Hotline 24/7
08983-08983

Tâm sự của bà mẹ kiên quyết không để tài sản "khủng" cho con

Cùng tranh luận về việc để lại thừa kế cho con, chị Nguyễn Thị Loan (35 tuổi), cho rằng, các bậc cha mẹ nên đầu tư cho con học hành, bổ sung kỹ năng sống và tình cảm cho con.

Chị Loan phân tích: "Có rất nhiều bậc cha mẹ cố gắng lao động chăm chỉ để có khối tài sản lớn cho con. Tuy nhiên, nếu song song với việc làm lụng tiết kiệm đó, bố mẹ vẫn luôn đồng hành cùng con học tập, làm thầy, làm bạn và định hướng cụ thể cho con, thì việc để lại một khối tài sản lớn sẽ làm bước đệm quan trọng cho sự phát triển sự nghiệp của con sau này.

Còn nếu ở trong gia đình, bố mẹ lúc nào cũng say mê kiếm tiền, quên mất con cái mỗi ngày mỗi lớn, giao phó hoàn toàn cho nhà trường và người giúp việc, ỷ lại vào việc mời mọc gia sư và các trung tâm rèn luyện kỹ năng thì chỉ nguyên việc để lại khối tài sản lớn, tôi e rằng sẽ là mầm mống cho việc 1 đứa con hoàn toàn bị thui chột khả năng phấn đấu và sáng tạo.

Cháu sẽ nghĩ rằng dù mình học hành bi bét, cũng không bao giờ lo chết đói, nên nếu không may, cha mẹ cháu hoạn nạn, bệnh tật hoặc vỡ nợ, thì khả năng đứa con của họ gục ngã đầu tiên sẽ là rất cao".

thừa kế, tài sản, gia tài, nuôi con, dạy con
Chị Loan tại nơi làm việc Ga Đông Anh - Hà Nội. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Theo quan điểm của chị Loan, giữa việc để lại cho con khối tài sản là tiền bạc, kinh tế, thì việc đầu tư cho con học hành, bổ sung kỹ năng sống và tình cảm cho con sẽ là nền tảng để con cái sống cân bằng giữa vật chất và tình cảm. Và nhờ đó, chúng được phát triển hài hòa như cây cối luôn cần dưỡng chất và ánh sáng.

"Tôi được biết, có rất nhiều gia đình giàu có, bên cạnh việc kiếm tiền để cho con cái, họ cũng đầu tư rất nhiều tiền bạc để con cái được đi học trường "xịn", học thầy cô giỏi, rồi đi du học ... nhưng cuối cùng, đứa con vẫn hư hỏng.

Vì thế, họ chỉ biết than thở đổ tội cho hệ thống giáo dục có những lỗ hổng khổng lồ, làm đứa con của họ chui lọt rào ra vẫy vùng làm loạn ngoài xã hội, hư hỏng toàn phần. Họ đâu biết được rằng, chính họ mới là những người làm hỏng đứa con. Họ đã chăm bón một loại bon sai cực hiếm cực đẹp một cách cầu kì nhưng lại bỏ qua cách phòng chống sâu bệnh. Mà sâu bệnh mọc mầm từ chính cách chăm sóc con của họ

Họ chỉ nhăm nhăm cắt tỉa con cho thanh danh của bố mẹ, cho tiếng tăm của gia đình, dòng họ mà quên mất, cái con họ cần nhất là gì? Đó là sự quan tâm, chia sẻ đồng hành với việc học hành của con, sẵn lòng làm bạn với con những lúc con vấp ngã, hoặc định hướng cho con khi con trong độ tuổi dậy thì, khi con đang loay hoay tự khẳng định cái tôi của mình.

Họ nghĩ rằng: đưa tiền cho con là đã đáp ứng đầy đủ lắm rồi. Đến lúc con hư hỏng, trộm cắp, hút chích, họ vẫn không hiểu nổi tại sao con mình hư" - chị Loan nói.

