Hotline 24/7
08983-08983

Tôi đã trò chuyện với người hàng xóm bỏ phiếu cho Trump, và tôi run sợ

Nhà báo Lisa Belkin thuộc Yahoo! News đã có cuộc gặp gỡ với hàng xóm, một người ủng hộ Trump. Cuộc đối thoại nhanh chóng chuyển biến theo hướng mà chính bà cũng không ngờ tới.

Mỗi ngày khi lái xe về, tôi đều chú ý đến ngôi nhà đó. Ở vùng ngoại ô thành phố New York vốn ủng hộ Đảng Dân chủ của tôi, thật khó có thể bỏ qua một ngôi nhà cắm biển cổ vũ Trump trên bãi cỏ, treo cờ Trump, tấm chắn lắp trên chiếc xe bán tải dán sticker hình Trump và, vài ngày trước Halloween, còn có một chiếc thòng lọng treo trên cái cây trước nhà.

Chris Fresiello, nhân vật trong bài viết, vung lá cờ ủng hộ Trump trong tay. Ảnh: David Scott Holloway/Yahoo! News
Chris Fresiello, nhân vật trong bài viết, vung lá cờ ủng hộ Trump trong tay. Ảnh: David Scott Holloway/Yahoo! News

Nhưng lần này, khi mới vài ngày sau ngày bầu cử, tôi không chỉ lái xe lướt qua. Là một phóng viên, tôi hiểu rằng những năm tháng tới của mình sẽ chỉ dành cho việc tìm hiểu về Nước Mỹ bị Chia rẽ - những cộng đồng, khu dân cư và gia đình sống cùng một quốc gia nhưng lại không có chung thế giới quan.

Làm sao để hàn gắn một đất nước nếu chính nhân dân nước đó không chịu lắng nghe lẫn nhau?

Gigi Fresiello tỏ ra ngạc nhiên không kém gì tôi, khi chúng tôi đứng trước cửa nhà bà. Sau khi tôi giải thích mục đích của mình - viết về những khu dân cư bị chia rẽ, bắt đầu từ chính khu nhà tôi - bà gọi chồng, ông Chris, người mà bà khẳng định rằng "quan tâm đến chính trị hơn."

Chris không mấy bất ngờ khi tôi đến. Ông nói: "Tôi rất vui nếu được nói chuyện chính trị với ai đó cả ngày."

Nhưng ông khá sốc khi nghe tôi kể rằng một phần lý do tôi đến đây là vì cuộc nói chuyện với người hàng xóm khác, về nhóm thiếu niên sống quanh đây tỏ ra sợ hãi khi phải đứng chờ xe buýt ở trạm dừng nằm ngay trước cửa nhà Chris và Gigi Fresiello.

"Chuyện đó làm tôi thấy buồn," ông nói. "Tôi cũng hoài nghi không biết cha mẹ lũ trẻ đã nói với chúng những gì. Tại sao các cháu lại sợ tôi? Tôi mới là phe thiểu số ở đây chứ."

Về mặt chính trị thì đúng là như thế. 65% người dân thành phố chọn Clinton, và 32% bầu cho Trump. Nhưng nói cách khác, Chris lại là điển hình cho cư dân nơi đây - một người đàn ông (49%) da trắng (67%) theo đạo Thiên Chúa (46%) và có gốc Italia (16%).

Tôi gợi ý với ông rằng có thể lũ trẻ sợ cái dây thòng lọng của ông. Chris cười lớn: "Tôi có treo hình nộm của Hillary lên đó đâu" mặc dù ông nói thêm rằng có thể ông sẽ cân nhắc chuyện đó.

"Tôi dùng chiếc thòng lọng đó để trang trí Halloween đã 20 năm rồi," ông nói. Nó là một phần khung cảnh nghĩa địa, bên vài tấm bia và hình một con ma. "Đây là lần đầu tiên có ai đó phàn nàn."

Chiếc thòng lọng khiến cảnh sát địa phương gõ cửa nhà Chris, nói với ông rằng họ nhận được cuộc gọi lo lắng về nguy cơ một đứa trẻ có thể vô tình đưa đầu qua sợi dây, dẫn đến hậu quả đáng sợ.

