Hotline 24/7
08983-08983

Thông điệp của Trump và sự nổi giận của Trung Quốc

Cuộc khẩu chiến giữa Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump và Chính phủ Trung Quốc đang leo thang nhanh chóng.

 Bắc Kinh 'phản pháo' quyết liệt vì ông Trump 'mắng mỏ' quan điểm kinh tế và an ninh của nước này.

Thực tế kể trên báo trước nguy cơ một mối quan hệ sóng gió giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, theo tạp chí Phố Wall.

Thông điệp của Trump và sự nổi giận của Trung Quốc

Một người đàn ông đọc bài báo viết về Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump ngày 10/11 ở Bắc Kinh. (Ảnh: AP)

Tuy chưa chính thức nhậm chức Tổng thống Mỹ nhưng ông Trump có xu hướng sẽ thực hiện những cam kết khi tranh cử là phản đối các chính sách tiền tệ và thương mại của Trung Quốc.

Tuần trước, vào tối thứ Sáu và sáng thứ Bảy, các quan chức Bắc Kinh đã giảm nhẹ cuộc điện đàm của Tổng thống đắc cử Mỹ với lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn. Cuộc gọi này, theo một quan chức trong nhóm chuyển giao quyền lực của ông Trump, là do cựu Thượng nghị sĩ Cộng hòa Bob Dole sắp xếp.

Một nguồn thạo tin tiết lộ, nội dung điện đàm bao gồm một cuộc thảo luận về Trung Quốc và sự ổn định ở châu Á - Thái Bình Dương. Ngay sau đó, phía Bắc Kinh chĩa bực dọc vào Đài Loan, chứ không nhằm vào Trump.

Thế nhưng, Bắc Kinh đã lập tức thể hiện bất bình ngay sau một loạt thông điệp mà Donald Trump đăng lên Twitter với nội dung chỉ trích các chính sách tiền tệ của Trung Quốc và sự hiện diện quân sự của nước này ở Biển Đông.

Tờ Nhân dân Nhật Báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc tuyên bố trong bài bình luận trang nhất ngày 5/12 rằng, "Trump và nhóm chuyển giao của ông ta phải nhận ra rằng gây khó cho quan hệ Mỹ - Trung cũng chính là gây khó cho Mỹ".

Báo này khuyến cáo, nếu những "tiểu xảo" như vậy để nguyên không có lời giải đáp thì Bắc Kinh có thể chắc chắn chứng kiến thêm nhiều những hành động khiêu khích tương tự một khi ông Trump lên nắm quyền.

Thông điệp của Trump và sự nổi giận của Trung Quốc

Lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn trò chuyện qua điện thoại với Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump tại văn phòng ở Đài Bắc ngày 3/12. (Ảnh: Reuters)

Các chuyên gia Mỹ - Trung nhận định, cả ông Trump và giới chức Bắc Kinh dường như đang cố gắng thiết lập các ranh giới cho một mối quan hệ mới giữa hai nước. Và mối quan hệ này có vẻ sẽ sóng gió hơn so với thời Barack Obama.

Tại Nhà Trắng, một nhân vật cấp cao trong chính quyền Obama tiết lộ, các quan chức Mỹ đã trả lời rất nhiều cuộc gọi từ phía Trung Quốc vào cuối tuần qua với nội dung than phiền về hành động của Tổng thống đắc cử. Họ nhấn mạnh rằng nó cần cho sự ổn định và tính có thể dự đoán trước về quan hệ Mỹ - Trung.

Phía TQ còn tìm kiếm chỉ dẫn cho các ý định chính sách của Donald Trump, nhưng giới chức Nhà Trắng thừa nhận họ cũng không hề hay biết.

Tạp chí Phố Wall dẫn lời Christopher Johnson, một nhà phân tích kỳ cựu về Trung Quốc tại Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ, nhận định: "Những gì các bạn chứng kiến trong 8 năm qua có thể mang quá nhiều tính dự đoán từ Mỹ trong cách tiếp cận với Trung Quốc... Một chút tính khó dự đoán cũng tốt, nhưng quá nhiều thì lại đáng sợ. Có một ranh giới hợp lý nằm ở giữa, và đó là sự cân bằng cần được xác lập".

Sau khi Donald Trump chính thức trở thành Tổng thống ngày 20/1/2017, thử thách thực sự đầu tiên của ông với Trung Quốc có thể nảy sinh vào giữa tháng 4. Đó là khi Bộ Tài chính Mỹ được yêu cầu phải công khai báo cáo "tiền tệ", nêu chi tiết hành xử của các quốc gia khác.

Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump đã thề sẽ nêu tên Trung Quốc là một nước "thao túng tiền tệ" - một sự "chỉ mặt gọi tên" cần hai nước phải đàm phán với nhau, và có thể là một bước tiến tới trừng phạt Bắc Kinh.

Theo giới chuyên gia, khẩu chiến giữa một Tổng thống đắc cử Mỹ và đất nước có nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới trong 72 giờ qua đã phá vỡ hơn một thập niên ngoại giao mỏng manh.

Một sự gia tăng căng thẳng Trung - Mỹ ngay từ trước khi Donald Trump nhậm chức có thể sẽ định hình sự hợp tác giữa hai nước ở một loạt các vấn đề quan trọng, đặc biệt là giữa lúc báo động về mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên, mà ông Trump sẽ cần đến Trung Quốc để giải quyết.

Tạp chí Phố Wall dẫn bình luận của David Dollar - phái viên tài chính và kinh tế của Bộ Tài chính Mỹ tại Trung Quốc trong nhiệm kỳ 1 Tổng thống Obama - nhận định: Cuộc gọi của ông Trump với lãnh đạo Đài Loan, cùng một loạt các thông điệp mà tỷ phú Mỹ đưa lên Twitter cáo buộc Trung Quốc thao túng tiền tệ, đánh thuế quá cao hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, và xây dựng "môt tổ hợp quân sự hoành tráng ở giữa Biển Đông"... đã tạo ra một sự "bất an lớn" ở Bắc Kinh.

"Một số vấn đề với Trung Quốc thường được xử lý tốt nhất theo cách yên lặng và bí mật. Nếu toàn bộ chính sách đều là ngoại giao - bằng - twitter thì thật khó nghĩ nó có thể đáp ứng được các mục tiêu của Mỹ", ông Dollar nói thêm.

Đến nay, tuy Tổng thống đắc cử Mỹ đã giảm nhẹ một số quan điểm khi tranh cử, chẳng hạn như về thay đổi khí hậu, tra tấn các nghi phạm khủng bố... nhưng ông không có vẻ từ bỏ tuyên bố sẽ thách thức Bắc Kinh quyết liệt hơn.

Cách tiếp cận của Trump trong những ngày gần đây "có thể sẽ buộc người Trung Quốc cảm thấy họ phải phản ứng", trích lời Michael Auslin, một học giả về Các nghiên cứu châu Á tại Viện Doanh nghiệp Mỹ.

Theo ông Auslin, Trung Quốc có thể sẽ áp dụng một số biện pháp cứng rắn, và có thể phát tín hiệu sẽ rút khỏi các đòn trừng phạt mới đây của Liên Hợp Quốc nhằm vào Triều Tiên...

Theo Thanh Hảo - VietNamNet

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X