Hotline 24/7
08983-08983

Tàu tên lửa tấn công nhanh

Tàu tên lửa tấn công nhanh lớp Molniya được trang bị 16 tên lửa chống hạm cận âm Uran-E và 12 tên lửa phòng không Igla-1M.

Biên đội tàu tên lửa tấn công nhanh trong một lần huấn luyện trên biển - Ảnh: MY LĂNG

“Điều chúng tôi tự hào là tinh thần học tập, cống hiến và quyết tâm làm chủ của anh em bộ đội rất cao. Tàu chỉ chịu sóng cấp 4, cấp 5 nhưng đi sóng cấp 7, cấp 8 khi tuần tra, diễn tập bắn đạn thật, bị nôn mửa song anh em vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Thượng tá Nguyễn Việt Anh (phó lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 167)


Dù chỉ mới thành lập 3 năm nhưng Lữ đoàn tàu pháo - tên lửa 167 là lực lượng quan trọng của Vùng 2 hải quân và là một trong những đơn vị tàu chiến đấu mặt nước hiện đại của Quân chủng Hải quân.

Lữ đoàn tàu pháo - tên lửa 167 là đơn vị chiến thuật có thể độc lập hoặc hiệp đồng tác chiến với các lực lượng khác trong các chiến dịch của Quân chủng Hải quân và hợp đồng quân binh chủng.

Tự hào với sức mạnh 
của Tia Chớp

Được biên chế các tàu tên lửa tấn công nhanh lớp Molniya (Tia Chớp) 1241.8 và tàu pháo TT-400TP, Lữ đoàn 167 trở thành đơn vị chiến đấu chủ công của Vùng 2 hải quân. Đây là những tàu chiến có sức chiến đấu cao với trang bị vũ khí hiện đại, đồng bộ, sức cơ động nhanh.

Đặc biệt, điều khiến những sĩ quan trẻ của Lữ đoàn 167 tự hào nhất chính là được huấn luyện để sử dụng tàu tên lửa tấn công nhanh lớp Molniya - phiên bản Nga.

Trước đây, Việt Nam mua tàu này của Nga nhưng riêng với các tàu lớp Molniya ở Lữ đoàn 167 đều được đóng mới hoàn toàn tại Nhà máy đóng tàu Ba Son (Tổng cục Công nghiệp quốc phòng - Bộ Quốc phòng). So với tàu Molniya phiên bản cũ của Nga, những tàu mới này có hệ máy hiện đại hơn.

Sau hơn 3 năm thành lập, lữ đoàn đã hoàn thành rất tốt công tác huấn luyện và làm chủ vũ khí trang bị kỹ thuật. Biết bao khó khăn ban đầu mà những sĩ quan của một lữ đoàn có “tuổi đời” quá trẻ như Lữ đoàn 167 đã phải đối diện và vượt qua.

Nhìn lại 3 năm ấy, thượng tá Lê Bá Quân (phó lữ đoàn trưởng tác chiến - tham mưu trưởng Lữ đoàn 167) cho biết: “Anh em sĩ quan được lấy quân ở tất cả các tàu săn ngầm và tàu vận tải vũ trang chứ không phải hoàn toàn ở tàu chiến.

Tất cả đều chưa được làm quen với tàu tên lửa. Ở hai kíp đầu tiên, chúng tôi phải ra đơn vị bạn ở Cam Ranh để huấn luyện nhờ trên tàu bạn. Bây giờ chỉ huấn luyện mất 4 tháng vì mình đã có sẵn tàu. Trong năm 2016 lữ đoàn đã huấn luyện được 2 kíp tàu để chuẩn bị tiếp nhận cặp tàu mới”.

Ba năm vừa qua là khoảng thời gian huấn luyện rất vất vả với từng người lính của Lữ đoàn 167.

Sĩ quan tàu tên lửa lớp Molniya huấn luyện trên biển - Ảnh: Trọng Nhân
Sĩ quan tàu tên lửa lớp Molniya huấn luyện trên biển - Ảnh: Trọng Nhân

Tinh thần cống hiến

“Chỉ trong thời gian ngắn chúng tôi đã rèn luyện, huấn luyện và có được một tập thể rất đoàn kết. Các kíp luôn luôn có tinh thần cống hiến, đồng lòng cùng thực hiện nhiệm vụ huấn luyện.

Ba năm qua đơn vị chỉ tập trung vào mỗi nhiệm vụ là huấn luyện. Vì nếu huấn luyện không tốt sẽ không thể đảm bảo khả năng chiến đấu khi có tình huống xảy ra” - thượng tá Lê Bá Quân nói.