"Tôi chỉ cho họ thấy rằng sợi dây cách mặt đất tận gần 2,2m, đâu có đứa trẻ nào với được cao đến thế?" ông nói. "Nhưng để bày tỏ thiện ý với hàng xóm, tôi nâng sợi dây lên cao hơn vài chục cm nữa."

Chris và tôi ngồi trong phòng khách đồ đạc sơ sài, trên chiếc ghế đặt cạnh tủ kính chứa 5 khẩu súng trường - lần đầu tiên tôi từng thấy súng trong nhà một người hàng xóm. Khắp nơi là dấu hiệu mới chuyển nhà. Chris và Gigi Fresiello - cùng với con trai 11 tuổi, con gái 6 tuổi, mẹ của Chris và chú chuột lang tên Nibbles - mới sống tại đây được ba tháng.

Họ thuê ngôi nhà 4 phòng ngủ với giá 4.000 đô la Mỹ một tháng sau khi mất đi ngôi nhà "trong mơ" đối với Chris mùa hè vừa qua - khu đất rộng hơn 4.000 mét vuông, có một ngôi nhà và một cái chòi xinh xinh. Ông cho biết, thật đau buồn khi phải đi thuê nhà trong khi ông từng sở hữu khu đất lớn.

"Khi mới chuyền về đây, tôi đã rất cay cú và quyết định rằng, 'mình sẽ không chào hỏi ai vì sẽ chẳng ở đây lâu'" ông nói. "Nhưng mọi người đều thân thiện chào đón chúng tôi."

Theo cách nào đó, cả gia đình đã trở về nhà. Gigi lớn lên chỉ cách đó vài khu phố, còn Chris đã sống cả tuổi thơ ở nơi chỉ cách đây vài kilomet về phía Nam, ở khu Bronx. Sau khi kết hôn, họ di chuyển khắp nước Mỹ vì Chris, người đã chọn cách "lao động bằng đôi tay thay vì đi học đại học," dần lên chức quản lý một doanh nghiệp sửa chữa oto.

Sau đó, vào năm 2000, mẹ của Gigi bất ngờ qua đời. Vì rất thân thiết với mẹ và đã mất cha trong chiến tranh Việt Nam khi bà mới 3 tuổi, Gigi muốn quay về ngôi nhà do mẹ để lại.

"Tôi muốn ở bên cô ấy đến khi nguyên một ngày trôi qua mà cô ấy không khóc," Chris nói về vợ. Vậy nên ông bỏ việc, và chuyển sang kinh doanh dịch vụ sửa chữa nhà cửa khá thành công.

Vào năm 2007, họ tìm thấy ngôi nhà mà Chris, khi đó đã 50 tuổi, gọi là "nơi ở trong mơ". Đến năm 2008, họ chuyển về đây nhưng chưa bán ngôi nhà cũ. Khi đó, thị trường bất động sản sụp đổ và doanh nghiệp cải tạo nhà cửa của Chris cũng "bốc hơi" theo.

Về sau, họ tìm được người mua ngôi nhà thứ nhất nhưng chịu lỗ nặng. Doanh nghiệp của Chris hoàn toàn phá sản. Trong vòng tám năm sau đó - tình cờ rơi vào hai nhiệm kỳ Tổng thống Obama - vợ chồng Chris cố gắng tìm cách gây dựng lại kinh tế gia đình.

"Từ gã hút cây xì gà giá 50 đô trong bồn sục nước nóng, tôi thành kẻ làm tất cả mọi nghề chỉ để tồn tại," Chris nói. Riêng thuế lên khu nhà mới của ông đã 20,000 đô la Mỹ một năm, còn phí giành quyền đặc ưu của ngôi nhà lên tới 1 triệu đô la. Chris bán mọi thứ có thể bán - bộ sưu tập tàu Lionel, bộ sưu tập guitar cổ, những chiếc oto đã qua phục chế.

Luật sư của Chris khuyên ông tuyên bố phá sản, nhưng Chris cảm thấy điều đó "như thể vạch áo cho người xem lưng" và ông từ chối. Ưu tiên lớn nhất của ông là cứu được ngôi nhà, nên ông buông xuôi những điều khác.

Khi bảo hiểm của gia đình tăng từ 900 USD năm 2009 lên tới 3.900 USD một tháng vào 2012, ông đã "phải làm điều mà tôi từng thề sẽ không bao giờ làm," và từ bỏ bảo hiểm của chính mình.

