Hotline 24/7
08983-08983

Toàn cảnh "trận thư hùng" cuối cùng trước ngày bỏ phiếu giữa Trump và Clinton

Cuộc tranh luận trực tiếp cuối cùng giữa Donald Trump và Hillary Clinton bắt đầu lúc 21g ngày 19/10 (giờ miền Đông), tức 8g sáng 20/10 (giờ VN) tại Đại học Nevada, Las Vegas.

Trump, Clinton tranh cãi về đề cử Thẩm phán tối cao

Vòng tranh luận cuối cùng giữa hai ứng viên Tổng thống Mỹ khởi động với câu hỏi liên quan đến tòa án tối cao. Tổng thống Mỹ sắp tới sẽ có ít nhất một lần phải đề cử thẩm phán mới vào tòa án tối cao, và thậm chí có thể phải đề cử 2-3 gương mặt mới.

Câu hỏi người điều phối tranh luận Chris Wallace đặt ra cho cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton và tỉ phú Donald Trump là hai ứng viên sẽ xác định hướng đi nào cho tòa án trong tương lai, cũng như quan điểm của mình về hiến pháp hiện hành của nước Mỹ.

Trong phần trả lời của mình, bà Clinton nhấn mạnh tòa án tối cao Mỹ trước hết phải đứng về phía người dân, chứ không phải phục vụ lợi ích của tầng lớp thượng lưu.

"Chúng ta cần một tòa án tối cao sẽ đấu tranh vì quyền của phụ nữ, quyền của cộng đồng LGBT,..." - bà phát biểu.

Cựu Ngoại trưởng Mỹ cũng cho rằng trong vấn đề tòa án tối cao, bà và đối thủ Donald Trump có nhiều quan điểm khác biệt, đặc biệt là liên quan đến tổ chức Công dân Hợp nhất (Citizens United - một tổ chức có quan điểm bảo thủ, với mục tiêu hoạt động là "khẳng định những giá trị cổ điển của Mỹ - PV), đồng thời kêu gọi Thượng viện Mỹ hợp tác trong việc bổ nhiệm thẩm phán mới thay thế cho ông Antonin Scalia mới qua đời hồi tháng 2.

Cuộc tranh luận trực tiếp cuối cùng Trump-Clinton - Ảnh 1.
Về phần mình, ông Trump mở đầu câu trả lời bằng việc nhắc lại vụ việc thẩm phán Ginsburg mới đây đã có những lời chỉ trích nhắm đến ứng viên đảng Cộng hòa, và tỏ ra khá hả hê khi thẩm phán Ginsburg sau đó đã phải xin lỗi.

Ông Trump sau đó công kích bà Clinton với lý do đối thủ của ông ủng hộ thắt chặt luật kiểm soát súng đạn.

Về việc bổ nhiệm tân thẩm phán, tỉ phú bất động sản Mỹ khẳng định những người do ông "chấm" sẽ ủng hộ việc hủy bỏ quyền được nạo phá thai, sẽ giữ vững luật cho phép sử dụng súng, và nhìn chung sẽ có tư tưởng bảo thủ.

Trump-Clinton đối lập lớn trong quan điểm về quyền nạo phá thai

Sau phần trả lời đầu tiên, hai ứng viên tiếp tục tranh cãi thêm 10 phút xung quanh các vấn đề như luật kiểm soát súng đạn, quyền được nạo phá thai, và việc bổ nhiệm tân thẩm phán. Trong đó nổi bật là đoạn tranh luận dưới đây về quyền được nạo phá thai.

Trump: Thật kinh khủng vì theo như lời Hillary nói thì đến tháng thứ 9 của thai kì, người ta vẫn có quyền tước đi mạng sống của thai nhi ngay trước khi nó được sinh ra. Hillary hay bất kì ai có thể chấp nhận được điều này chứ tôi thì không. Không thể chấp nhận được.

Cuộc tranh luận trực tiếp cuối cùng Trump-Clinton - Ảnh 1.(Xử lý ảnh: Mạnh Quân)

Clinton: Thật đáng tiếc là ông lại dùng kiểu nói phóng đại tạo tâm lý sợ hãi như vậy. Ông nên gặp những người phụ nữ mà tôi đã từng được gặp. Giữ hay phá thai là một trong những lựa chọn tồi tệ nhất mà bất kì người phụ nữ nào cũng như gia đình họ phải đưa ra. Nhưng tôi không cho rằng chính phủ nên can thiệp và đưa ra lựa chọn ấy. 

Tôi đã có vinh dự được đi khắp các nơi trên thế giới để đại diện cho nước Mỹ. Tôi đã tới những nơi như Trung Quốc, họ ép phụ nữ phải phá thai, hay Romania, họ từng ép phụ nữ phải giữ thai. Và tôi xin nói rằng chính phủ không có quyền gì trong việc đưa ra lựa chọn thay cho các gia đình. Tôi sẽ đấu tranh vì điều đó.

Trump: Xin nói thẳng, không một ai được phép làm những gì tôi đã nói ở trên, phá thai chỉ vài ba ngày trước khi nó ra đời. Không một ai đáng được hưởng cái quyền đó.

