Hotline 24/7
08983-08983

TPHCM trình Quốc hội giải pháp xử lý người nghiện

TPHCM chốt phương án trình Quốc hội về việc cai nghiện tại TP, không đi ngược với Luật xử lý vi phạm hành chính.

Hôm nay (31/10), thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó giám đốc Công an TPHCM cho biết:

Lãnh đạo thành phố mấy ngày nay họp liên tục, bàn thảo phương án trình Quốc hội giải quyết tình trạng người nghiện đang tràn lan mà thành phố phải 'bó tay' vì các quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính.

Thiếu tướng Phan Anh Minh

Theo phương án này, ngoài các tổ chức xã hội quy định, đề nghị Quốc hội cho phép ngay UBND TPHCM thành lập một số trung tâm tiếp nhận, quản lý đối tượng xã hội. Trung tâm có chức trách, thẩm quyền như:

Một là tiếp nhận, quản lý, cắt cơn, tư vấn ban đầu cho người nghiện khi vào trung tâm theo quyết định của chủ tịch UBND cấp xã được quy định tại Điều 131, Luật xử lý vi phạm hành chính và khoản 1, 2 Điều 14 Nghị định 221/2013/NĐ-CP.

Hai là, bác sĩ, y sĩ thuộc trung tâm có thẩm quyền xác định tình trạng nghiện ma túy. Họ đã có kinh nghiệm xác định người nghiện mà không cần được Bộ Y tế cấp giấy chứng nhận.

Ba là, tiếp nhận, phân loại, đề xuất và chuyển người có quyết định của tòa án áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh bắt buộc phù hợp với kết quả phân loại.

Theo UBND TPHCM, Trung tâm này sẽ là đơn vị sự nghiệp công lập, do ngân sách địa phương bố trí kinh phí hoạt động. Dự thảo nghị quyết này có hiệu lực thi hành 3 năm.

Sau đó, Chính phủ và Ủy ban Các vấn đề xã hội có trách nhiệm theo dõi việc triển khai và đánh giá, tổng kết thực hiện Nghị quyết, từ đó đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật xử lý vi phạm hành chính. 'Nội dung mà chúng tôi đưa ra không có gì phản bác Luật xử lý vi phạm hành chính, mặc dù đúng là Luật này có bất cập', ông Minh nhấn mạnh.

Về bước tiếp theo để đưa người nghiện vào trung tâm cai nghiện bắt buộc, theo tướng Minh, để không kéo dài thời gian, các cơ quan liên quan sẽ ngồi lại với nhau xem xét, ra quyết định.

Người nghiện chích ma túy công khai tại công viên 23/9 (quận 1, TPHCM)

Chia sẻ bên hành lang Quốc hội sáng nay, ông Huỳnh Thành Lập, Trưởng đoàn đại biểu TPHCM cho biết, trước đây, để đưa người nghiện vào các trung tâm thì chỉ cần UBND huyện ra quyết định.

Tuy nhiên, từ ngày 1/1/2014 khi Luật xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực thì tòa án có trách nhiệm đưa ra quyết định này vì liên quan đến quyền con người. Muốn đưa người nghiện ra tòa thì bản thân họ phải có thời gian được giáo dục tại cộng đồng, gia đình 3-6 tháng và vẫn tái nghiện.

Tuy nhiên thực tế giáo dục tại cộng đồng không hiệu quả, tái nghiện nhiều khiến gia đình cũng chán, chưa kể nhiều người nghiện vô gia cư, thất nghiệp.

Theo ông Huỳnh Thành Lập, vướng mắc ở đây là ai quản lý họ trong vòng 3-6 tháng. Luật quy định do tổ chức xã hội quản lý, nhưng tổ chức xã hội là ai, tổ chức nào thì lại chưa làm rõ.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền thừa nhận: 'Định hướng luật là đúng nhưng đáng lẽ nghị quyết thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính phải có bước quá độ, để từ cơ quan hành chính đến cơ quan tư pháp có bước chuyển. Chúng ta không lường hết được thực tiễn nên đã gây khó khăn cho các địa phương'.

AloBacsi.vn
Theo Vũ Mai - Nam Phương - VnExpress

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X