Chris đưa các con vào chế độ cho người thu nhập thấp của New York, một "của bố thí" mà ông nói "tôi dùng để đề phòng - nhiều người không làm vậy, nhưng tôi thì có." Hai vợ chồng ông lần lượt từ chối đăng ký Medicaid và quyết định "cứ chịu đựng thôi. Nếu phải gặp bác sĩ thì cũng tôi trả tiền mặt."

Nếu đến cả tiền mặt cũng không còn? Đi siêu âm nhằm phá vỡ sỏi thận sẽ tốn 8.000 đô la Mỹ, Chris nói, "nên tôi chấp nhận tiểu ra máu trong suốt nhiều tuần."

Cũng như khi ông gãy tay và vỡ mắt cá chân trong một tai nạn xe máy. "Tôi tự bó bột và nhờ một người bạn làm bác sĩ thú y chụp X quang giúp," Chris nói. "Tôi cứ để như thế, rồi nó cũng lành. Tôi tự vượt qua mà không cần chính phủ giúp đỡ."

Về sau, Chris cũng được hưởng bảo hiểm dưới một chính sách của Obamacare. Và ông cũng tuyên bố phá sản. Nhận ra rằng mình bị trầm cảm nặng, Chris tìm đến một chuyên gia trị liệu.

Nhờ được tiếp sức, ông bắt đầu làm bất cứ việc gì ông tìm được - thay phanh xe ngay trên lối vào nhà, giao hoa với mức phí 10 đô la cộng với tiền tip, liên hệ với những người ở các quận phía bắc có thể không chịu hậu quả của suy thoái kinh tế để gây dựng lại doanh nghiệp cải tạo nhà trước kia.

"Tôi tự nhắn nhủ bản thân rằng, 'ít ra mình cũng có thể dựa vào tay nghề. Còn bao nhiêu lũ ngốc ôm bằng Đại học chỉ biết tìm đến cái chết'" ông nói.

Tôi đã trò chuyện với người hàng xóm bỏ phiếu cho Trump, và tôi run sợ  - Ảnh 1.Gia đình Chris và Gigi Fresiello bên hai con tại ngôi nhà ở New York. Ảnh: David Scott Holloway/Yahoo!News

Vào tháng 6/2015, Chris thấy Donald Trump bước xuống thang máy bằng vàng ở Tháp Trump và "tôi lập tức biết rằng ông ấy sẽ chiến thắng," Chris nói. Nhà tài phiệt bất động sản không phải là lựa chọn số một của Chris. Ông thích Ted Cruz hơn, vì Cruz có cùng "quan điểm bảo thủ thực thụ" giống như ông.

Nhưng khi nhiều tháng trôi qua, Chris bị Trump thuyết phục hoàn toàn.

Sự hấp dẫn đó, theo Chris, là vì Trump đại diện cho "pháp luật và mệnh lệnh", và rằng "Tôi là người luôn theo luật. Mọi người phải tuân theo luật pháp, nó tồn tại là đều có lý do cả."

Chuyện về luật lệ chiếm nhiều thời gian trong hơn 2 giờ đồng hồ chúng tôi trao đổi với nhau. "Khi tôi đến bãi gửi xe, tôi không lái xe phạm vào những chỗ đậu xe. Tôi cảm thấy phát khùng khi mọi người cứ làm vậy," Chris nói.

"Đó là lý do vì sao tôi tuân thủ luật pháp chặt chẽ, luật là luật," ông khẳng định. "Luật quy định rằng các bang có quyền quyết định. Nếu có một bang theo xu hướng bảo thủ, tại sao chính quyền liên bang lại can thiệp? Nếu một bang có quan điểm khác số đông, thì đó là quyền của họ."

Logic vòng vo này khiến tôi ngạc nhiên nhiều lần trong buổi trò chuyện, nhưng tôi đã quyết định ngay từ lúc bấm chuông cửa nhà Chris rằng tôi đến đây để lắng nghe nhiều hơn lên tiếng.