Đến đây, điều phối viên tranh luận đã phải cắt ngang và chuyển sang phần hai của phiên tranh luận cuối cùng, với chủ đề chính sách nhập cư.

Trump ngầm ám chỉ "loại bỏ" bớt người nhập cư gốc Tây Ban Nha, Clinton công kích "bức tường Mexico"

Wallace:
Có lẽ không một vấn đề nào mà hai ứng viên của chúng ta có quan điểm trái ngược nhau như vấn đề chính sách nhập cư. Ông Trump, ông muốn xây một bức tường, còn bà Clinton, bà chưa đưa ra một kế hoạch cụ thể nào để đảm bảo an toàn cho vùng biên giới phía nam.

Ông Trump, ông kêu gọi một đợt trục xuất quy mô lớn, còn bà Clinton, bà nói rằng trong 3 tháng đầu tiên trong nhiệm kì của mình nếu đắc cử, bà sẽ đề xuất một dự luật nêu rõ các bước cần thiết để trở thành công dân hợp pháp.

Trong 2 phút, ông/bà hãy lý giải tại sao mình đúng, còn đối thủ của mình thì không. Xin mời ông Trump.

Trump: Dự khán hôm nay có 4 người mẹ, những con người tuyệt vời mà tôi đã được biết trong nhiều năm nay, những người đã phải chứng kiến con mình bị giết hại dã man dưới bàn tay của những kẻ nhập cư trái phép.

Có hàng nghìn người cha, người mẹ, người thân có cùng cảnh ngộ như vậy trên khắp đất nước ngày. Những kẻ giết người như thế đang tràn qua biên giới. Cùng với đó là ma túy.

Chúng ta đâu thể là một quốc gia đúng nghĩa nếu không có biên giới, còn Hillary lại muốn mở cửa biên giới... Một trong những việc đầu tiên tôi sẽ làm khi đắc cử là loại bỏ hết những tên trùm ma túy, những kẻ xấu phải bị đá văng khỏi đất nước này.

Tôi sẽ tìm và loại bỏ chúng, tôi sẽ đảm bảo an ninh cho biên giới. Và một khi biên giới đã ổn định chúng ta sẽ lo đến những việc khác. Còn bây giờ vẫn còn nhiều "gã" ("hombre" - ông Trump dùng tiếng Tây Ban Nha - PV) mà chúng ta sẽ phải tìm cách loại bỏ.

Cuộc tranh luận trực tiếp cuối cùng Trump-Clinton - Ảnh 1.(Xử lý ảnh: Mạnh Quân)
Clinton: Trong lúc ông Trump đang nói, tôi đã nghĩ đến Carla, một cô gái trẻ mà tôi đã được gặp ở Las Vegas. Cô đã rất lo lắng trước việc cha mẹ mình có thể sẽ bị trục xuất. Cha mẹ Carla đã làm việc rất chăm chỉ, làm mọi thứ có thể để cho cô một cuộc sống tốt. Tôi không muốn phá vỡ hạnh phúc gia đình người khác. Tôi không muốn tách cha mẹ khỏi con cái mình.

Chúng ta có 11 triệu người nhập cư trái phép. Họ có 4 triệu người con đã được cấp quyền công dân. Tổng cộng 15 triệu người.

Trump vài tuần trước có nói rằng tất cả những người không có giấy tờ hợp pháp sẽ đứng trước nguy cơ bị trục xuất. Tôi cho rằng đây là một đề xuất không hề phù hợp với lý tưởng của nước Mỹ. Đây là một ý tưởng sẽ chia rẽ đất nước.

Tôi đã ủng hộ việc đảm bảo an ninh biên giới trong nhiều năm. Nhưng tôi muốn phân bổ tài nguyên của nước Mỹ tới những nơi cần nhất. Loại bỏ những kẻ bạo lực, những kẻ đáng bị trục xuất ta sẽ trục xuất.

Nhưng còn cái tường mà ông Trump nói, khi ông đến Mexico hội đàm với Tổng thống Mexico, ông còn không dám nêu điều này ra, mà chỉ dám lên Twitter tranh cãi khi Tổng thống Mexico khẳng định sẽ không trả một xu cho bức tường đó.

Tóm lại, tôi nghĩ chúng ta vừa phải là một quốc gia vì người nhập cư, vừa phải là một quốc gia vì luật pháp, chúng ta sẽ hành động theo tiêu chí đó và đó là lý do tại sao tôi đề xuất một phương án cải cách nhập cư quy mô lớn trong 3 tháng đầu của nhiệm kì, trong đó nêu rõ những bước cần thiết để giành được quyền công dân.

Bà Clinton bị chất vấn phát ngôn "hớ" về chính sách nhập cư, Trump "bắt nọn"

Trong phần tranh cãi sau đó liên quan đến chính sách nhập cư, bà Clinton khẳng định sẽ "không mở cửa biên giới". Song điều phối viên tranh luận Chris Wallace đã đặt dấu hỏi với phát biểu của bà.

