Hotline 24/7
08983-08983

Tập trung chống ma tuý, Duterte không kịp trở tay trước IS

Tổng thống Duterte biết trước về mối đe dọa từ phiến quân nhưng lại dồn lực cho cuộc chiến chống ma túy chết chóc, khiến ông gần như không kịp trở tay khi Marawi bị tấn công.

Trước khi tấn công thành phố Marawi cách đây 3 tuần, nhóm chiến binh Hồi giáo từng đối đầu với lực lượng chính phủ Philippines tại đây hồi năm ngoái. Khi đó, họ đưa ra đề nghị ngừng bắn.

Tuy nhiên, Tổng thống Rodrigo Duterte đã từ chối đề nghị. "Chúng nói chúng sẽ tới Marawi và thiêu rụi nơi này", ông Duterte nói vào tháng 12/2016. "Và tôi nói 'xin mời, cứ tự nhiên'".

Ước gì, được nấy - Hàng trăm tay súng của nhóm Maute và các nhóm phiến quân đồng minh chiến đấu dưới sắc cờ đen của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã đột kích vào Marawi đêm 23/5, khiến tổng thống Philippines phải thiết quân luật lên toàn vùng Mindanao. Đây là thử thách lớn nhất đối với chính quyền Duterte trong năm đầu nhiệm kỳ.

Phớt lờ mối đe dọa

Vị tổng thống, vốn dành nhiều tâm sức cho chiến dịch chống ma túy đến nay đã lấy đi sinh mạng của hàng nghìn người Philippines, dường như không chuẩn bị cho việc ứng phó với mối đe dọa từ quân phiến loạn hoành hành ở miền Nam đất nước trong nhiều năm.

"Chính phủ Philippines về cơ bản đã phủ nhận sự lớn mạnh của IS và các nhóm 'chân rết' của tổ chức này", giáo sư Zachary M. Abuza của Đại học Chiến tranh Quốc gia (Washington, Mỹ), chuyên gia về an ninh Đông Nam Á, nói với New York Times. "Tâm trí ông Duterte chỉ dành cho chiến dịch chống ma túy".

Tap trung chong ma tuy, Duterte khong kip tro tay truoc IS hinh anh 1
Quân đội và cảnh sát Philippines phá cửa xông vào một căn nhà trong cuộc truy quét nhóm phiến quân Maute tại Marawi. Ảnh: Reuters.

Lực lượng chính phủ đã không thể đẩy lùi nhóm phiến quân dù đã triển khai cả lực lượng trên bộ lẫn đánh bom Marawi từ trên không. Hơn 200 người đã chết, bao gồm 24 dân thường, 58 binh sĩ và cảnh sát, và ít nhất 138 tay súng nổi dậy, theo quân đội Philippines.

Hàng chục nghìn người đã phải rời bỏ nhà cửa và nhiều nơi ở Marawi biến thành đống đổ nát. Quân đội cho biết họ đã giành quyền kiểm soát 90% diện tích thành phố nhưng phiến quân vẫn đang ẩn nấp ở 3 khu vực trung tâm. Các nhà phân tích nói quân chính phủ có ít kinh nghiệm chiến đấu ở đô thị, nơi phiến quân hòa lẫn với dân thường.

Tổng thống Duterte đã tuyên bố 60 ngày thiết quân luật đối với toàn bộ đảo Mindanao, bao gồm thành phố Marawi và quê nhà của ông, thành phố Davao. Ông cũng 2 lần đặt ra thời hạn để quân đội giành lại Marawi, thành phố Hồi giáo lớn nhất Philippines, nhưng cả 2 lần đều bất thành khi cuộc chiến vẫn tiếp diễn.

Hôm 9/6, tướng Restituto Padilla dự đoán chính phủ sẽ giành lại Marawi trước thứ Hai tuần sau, tức 12/6 - ngày quốc khánh Philippines. Đến hôm 10/6, 13 lính thủy đánh bộ Philippines mất mạng trong một trận đối đầu với phiến quân tại Marawi.

IS mở rộng ở Đông Nam Á

Việc nhóm Maute đánh chiếm Marawi nhằm thành lập một "nhà nước Hồi giáo" (caliphate) ở Đông Nam Á đánh dấu một bước tiến quan trọng của lực lượng IS cũng như một sự tái sắp xếp rõ ràng của mối đe dọa từ phiến quân ở miền Nam Philippines.

Lần đầu tiên, Philippines bị đưa vào bản đồ cùng các "quốc gia thất bại" như Libya và Afghanistan, những nơi đồng minh của IS đánh chiếm các phần lãnh thổ để thành lập "caliphate". Sự kiện tại Philippines cũng giúp IS có thêm cứ điểm khu vực khác trong nỗ lực mở rộng ảnh hưởng toàn cầu.