Tôi dành nhiều thời gian trong chuyến viếng thăm này để xem xét lại quyết định trên - trong thời buổi hiện nay, mọi quyết định đều mang mùi chính trị, và tôi biết còn có lý luận rằng "im lặng là đồng ý" - nhưng suy nghĩ của tôi liên tục quay về quyết tâm sắt đá rằng mình tới để lắng nghe, không phải giảng đạo.

Vậy nên tôi lắng nghe người đàn ông tin tưởng vào luật lệ này giải thích rằng chính phủ nên giảm bớt số điều luật thì hơn. Theo Chris, việc phá thai "chỉ nên thuộc về quyền quyết định của người phụ nữ, vì đó là cơ thể cô ấy."

Bằng thứ logic tương tự, ông cho rằng lẽ ra ông phải được phép đi xe máy không cần mũ bảo hiểm bởi vì "nó làm hỏng tóc tôi." Nếu một chấn thương ở đầu khiến ông phải sống thực vật mà không có bảo hiểm thì sao? "Rút dây máy thở thôi," ông nói.

Chính vì ông nghĩ rằng đang có quá nhiều thứ luật lệ, khiến Chris không cảm thấy khó chịu trước những lời nhạo báng luật pháp của Donald Trump.

"Ông ấy là doanh nhân, làm kinh doanh thì phải thế," Chris trả lời câu hỏi của tôi về vụ dàn xếp kiện cáo của tân tổng thống đắc cử, việc Trump từ chối trả tiền cho nhà thầu (mặc dù Chris quen ít nhất một nhà thầu từng bị Trump quỵt tiền), và việc Trump lợi dụng lỗ hổng trong luật để né thuế thu nhập. (Chris khẳng định Trump có trả thuế bất động sản và thuế thu nhập cá nhân, "rất nhiều tiền thuế đấy chứ".)

Lòng vị tha của Chris còn dành cho cả những luật không tên - như những lời lẽ gây sốc có thể khiến ứng viên ra khỏi cuộc đua trong nhiều năm trước.

Ám chỉ rằng người nhập cư Mexico toàn kẻ hiếp dâm? "Ông ấy chỉ đang lảm nhảm như người bình thường chứ không phải chính trị gia." Bình luận khiếm nhã trong đoạn băng "Access Hollywood? "Chuyện đó ghê tởm thật, nhưng chính tôi cũng từng phát ngôn như thế. Đàn ông hễ nói về vùng kín là bị xem như heo. Chuyện đó phá hỏng tất cả, chúng ta không tập trung nổi."

Khi nghe Chris nói những điều trên, tôi không khỏi nghĩ về mối lo ngại khi quý mến người đàn ông này. Ông khá vui tính. Ông sẵn sàng hy sinh cho gia đình mình. Ông yêu mến khu phố này cũng như tôi. Ông suy nghĩ sâu sắc. (Mặc dù tôi không đồng tình với nhiều quan điểm của Chris, tôi vẫn cho rằng ông là người luôn đào sâu suy nghĩ.)

Tôi thực sự tin rằng nếu tôi cầu cứu ông trong cơn khủng hoảng, ông sẽ xuất hiện. Nhưng với Trump, Chris chỉ thấy sự hài hước trong khi tôi lại thấy thói thù ghét phụ nữ; Chris thấy phát ngôn thẳng thắn mới mẻ trong khi tôi chỉ cảm nhận được thói phân biệt chủng tộc đáng lo ngại.

Với tư cách hàng xóm nói chuyện với nhau, tôi chia sẻ những nỗi lo sâu thẳm trong lòng về tổng thống Trump. Còn những kẻ cảm thấy được tiếp thêm sức mạnh bởi lời lẽ của Trump thì sao? Tôi hỏi Chris. Còn những vụ việc phân biệt chủng tộc, giới tính, thù ghét đồng tính và bài trừ Hồi giáo ngày càng gia tăng từ đêm bầu cử thì sao? Chúng ta thay đổi tình trạng đó như thế nào?

"Chuyện xấu xa lại là điều tốt," ông trả lời. "Nếu tôi phải giải quyết một cái tầng hầm, thì điều đầu tiên tôi làm sẽ là bới ra xem dưới đó có những gì, nấm mốc, nhền nhện. Phải thấy được thì mới dọn sạch sẽ được."

Được rồi, tôi nghĩ. Nhưng ông sẽ dẫm lên chúng phải không?

