Hotline 24/7
08983-08983

Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Thị Ngọc Phượng - Một đời y đức

Ngoài việc đem lại thiên chức làm cha, làm mẹ cho biết bao gia đình bà còn tổ chức phẫu thuật tách cặp song sinh Việt - Đức, chữa hiếm muộn, trẻ dị tật, dự án Cô đỡ thôn bản…

GS.BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng, nguyên Giám đốc BV Từ Dũ TPHCM, một thầy thuốc nhân dân được mọi người yêu mến đã làm được điều kỳ diệu ấy. Bác sĩ là bà tiên của nhiều gia đình.

Bà Tiên của những đôi vợ chồng hiếm muộn

Lập gia đình năm 1986 nhưng có hơn 10 năm trời chạy chữa khắp nơi, hai vợ chồng anh Phạm Xuân Tài và chị Phạm Thị Thanh Dung gần như tuyệt vọng và buông xuôi vì không thể nào có một đứa con mơ ước.

Năm 1997, may mắn đã đến với gia đình anh khi gặp được BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng, Giám đốc BV Từ Dũ năm ấy. Hy vọng lóe lên bởi đó cũng là năm đầu tiên BS Phượng mang kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON) về Việt Nam, mời vợ chồng anh tham gia.

Ngày đó, gia đình anh chị là một trong ba gia đình may mắn thụ tinh thành công. Con gái Phạm Tường Lan Thy ra đời khỏe mạnh là cả một niềm hạnh phúc lớn lao của gia đình.

BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng hạnh phúc bên cháu ngoại.

Cũng như gia đình anh Tài, hai vợ chồng chị Mai Thúy Nga và anh Mai Văn Phơn quá đau khổ khi không thể có được một con. Lúc này chị Nga đã 41 tuổi. Niềm tin mãnh liệt về tình mẫu tử trong chị lại trỗi dậy khi gặp BS Ngọc Phượng, được tham gia thực hiện phương pháp TTTON đầu tiên tại Việt Nam. Kiên trì với quá trình TTTON, cậu bé Mai Quốc Bảo chào đời trong niềm hạnh phúc vỡ òa của hai vợ chồng và cả gia đình.

Khi Bảo chào đời, anh Phơn chắp tay cảm ơn đất trời, cảm ơn các bác sĩ đã cho hai vợ chồng anh được làm cha, làm mẹ. Hình ảnh đó của anh Phơn vẫn còn đậm sâu trong trí nhớ của bác sĩ Phượng và cũng làm bà thấy ấm lòng vì đã góp phần mang hạnh phúc đến cho những cặp vợ chồng hiếm muộn như anh.

"Là bác sĩ, tôi thường chứng kiến hạnh phúc của không biết bao nhiêu cặp vợ chồng khi đứa con ra đời. Với những người phụ nữ không sinh được con, áp lực từ gia đình chồng và nguy cơ mất hạnh phúc gia đình luôn rình rập… Từng chứng kiến quá nhiều nước mắt và đau khổ của không ít người, tôi xót thương.

May mắn năm 1993 - 1994, tôi tham gia giảng dạy cho sinh viên Pháp tại ĐH Nice, đồng thời được học tập kỹ thuật và kinh nghiệm làm TTTON tại Pháp. Biết y học thế giới có công trình TTTON, nhớ lại hoàn cảnh tội nghiệp của các cặp vợ chồng hiếm muộn nên tôi quyết định phải học hỏi và bằng mọi giá đưa về Việt Nam áp dụng", BS Phượng trải lòng.

Từ đó, bà bắt đầu dành dụm tiền đi dạy để mua máy móc gửi về Việt Nam. Năm 1997, máy móc gần như hoàn thiện, đoàn chuyên gia Pháp gồm bốn người sang Việt Nam để cùng bà tiến hành những ca TTTON đầu tiên.

Ngày 30/4/1998, đúng ngày kỷ niệm 23 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ba em bé TTTON đã chào đời trong niềm vui không chỉ của riêng bác sĩ Phượng mà còn của hàng ngàn cặp vợ chồng hiếm muộn khác trên cả nước. Đó là những nỗ lực, cố gắng rất lớn của đội ngũ y bác sĩ năm xưa của BV Từ Dũ.

