Hotline 24/7
08983-08983

Tàu ngầm mini Việt: Buồn cho những giấc mơ dang dở!

Tàu ngầm mini Yết Kiêu, Trường Sa, và tàu lặn Hòa Bình đều đang dang dở, nhưng vẫn ấp ủ những hoài bão rất lớn.

Hiện nay, Việt Nam đang có 3 thiết bị lặn mini mà đầu tiên phải kể đến chiếc tàu ngầm mini mang tên Yết Kiêu, ra mắt từ năm 2012, do ông Phan Bội Trân - hậu duệ của nhà cách mạng Phan Bội Châu chế tạo.

Theo thông tin từ ông Phan Bội Trân, đã có ít nhất 5 chiếc tàu ngầm Yết Kiêu cải tiến được xuất sang Malaysia để phục vụ du lịch với giá 15.000 USD/chiếc.

Những chiếc tàu hoạt động bằng ắc quy điện, vỏ composite này cho phép lặn dưới nước trong thời gian khoảng 4 tiếng đồng hồ với 1 người lái, với độ sâu ít nhất là 10m.

Có thể coi đây là một thành tựu đáng kể đối với một kỹ sư người Việt khi sáng tạo của ông được áp dụng trong lĩnh vực kinh tế và sinh lời.

Tuy nhiên, để sáng tạo này áp dụng ở Việt Nam, cha đẻ của tàu ngầm Yết Kiêu tâm sự vẫn tiếp tục là sự chờ đợi.

Ông Trân bên một bộ phận tàu ngầm

'Có lẽ khi Malaysia hoạt động hiệu quả, Việt Nam mới thấy giá trị của những thiết bị lặn do chính người Việt chế tạo, và khi đó mới có thể mang ra ứng dụng ở trong nước được', ông Trân ngậm ngùi.

Còn chiếc tàu thứ hai mang tên Trường Sa 01 của doanh nhân Nguyễn Quốc Hòa ở Thái Bình được cho là lớn hơn, hiện đại hơn Yết Kiêu, nhưng vẫn không thoát khỏi phận chờ đợi.

Tàu Trường Sa cũng đã được Bộ Quốc phòng chú ý, xem xét sáng chế và tiến tới việc tổ chức cấp phép thử nghiệm.

Tuy nhiên, từ khi được Bộ Quốc phòng chú ý đến nay, tàu ngầm Trường Sa vẫn trong tình trạng 'nằm xưởng' và chờ đợi được một lần ra biển thử nghiệm chính thức.

Để có tàu ngầm Trường Sa 01 như ngày hôm nay, kỹ sư Quốc Hòa cũng đã bỏ ra vài tỷ đồng để chế tạo.

Không thuộc các dự án 'ngoài luồng' như Yết Kiêu, Trường Sa, một dự án thuộc cấp nhà nước, được gọi với cái tên khiên tốn là "thiết bị lặn" Hòa Bình cũng đã cùng Bộ trưởng Bộ KH-CN xuống biển thử nghiệm.

Để thiết bị lặn này xuống biển lặn vài mét, bơi ra bơi vào vài chục mét, đoàn nghiên cứu của Công ty CP Đầu tư và Phát triển Công nghệ cao Hitechshin (trước thuộc Vinashin) đã phải mất đến 5 năm, khoảng gần 20 tỷ đồng.

Tuy nhiên, thiết bị lặn này vẫn chưa công bố thành công và vẫn phải tiếp tục... chờ thử nghiệm.

Hiện trạng đáng buồn, nhưng hoài bão của các nhà sáng chế thì vô cùng to lớn. Chủ nhân tàu ngầm Yết Kiêu cho biết:

'Tôi làm con tàu này không phải để triển lãm hay kiếm tiền, mục tiêu duy nhất của tôi, khao khát của tôi là sẽ nhìn thấy một đoàn tàu ngầm mini vài trăm chiếc, vài nghìn chiếc, gắn thêm vũ khí, ngư lôi và bơi ra giữ biển giữ đảo.

Tôi đã chế tạo phiên bản mới nhất, Yết Kiêu dài 6m, đủ cho tối đa 4 người ngồi. Tôi đã có những tính toán để tàu đạt được tốc độ và độ sâu phù hợp cho tác chiến, có thể tích hợp vũ khí.

Một chiếc như vậy có giá 4.000 USD, 1.000 chiếc như vậy mới có giá 4 triệu USD.

Những tàu ngầm mini này hoàn toàn có thể áp dụng trong điều kiện Việt Nam thiếu công nghệ, không mạnh về kinh tế. Nó sẽ là một thế trận hoàn toàn khác', ông nói.

Chia sẻ với phóng viên chiều qua 24/10, ông Nguyễn Quốc Hòa, chủ nhân của tàu ngầm Trường Sa 01 cho biết

'Trong những ngày chờ đợi, tôi đã tính toán đến những thiết kế Trường Sa 02, Trường Sa 03... có những thiết kế để phục vụ dân sự và tất nhiên có những thiết kế để phục vụ quân sự.

Với những phiên bản mới, tôi sẽ nghiên cứu ra một hệ thống nào đó có khả năng thay thế AIP, bởi hệ thống này sẽ mất thời gian đào tạo mới có thể dùng được.

Tôi muốn một con tàu có thời gian sống dưới nước lâu hơn, nhưng lại đơn giản và quan trọng là thật rẻ'.

Có nhiều người từng nói các nhà sáng chế này ảo tưởng... nhưng có thể thấy rằng họ đang làm khoa học bằng chính đồng tiền của họ, và trên hết là làm bằng lòng yêu nước.


AloBacsi.vn
Theo Minh Tú - Đất Việt

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X