Wallace: Thưa cựu Ngoại trưởng, tôi muốn làm rõ quan điểm của bà trong vấn đề này. Trong bài phát biểu tại một ngân hàng ở Brazil, mà bà đã được trả 225.000 USD, nội dung bài phát biểu do WikiLeaks đăng tải có đoạn bà nói rằng "Ước mơ của tôi là có một thị trường chung giữa hai bán cầu, với thương mại tự do và mở cửa biên giới".

Cuộc tranh luận trực tiếp cuối cùng Trump-Clinton - Ảnh 1.(Xử lý ảnh: Mạnh Quân)

Clinton: Nếu ông đọc hết cả câu thì sẽ thấy khi đó tôi đang nói về vấn đề năng lượng... Ông lại còn trích dẫn từ WikiLeaks, và điều quan trọng ông phải hiểu rằng đây là "tác phẩm" từ gián điệp chính phủ Nga chống lại Mỹ.

Họ đã thâm nhập vào các website của Mỹ, các tài khoản của cá nhân và tổ chức Mỹ, rồi đưa thông tin cho WikiLeaks để rồi đăng lên internet. Điều này xuất phát từ các cấp cao nhất của chính phủ Nga, từ chính Vladimir Putin.

Như 17 tổ chức tình báo nước ta đã xác nhận, nhằm mục đích can thiệp vào kết quả cuộc bầu cử của chúng ta, tôi nghĩ câu hỏi quan trọng nhất trong buổi tối hôm nay là liệu Donald Trump rốt cục có thừa nhận và lên án những gì người Nga đang làm, cũng như làm rõ việc ông có đang nhận sự trợ giúp của Putin trong cuộc bầu cử này hay không.

Đây là câu hỏi ông Trump cần trả lời. Chúng ta chưa từng thấy những điều như vậy xảy ra trong bất kì một cuộc bầu cử nào trước đây.

Trump: Bà đánh trống lảng hay thật, đang từ mở cửa biên giới, chúng ta đã sang đến Putin từ lúc nào vậy?

Trump-Clinton "lạc đề", châm chích nhau về... Putin

Trump: Xin nói nốt về vấn đề biên giới mở. Bà muốn mở cửa biên giới để rồi hàng đống người từ Syria sẽ đổ về nước ta. Hàng nghìn người không có gốc gác rõ ràng. Chúng ta đang muốn chặn đứng khủng bố Hồi giáo cực đoan trên đất nước này. Nhưng cả bà lẫn Tổng thống Obama đều không dám đề cập đến cụm từ này.

Tôi muốn khẳng định rằng đúng là bà Clinton muốn mở cửa biên giới. Còn bây giờ chúng ta có thể nói về Putin.

Ông ấy nói rất nhiều điều tốt đẹp về tôi. Nếu chúng tôi thân thiết với nhau điều đó sẽ có lơi. Nếu Nga-Mỹ hòa thuận và hợp tác chống lại IS,điều đó sẽ có lợi.

Ông Putin không hề tôn trọng bà Clinton. Không hề tôn trọng đương kim Tổng thống của chúng ta. Putin, với những gì tôi biết, không hề dành bất cứ sự tôn trọng nào cho con người này (chỉ tay vào bà Clinton).

Clinton: Ừ bởi vì Putin rõ ràng muốn một con rối của mình làm Tổng thống Mỹ. Quá rõ còn gì.

Trump: Rối gì chứ. Bà mới là con rối.

Clinton tấn công dữ dội, cáo buộc Trump "thân Putin"

Clinton: Rõ ràng là ông không chịu thừa nhận rằng người Nga đã và đang thực hiện các vụ tấn công mạng nhắm vào Mỹ, rằng ông ủng hộ các hành vi gián điệp nhắm vào người dân nước ta, rằng ông sẽ làm những điều mà Putin muốn, phá vỡ NATO và bất kì điều gì khác để tiếp tục nhận được sự trợ giúp từ ông ta, bởi đã quá rõ người mà Putin muốn chiến thắng trong cuộc bầu cử này là ai.

Chúng ta chưa từng thấy một chính phủ nước ngoài nào tìm cách can thiệp vào bầu cử nội bộ nước ta.

17 tổ chức tình báo, cả dân sự lẫn quân sự, đều kết luận rằng những hành vi gián điệp hay những cuộc tấn công mạng này đều xuất phát từ các cấp cao nhất của điện Kremlin nhằm can thiệp vào cuộc bầu cử của chúng ta.

Trump: Bà chẳng biết thủ phạm là Nga hay Trung Quốc hay ai khác. Bà chẳng biết gì cả.

Clinton:
Tôi dẫn kết luận của 17 tổ chức tình báo. Ông cũng nghi ngờ họ sao? Ông thà tin Vladimir Putin hơn là tin những chuyên viên tình báo với nhiệm vụ bảo vệ đất nước ta? Thật kinh khủng.

Trump: Bà không thích Putin bởi bà đã bị ông ta qua mặt trên mọi phương diện. Putin đã qua mặt bà ở Syria, ông ta đã qua mặt bà trên mọi phương diện.

Cuộc tranh luận trực tiếp cuối cùng Trump-Clinton - Ảnh 1.(Xử lý ảnh: Mạnh Quân)

Wallace: Thưa ông Trump, các quan chức an ninh hàng đầu của nước ta cho rằng Nga đứng sau các cuộc tấn công mạng nói trên. Dù ông không rõ những đợt tấn công này xuất phát từ đâu, ông có lên án sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử này không?