Sự xấu xa vẫn luôn tồn tại từ trước đến nay, ông tiếp lời, và việc ta thấy được chúng lại là điều tốt.

"Tôi thà nhìn thấy một gã phất lá cờ "thập ngoặc" (biểu tượng Đức Quốc xã - ND) ngay bên ngoài nhà hắn để tôi còn biết hắn nghĩ gì, hơn là hắn vẫn ôm cái suy nghĩ đó nhưng lại giấu đi," Chris đáp. "Tôi muốn biết cái thằng khùng phất cờ đó là ai."

Bụng tôi quặn lên, và tôi đã tưởng mình sẽ cho ra hết cốc cà phê Keurig thơm ngon mà mẹ Chris đã làm cho tôi. Nhưng tôi không phản pháo lại Chris. Tôi không nói với ông rằng có những người họ hàng của tôi đã phải chạy trốn lá cờ thập ngoặc đó.

Và về quan điểm "cứ để thằng khùng làm chuyện xấu xa" của ông, tôi lại coi đó là hành động bình thường hóa sự thù hận, và khuyến khích người khác làm điều tương tự.

Tại sao tôi lại không nói với Chris điều đó? Tôi tự dặn bản thân rằng, là vì tôi đến đây để lắng nghe. Nhưng tôi cũng nhận ra đây không phải lý do duy nhất.

Trong cả cuộc đời, chỉ có hai lần tôi tiết lộ với người khác rằng tôi là người Do Thái - một lần khi tới liên bang Xô Viết cũ, và một lần ở sâu thẳm trong vùng tây Texas, trên một chiếc bán tải bên tiếng lèo nhèo không dứt của người lái xe về một kẻ lừa đảo đã "qua mặt" anh ta (nguyên văn: "Jew'd", một cách nói xúc phạm với người Do Thái - ND).

Đây là lần thứ ba, và tôi cảm thấy run sợ cho đất nước mình. Nhưng tại sao lại tranh cãi về thập ngoặc khi ngồi cạnh tủ súng trường của nhà hàng xóm?

Tôi đã trò chuyện với người hàng xóm bỏ phiếu cho Trump, và tôi run sợ  - Ảnh 2.

Cuối cùng chúng tôi nói lời tạm biệt và tôi về nhà. Tôi nghĩ nhiều nhất về lúc Chris nói tới những con nhện - tôi muốn hiểu đúng ẩn ý của ông, cố gắng tin rằng Chris muốn nói về việc bắt đầu dọn dẹp nhà cửa, chứ không phải kéo sập nhà.

Sau đó, tôi xem tài khoản Twitter của ông.

Toàn những lời lẽ sục sôi giận dữ - kêu gọi đánh trả người biểu tình chống đối Trump, ủng hộ việc sát hại người Hồi giáo trong nước Mỹ và ném bom nguyên tử các nước Hồi giáo khác, kêu gọi Hillary Clinton tự treo cổ, đùa cợt rằng Obama có thể sẽ bị bắn chết.

Ông buộc tội Clinton dành cả sự nghiệp để giết trẻ em từ trong bụng mẹ - sau khi phân tích chi tiết cho tôi rằng nạo phá thai không phải việc của chính phủ. Ông tuyên truyền "cầm cây xỉa rơm và đốt đuốc" ( ý kêu gọi đám đông trả thù, có thể dùng vũ lực - ND) sau khi trấn an tôi rằng nỗi lo bạo lực của tôi là vô căn cứ.

"Con mụ kiêu căng đó chỉ ngồi lên cuốn băng, chờ ngày tung ra cho truyền thông ...bà ta quá tụt hậu và tuyệt vọng," ông viết sau khi đoạn băng "Access Hollywood" bị tung ra.

"Cuối cùng cũng có ai đó nói chuyện với mụ phù thủy này theo cách mà mụ ta xứng đáng phải chịu," ông viết sau khi cuộc tranh luận tổng thống khép lại.

"0,9% dân số Mỹ là Hồi giáo, 63% con số đó là bọn nhập cư. Liệu có mất quá nhiều không nếu chúng ta tiêu diệt hết bọn chúng?" ông đặt câu hỏi sau vụ tấn công tại Brussels, Bỉ.

