Hotline 24/7
08983-08983

Sự cố phát nhầm quốc ca Đức: 1 bài thơ, 2 bản quốc ca

Giải quần vợt đồng đội nữ thế giới (FED CUP) 2017 đã có màn khai mạc ngày 12/2 dở khóc dở cười khi chọn nhầm quốc ca của nước Đức thời phát xít .

*** Error ***
Các tay vợt và cổ động viên Đức đã hát vang quốc ca hiện tại khi phát hiện quốc ca Đức bị hát nhầm - Ảnh chụp màn hình

Trong khi nam ca sĩ người Mỹ hùng hồn hát vang bài hát mà anh ta nghĩ là sự tôn vinh dành cho đội bạn thì các tay vợt đến từ Đức lại xem đó là sự xúc phạm.

Bức xúc

“Tôi chưa từng thấy sự thiếu hiểu biết nào như vậy. Tôi đã chơi ở FED CUP 13 năm rồi và đây là điều tồi tệ nhất mà tôi từng chứng kiến. Bây giờ đã là năm 2017 rồi, những lỗi vặt vãnh như thế này không nên xảy ra ở nước Mỹ” - nữ tay vợt người Đức Andrea Petkovic nói.

Đó là những lời bức xúc không chỉ riêng của Petkovic mà của cả những cổ động viên Đức có mặt tại Hawaii ngày hôm đó và Liên đoàn Quần vợt Đức.

Người Đức cảm thấy bị xúc phạm khi những ca từ như “nước Đức trên hết, trên tất cả mọi thứ khác” trong bài quốc ca của phát xít Đức lại được phát lên ngay trên đất Mỹ - quốc gia đã đả bại phát xít trong Thế chiến thứ II.

Barbara Ritter, huấn luyện viên đội tuyển quần vợt Đức tham dự FED CUP, tỏ ra cứng rắn và quyết liệt khi gọi việc hát nhầm quốc ca là một bê bối thực sự, một lỗi lầm không thể sửa chữa khi khoảnh khắc thiêng liêng nhất đã bị bôi nhọ.

Hiệp hội Quần vợt Mỹ (USTA) ngay sau đó đã lên tiếng xin lỗi trên Twitter và ra thông báo chính thức lấy làm tiếc về sự việc nói trên kèm cam kết sẽ phát đúng quốc ca trong những trận đấu còn lại của đội tuyển Đức ở FED CUP.

Sức sống 
của một bài thơ

Thực tế, quốc ca Đức hiện nay là một phần trong bài thơ Deutschlandlied (tạm dịch: Bài ca của những người Đức) do August Heinrich Hoffmann viết vào 
năm 1841.

Có thể nói cả bài thơ là một tuyên ngôn của cá nhân ông về tình yêu đất nước, cho khát khao về một nước Đức thống nhất, hùng mạnh, một đất nước sẽ bảo vệ cho các giá trị tự do và công lý.

30 năm sau khi nó được viết, khát vọng của Hoffmann cũng trở thành sự thật vào năm 1871 khi nước Đức được thống nhất dưới thời thủ tướng “sắt và máu” Otto von Bismarck.

Bài thơ của Hoffmann chỉ gồm 3 khổ mà sau đó đã được phổ thành nhạc và chính thức trở thành quốc ca của nước Đức kể từ năm 1922. Đến khi trùm phát xít Đức Adolf Hitler cầm quyền (1933), ông ta chỉ lấy khổ đầu tiên của bài thơ bao gồm những ca từ như “nước Đức trên hết”, sử dụng nó như một công cụ tuyên truyền rồi sau đó chọn làm quốc ca của nước Đức phát xít trong suốt thời gian ông ta nắm quyền 
(1933 - 1945).

Sau Chiến tranh thế giới thứ 2, nước Đức chia thành hai quốc gia Đông và Tây Đức. Năm 1949, Cộng hòa dân chủ Đức (Đông Đức) chọn bài Auferstanden aus ruinen (tạm dịch: Vươn lên từ đống đổ nát) làm quốc ca chính thức.

Trong khi đó tại Cộng hòa liên bang Đức (Tây Đức), tình trạng không có quốc ca tiếp diễn mãi đến tận năm 1952, khi Tổng thống Tây Đức Theodor Heuss quyết định chọn khổ thứ 3 trong bài thơ Deutschlandlied làm bài hát chính thức của 
nước này.

Người Đức đã quyết định loại khổ 1 và 2 ra khỏi quốc ca bởi những ca từ trong đó đã không còn phù hợp, mà hơn hết nó gợi nhớ về thời phát xít của nước này.

Năm 1990, hai miền Đông và Tây Đức tái hợp thành nước Đức ngày nay và bài quốc ca khi xưa của Tây Đức đã trở thành quốc ca của nước Đức thống nhất đến tận ngày nay.

Bất đồng ngôn ngữ có thể đã dẫn tới sự cố đáng tiếc ở FED CUP. Điều may mắn là sự việc lần này đã được giải quyết ổn thỏa ở cấp hiệp hội giữa hai quốc gia.

Tuy nhiên, đây sẽ là bài học đáng nhớ không chỉ cho USTA mà còn cho các nhà tổ chức thi đấu trên thế giới, rằng hãy nên tìm hiểu kỹ hơn khi có sự tham gia của các vận động viên nước ngoài.


Theo Duy Linh - Tuổi trẻ

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X