Trump: Của Nga hay của ai khác?

Wallace: Ông có lên án sự can thiệp của họ không?

Trump: Đương nhiên là tôi lên án rồi. Tôi không biết Putin, tôi chưa từng gặp ông ta, ông ta không phải bạn thân của tôi. Nhưng nếu Mỹ hòa thuận với Nga thì cũng đâu có tệ. Putin đã qua mặt bà Clinton và Obama trên mọi phương diện.

Nga cứ làm thêm đầu đạn hạt nhân còn chúng ta thì không. Người Nga cũng không thể tin nổi điều đó. Bà Clinton đã bị Putin qua mặt, cụ thể ra sao thì cứ nhìn vào Trung Đông là biết. Nga đã chiếm lĩnh hoàn toàn.

Chúng ta bỏ ra 600 tỉ USD, nhưng Nga vẫn chiếm được Trung Đông. Bà đã bị qua mặt một cách đáng xấu hổ hơn bất kì ai tôi từng được chứng kiến trong bất kì chính phủ nào.

Clinton: Mỉa mai thay là ông Trump lại chính là người nêu ra vấn đề vũ khí hạt nhân. Ông lúc nào cũng coi nhẹ vấn đề vũ khí hạt nhân. Ông từng nói rằng nếu có vũ khí hạt nhân trong tay thì sao lại không dùng?

Tôi thấy điều này thật kinh khủng. Nhưng vấn đề là nếu Tổng thống ra lệnh sử dụng vũ khí hạt nhân, thì lệnh đó phải được chấp hành.

Có khoảng 4 phút từ lúc Tổng thống ra lệnh đến lúc những người chịu trách nhiệm thi hành lệnh. Và đó là lý do tại sao 10 người từng nắm trách nhiệm đó đã công khai tuyên bố rằng họ không tin tưởng Trump nắm trong tay mật mã hạt nhân.

Cuộc tranh luận trực tiếp cuối cùng Trump-Clinton - Ảnh 2.(Xử lý ảnh: Mạnh Quân)

Trump: 200 tướng lĩnh và đô đốc quân đội đã tuyên bố ủng hộ tôi, 21 trong số họ đã từng nhận huân chương danh dự của Quốc hội. Chúng ta đang bị các nước như Nhật Bản lợi dụng để bảo vệ mình. Chúng ta thì bỏ ra hàng đống tiền, còn đối với họ thì đây là phi vụ lời nhất thế kỉ.

Chúng ta phải thương thảo lại các thỏa thuận này bởi chúng ta không thể cùng lúc bảo vệ cả Saudi Arabia, Nhật Bản, Đức, Hàn Quốc và nhiều nước khác.

Chúng ta không đủ nguồn lực. Còn bà Clinton lại xoáy câu chuyện sang vũ khí hạt nhân. Bà ta từ trước đến nay vẫn là một kẻ dối trá, và đây cũng là một lời nói dối của bà ta.

Clinton: Kế hoạch kinh tế của Trump sẽ dẫn đến một cuộc đại suy thoái khác

Kinh tế là chủ đề tiếp theo của phiên tranh luận cuối cùng này.

Wallace: Cựu Ngoại trưởng Clinton, trong kế hoạch của bà thì chính phủ sẽ đóng vai trò lớn, sẽ chi tiêu nhiều hơn, sẽ tăng cường các gói quyền lợi, tăng tín dụng thuế, và tăng mức phạt thuế. Còn ông Trump, ông muốn giảm vai trò của chính phủ bằng việc giảm thuế và hạn chế luật lệ.

Xin ông/bà hãy giải thích tại sao kế hoạch của mình sẽ tạo ra nhiều công ăn việc làm và thúc đẩy tăng trường tốt hơn kế hoạch của đối thủ?

Clinton: Tôi cho rằng khi tầng lớp trung lưu thành công thì nước Mỹ cũng thành công, và do đó kế hoạch của tôi sẽ đặt trọng tâm vào việc tạo nhiều cơ hôi hơn cho tầng lớp trung lưu.

Tôi muốn có một chương trình tạo công ăn việc làm quy mô lớn nhất kể từ sau Thế Chiến II, nhất là công ăn việc làm trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng và chế tạo công nghệ cao. Chúng ta có thể cạnh tranh với các nước có thu nhập cao.

Công ăn việc làm mới và năng lượng sạch sẽ không chỉ đóng góp cho tiến trình chống lại biến đổi khí hậu, một vấn đề nghiêm trọng, mà còn tạo ra nhiều cơ hội và doanh nghiệp mới. Tôi muốn tạo điều kiện tốt hơn cho các doanh nghiệp nhỏ, đây là nơi mà 2/3 số công ăn việc làm mới sẽ được tạo ra.

Tôi muốn tăng mức thu nhập tối thiểu bởi những người có công ăn việc làm ổn định không đáng phải sống trong cảnh nghèo khổ, và tôi sẽ làm mọi điều trong khả năng để đảm bảo thù lao công bằng cho phụ nữ.

