nhưng pha vừa rồi mà anh không xỉu thì cũng… gan đấy. Bao năm nay chỉ thấy các nhà báo tạt qua chốc lát chứ chưa ai "điên" đến mức "gồng mình" ở lại ngủ đêm trong này cả".


Kẻ trên người dưới

Những giấc mơ không trọn vẹn

Sau pha hú hồn đó tôi bắt đầu cẩn thận hơn, nhưng chỉ được một lát, cảm giác lo sợ biến đâu mất để thay vào đó là sự tò mò cố hữu nghề nghiệp. Người "điên" ngay cả trong giấc ngủ cũng chẳng giống ai. Theo quy định "trại" bố trí 4 bệnh nhân 1 phòng, nhưng với người "điên" mọi quy tắc trở thành trò hề. Có phòng cả 4 giường trống huơ trống huếch. Nhưng có phòng họ tập trung tới cả chục người nằm như "cá mòi đóng hộp" cho… vui.

Lại có phòng chỉ có duy nhất 1 anh nằm trên giường, nhưng dưới gầm thì lại chen chúc tới 4-5 anh khác, 3 chiếc giường còn lại thì để trống cho… gió thổi. Anh Thắng phân trần: "Lúc bệnh nhân đi ngủ, cán bộ đã sắp xếp từng người vào phòng tử tế, nhưng chỉ cần chúng tôi khuất bóng thì họ lại đâu đóng đấy". Kỳ quặc hơn, có anh thì quấn cả chăn lẫn màn kín người khi ngủ, nhưng ngay bên cạnh lại là một anh nồng nỗng thoát y.

Mặc dù đang giữa mùa hè, nhưng không phòng nào được trang bị quạt, tôi thắc mắc với anh Thắng: "Nếu trời nóng thì bệnh nhân làm sao ngủ được?" Anh Thắng thủng thẳng: "Lắp quạt thì chúng tôi đi tù sớm". Hóa ra bất kỳ cái gì mới lạ ở đây đều có thể thành trò tiêu khiển cho người "điên", kể cả điện. Theo anh Thắng, trước đây trại đã từng lắp bóng đèn ngoài sân để chiếu sáng cho bệnh nhân, nhưng chỉ được nửa ngày thì họ thách nhau ném vỡ sạch rồi ngồi cười sằng sặc như ma làm.

Thậm chí đã có lần trung tâm trang bị cho mỗi phòng 1 chiếc quạt trần, nhưng sáng hôm sau bác sỹ Phạm Xuân Vị - Giám đốc Trung tâm hoảng hồn khi được báo cáo, tất cả cánh quạt đều bị vặn xoắn tả tơi như lá chuối sau bão. Kỳ lạ ở chỗ trần cao 3m, quạt lắp giữa nhà, vậy mà không hiểu bệnh nhân trèo lên phá bằng cách nào dù họ không hề có nổi 1 chiếc thang. Tìm hiểu ra thì được biết, kẻ cầm đầu vụ phá hoại này vốn là một lính đặc công. Nghe tiếng gió, anh này cứ đinh ninh đó là trực thăng địch nên quyết tâm rủ các đồng đội "tay không bắt máy bay Mỹ".

Thôi thì quạt đi thay người - bác sỹ Vị hài hước nói - chứ vô phúc anh đặc công kia mà bị điện giật chết thì chúng tôi không biết phải ăn nói thế nào. Cũng từ đó cả trung tâm quán triệt: "Nóng thì ráng chịu hoặc mở hết cửa đón gió trời cho mát chứ kiên quyết… không lắp điện".

(Còn tiếp)
AloBacsi.vn
Theo Quốc Dũng - Hải Yến - An Ninh Thủ Đô

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X