Kể từ sự kiện lịch sử đó đến nay, kỹ thuật TTTON đã tạo những bước tiến mạnh mẽ cho ngành sản phụ khoa. BV Phụ sản Từ Dũ TPHCM trở thành đơn vị đi đầu trong cả nước về phương pháp này và đưa Việt Nam trở thành một trong những nước có uy tín bậc nhất tại khu vực Đông Nam Á về phương pháp TTTON. Sự thành công này góp phần làm tăng vị thế của y học Việt Nam trong phạm vi khu vực và trên thế giới.

Theo nghiên cứu của BV Từ Dũ, các bé sinh ra từ kỹ thuật TTTON và những kỹ thuật tương đương đều phát triển bình thường về thể chất và tâm lý. Không có khác biệt về sự phát triển giữa các trẻ sinh ra từ những kỹ thuật TTTON với sinh tự nhiên.

Bên cạnh đề tài TTTON, BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng đã hoàn thành xuất sắc nhiều đề tài có giá trị khác như: Kỹ thuật nội soi trong phụ khoa, phát hiện sớm điều trị ung thư cổ tử cung, áp dụng phương pháp miễn dịch me tế bào gốc để chuẩn đoán và theo dõi sự phát triển của thai nhi, ảnh hưởng của chất độc hóa học trên sức khỏe phụ nữ và các biện pháp khắc phục.

Bà là người đầu tiên mang kỹ thuật nội soi trong phụ khoa về Việt Nam. Nhờ sự giúp đỡ của Pháp, Khoa nội soi của Bệnh viện Từ Dũ được thành lập và đến nay công trình này được công nhận là đứng đầu trong nước về kỹ thuật nội soi phụ khoa.

Ngoài ra bà còn là người có nhiều công lao trong việc thành lập Viện Tim của TPHCM. Cùng một lúc lãnh đạo hai bệnh viện lớn, nhưng với lòng yêu nghề và tinh thần trách nhiệm cao, bà đã dẫn dắt cả hai bệnh viện trở thành "đơn vị Anh hùng Thời kỳ đổi mới".

Mẹ đẻ chương trình "Bà đỡ thôn bản"

Cách đây gần 20 năm về trước, để chống chọi với bệnh tật, nhiều vùng đồng bào dân tộc vùng cao chỉ biết dùng lá cây rừng, nhờ cậy thầy mo làm lễ… Ngay cả việc sinh nở nếu không suôn sẻ cũng nhờ tới "hủ tục" thầy mo giúp "đuổi tà ma"… Vì thế, tai biến sản khoa thường xuyên diễn ra, có khi cả mẹ lẫn con đều tử vong, để lại đàn con nheo nhóc.

GS.BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng cũng chính là mẹ khai sinh của chương trình Cô đỡ thôn bản tại các vùng này. Bà cho biết BV Từ Dũ được Bộ Y tế giao là cơ quan chuyên khoa đầu ngành của các tỉnh, thành từ Đà Nẵng tới Cà Mau. Công việc đi nhiều, tiếp xúc nhiều với phụ nữ.

Tỷ lệ tử vong ở bà mẹ và trẻ sơ sinh còn rất cao ở các tỉnh miền núi, nhất là ở vùng dân tộc thiểu số luôn trăn trở làm thế nào để giảm tỷ lệ tử vong cho các bà mẹ ở vùng đó.

"Tôi đã nảy ra ý định đào tạo các cô đỡ thôn bản để chăm sóc tốt hơn cho chị em trong việc sinh nở. Phải đào tạo những cô đỡ tại chỗ, họ là người bản xứ nên cách tiếp cận người dân tốt, sống cùng cộng đồng, nói tiếng cộng đồng, hiểu được phong tục tập quán nơi đó nên sẽ dễ dàng giải thích, hướng dẫn phụ nữ địa phương đến khám thai và đẻ ở trạm y tế xã. Cô đỡ thôn bản cũng có thể đỡ đẻ tại nhà theo cách an toàn và sạch", BS Phượng cho biết.

Khi thực hiện dự án này, không ít ý kiến phản đối vì những đối tượng được đào tạo là người dân tộc thiểu số, trình độ học vấn không cao, thậm chí chưa học xong tiểu học và hiểu tiếng Việt sẽ khó hiệu quả.