Tôi cho rằng chúng ta cần phải có một hệ thống giáo dục tốt từ mẫu giáo cho đến đại học. Đó là lý do tại sao tôi muốn giáo dục tập trung hơn vào tính ứng dụng trong các trường cấp 3 hay cao đẳng cộng đồng, những chương trình tập sự để giới trẻ sẵn sàng trước khi làm việc chính thức trong tương lai.

Cuộc tranh luận trực tiếp cuối cùng Trump-Clinton - Ảnh 1.(Xử lý ảnh: Mạnh Quân)

Tôi muốn giới trẻ không phải chịu cảnh nợ nần khi ra trường, và miễn phí đại học cho con em các gia đình có tổng thu nhập dưới 125.000 USD/năm.

Họ sẽ không phải nhận hóa đơn học phí từ bất kì một trường công nào nếu đề xuất của tôi và ông Bernie Sanders được thực thi.

Ngoài ra, tôi cũng sẽ làm mọi điều có thể để buộc giới thượng lưu phải đóng góp một phần tương xứng với thu nhập của họ.

Kế hoạch của tôi đã được các chuyên gia phân tích độc lập mổ xẻ kĩ càng, và họ cho rằng kế hoạch đó sẽ mang về hơn 10 triệu công ăn việc làm mới. Mặt khác, kế hoạch của ông Trump sẽ khiến chúng ta mất đi 3,5 triệu công ăn việc làm.

Vì sao ư? Bởi toàn bộ kế hoạch của ông ta là cắt giảm thuế, với mức cắt giảm lớn nhất cho tầng lớp thượng lưu và các tập đoàn lớn.

Kế hoạch của tôi sẽ tạo ra nhiều cơ hội lớn hơn, còn kế hoạch của ông ta sẽ khiến chúng ta mất đi công ăn việc làm và có thể dẫn tới một cuộc đại suy thoái khác.

Trump: Tôi sẽ tái thương thuyết hoặc hủy bỏ NAFTA

Trump: Trước khi đi vào kế hoạch của tôi, xin được nói rằng kế hoạch của bà Clinton là tăng thuế, và thậm chí là tăng gấp đôi. Chính sách thuế của bà ta là một thảm họa.

Bà có thể nói bất kì điều gì bà muốn về học phí đại học và tôi ủng hộ điều đó, chúng ta sẽ làm nhiều điều để tạo điều kiện cho việc học đại học, và những người dân khác sẽ phải đóng góp để phục vụ kế hoạch đó. Nhưng kế hoạch của bà Clinton lại ủng hộ tăng thuế ở mức độ cao.

Tôi cũng muốn nói nốt về vấn đề đồng minh. Khi tôi nói rằng Nhật Bản và Đức, và cả Hàn Quốc nữa, họ là những quốc gia giàu có và hùng mạnh.

Nhưng sao chúng ta vẫn phải bảo vệ họ không công? Chúng ta có thể bảo vệ họ nhưng họ phải trả công chứ. Tôi cũng ủng hộ NATO nhưng họ phải trả công chứ. Nhưng giờ bà Clinton lại nói rằng chúng ta yêu quý các đồng minh và các đồng minh thật tuyệt. Cứ nói đồng minh tuyệt vời như thế thì làm sao mà bắt họ trả công được.

Cuộc tranh luận trực tiếp cuối cùng Trump-Clinton - Ảnh 1.(Xử lý ảnh: Mạnh Quân)

Kế hoạch của tôi là sẽ thương thuyết lại các hiệp định thương mại. Công ăn việc làm của chúng ta đang bị NAFTA - cái hiệp định mà chồng bà Clinton đã kí kết - cướp mất. Một trong những hiệp định thương mại tồi tệ nhất. Công ăn việc làm đang bị hút khỏi nền kinh tế.

Những nơi tôi đã tới như Pennsylvania, Ohio, Florida, New York, công ăn việc làm đã chạy tới Mexico và nhiều nơi khác. Chúng ta phải mang công ăn việc làm trở lại nước Mỹ.

Tôi sẽ tái thương thuyết NAFTA. Nếu không thương thuyết được thì tôi sẽ hủy bỏ NAFTA.

Tôi sẽ cắt giảm thuế doanh nghiệp. Họ sẽ mở rộng nhân công. Chúng ta sẽ phải làm cho cỗ máy kinh tế Mỹ vận hành trơn tru trở lại bởi hiện nay, tăng trưởng của chúng ta đang chết dí ở mức 1%.

Bà Clinton: Tôi phản đối TPP, còn chính Trump mang việc làm sang 12 nước

Sau đó, hai ứng viên tiếp tục tranh cãi qua lại về vấn đề tăng hay giảm thuế. Ông Trump tiếp tục chỉ trích Tổng thống Obama vì nền kinh tế Mỹ hiện đang giậm chân tại chỗ, song bà Clinton đã bảo vệ người đứng đầu Nhà Trắng khi cho rằng, ông Obama đã phải "thừa hưởng" một mớ hỗn độn từ thời người tiền nhiệm George W. Bush. Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng đã được nhắc đến trong phần này.

