Hotline 24/7
08983-08983

“Thần nước” ở buôn Kiều

Khi nghe chuyện Y Ngâng ở buôn Kiều, xã Yang Mao, huyện Krông Bông (Đăk Lăk) dám bỏ tiền ra dẫn nước về cho dân dùng, chúng tôi cứ nghĩ gia đình anh phải khá giả lắm.

Cái nghèo còn đeo

Những năm 90 của thế kỷ trước khi mới lập gia đình, cuộc sống vợ chồng Y Ngâng vô cùng chật vật. Mấy sào rẫy cha mẹ chia cho, Y Ngâng đem trồng cà phê. Nhưng đến khi cà phê sắp cho thu hoạch thì giá rớt thê thảm nên Y Ngâng chặt trụi. Vũng lúa dưới đồi mỗi năm đem về đủ cái ăn với Y Ngâng đã là may mắn lắm.

Năm 1995, trước những bế tắc gần như không thể tháo gỡ (thiếu vốn, thiếu đất canh tác) thì Y Ngâng may mắn được vay 1,5 triệu đồng. Thấy điều kiện đất đai thuận lợi cho việc chăn nuôi, anh quyết định dùng số tiền vay được đem mua bò. Từ một con bò ban đầu, Y Ngâng đã dần dần có cả đàn bò. Năm 2008, khi trong tay có được số vốn kha khá, anh bắt đầu đầu tư trồng cà phê trở lại.

“Sau khi có được chút vốn, cuộc sống có đỡ hơn nhưng với 3 đứa con ăn học, gia đình mình bây giờ cũng chẳng có đồng dư. Cà phê trồng giữa lưng chừng đồi, không chỉ khó nguồn nước tưới mà việc đầu tư cũng tốn kém vô cùng. Biết vậy nhưng dẫu sao cũng còn hơn trồng mì.

Điều kiện ở đất này chỉ đến thế, cũng đành chấp nhận “đánh vật” với nó thôi” – Y Ngâng trầm tư… trước khó khăn về nước tưới cho cà phê cũng như cảnh bà con trong buôn hàng ngày phải leo hàng cây số lên khe Ya Knil đưa nước về dùng. Y Ngâng đã mất rất nhiều đêm trằn trọc tìm cách khắc phục.

Suối Knil ở tít trên đỉnh đồi nay đã chịu đưa nước về tận nhà Y Ngâng

 

Nhà nghèo - bụng không nghèo

Cuối cùng, anh bàn với vợ bán con bò, tài sản có giá trị duy nhất của gia đình, vay thêm tiền để mua gần 2 km đường ống để đưa nước về buôn. “Con bò bán chỉ được 4 triệu nhưng chỉ tính tiền mua đường ống đã mất hơn 18 triệu đồng- một số tiền rất lớn đối với gia đình mình lúc bấy giờ. Nhưng nếu không mạnh dạn thì chẳng lẽ suốt đời phải đi cõng nước? Nghĩ vậy nên sau khi được vợ đồng ý, tôi lập tức chạy vạy vay tiền mượn người tiến hành thực hiện kế hoạch” - Y Ngâng kể.

Ngày đó, khi Y Ngâng thuê người đi đào núi đặt ống dẫn nước, ai cũng lắc đầu chán ngán cho cái quyết định “ngông cuồng” ấy. Nhưng trước sự cương quyết của Y Ngâng, nhiều người đã sẵn lòng bỏ công không đi đào núi giúp anh. Hơn 1 tuần liền, với sự giúp đỡ của hàng chục người cuối cùng công trình của Y Ngâng cũng hoàn thành.

Từ đó, nước từ Ya Knil đã chảy qua những rẫy cà phê ở lưng chừng đồi, tưới luôn cho những vạt lúa dưới chân đồi rồi ngày đêm chảy về buôn Kiều. Và cũng từ những ngày đó, 120 hộ dân buôn Kiều chẳng ai phải leo lên Ya Knil lấy nước nữa...

Ông Ama Cương - Trưởng buôn Kiều kể, ngày trước buôn thiếu nước quanh năm. Mùa mưa còn có thể dùng nước mưa chứ mùa nắng phải leo lên tít trên suối Ya Knil để cõng nước về. Đường không xa lắm nhưng dốc núi dựng đứng, đi lại vất vả vô cùng.

Còn ông Ama Chung cho biết: “Nhà có đến 7 miệng ăn, chỉ riêng việc đi lấy nước về nấu nướng mỗi ngày tôi cũng phải bỏ ra cả nửa ngày. Nghĩ lại những ngày ấy mà thấy sợ. Giờ không những chẳng lo gì chuyện thiếu nước sinh hoạt mà ngay cả nước tưới cho lúa, cà phê cũng chẳng sợ thiếu nữa”.

Theo ông Ama Cương, công trình nước của Y Ngâng đã giúp ít nhất 30 hộ gia đình giải quyết khó khăn về nước sinh hoạt, hàng chục gia đình khác có ruộng lúa nước, rẫy cà phê dọc đường ống cũng đã được hưởng lợi từ công trình nước này. Tuy đường ống dẫn nước của Y Ngâng không lớn, song nước chảy về triền miên nên mọi người vẫn vô tư sử dụng.

AloBacsi.vn
Theo Dân Việt

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X