Hotline 24/7
08983-08983

"TPHCM giờ bụi bặm quá rồi"

Làm việc với các sở về tình hình nhiễm của TPHCM, Phó chủ tịch thành phố Lê Văn Khoa cho rằng tình trạng ô nhiễm không khí đã đến mức trầm trọng.

Chiều 1/4, Phó chủ tịch TPHCM Lê Văn Khoa đã nghe báo cáo về đề án xây dựng trạm quan trắc môi trường. Theo đó, Sở Tài nguyên Môi trường đề xuất xây dựng một loạt trạm quan trắc trên địa bàn thành phố với tổng mức đầu tư khoảng 495 tỷ đồng. Đề án này sẽ trình HĐND thông qua vào ngày 19/4 tới.

Đề án chia làm hai giai đoạn: Giai đoạn 1 từ 2016 - 2018 dự kiến xây 7 trạm quan trắc không khí và một trạm quan trắc tự động, hai trạm quan trắc mặt nước sông Sài Gòn và ba trạm quan trắc nước ngầm. Giai đoạn 2 thực hiện từ 2018 - 2020.

Do đề án chỉ tập trung quan trắc nước và không khí nên một số sở, ngành đề nghị nên đầu tư quan trắc ô nhiễm tiếng ồn. Ngoài ra, Sở Khoa học công nghệ cũng cho rằng, 495 tỷ đồng mới chỉ là nguồn vốn để mua máy móc thiết bị, Sở Tài nguyên môi trường chưa tính đến chi phí duy trì hoạt động, bảo dưỡng thiết bị, đào tạo cán bộ.

Phát biểu tại cuộc họp, ông Lê Văn Khoa cho rằng Sở Tài nguyên môi trường cần phải tính toán kỹ lĩnh vực nào cần được quan trắc, khu vực nào là cấp bách trước mắt phải làm ngay. Ông Khoa cũng thừa nhận tình trạng bụi bặm, ô nhiễm môi trường đang trở thành một vấn đề cấp bách của thành phố.

"Thành phố giờ bụi bặm quá rồi", ông Khoa nói.

'TP HCM gio bui bam qua roi' hinh anh 1
Hiện tượng "mù khô" xuất hiện tại TPHCM do ô nhiễm môi trường

Về nguồn vốn đầu tư, ông Khoa thắc mắc: "Tại sao ngày xưa nước ngoài giúp mình (Na Uy và Đan Mạch - PV) nhưng bây giờ không ai đặt vấn đề giúp nữa. Thông thường nếu gói tài trợ được sử dụng tốt thì họ sẽ giúp tiếp. Không biết mình xài có tốt không?"

Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ - Phó giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường - cho hay, tuổi thọ trung bình của các loại máy móc là 10 năm trong khi TPHCM đã sử dụng thiết bị quan trắc đo Na Uy và Đan Mạch đầu tư hơn 12 năm.

TPHCM hiện có 9 trạm quan trắc không khí tự động do Na Uy và Đan Mạch tài trợ từ năm 2003. Các trạm này do đạc các thông số ô nhiễm liên tục 24/24 giờ. Đến nay, các trạm này xuống cấp và gần như không hoạt động được.

Năm 2012, thành phố xây dựng 16 trạm quan trắc bán tự động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Thay vì đo thông số ô nhiễm tự động 24/24 giờ, hoạt động lấy mẫu thực hiện khá thủ công tại hai thời điểm trong ngày: sáng (7g30 - 8g30) và chiều (15g - 16g).

Theo đánh giá của Sở, hoạt động quan trắc, đặc biệt là quan trắc nước và không khí chưa đáp ứng được nhu cầu trong khi ô nhiễm môi trường đang trở thành một trong những vấn đề bức xúc của thành phố.

Theo số liệu của Sở Tài nguyên môi trường, trên địa bàn TPHCM, hầu hết nồng độ bụi đều không đạt quy chuẩn Việt Nam. Ô nhiễm không khí trên địa bàn chủ yếu do bụi lơ lửng và tiếng ồn do các hoạt động giao thông gây ra. Nồng độ các chất ô nhiễm đo được tại khu vực ngã tư An Sương và Gò Vấp cao nhất trong 15 vị trí quan trắc chất lượng không khí.

Theo Hà Hương - Zing.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X