Trump: (sau khi chỉ trích thậm tệ NAFTA)... Giờ bà lại muốn kí kết TPP. Bà đã nói dối khi phủ nhận việc bà từng gọi TPP là "tiêu chuẩn vàng". Rõ ràng là dối trá. Bà từng gọi TPP là "tiêu chuẩn vàng".

Clinton: Thứ nhất, khi tôi nhìn vào bản thỏa thuận cuối cùng của TPP, tôi đã nói rằng tôi phản đối hiệp định này. Nó không đáp ứng được bài test của tôi. Bài test đó là: liệu hiệp định này có tạo thêm công ăn việc làm không, có tăng thu nhập không, có đảm bảo an ninh quốc gia không?

Giờ tôi phản đối hiệp định này, tôi vẫn sẽ phản đối sau khi bầu cử khép lại, tôi vẫn sẽ phản đối khi tôi trở thành Tổng thống.

Chỉ một trong số những người đang có mặt trên sân khấu hôm nay đã mang công ăn việc làm sang Mexico, và đó là Donald. Ông ta đã "xuất khẩu" công ăn việc làm sang 12 nước, trong đó có Mexico.

Trump-Clinton đả kích nhau về "tư cách làm Tổng thống Mỹ"

Sau phần tranh luận về kinh tế, hai ứng viên chuyển sang "đấu khẩu" về việc liệu nhân cách của họ có phù hợp để trở thành Tổng thống Mỹ hay không. Điều phối viên tranh luận Chris Wallace đã nhắc đến đoạn video bê bối phát ngôn của ông Trump về phụ nữ, cũng như scandal tình dục của cựu Tổng thống Bill Clinton và các chỉ trích xung quanh việc bà

Clinton bảo vệ chồng mình.

Đáp lại, ông Trump khẳng định việc một số phụ nữ mới đây công khai tuyên bố đã từng bị Trump xâm hại tình dục là chuyện bịa đặt.

"Tôi thậm chí không hề xin lỗi vợ mình, người đang ngồi ngay tại đây, bởi đơn giản là tôi chưa từng làm gì sai" - Trump phát biểu. Sau đó, tỉ phú Mỹ "lái" câu chuyện sang đoạn video mới được đăng tải gần đây, trong đó ghi lại đoạn hội thoại gây tranh cãi giữa một số thành viên đảng Dân chủ.

Giống như phần tranh luận lần thứ hai, ông Trump cũng khẳng định: "Không ai tôn trọng phụ nữ nhiều như tôi. Không ai cả".

Về phần mình, bà Clinton tiếp tục chỉ trích ông Trump "chỉ biết trốn tránh trách nhiệm". Và không chỉ có bê bối liên quan đến phụ nữ, cựu Ngoại trưởng Mỹ còn chỉ trích đối thủ không chịu nhận lỗi trong các phát ngôn về phóng viên khuyết tật, về gia đình nhà Khan (gia đình người Hồi giáo có con trai hi sinh trên chiến trường Afghanistan) chỉ vì tôn giáo của họ, về John McCain... "

Đây không chỉ là một phát ngôn riêng lẻ, mà đã trở thành một hiện tượng lặp đi lặp lại nhiều lần thể hiện một tầm nhìn tăm tối và đầy rẫy sự chia rẽ của Trump cho tương lai nước Mỹ" - bà phát biểu.

Cũng trong chủ đề này, điều phối viên tranh luận Wallace đã hỏi riêng ông Trump rằng từ trước đến nay ông vẫn nói với các cử tri ủng hộ rằng cuộc bầu cử này là một sự sắp đặt và bà Clinton sẽ tìm mọi cách để có được kết quả có lợi, nhưng ngay tại đây, trước toàn bộ cử tri nước Mỹ, ứng viên đảng Cộng hòa có khẳng định rằng sẽ một mực chấp nhận kết quả của cuộc bầu cử lần này, dù ông có là người thua cuộc, hay không?


Trump: Tôi sẽ đưa ra quyết định có chấp nhận hay kết quả hay không khi bầu cử hoàn tất. Nhưng những gì tôi đã được chứng kiến cho đến thời điểm này thì thật tồi tệ.

Giới truyền thông không hề đáng tin một chút nào, họ đã bị mua chuộc và đang đầu độc tâm lý cử tri, nhưng tiếc cho họ là nhiều cử tri vẫn nhìn thấu được các chiêu trò của họ.

Wallace: Nhưng thưa ông...

Trump: ... Còn bà Clinton. Bà ta thậm chí đáng ra không được phép tranh cử. Bà ta đang mắc trọng tội. Bà ta không được phép tranh cử. Và chỉ riêng khía cạnh này thôi cũng có thể nói rằng cuộc bầu cử này đã được sắp đặt, bởi bà ta đáng ra không được phép tranh cử Tổng thống bởi những gì đã làm trong vụ e-mail và nhiều phi vụ khác.

Wallace: Nhưng thưa ông, nước Mỹ có một truyền thống, hay có thể nói là một niềm tự hào, rằng những cuộc chuyển giao quyền lực luôn diễn ra trong hòa bình, và dù kết quả có thế nào đi chăng nữa thì người thua cuộc cũng sẽ chấp nhận kết quả và cùng góp phần vì lợi ích của nước Mỹ, nhưng giờ đây có phải ý ông là ông chưa săn sàng tuân thủ theo nguyên tắc lâu đời này?

