Hotline 24/7
08983-08983

Tranh cãi về chuyện "phối" áo dài - váy đụp: Thực ra đã rất lỗi thời!

Qua nhiều giai đoạn "cải cách", một trong những "mốt" áo dài gây tranh cãi nhất đó chính là "áo dài Le Mur" của họa sĩ Cát Tường vào thập kỷ 1930.

Chưa khi nào loại trang phục tạm gọi là áo dài cách tân lại gây tranh cãi như mùa Tết vừa qua. Bên cạnh những ý kiến trái chiều lên án gay gắt "mốt" áo dài, váy đụp khi cho rằng lăng-xê trang phục này thể hiện sự méo mó về văn hóa, thẩm mỹ . Ngay đến các nhà thiết kế cũng bày tỏ nhiều quan điểm trái ngược nhau.

Bàn về "mốt" áo dài, váy đụp đang gây tranh cãi, nhà thiết kế Châu Ny cho biết, cá nhân chị thích mặc áo dài truyền thống, nhưng như vậy không có nghĩa là ghét áo dài cách tân. "Trước hết phải hiểu từ "cách tân" là gì, tôi cũng cẩn thận tra từ điển và các khái niệm về cách tân" và nhận được định nghĩa chính là "đổi mới", từ này chủ yếu được dùng trong lĩnh vực văn hoá, nghệ thuật. Vậy "đổi mới' bao nhiêu và thế nào cho đủ thì lại là vấn đề khác...", NTK Châu Ny bày tỏ.

NTK Châu Ny cũng dẫn chứng thêm, kiểu "sơ khai" của chiếc áo dài xưa nhất là áo giao lãnh, tương tự như áo tứ thân nhưng khi mặc thì hai thân trước để giao nhau mà không buộc lại. Áo mặc phủ ngoài yếm lót, váy tơ đen, thắt lưng màu buông thả. Cổ nhân xưa đi chân đất, về sau mang guốc gỗ, dép, giày.

Vì phải làm việc đồng áng hoặc buôn bán, chiếc áo giao lãnh được thu gọn lại thành kiểu áo tứ thân. Áo tứ thân được mặc ra ngoài váy xắn quai cồng để tiện cho việc gồng gánh nhưng vẫn không làm mất đi vẻ đẹp của người phụ nữ. Như vậy, áo dài "sơ khai" cũng mặc ngoài váy!


Một trong những kiểu áo dài cách tân đang gây tranh cãi

Một trong những kiểu "áo dài cách tân" đang gây tranh cãi

Qua nhiều giai đoạn "cải cách", một trong những "mốt" áo dài gây tranh cãi nhất đó chính là "áo dài Le Mur" của họa sĩ Cát Tường vào thập kỷ 1930. Ông đã thực hiện một cải cách quan trọng trên chiếc áo tứ thân để biến nó chỉ còn lại hai vạt trước và sau. Vạt trước được họa sĩ nối dài chấm đất để tăng thêm dáng vẻ uyển chuyển trong bước đi đồng thời thân trên được may ôm sát theo những đường cong cơ thể người mặc tạo nên vẻ yêu kiều và gợi cảm rất độc đáo.

Để tăng thêm vẻ nữ tính, hàng nút phía trước được dịch chuyển sang một chỗ mở áo dọc theo vai rồi chạy dọc theo một bên sườn. Tuy nhiên, "áo dài Le Mur" có nhiều biến cải mà nhiều người thời đó cho là "lai căng" thái quá, như áo may ráp vai, ráp tay phồng, cổ bồng hoặc cổ hở.

Thêm nữa "áo dài Le Mur" mặc cho đúng mốt phải với quần sa-tanh trắng, đi giày cao, một tay cắp ô và quàng vai thêm chiếc bóp đầm. Lối tân thời này tuy được nhiều người yêu thích nhưng cũng đã bị một số dư luận khi đó tẩy chay và cho là "đĩ thõa".


NTK Châu Ny và con gái

NTK Châu Ny và con gái

"Tóm lại, chỉ trong 3 phút tìm hiểu trên mạng thì áo dài cách tân với váy đụp chẳng qua là cái áo dài "sơ khai" lại được cách tân lại và áo dài "cổ truyền" mà chúng ta mặc hiện nay thì từng bị cho là "đĩ thoã" vào thập kỷ 1930. Tôi không bênh ai, các bạn trẻ đang muốn trải nghiệm với nhưng gì hay ho, cứ trải nghiệm. Ít ra thì "áo dài" cũng đã trở thành một văn hoá ăn mặc trong dịp quan trọng, và đến một độ tuổi nào đó "như tôi đây" thì sẽ thích quay trở lại với những gì được gọi là "truyền thống" thôi. Còn các nhà thiết kế trẻ tương lai, nếu không dám đối diện với "gạch đá" như Cát Tường thì làm sao có áo dài như hiện nay chứ nhỉ.

Tuy nhiên, muốn "cách tân, đổi mới" thì phải hiểu bản chất, cái gì khiến áo dài trở nên đẹp, để từ đó phát huy, thay đổi. Và đúng là trong lịch sử thời trang, mọi đổi mới trong thời trang đều bị coi là trái luân thường đạo lý, nhưng tại sao vẫn luôn trở thành xu hướng mới và đã thay đổi cả một nền văn hóa trong ăn mặc, điều này không phải ai cũng làm được", NTK Châu Ny nhận định.

Là người từng thiết kế nhiều trang phục áo dài dân tộc cho nhiều người đẹp dự thi sắc đẹp quốc tế, NTK Đức Hùng lại đưa ra ý kiến khá thẳng thắn: "Tôi khẳng định luôn, đó không phải áo dài Việt Nam. Nếu chúng ta cổ xúy, ủng hộ kiểu áo dài cách tân phối với váy đụp này thì hình ảnh tà áo dài truyền thống của Việt Nam sẽ bị mai một đi. Nếu cho rằng bộ trang phục đó là áo dài dân tộc là sai lầm của người sử dụng. Tôi cũng mong những người đang sử dụng trang phục này đừng nghĩ đó là áo dài truyền thống mà hãy coi đó là bộ cánh thời trang mang tính giải trí".

Theo NTK Đức Hùng, sự cách tân nào cũng chỉ có giới hạn. Nếu cứ biến tấu một cách thiếu hiểu biết rồi coi đó là trang phục truyền thống rồi dần dần các thế hệ sau cũng nhìn nhận lệch lạc đi về trang phục dân tộc.

Theo Thành Nam - Gia đình và Xã hội

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X