Hotline 24/7
08983-08983

Thương lái vứt lợn xuống đường: Điêu đứng vì Trung Quốc?

Những con lợn chết, lợn yếu... bị thương lái vứt bỏ lại dọc đường trên đường vận chuyển đến cửa khẩu để xuất sang Trung Quốc.

Ngày 1/5, trên trang cá nhân của mình, facebooker Nguyễn Thanh Sơn đã đăng tải một số hình ảnh ghi lại cảnh chiếc xe tải mang BKS 34C - 054.19 dừng bên quốc lộ và vứt nhiều xác heo xuống đường.

Theo đó, những hình ảnh trên được anh Sơn chụp vào trưa 30/4 tại một khu vực giáp ranh giữa huyện Yên Minh và huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang.

Người vứt xác heo dọc đường cho biết, họ vứt những xác heo đã chết và một số con heo có biểu hiện lừ đừ, yếu ớt, sắp chết.

Hàng loạt lợn chết, lợn yếu bị thương lái bỏ lại bên đường quốc lộ. Ảnh: Nguyễn Thanh Sơn

Trao đổi với báo chí, ông Vũ Văn Quân, Chủ tịch UBND xã Na Khê, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang cho biết, sau khi nhận được thông tin phản ánh từ người dân, chính quyền xã đã tới hiện trường xử lý, tiêu hủy những xác heo bị vứt dọc đường.

Ông Quân khẳng định, khi lực lượng chức năng tới hiện trường thì chiếc xe tải trên đã rời khỏi hiện trường.

'Người ta vứt xác heo như vậy là rất vô ý thức, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân xung quanh', ông Quân nói trên Dân Việt.

Khổ vì thương lái Trung Quốc?

Đây không phải là lần đầu tiên xuất hiện trường hợp vứt xác lợn chết ở dọc đường. Đặc biệt thời gian gần đây khi thịt lợn rớt giá thê thảm, những cảnh tượng trên lại càng dễ bắt gặp hơn.

Nhiều thương lái sẵn sàng vận chuyển lợn không bán được hoặc bị ốm chết từ Trung Quốc về Việt Nam rồi lén vứt trên đường quốc lộ.

Gần đây nhất, ngày 13/4, một số người dân sống ở huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn bắt quả tang chủ hàng, lái xe ô tô tải biển kiểm soát: 89C-06531 vứt hàng chục con lợn chết xuống khe suối, khe đồi ven quốc lộ 4A thuộc địa phận đèo Bông Lau; nơi giáp ranh giữa huyện Tràng Định (Lạng Sơn) và Thạch An (Cao Bằng).

Việc không có những quy định rõ ràng với phía Trung Quốc khiến cho người dân Việt Nam liên tiếp gặp trái đắng. Ảnh: Nguyễn Thanh Sơn

Trước sự phản ứng của người dân, chủ xe ô tô kể trên đã phải xin lỗi và bốc lợn trở lại xe đồng thời hứa sẽ không tái diễn cảnh này nữa.

Trước đó hồi tháng 5/2016, tại khu vực từ km 3 đến km 7 đoạn suối Củn, thuộc địa phận 2 xóm Bản Gủn, Khuổi Hân, xã Ngũ Lão (Hòa An, Cao Bằng), lực lượng chức năng phát hiện 19 con lợn chết bị vứt bỏ lại ven đường, mùi hôi thối phát tán khắp nơi.

Thực tế hơn 1 năm trở lại đây, nhiều thương lái đã chở lợn từ các tỉnh miền Trung và Nam Trung Bộ qua biên giới Cao Bằng để xuất sang Trung Quốc.

Tuy nhiên, phía Trung Quốc cấm nhập khẩu lợn khiến cho hàng nghìn con lợn ùn ứ tại biên giới.

Từng trao đổi với Đất Việt về vấn đề này, PGS TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên Viện trưởng viện Công nghệ và thực phẩm - ĐH Bách khoa Hà Nội đã thẳng thắn chỉ ra những bất cập trong quá trình chăn nuôi lợn của người nông dân.

Một trong những lý do được vị chuyện gia chỉ ra đó là do Việt Nam phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc và không có những quy định cụ thể, chặt chẽ mang tính ràng buộc giữa các bên.

Theo ông Thịnh, không chỉ riêng mặt hàng thịt lợn mà trước đây dưa hấu, chè, rau củ quả, nông dân Việt Nam cũng “điêu đứng” với các thương lái người Trung Quốc.

Đặc biệt, việc xuất khẩu thịt lợn theo con đường tiểu ngạch khiến cho người nông dân Việt Nam luôn rơi vào tình thế bị động.

'Có những thương nhân là người tốt nhưng cũng có kẻ xấu, làm ăn không lành mạnh. Họ tung tin mua lợn này lợn kia và người dân trong nước đua nhau đi nuôi.

Giá cám, thức ăn chăn nuôi vốn đắt nhưng sau khi lợn đến giai đoạn xuất chuồng thì thương lái lại dừng mua. Số lượng nhiều dân không bán được. Chúng ta bị động với kế hoạch sản xuất của mình.

Tình trạng lợn, hoa quả cứ ùn tùn kéo lên biên giới để chờ xuất sang Trung Quốc diễn ra phổ biến nhiều năm qua. Khi Trung Quốc từ chối thì người thua thiệt là nông dân Việt Nam', ông Thịnh nói.

Theo Hoàng Hà - Đất Việt

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X