Và ngay sau hôm tôi ghé thăm, Chris viết, "Lũ chủ nghĩa tự do nhạy cảm và mệt mỏi này đang mè nheo về chiến thắng của Trump không khác gì bọn trẻ con hư hỏng bị mắng lần đầu tiên," có nghĩa rằng cuộc gặp gỡ giữa tôi và ông không thân thiện như tôi tưởng.

Vài ngày sau, tôi quay lại nhà ông để nói chuyện thêm. Tôi mang theo một đội quay phim vì Chris đã đồng ý chúng tôi có thể quay một video đính kèm bài báo này. Tôi cũng đem đến vài bản in từ Twitter của ông, và thông báo trước với ông rằng có thể tôi sẽ đọc to những dòng tweet đó, phòng trường hợp ông muốn lùa lũ trẻ ra ngoài trước.

Khi camera bắt đầu quay, tôi nói: "Chris, ông chính là con nhện."

Và vấn đề với phép ẩn dụ của ông, theo tôi, đó là thay vì dọn dẹp lũ nhện, cuộc bầu cử này đã ngầm ủng hộ và khiến chúng sinh sôi.

Chris đồng tình với tôi rằng những dòng tweet đó thật kinh khủng. Ông gọi chúng là "van xả áp" cho cơn giận của ông. Nếu tôi nghĩ những dòng đó thật tệ, ông nói, thì tôi phải xem những dòng ông đã xóa đi. Ông cảm ơn tôi vì đã không đọc những lời lẽ xấu xa nhất mà chỉ đánh vần ra, vì "các con tôi không biết những từ đó."

Nhưng thực lòng ông không nghĩ như vậy, ông nói. Hoặc tôi đang quá nhạy cảm mà thôi.

Khi ông viết, "Này có thể khi Obama đến Dallas hôm nay, ông ta nhảy vào một cái xe mui trần và lái qua Dealy Plaza... Nói vu vơ thôi," (ám chỉ đến vụ Tổng thống John F. Kennedy bị ám sát trong chiếc xe mui trần khi đi qua Dealy Plaza, Dallas, Texas - ND) thì chỉ là câu đùa thôi, ông nói. Câu "nói vu vơ thôi" là có ý đó.

Và khi ông viết, "Đến lượt chúng mày ăn *** rồi lũ chủ nghĩa tự do khốn kiếp ạ," đó chỉ là "bản ngã tồi tệ nhất của tôi" hé lộ ra, ông nói.

Nhưng điều gì sẽ xảy ra với cả một quốc gia, khi chính nhà lãnh đạo lại là người hé lộ ra bản ngã tồi tệ nhất trong người dân? Tôi hỏi ông, và nói thêm rằng, "Phản ứng của mọi người khi đoạn video này được công bố vốn chỉ nằm trong trí tưởng tượng của tôi thôi."

Chris tiếp tục tỏ ra thật sự bất ngờ.

Nếu mọi người thực sự sẽ phẫn nộ, thì sẽ chỉ với một mình ông thôi, phải vậy chứ? Vì ông ủng hộ Trump. Suy cho cùng thì, ông mới là người lo sợ mất việc vì quan điểm chính trị của bản thân. Ông mới là người khiến hàng xóm lo lắng đến mức báo cảnh sát.

Tôi đáp lại, đây là một ví dụ khác về việc tôi và ông theo dõi cùng một cuộc tranh cử mà lại thấy những điều hoàn toàn trái ngược nhau.

Tôi kể cho ông nghe một phần câu chuyện tôi đã phải lên Từ điển Hiện đại để tra những từ ngữ đến chính mình cũng không hiểu, trong loạt lời chỉ trích nhắm vào tôi ở trên mạng. Tôi kể cho ông nghe việc chính con trai tôi gọi điện, nhắc tôi đừng đọc bình luận dưới bài báo của chính tôi chỉ vì chúng chất chứa đe dọa.

Chúng tôi đồng ý gặp lại nhau, sau khi bài báo này được đăng và cùng đọc to các bình luận - dĩ nhiên là không có các con Chris theo dõi. Tôi hy vọng đây sẽ là điểm bắt đầu cho nhiều cuộc trò chuyện về sau này. Dường như chúng tôi còn rất nhiều chuyện phải nói.

Theo Linh Nguyễn - Trí thức trẻ

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X