Hotline 24/7
08983-08983

"Trái lời" tiền bối, Tập Cận Bình tìm cách trở thành "Putin Trung Quốc"

Mao Trạch Đông xây dựng nên một "Trung Quốc mới", Đặng Tiểu Bình đưa nước này đến sự thịnh vượng và Tập Cận Bình sẽ đưa TQ trở nên lớn mạnh - WSJ dẫn lời quan chức TQ về hưu.

Ông Tập tiếp tục nắm quyền sau năm 2022?

Tờ Wall Street Journal dẫn nguồn tin từ các quan chức Trung Quốc tiết lộ, Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ "không tiến cử người kế nhiệm vào năm tới như các lãnh đạo tiền nhiệm".

Ở một khía cạnh nào đó, điều này có thể được diễn giải là ông muốn tiếp tục nắm quyền sau khi kết thúc nhiệm kỳ thứ hai vào năm 2022.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh: Quartz)
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh: Quartz)

Theo báo Mỹ, khi lựa chọn Tập Cận Bình trở thành nhà lãnh đạo tối cao, tầng lớp tinh anh đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) hy vọng ông sẽ trở thành một nhà lãnh đạo mạnh mẽ, cứng rắn.Bởi mười năm trước đó, Trung Quốc dưới nhiệm kỳ của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã bị ăn mòn bởi tình trạng tham nhũng hay rạn nứt trong đảng.

Sau 4 năm lên nắm quyền, bản thân ông Tập đã thâu tóm quyền lực của nhiều lĩnh vực như kinh tế, quân đội và phần lớn những cơ quan quan trọng khác, từng bước thay đổi cơ chế lãnh đạo tập thể do Mao Trạch Đông đề ra từ năm 1976 - một biện pháp nhằm tránh hiện tượng chuyên quyền.

Bằng cách phá vỡ điều lệ cũ, chiến dịch chống tham nhũng của ông đã loại bỏ nhiều nhân vật cấp cao như cựu Bí thư Ủy ban chính pháp trung ương Trung Quốc Chu Vĩnh Khang hay hai cựu Phó Chủ tịch Quân ủy Quách Bá Hùng, Từ Tài Hậu.

Trái lời tiền bối, Tập Cận Bình loay hoay tìm cách trở thành Putin Trung Quốc - Ảnh 1.Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường - nòng cốt lãnh đạo ­khóa 19 của Trung Quốc. Ảnh: Chinanews

Đặc biệt, ngoài việc yêu cầu sự trung thành của 89 triệu đảng viên, ông Tập cũng đã xây dựng một hình tượng lãnh đạo "thân dân".

WSJ dẫn lời một quan chức thường gặp mặt tầng lớp lãnh đạo cấp cao ĐCSTQ cho biết, Chủ tịch Tập Cận Bình mong muốn sẽ tiếp tục nắm quyền sau năm 2022 và đang tìm kiếm một mô thức lãnh đạo tương tự như Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Thế tiến thoái lưỡng nan của Tập Cận Bình

Theo WSJ, để đảm bảo việc tập trung quyền lực, có khả năng Tập Cận Bình sẽ cố gắng ổn định chính trị trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, cách làm này cũng rất mạo hiểm, có thể xóa bỏ thông lệ vốn được hình thành từ sau khi Mao Trạch Đông qua đời - đảm bảotính linh hoạt trong ĐCSTQ và có sự chuyển giao quyền lực theo trật tự ở những thời điểm quan trọng.

Trong khi đó, tầng lớp tinh anh Trung Quốc ngày càng lo ngại mô hình chính trị mới không phù hợp để quản lý nền kinh tế phức tạp hiện nay.

Chuyên gia nghiên cứu các vấn đề chính trị Trung Quốc thuộc trường Đại học quốc gia Singapore Hoàng Tĩnh đánh giá, Tập Cận Bình đang đối mặt với thế tiến thoái lưỡng nan: Không có quyền lực thì mọi sự bất thành và ngược lại.