Theo ông Sidney Jones, giám đốc Viện Phân tích Chính sách về Xung đột, IS đã kêu gọi các chiến binh nếu không thể đến Syria thì hãy gia nhập lực lượng thánh chiến ở Philippines. Các tay súng từ Indonesia, Malaysia, Chechnya, Yemen và Saudi Arabia có mặt trong số phiến quân thiệt mạng tại Marawi.

Tap trung chong ma tuy, Duterte khong kip tro tay truoc IS hinh anh 2
Cờ đen IS xuất hiện trên đường phố Marawi. Ảnh: Reuters.

Mindanao từ lâu đã là điểm nóng của lực lượng nổi dậy với rất nhiều nhóm có vũ trang hoạt động ngoài tầm kiểm soát của chính phủ. Cho đến sự kiện tại Marawi, nhóm phiến quân Hồi giáo Abu Sayyaf nổi tiếng toàn thế giới với các vụ bắt cóc tống tiền, gần như đã một tay biến Đông Nam Á thành "thủ phủ cướp biển thế giới", hơn cả vùng Sừng châu Phi.

Vụ việc tại Marawi cũng cho thấy sự trỗi dậy của Isnilon Hapilon, một lãnh đạo lâu năm của Abu Sayyaf. Năm ngoái, Hapilon (51 tuổi) đã được IS phong vương (emir) tại khu vực Đông Nam Á. Từng hoạt động ở đảo Basilan, y là một trong những kẻ khủng bố được Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) truy lùng gắt gao nhất và Mỹ đã đưa ra phần thưởng 5 triệu USD cho ai bắt được y.

Rất nhiều nhóm khác nhau đã đi theo Hapilon, nổi bật nhất là Maute do anh em Omar và Addullah Maute lãnh đạo. Được giáo dục ở Trung Đông, anh em Maute hoạt động ở khu vực Marawi và gần đây đã chấp nhận Hapilon là thủ lĩnh của họ.

Nhóm Maute được cho là đứng sau vụ đánh bom chợ ở thành phố Davao hồi tháng 9 năm ngoái khiến 15 người chết.

'Tôi sẽ ăn gan hắn ta'

Ông Duterte là tổng thống đầu tiên của Philippines xuất thân từ Mindanao và trong chiến dịch tranh cử ông từng cam kết sẽ mang lại sự yên bình cho khu vực. Vụ đánh bom ở Davao có lẽ là nguồn cơn khiến ông buông lời thách thức đầy giận dữ với nhóm Maute hồi tháng 12.

"Đó là sự táo bạo thường thấy mang thương hiệu Duterte", Roilo Golez, cựu cố vấn an ninh quốc gia làm việc cho Tổng thống Gloria Macapagal Arroyo, nhận định. "Đây là cách để khiến đối thủ khiếp sợ. Cách này phần lớn là có hiệu quả"

Tuy nhiên, cách này lại không hiệu quả với những tay súng Hồi giáo ở Mindanao.

Sau cuộc đối đầu giữa quân chính phủ và Abu Sayyaf hồi tháng 4, ông Duterte nói rằng cách để ngăn chặn phiến quân là "ăn" họ. "Cứ khiến tôi nổi điên đi", ông nói. "Đưa tôi một tay khủng bố. Đưa tôi muối và giấm. Tôi sẽ ăn gan hắn ta".

Tap trung chong ma tuy, Duterte khong kip tro tay truoc IS hinh anh 3
Tổng thống Duterte (giữa) phát biểu tại một doanh trại quân đội hôm 11/6 sau khi thăm các binh sĩ chiến đấu ở Marawi bị thương. Ảnh: Reuters.

Vào tháng 5, quân đội Philippines được chỉ điểm rằng Hapilon đã đến Marawi để nhập hội với anh em Maute. Khi các binh sĩ lùng sục căn nhà được cho là nơi Hapilon trú ẩn, hy vọng bắt được y và nhận lấy 5 triệu USD, họ bất ngờ khi thấy hàng chục chiến binh có vũ trang "nghênh đón" họ.

Một đoạn video sau đó được quân đội phục hồi và hãng tin AP công bố cho thấy các lãnh đạo phiến quân đã lên kế hoạch đánh chiếm Marawi nhiều ngày trước khi chính phủ Philippines biết về sự có mặt của Hapilon ở đây.

