Hotline 24/7
08983-08983

Thông tin sức khỏe bí ẩn của ứng viên tổng thống Mỹ

Chưa cuộc bầu cử tổng thống Mỹ nào mà hai ứng viên chính đều cao tuổi như năm nay, bà Hillary 68 tuổi, ông Trump 70 tuổi, nhưng thông tin sức khỏe của họ không được công bố nhiều.

Báo New York Times cho biết, cả 2 ứng viên đều đã công bố kết quả kiểm tra y tế từ năm 2015 nhưng đến nay chưa cập nhập thêm lần nào. Do yếu tố tuổi tác nên thông tin sức khỏe của cả ông Donald Trump lẫn bà Hillary Clinton đều trở nên bí ẩn và công bố có chọn lọc hơn những ứng viên trước đây.

Tỷ phú Trump tỏ ra dè dặt hơn bà Clinton dù chính ông là người dùng chủ đề sức khỏe như vũ khí để công kích đối thủ trong cuộc đua khi chất vấn tình trạng thể chất, tinh thần và khả năng chịu đựng của Hillary liệu có đủ để đảm đương chức vụ tổng thống hay không? Còn các đồng minh của ứng viên Cộng hòa thì lan truyền những tin đồn vô căn cứ rằng bà Clinton bị ốm.

Hope Hicks, người phát ngôn của Trump, ngày 22/8 khẳng định vị tỷ phú không phiền hà nếu cần công bố thêm các kết quả kiểm tra sức khỏe nhưng yêu cầu bà Clinton phải hành động tương tự.

Trong khi đó, những cố vấn của bà Clinton nói bản thông tin sức khỏe hồi năm ngoái của bà chi tiết hơn rất nhiều so với của ông trùm bất động sản, nên chính Trump là người phải noi gương về mức độ công khai.

Thong tin suc khoe bi an cua ung vien tong thong My hinh anh 1
Tỷ phú Trump và bà Clinton trong một buổi vận động cử tri vào tháng 8. Ảnh: NYT

Tiền lệ giấu giếm

Trong lịch sử Mỹ, các tổng thống và ứng viên tổng thống đều rất bí mật về tình hình sức khỏe của họ. Tổng thống Woodrow Wilson từng bị đột quỵ vào năm 1919 khiến ông gần như không còn năng lực tiếp tục công việc; nhưng ông và các cố vấn đã cố che giấu điều này trong một thời gian.

Tổng thống Franklin D. Roosevelt thì không bao giờ để lộ những hình ảnh gắn chặt trên chiếc xe lăn; hoặc Tổng thống John F. Kennedy cố gắng che giấu các thông tin về tình hình sức khỏe, bao gồm chứng đau lưng kinh niên.

Ngoài sức khỏe thể chất, sức khỏe tâm thần cũng là một yếu tố quan trọng. Ứng viên phó tổng thống của đảng Dân chủ Thomas F. Eagleton đã từ bỏ cuộc đua (năm 1972) sau khi thừa nhận ông từng trải qua điều trị trầm cảm bằng sốc điện (ECT).

Tuy nhiên, đến khi ông Ronald Reagan tranh cử vào năm 1980 thì tình hình đã thay đổi. Trở thành ứng viên cao tuổi nhất của đảng Cộng hòa từ trước đến nay (69 tuổi), ông đã công bố chi tiết thông tin tình hình sức khỏe cá nhân. Tiền lệ này sau đó được các ứng viên thế hệ sau nối tiếp.

Ứng viên Mitt Romney (2012) công bố thông tin sức khỏe vài tháng trước ngày bầu cử, và yêu cầu các bác sĩ cung cấp thông tin. “Lão tướng” John McCain khi chinh chiến hồi năm 2008 đã 72 tuổi, nhưng cũng cho phép báo chí nghiên cứu hơn 1.100 trang tài liệu về tình hình sức khỏe của ông.

Ở đảng Dân chủ, các ứng viên Al Gore và John Kerry luôn trao đổi công khai về sức khỏe của các ông (ông Kerry từng trải qua điều trị ung thư tuyến tiền liệt). Yếu tố sức khỏe đối với ông Bill Clinton và Barack Obama dường như đơn giản hơn vào thời điểm tranh cử.

Nhu cầu chính đáng của cử tri

Tại cuộc đua năm 2016, ông Donald Trump thừa nhận ông thường xuyên ăn thức ăn nhanh, không ngủ nhiều hoặc hiếm khi đi nghỉ dài ngày. Hồi tháng 12/2015, ông chỉ công bố báo cáo về tình hình vùng tiêu hóa vỏn vẹn trong 4 đoạn.

Văn bản không bao gồm các thông tin như chỉ số nhịp tim, hô hấp, nồng độ cholesterol, các lần điều trị y tế trong quá khứ hoặc thông tin sức khỏe của người nhà.

Thong tin suc khoe bi an cua ung vien tong thong My hinh anh 2Thư xác nhận kết quả sức khỏe của ông Donald Trump do bác sĩ riêng thực hiện chỉ vỏn vẹn vài đoạn. Ảnh: donaldjtrump.com

Tuy nhiên, tờ khai này ca ngợi tình trạng sức khỏe của ông Trump là “khỏe mạnh đáng ngạc nhiên”, hoặc cho biết chỉ số huyết áp là 110/65…

Bác sĩ thực hiện xét nghiệm, Harold N. Bornstein, kết luận, nếu ông Trump chiến thắng thì “ông sẽ là người khỏe mạnh nhất từ trước đến nay đắc cử tổng thống”. Kết luận này sau đó bị mỉa mai vì nó thiếu cơ sở khoa học và không thể chứng minh.

Về phần bà Clinton, nữ ứng viên từng công bố một báo cáo 2 trang hồi tháng 7/2015 do bác sĩ riêng là cô Lisa Bardack biên soạn. Báo cáo đề cập đến việc bà thường xuyên bị choáng hồi năm 2012, có cục máu đông trong đầu và bị chứng song thị. Bác sĩ Lisa khẳng định những triệu chứng này đã được chữa khỏi trong vòng 2 tháng.

Tuy nhiên, ông Bill Clinton từng nói bà Hillary phải mất 6 tháng điều trị để hoàn toàn không còn bị hiện tượng choáng váng. Điều này khiến một số người trong phe Cộng hòa đồn đoán rằng bệnh của nữ đối thủ nghiêm trọng hơn so với công bố, nhưng họ không có bằng chứng để khẳng định.

Giới chuyên gia y tế và các bác sĩ đồng tình rằng 2 vị ứng viên phải chia sẻ nhiều thông tin hơn về sức khỏe bản thân. “Các cử tri phải được biết nhiều hơn. Công chúng có quyền được biết, nhưng hai ứng viên lại không minh bạch đầy đủ”, ông Buton Lee, bác sĩ riêng của cựu tổng thống George W.Bush tại Nhà Trắng, nói.

Luật sư chuyên ngành y tế Lawrence O. Gostin (Đại học Georgetown) nhận định: “Thể chất của một người thay đổi rất nhanh, đặc biệt khi họ đã nhiều tuổi. Với tần suất hoạt động liên tục của chiến dịch, phải đi lại nhiều nơi để phát biểu, cả ngày lẫn đêm, có thể khiến sức khỏe sa sút đáng kể”.

Theo ông Gostin, chiến dịch tranh cử như một phiên tòa để các ứng viên chứng tỏ họ đủ khỏe mạnh đảm đương nhiệm vụ tổng thống. Do vậy, việc công bố các báo cáo sức khỏe mới nhất là điều vô cùng quan trọng.

Theo Minh Anh - Zing.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X