Trump:
Ý tôi là tôi sẽ nói tôi có chấp nhận kết quả hay không khi bầu cử hoàn tất. Tôi sẽ khiến ông phải hồi hộp, OK?

Clinton: Xin được đáp lại một chút, bởi tôi cho rằng những gì ông vừa nói thật là kinh khủng. Các bạn biết không, mỗi khi Donald nhận thấy mọi thứ không diễn tiến theo chiều hướng ông ta mong muốn, là y như rằng ông ta sẽ tuyên bố rằng mọi thứ đã được sắp đặt để chống lại ông ta.

FBI mở một cuộc điều tra kéo dài một năm đối với các e-mail của tôi. Họ kết luận không thể khởi tố. Ông ta lập tức nói rằng FBI đã bị mua chuộc. Ông ta thua ở vòng bầu cử sơ bộ Iowa và Wisconsin, và lập tức nói rằng đảng Cộng hòa đã sắp đặt chống lại ông ta...

Đây là tâm lý của Donald, là cách tư duy của ông ta. Khá hài hước nhưng cũng thật đáng lo. Đây không phải là cách một thể chế dân chủ vận hành. Chúng ta đã có những cuộc bầu cử tự do và công bằng trong 240 năm qua.

Chúng ta đã chấp nhận kết quả dù không mong muốn. Điều này cho thấy ông không xứng đáng với cương vị Tổng thống.

Ông chỉ biết chỉ trích vô căn cứ, hạ thấp uy tín nền dân chủ nước Mỹ. Và tôi thấy thật kinh ngạc khi ứng viên đại diện của một trong hai đảng lớn nhất nước Mỹ lại có quan điểm như vậy.

Clinton "né" câu hỏi bắn máy bay Nga ở Syria, Trump chỉ trích chính quyền Obama bị Nga qua mặt

Trong phần tiếp theo của buổi tranh luận, hai ứng viên tranh cãi về vấn đề chính sách đối ngoại của Mỹ ở Trung Đông, và cụ thể là Syria. Nổi bật trong phần này là câu hỏi của điều phối viên tranh luận Chris Wallace về ý tưởng áp đặt vùng cấm bay tại Aleppo.

Wallace: Cựu Ngoại trưởng Clinton, bà đã đề cập tới việc thiết lập vùng cấm bay để bảo vệ người dân Aleppo. Tổng thống Obama thì không ủng hộ bởi ông lo rằng điều đó sẽ kéo Mỹ sâu hơn vào giao tranh. Tổng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ Joseph Dunford thì lo ngại rằng một vùng cấm bay sẽ đặt Mỹ vào nguy cơ giao tranh với Syria và Nga.

Vậy câu hỏi của tôi là nếu bà áp đặt vùng cấm bay, bà sẽ làm gì để giải quyết những lo ngại nói trên? Thứ hai, nếu bà thiết lập vùng cấm bay và máy bay Nga vi phạm không phận, bà, trên cương vị Tổng thống, có hạ lệnh bắn hạ máy bay đó hay không?

Clinton: Tôi cho rằng vùng cấm bay sẽ cứu được nhiều sinh mạng và thúc đẩy tiến trình khép lại giao tranh. Tôi hiểu rõ những lo ngại của Tổng thống và tướng Dunford. Vùng cấm bay sẽ không được thiết lập chỉ trong một đêm, mà sẽ phải trải qua một quá trình đàm phán kéo dài.

Vùng cấm bay sẽ chỉ được thiết lập khi chúng ta đã nói rõ với phía Nga và Syria rằng mục đích của việc làm này là tạo ra vùng an toàn cho người dân...

Điều này sẽ giúp các bên trong chiến dịch đánh bại IS.

Cuộc tranh luận trực tiếp cuối cùng Trump-Clinton - Ảnh 1.(Xử lý ảnh: Mạnh Quân)

Trump: Tôi muốn nói rằng... thật nực cười khi bà ta nói rằng sẽ đánh bại IS. Đáng ra IS không được phép xuất hiện ngay từ đầu, nhưng giờ đây chúng đã có mặt ở 32 quốc gia. Ở Syria, một lệnh ngừng bắn đã được thiết lập 3 tuần trước, với sự đồng thuận của Mỹ, Nga, và Syria.

Nhưng trong thời gian ngừng bắn, Nga chiếm được hàng đống lãnh thổ. Rồi họ lại nói rằng họ không muốn giữ lệnh ngừng bắn nữa. Chúng ta đã bị qua mặt trong vấn đề ngừng bắn.

Tôi cho là bà Clinton không liên quan gì đến vấn đề này, nhưng nước ta rõ ràng đang bị Putin và Assad qua mặt, và Iran nữa. Không thể tin được độ ngu ngốc của lãnh đạo hiện nay.

Clinton: Tôi sẽ đấu tranh chống các nhóm quyền lực; Trump: Tôi sẽ làm nước Mỹ trở nên hùng mạnh

Wallace: Đây là lần cuối cùng, và có lẽ cả hai ông bà đều vui mừng khi biết điều này, hai người sẽ đứng trên cùng một sân khấu trong mùa tranh cử năm nay. Tôi muốn khép lại dịp này bằng một cái kết tích cực.