Tàu tên lửa tấn công nhanh lớp Molniya khác hẳn các tàu chiến cũ khác. Tất cả đều điều khiển bằng máy móc hiện đại. Các loại máy móc, radar, các loại vũ khí đều liên kết với nhau để bắn tự động, tự tìm mục tiêu, chuyển về máy, máy xác định thông số và người sĩ quan sẽ ấn nút bắn.

“Tàu hiện đại đòi hỏi trình độ, chất xám và độ tập trung rất cao của bộ đội. Trong chiến đấu, nó phụ thuộc rất nhiều vào khả năng làm chủ thật sự của bộ đội. Nếu thao tác sai, máy sẽ làm sai, sẽ mất cơ hội tiêu diệt địch” - thượng tá Lê Bá Quân giải thích.

Việc làm chủ, sớm phát hiện mục tiêu từ xa là yêu cầu quan trọng nhất của lực lượng tàu này.

“Trên màn hình radar có rất nhiều chấm, tức mục tiêu. Người giỏi thì nhìn vào sẽ biết cái nào là cần, cái nào là không cần. Phán đoán cái cần thành không cần sẽ để thoát mất mục tiêu là hỏng” - thượng tá Lê Bá Quân nói.

Điều đặc biệt ở lữ đoàn “trẻ măng” này là con người cũng rất trẻ: chỉ huy các ngành cơ bản đều là sĩ quan trẻ mới ra trường.

Ánh mắt thượng tá Nguyễn Việt Anh không giấu nổi niềm tự hào khi nhắc đến đồng đội của mình: “Đơn vị có nhiều người học 7-10 năm ở Nga, rất giỏi tiếng Nga, cầm tài liệu bằng tiếng Nga tự dịch.

Tài liệu nguyên bản của bạn chỉ cung cấp chung chung, họ tự tìm hiểu thêm để xây dựng thành tài liệu chi tiết hơn, dễ hiểu hơn để huấn luyện cho các kíp tiếp theo.

Nhiều đêm mình xuống tàu vẫn thấy có cán bộ miệt mài đọc tài liệu. Trên các tàu có nhiều người rất chịu khó tự học, tự tìm hiểu tài liệu lắm, như đồng chí Phong trưởng ngành thông tin - radar tàu 377”.

Thượng úy Nguyễn Văn Phong là một trong những sĩ quan nổi bật của thế hệ tàu tên lửa tấn công nhanh lớp Molniya của Lữ đoàn 167.

Phong là một trong những người nhận tàu Molniya đầu tiên. Khi về tàu tên lửa tấn công nhanh thế hệ mới này, ở tuổi 25, Phong được bổ nhiệm làm trưởng ngành thông tin - radar.

Với tàu chiến hiện đại như Molniya, khí tài khó nhất là ngành thông tin - radar vì nó là một hệ thống hoàn toàn bằng điện tử, cung cấp toàn bộ số liệu cho hệ thống vũ khí trên tàu. Lúc đó, anh chàng sĩ quan trẻ mới ra trường 1 năm! Và Phong cũng là một trong hai trưởng ngành rất trẻ của kíp tàu đầu tiên tại Vùng 2 hải quân.

Thượng úy Nguyễn Văn Phong là chủ nhân của mô hình hướng dẫn sử dụng hệ thống radar Pozitip phục vụ quá trình huấn luyện. Với sáng kiến này, Phong đã giúp đồng đội có nhiều thời gian để học, và thời gian để huấn luyện được rút ngắn xuống đến gần 4 tháng!

Cận cảnh một tàu tên lửa lớp Molniya của Lữ đoàn 167 - Ảnh: Trọng Nhân
Cận cảnh một tàu tên lửa lớp Molniya của Lữ đoàn 167 - Ảnh: Trọng Nhân

Tàu tên lửa tấn công nhanh lớp Molniya được trang bị 16 tên lửa chống hạm cận âm Uran-E và 12 tên lửa phòng không Igla-1M. Tên lửa diệt hạm trang bị trên tàu có tầm bắn 130km, tốc độ lên tới 1.100km/h.

Hai năm trước, trong lễ thượng cờ cặp tàu tên lửa tấn công nhanh đầu tiên, tư lệnh Vùng 2 hải quân đã khẳng định: “Đây là một trong những loại tàu có thiết kế phức tạp và hiện đại.

Tàu có khả năng tiêu diệt các mục tiêu trên không, trên biển; chi viện hỏa lực cho các lực lượng khác một cách hiệu quả, góp phần nâng cao sức mạnh chiến đấu của Vùng 2 nói riêng và Quân chủng Hải quân nói chung.

Khi chiến đấu, tàu có khả năng tác chiến độc lập hoặc hiệp đồng tác chiến, giải quyết nhanh trận đánh then chốt trên biển theo cách đánh của chúng ta một cách hiệu quả”.


Theo My Lăng - Tuổi trẻ

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X