"Tôi từng biết, có tiểu thư Hà Nội, mỗi tháng bố mẹ đưa cho cả trăm triệu tiêu pha, mà vẫn quẫn bách tìm đến cái chết. Phải chăng, đồng tiền đã làm hỏng con cái họ? Đồng tiền dư thừa quá mức, đã khiến một bộ phận không nhỏ người trẻ, bức bách ko tìm thấy giá trị đích thực của cuộc sống. Và cha mẹ họ vẫn đau đáu một câu hỏi: tại sao ?" - chị Loan kể.

thừa kế, tài sản, gia tài, nuôi con, dạy con
Chị Loan và con gái nhỏ thứ 2. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Theo chị Loan, là một người mẹ, hẳn ai cũng mong muốn con mình được sung sướng, đủ đầy. Nhưng đối với chị Loan, việc cung cấp, và đáp ứng tât cả những mong muốn của con trẻ sẽ không tốt cho tư duy, và sự trưởng thành của trẻ sau này.

Chị Loan cho biết: "Tôi luôn đặt ra tiêu chí với con mình là: mẹ có thể lo được cho con nhưng con phải tự mình làm những việc con có thể làm được. Tôi không bao giờ đáp ứng toàn bộ mong muốn của con, bởi nếu thế con sẽ nghĩ con là Chúa Trời, muốn gì được nấy. Con sẽ không biết quý trọng tình cảm gia đình, sống ích kỷ, hẹp hòi.

Ví dụ đơn giản nhất: Trong bữa cơm ăn xong tôi có thể dọn dẹp, nhưng lúc nào tôi cũng để lại nồi cơm và nhờ cháu cất giúp, coi đó là phần việc nhỏ con có thể làm để giúp mẹ.

Hoặc tôi có thể đưa đón cháu đi học hàng ngày, nhưng chặng đường gần 1km ngoại thành nơi tôi ở, tôi vẫn rèn cho cháu đi bộ, đi qua đường ra sao để những lúc tôi bận rộn đi làm, cháu có thể tự mình đến trường.

Còn về vấn đề tiền bạc, tôi sẽ luôn dạy cho con hiểu về đồng tiền rằng, bản thân đồng tiền không xấu, đồng tiền xấu hay đẹp là do người làm ra đồng tiền, người sử dụng đồng tiền như thế nào? Một nắm tiền lẻ nhầu nhĩ, hôi hám từ tay người thu lượm đồng nát, từ một chị nhà quê lam lũ mò cua bắt ốc hẳn là đồng tiền mồ hôi nước mắt, đồng tiền chắt chiu lo sách vở, tấm áo mới cho con đến trường. Vậy thì nắm tiền lẻ ấy rất đáng trân trọng. Nhưng một xấp tiền mệnh giá cao, một ví tiền căng phồng USD trong tay một kẻ buôn lậu, một kẻ cho vay nặng lãi, một kẻ cướp đường thì đồng tiền ấy thật đáng ghê tởm".

"Đó chính là cách tôi dạy con hướng đến những đồng tiền chân chính"- chị Loan nhấn mạnh.

"Còn khi các con lớn, con có những dự định về kinh tế, về làm ăn, tôi có thể hậu thuẫn cho cháu về tiền bạc. Tôi sẽ giao cho cháu nhiều nhất là một nửa tài sản tôi có để cháu làm vốn liếng (tất nhiên số tiền này là số tiền bí mật mà cháu không thể đoán trước - nv).

Phần còn lại, tôi cũng vẫn để dành cho cháu, nhưng cũng là của để dành phòng bất trắc bởi các cụ vẫn nói" khôn không đến trẻ, khỏe không đến già". Tuổi trẻ xông pha đó, mà hiếu thắng, xốc nổi, tỉ lệ thành công và thất bại khi các cháu vào đời là 50/50.

Do đó, các cháu cần rèn luyện bản lĩnh khi trưởng thành. Và mình chỉ giúp sức các cháu khi cần thiết. Có như thế, các cháu mới có thể đứng vững, và tự tin bước đi trên con đường dài của mình" - chị Loan nói thêm

AloBacsi.vn
Theo M. A - VietNamNet

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X