Cả hai người đã từ chối không đưa ra tuyên bố khép lại tranh luận, nhưng tôi nghĩ sẽ càng thú vị hơn vì hai người đều không chuẩn bị trước.

Do đó, tôi xin dành cho mỗi ứng viên một phút, và xin coi đây như câu hỏi cuối cùng của phiên tranh luận, để ông/bà giải thích với người dân nước Mỹ tại sao họ nên bỏ phiếu cho mình trở thành Tổng thống tiếp theo của nước Mỹ. Cựu Ngoại trưởng Clinton, xin mời bà.

Clinton: Tôi muốn nói với tất cả những ai đang theo dõi phiên tranh luận hôm nay rằng những lời sau đây của tôi hướng đến tất cả mọi người dân nước Mỹ, cử tri Dân chủ, Cộng hòa, hay không đảng phái, bởi chúng ta cần tất cả phải đồng lòng để đưa đất nước tới vị thế xứng đáng với tiềm lực của chúng ta - để phát triển kinh tế, để khiến mọi thứ công bằng, có lợi cho tất cả.

Chúng ta cần tài năng, trình độ, quyết tâm, nhiệt huyết, và ý chí của các bạn.

Cuộc tranh luận trực tiếp cuối cùng Trump-Clinton - Ảnh 1.(Xử lý ảnh: Mạnh Quân)

Tôi đã có may mắn được trực tiếp chứng kiến công việc của một Tổng thống như thế nào. Và tôi hiểu được trọng trách lớn lao của việc bảo vệ đất nước cũng như cơ hội tuyệt vời để tạo điều kiện tốt nhất cho tất cả các bạn.

Tôi đã đấu tranh vì trẻ em và các gia đình trong suốt cả đời mình. Đó cũng sẽ là nhiệm vụ của tôi trong nhiệm kì Tổng thống. Tôi sẽ đấu tranh vì những người dân thường chống lại các nhóm lợi ích quyền lực, chống lại các tập đoàn lớn.

Tôi sẽ làm mọi thứ trong khả năng của mình để đảm bảo rằng các bạn sẽ có công ăn việc làm ổn định, với thu nhập ngày càng tăng, rằng con cái các bạn sẽ được hưởng một nền giáo dục chất lượng từ mẫu giáo đến đại học.

Tôi mong các bạn sẽ trao cho tôi cơ hội để được phục vụ các bạn trên cương vị Tổng thống.

Trump: Bà ta đang huy động vốn từ những người bà ta muốn kiểm soát. Không dễ thế đâu. Nhưng khi tôi bắt đầu chiến dịch tranh cử này, tôi đã khởi đầu rất mạnh mẽ.

Tôi gọi đó là "đưa nước Mỹ trở về thời hoàng kim". Chúng ta sẽ làm nước Mỹ trở nên vĩ đại. Quân đội chúng ta hiện đang cạn kiệt nguồn lực. Điều này phải được sửa chữa.

Chúng ta có những con người tuyệt vời nhất trên trái đất này hiện đang phục vụ trong quân đội. Chúng ta đang không chăm lo cho các cựu chiến binh, mà lại đi chăm lo cho những kẻ nhập cư trái phép.

Điều này không thể tiếp diễn. Cảnh sát và phụ nữ nước ta đang bị đối xử một cách rất thiếu tôn trọng. Chúng ta cần luật pháp và trật tự. Nhưng chúng ta cũng cần công lý. Các khu nội đô của chúng ta là một thảm họa. Đi đến cửa hàng mua đồ thôi cũng bị bắn.

Cuộc tranh luận trực tiếp cuối cùng Trump-Clinton - Ảnh 2.(Xử lý ảnh: Mạnh Quân)

Họ không được giáo dục đầy đủ. Họ không có công ăn việc làm. Tôi sẽ làm nhiều điều hơn cho cộng đồng người Mỹ gốc Phi, cho cộng đồng người Latin, nhiều hơn 10 lần so với những gì bà Clinton làm được cả đời.

Tất cả những gì bà ta đã làm là nói chuyện với cộng đồng người Mỹ gốc Phi và người Latin. Nhưng sau khi họ bỏ phiếu cho bà ta rồi thì bà ta sẽ chỉ nói là: "Hẹn gặp lại 4 năm nữa nhé".

Tôi sẽ làm nước Mỹ trở nên hùng mạnh hơn, chúng ta sẽ đưa nước Mỹ trở về thời hoàng kim.

Và điều đó phải được xúc tiến ngay lúc này. Chúng ta không thể có thêm 4 năm Barack Obama nữa. Đó là những gì các bạn sẽ phải đón nhận nếu bà ta đắc cử.

Cuộc tranh luận trực tiếp lần thứ 3 giữa ứng viên Tổng thống của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa kết thúc lúc 21g35 tối 19/10 (giờ miền Đông). Đây là phiên tranh luận cuối cùng trước khi nước Mỹ chính thức đón ngày bỏ phiếu (8/11) để bầu Tổng thống thứ 45.

Theo Trí thức trẻ

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X