Theo ông Hoàng, Tập Cận Bình cảm thấy cần phải tập trung quyền lực nên có thể ông sẽ làm suy yếu thế lực của những nhóm đối lập.

Một số ý kiến lại cho rằng, người đứng đầu Trung Nam Hải hiện vẫn gặp trở ngại trong nội bộ đảng nên ông cần phải hiện đại hóa cơ cấu lãnh đạo nhằm đối phó tình trạng suy thoái kinh tế trong nước cũng như thế lực đối đầu ở các nước phương Tây.

Trước đó, chính tại hội nghị trung ương VI được tổ chức hồi tháng 10 vừa qua, Tập Cận Bình chính thức trở thành "lãnh đạo hạt nhân" - một khái niệm thể hiện vai trò trong đảng của ông sánh ngang với Mao Trạch Đông hay Đặng Tiểu Bình.

Sau hội nghị này, hàng loạt cán bộ quan chức đã bày tỏ sự ủng hộ, ca ngợi và phục tùng "hạt nhân Tập Cận Bình".

Trái lời tiền bối, Tập Cận Bình loay hoay tìm cách trở thành Putin Trung Quốc - Ảnh 2.Đặng Tiểu Bình (hàng đầu, trái) và Mao Trạch Đông (hàng đầu, phải) là hai "lãnh đạo hạt nhân" nổi bật nhất tại Trung Quốc. Ảnh: Getty

Theo WSJ, chỉ vài giờ trước khi Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ (8/11), Trung Quốc đã khởi động quy trình lựa chọn đội ngũ lãnh đạo quốc gia mới, dự kiến danh sách đội ngũ cán bộ này sẽ được công bố vào Đại hội khóa XIX diễn ra vào mùa thu 2017.

Theo quy luật bất thành văn trong Trung Nam Hải, sang năm 2017, trong 7 Ủy viên Ban thường vụ Bộ chính trị Trung Quốc (BTVBCT) hiện nay, chỉ có Tổng bí thư Tập Cận Bình (1953) và Thủ tướng Lý Khắc Cường (1955) còn đủ điều kiện trong độ tuổi tham gia Bộ chính trị khóa tới.

Tuy nhiên, theo Cục trưởng Cục Điều tra nghiên cứu Văn phòng trung ương Đặng Mậu Sinh thì tuổi nghỉ hưu của các lãnh đạo cấp cao Trung Quốc không mang tính áp đặt.

Đặng cho biết, nội bộ ĐCSTQ không tồn tại quy tắc ngầm về độ tuổi nghỉ hưu của lãnh đạo. Đây chỉ là "cách nói dân gian" và "không đáng tin cậy", việc bổ nhiệm nhân sự sẽ dựa theo tình hình thực tế mà xử lý linh hoạt.

Một số ý kiến cho rằng, ông Tập sẽ đưa thân tín của mình trở thành Ủy viên BTVBCT khóa tới đồng thời ngăn chặn sự đề bạt ứng viên từ những nhân vật khác.

WSJ dẫn lời quan chức Trung Quốc giấu tên cho hay, gần đây nội bộ ĐSCTQ đang tiến hành họp kín về việc không chỉ định người kế nhiệm tại Đại hội 19 cũng như Chủ tịch Tập Cận Bình rất kiên quyết trong việc ngăn chặn tình trạng "cựu lãnh đạo can thiệp chính sự".

Một quan chức cao cấp Trung Quốc đã về hưu khác nói với WSJ rằng, những nhà lãnh đạo mạnh mẽ nhất Trung Quốc đều cần ít nhất 20 năm để tạo sự khác biệt:

Mao Trạch Đông đã xây dựng nên một "Trung Quốc mới", Đặng Tiểu Bình đưa quốc gia này đến sự thịnh vượng và đến thời đại của Tập Cận Bình, Trung Quốc sẽ trở nên lớn mạnh.

Theo Thủy Thu - Thời đại

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X