Việc Tổng thống Duterte tuyên bố thiết quân luật đã giúp bắt giữ Cayamora Maute, cha của anh em Maute, cùng một số thành viên khác vào hôm 6/6 tại một chốt kiểm tra ở Davao. Một số người lo sợ rằng tình trạng thiết quân luật có thể được mở rộng ra toàn đất nước, một ý định mà ông Duterte đã công khai tuyên bố để có thể sử dụng quân đội cho cuộc chiến chống ma túy.

"Có người đang lo lắng và sợ hãi rằng điều này sẽ là nền tảng cho việc thiết quân luật", Richard Javad Heydarian, nhà phân tích chính trị, tác giả cuốn Duterte's Rise (Sự trỗi dậy của Duterte), cho biết. "Điều này có thể càng khiến cho cộng đồng thiểu số Hồi giáo cảm thấy bị cô lập".

Thất bại của tiến trình hòa bình

Người theo đạo hồi chỉ chiếm khoảng 5% dân số Philippines nhưng một phần lớn trong số họ, ước tính khoảng 20-40%, sống trên đảo Mindanao.

Những khó khăntừ xa xưa của người Moro theo đạo Hồi ở đây, tình trạng đói nghèo gia tăng cũng như những khu vực vô tổ chức rộng lớn đã tạo cơ hội cho IS. Tiến trình hòa bình mà Tổng thống Benigno S. Aquino, người tiền nhiệm của Duterte, từng theo đuổi đã dậm chân tại chỗ vào năm 2015 và tiếp tục như vậy dưới thời ông Duterte.

"Không phải sự lan rộng của IS ở Iraq và Syria khiến IS trỗi dậy ở Philippines, mà lý do chính là sự thất bại của tiến trình hòa bình", giáo sư Abuza nói.

Mối đe dọa gia tăng ở miền nam đất nước nhiều khả năng sẽ buộc ông Duterte cải thiện quan hệ với Mỹ, một quá trình đã bắt đầu từ khi Tổng thống Trump đắc cử.

Ông Duterte từng chỉ trích Mỹ kịch liệt khi Mỹ lên án chiến dịch chống ma túy và từng kêu gọi "thoát ly" khỏi Mỹ khi Tổng thống Barack Obama còn tại nhiệm. Tuy nhiên, ông Trump nói sẵn sàng xem xét lại các cáo buộc, đồng thời ca ngợi ông Duterte "làm việc không thể tin được về ma túy".

Tap trung chong ma tuy, Duterte khong kip tro tay truoc IS hinh anh 4
Một người mẹ ngồi khóc bên cạnh đứa con trai bị thương trong cuộc đọ súng giữa quân chính phủ và nhóm Maute tại Philippines. Ảnh: Reuters.

Các lãnh đạo của quân đội Philippines đã thuyết phục được ông Duterte không cắt giảm hợp tác quân sự, bao gồm chương trình hỗ trợ về nghiệp vụ, trang thiết bị và tình báo chống khủng bố lâu nay giữa Manila và Washington. Từ năm 2001, Mỹ đã duy trì lực lượng xoay vòng với khoảng 50 đến 100 quân ở miền nam Philippines để chiến đấu với Abu Sayyaf.

Đại sứ quán Mỹ tại Manila cũng cho hay lực lượng đặc nhiệm Mỹ cũng đang hỗ trợ quân đội Philippines trong cuộc chiến tại Marawi, ty nhiên không nói rõ chi tiết.

"Quan hệ quân sự của chúng tôi với Philippines vẫn mạnh mẽ và trải rộng trên nhiều phương diện", Emma Nagy, người phát ngôn của sứ quán Mỹ tại Philippines, cho biết. "Lực lượng đặc nhiệm Mỹ đã hỗ trợ ở miền nam Philippines trong nhiều năm, theo yêu cầu của một vài chính quyền khác nhau tại Philippines".

Dùcuộc chiến tại Marawi có thể kết thúc vào thứ Hai, như hy vọng của quân đội Philippines, phong trào nổi dậy ở miền Nam nước này vẫn còn lâu mới chấm dứt. Bản chất táo bạo của cuộc đánh chiếm, dù cho có thất bại, có thể sẽ giúp thu hút nhiều tay súng gia nhập các nhóm phiến quân hơn trước, bao gồm thành viên của các nhóm Hồi giáo vẫn không bị ảnh hưởng và không thỏa mãn với một tiến trình hòa bình đang chết dần chết mòn.

"Nếu ông Duterte không động tay vào tiến trình hòa bình, toàn bộ vấn đề sẽ còn nhức nhối trong thời gian dài", giáo sư Abuza nói. "Không gian ngoài kiểm soát" ở Mindanao, theo vị chuyên gia, "là mối đe dọa an ninh với khu vực, không phải chỉ với Philippines".

Theo Đông Phong - Zing.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X