Nhưng chính bà và các bác sĩ, nhân viên tại BV Từ Dũ đã "cầm tay chỉ việc", tập trung đào tạo kỹ năng thực hành. Mỗi nữ hộ sinh ở BV Từ Dũ nhận kèm đào tạo từ một đến ba học viên.

Đến nay, sau hơn 18 năm đào tạo, hàng trăm cô đỡ thôn bản đang hoạt động hiệu quả ở các tỉnh. Họ tự tin đi khám thai, theo dõi, đỡ đẻ, phát hiện và chuyển viện kịp thời các trường hợp nguy cơ như: sản giật, nhiễm khuẩn, ca đẻ khó, tham gia tiêm chủng ngừa uốn ván cho phụ nữ mang thai…

Dự án Cô đỡ thôn bản nhận được sự đánh giá cao và ủng hộ của các già làng, trưởng bản và cơ quan địa phương các cấp. Trở thành "cánh tay nối dài" của ngành y trong việc bám cơ sở để thực hiện các chương trình y tế mục tiêu, mạng lưới cô đỡ thôn bản ngày càng khẳng định vai trò thiết thực của mình trong bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cộng đồng, giảm tử vong ở bà mẹ và trẻ sơ sinh. Gần 2 năm qua, cô đỡ thôn bản đã trở thành chức danh chính thức được Bộ Y tế công nhận.

Bác sĩ của người nghèo và nạn nhân da cam

Kể từ khi nghỉ hưu đến nay, BS Phượng vẫn làm việc không ngừng nghỉ với nhiều hoạt động tích cực.

BS Phượng còn đảm nhiệm rất nhiều chức vụ của nhiều tổ chức như Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TPHCM, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nạn nhân chất độc da cam và dioxin, Chủ tịch Hội Nội tiết sinh sản và vô sinh TPHCM...

Là Phó chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam Việt Nam và TPHCM, bà thường xuyên thăm viếng, tiếp xúc, giải thích tư vấn cho các gia đình nạn nhân. Ngoài ra, bà cũng cùng với Trung ương hội đã theo đuổi vụ kiện và giành lại công lý cho nạn nhân da cam để mỗi nạn nhân đều có điều kiện sống và hòa nhập cộng đồng tốt hơn.

Năm 2007, bà đã dự Đại hội của Hội Y tế cộng đồng Hoa Kỳ gồm hơn 14.000 thành viên để báo cáo và tranh luận với các bác sĩ Hoa Kỳ về hậu quả lâu dài của các chất độc hóa học - chất độc da cam/dioxin đối với con người.

Kết quả cuối cùng, đại hội đã thông qua nghị quyết khuyến cáo Chính phủ Hoa Kỳ cùng các công ty hóa chất đã cung cấp các chất độc hóa học cho quân đội để rải ở Việt Nam phải cung cấp đủ chi phí cho việc tẩy sạch môi trường ở Việt Nam và hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam/dioxin (bao gồm nạn nhân Việt Nam, cựu chiến binh Hoa Kỳ, Úc, New Zealand, Hàn Quốc...) dự phòng và điều trị bệnh và tật bẩm sinh, được đào tạo dạy nghề, có phương tiện kiếm sống và hòa nhập cùng cộng đồng.

Từ nhiều năm nay, BS Ngọc Phượng cũng đã tổ chức một nhóm bác sĩ và nữ hộ sinh giàu lòng nhân ái tới nhiều nơi thuộc vùng xa vùng sâu của các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam bộ và miền Trung để khám chữa bệnh, phát thuốc miễn phí và tặng quà cho hàng ngàn phụ nữ và trẻ em, mẹ Việt Nam anh hùng.

Đến giờ này, dù đã 71 tuổi nhưng bà vẫn theo con đường đã tâm niệm là chăm sóc cho bệnh nhân nghèo, đến vùng sâu, vùng xa phát hiện và điều trị cho bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn và đấu tranh cho những mảnh đời bất hạnh vì chiến tranh. Con người ấy, tấm lòng ấy suốt một đời tận tụy, thầm lặng vì nhân dân mà chưa bao giờ biết mệt mỏi.

Theo Võ Thắm - Sài Gòn giải phóng

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X