Hotline 24/7
08983-08983

TPHCM: Vì sao càng chống, càng ngập?

Mặc dù đã thực hiện nhiều giải pháp chống ngập, nhưng tình trạng ngập lụt ở TPHCM không giảm mà còn diễn biến nghiêm trọng hơn.

Năm 2016, trên địa bàn TPHCM có 29 trận mưa trên 50mm, tăng gần gấp đôi so với năm 2015. Đặc biệt, sau những trận mưa to kết hợp với triều cường, 46 tuyến đường và khu vực thấp, trũng của thành phố lại chìm sâu trong nước.

Ngập do… vướng mắc

Theo Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TPHCM (gọi tắt là Trung tâm chống ngập), trong 76 tuyến đường bị ngập trong năm nay, có tới 46 tuyến đường ngập do mưa lớn vượt tần suất thiết kế cống.

Nghiêm trọng nhất là đợt mưa lớn hơn 200mm kỷ lục trong 40 năm qua hồi tháng 9 đã làm vô hiệu hệ thống cống tiêu thoát nước của thành phố.

Trong khi đó, những đợt triều cường cao 1,67m tại trạm Phú An trên sông Sài Gòn cũng làm 12 tuyến đường của thành phố bị ngập sâu. Nặng nhất là các con đường: Huỳnh Tấn Phát, Trần Xuân Soạn (Quận 7) Quốc Hương, Thảo Điền (Quận 2), Quốc lộ 50, Lê Văn Lương (huyện Nhà Bè), Bình Quới, Bình Lợi (quận Bình Thạnh)...

tp hcm cang chong cang ngap nang o do thi hinh 1
Người dân TPHCM khốn khổ khi lưu thông trên đường mỗi khi mưa lớn

PGS.TS Hồ Long Phi, Giám đốc Trung tâm Quản lý nước và Biến đổi khí hậu thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: “Có những vướng mắc do chúng ta làm quá chậm và không hiệu quả. Các cống thi công xong bị quá tải do chúng ta dùng những tiêu chí kỹ thuật cũ.

TPHCM làm sao giải quyết được đặc thù của mình, vì cả nước không phải nơi nào cũng gặp phải những diễn biến bất lợi như vậy. Nếu cứ áp dụng quy phạm cũ thì không được, nhưng nếu áp dụng cái mới thì cơ sở pháp lý nào để áp dụng?”.

Thực tế cho thấy, mặc dù đã có nhiều giải pháp nhưng công tác chống ngập ở TPHCM chưa mang lại hiệu quả như mong muốn. Chỉ tính riêng kinh phí các dự án mà Trung tâm chống ngập thành phố đang triển khai đã lên đến hơn 820 tỷ đồng, đó là chưa kể 780 tỷ đồng dành cho việc duy tu hệ thống chống ngập hiện hữu.

Một hạn chế trong công tác chống ngập của thành phố hiện nay là không có một đơn vị điều phối chung, nên xảy ra tình trạng “mạnh ai nấy làm”. Về tổ chức, công tác chống ngập được UBND thành phố giao cho nhiều cơ quan, ban ngành thực hiện như: Sở Giao thông vận tải, Trung tâm chống ngập, Ban Quản lý Dự án nâng cấp đô thị và chính quyền cấp quận, huyện.

Việc phối hợp thiếu đồng bộ giữa các sở, ngành và chính quyền địa phương dẫn đến nhiều khó khăn, vướng mắc từ khâu quy hoạch hệ thống thoát nước đến việc giải tỏa, đền bù và triển khai thực hiện dự án.

Ông Lê Văn Khoa, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho rằng: “Về lợi ích chung, toàn dân thành phố sẽ được hưởng lợi khi không còn ngập, nhưng vẫn còn một số hộ dân sẽ bị ảnh hưởng. Vai trò vận động, tuyên truyền thì địa phương phải chủ động. Còn đối với những cơ chế hỗ trợ cho từng trường hợp cụ thể, phải vận dụng làm sao cho hài hòa các lợi ích”.

Kỳ vọng vào dự án 10.000 tỷ đồng

Theo quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước của TPHCM đã được Chính phủ phê duyệt đến năm 2020, thành phố cần xây dựng 6.000km cống các loại. Đồng thời tập trung nâng cấp, cải tạo hệ thống sông, kênh, rạch ở 4 trục tiêu chính là trục kênh Tham Lương - Bến Cát, kênh Tàu Hủ - Bến Nghé - kênh Đôi – kênh Tẻ, kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè và kênh Tân Hóa - Lò Gốm.

Trước mắt, những giải pháp cấp bách thành phố đang thực hiện là duy tu, sửa chữa các vị trí cống xuống cấp, nạo vét lòng cống; đấu nối cống; cải tạo hầm ga và thay thế cống băng đường; nạo vét cục bộ các tuyến rạch; lắp đặt bơm hỗ trợ chống ngập khi có mưa, triều lớn gây ngập cục bộ; lắp đặt và vận hành van ngăn triều tại các cửa xả...

Trong năm 2017, thành phố đầu tư khoảng 3.000 tỷ đồng cho công tác chống ngập. Trong đó, khoảng 2.000 tỷ đồng được dùng để đầu tư xây dựng 51 dự án chống ngập. Gần 1.000 tỷ đồng còn lại sẽ dùng để phục vụ công tác duy tu, bảo dưỡng, vận hành hệ thống chống ngập hiện hữu. Theo kế hoạch, trong năm 2017, thành phố xóa 12 điểm ngập do mưa.

Ông Đỗ Tấn Long, Trưởng phòng Thoát nước, Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước thành phố cho biết: “Trước hết, phải xây dựng tuyến đê bao khép kín dọc sông Sài Gòn, từ Bến Súc đến sông Kênh Lộ với chiều dài khoảng 149km.

Theo quy hoạch cũng phải xây dựng 10 cống kiểm soát triều lớn. Hiện nay, thành phố cũng đã có quy hoạch hệ thống hồ điều tiết để hỗ trợ cho hệ thống thoát nước tại những khu đô thị hiện hữu và vùng cao để hạn chế nước dồn về những vùng thấp”.

Để ngăn, thoát nước và ứng phó với biến đổi khí hậu, thành phố cũng quy hoạch khoảng 100 hồ điều tiết phân tán; tăng cường hợp tác với các nước như Hà Lan, Nhật Bản để trao đổi kinh nghiệm và áp dụng những biện pháp chống ngập hiệu quả hơn.

Tín hiệu đáng mừng trong công tác chống ngập là Dự án "Giải quyết ngập do triều khu vực TPHCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1)" theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) được khởi công vào cuối tháng 6/2016 với tổng vốn đầu tư lên đến 10.000 tỷ đồng đang được triển khai thuận lợi.

Với 6 cống ngăn triều, 8km đê bao ven sông Sài Gòn, dự án được kỳ vọng giải quyết tình trạng ngập cho 570km2 với 6,5 triệu dân tại 4 quận và 2 huyện của thành phố.

Theo Thành Trung - VOV

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X