Hotline 24/7
08983-08983

Sốt xuất huyết tăng mạnh tại Hà Nội

Theo quy luật, đỉnh dịch sẽ là vào tháng 10 và 11, sau đó thời tiết lạnh, số lượng bệnh nhân giảm dần và hết vào khoảng cuối tháng 12.

Trong 7 tháng đầu năm, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương chỉ điều trị cho gần 90 bệnh nhân sốt xuất huyết thì nay chỉ riêng tháng 10, con số này đã lên đến hơn 280. Các ca mắc tập trung chủ yếu ở Hà Nội.
 
Tự dưng thấy người sốt cao đùng đùng, chị Lan (Hoàng Mai, Hà Nội) nghĩ mình chỉ bị sốt virus bình thường, uống thuốc vào là khỏi. Thế nhưng uống thuốc vào thì hạ, một lát sau lại sốt cao, cứ như thế trong 3 ngày liền.
 
Đến ngày thứ 4, chị thấy người mệt rã rời, cứ như người bị hụt hơi, trên da bắt đầu xuất hiện ban đỏ. Hoảng quá, chị mới đến bệnh viện khám thì biết mình bị sốt virus.

"Ở gần nhà mình cũng có mấy cô, cậu sinh viên bị sốt xuất huyết rồi, không ngờ là mình cũng mắc. Bác sĩ nói tiểu cầu có giảm nhưng không quá nghiêm trọng, điều trị một vài ngày là khỏi", chị Lan nói.

Theo thống kê của BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, các ca bệnh rải rác từ đầu năm và có xu hướng tăng mạnh từ tháng 8. Trước kia cả tháng mới chỉ có 5,6 ca nhập viện thì nay một ngày có khoảng 10 bệnh nhân.

Một bệnh nhân sốt xuất huyết đang điều trị tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Dương Ngọc
 
ThS.BS Nguyễn Tiến Lâm, Trưởng khoa Virus ký sinh trùng, BV Bệnh Nhiệt đới trung ương cho biết, so với các thời điểm khác trong năm thì đây là thời điểm số lượng bệnh nhân vào sẽ tăng lên rất nhiều.
 
Theo quy luật, đỉnh dịch sẽ là vào tháng 10 và 11, sau đó thời tiết lạnh, số lượng bệnh nhân giảm dần và hết vào khoảng cuối tháng 12, đầu tháng 1. Dịch diễn biến đúng theo quy luật.

"Theo dõi các vụ dịch trong 30-40 năm vừa qua thì tại miền Bắc hàng năm các ca mắc sốt xuất huyết chỉ rải rác, nếu dịch thì cứ định kỳ 2-3 năm lên một đợt dịch. Năm 2009, dịch sốt xuất huyết bùng phát mạnh ở Hà Nội và nhiều tỉnh miền Bắc thì đến năm nay là đúng chu kỳ 2 năm của dịch", thạc sĩ Lâm lý giải.

Cũng theo ông, các ca bệnh chủ yếu là sốt xuất huyết thể thông thường, tỷ lệ ca nặng thấp, chưa có trường hợp nào tử vong. So với các vụ dịch trước, năm nay có một điểm hơi khác về bệnh cảnh, đó là thời gian tiến triển của bệnh từ thời kỳ khởi phát, thời kỳ toàn phát đến lúc lui bệnh có vẻ dài ra.

Cụ thể, những năm trước sốt ngày thứ 3,5 tiểu cầu giảm rất nhiều, giảm rõ nhưng năm nay có trường hợp ngày thứ 6,7 thậm chí thứ 8, sốt bắt đầu xuống, lúc đó tiểu cầu mới hạ nhiều, triệu chứng của bệnh mới rõ. Thời gian phục hồi tiểu cầu trong máu cũng dài hơn, có trường hợp đến 10 ngày.

Các bác sĩ khuyến cáo, dấu hiệu lâm sàng của bệnh không rõ ràng, giống như sốt thông thường vì thế mà bệnh khó chẩn đoán ở giai đoạn đầu. Người bệnh thường có biểu hiện: sốt cao đột ngột, 39-40 độ C, kèm các triệu chứng như: mệt mỏi, chán ăn, đau người, đau cơ, thường sau 2 - 3 ngày da mới xung huyết hoặc có phát ban.

Vị trí xuất huyết trên cơ thể cũng rất tình cờ và nếu chảy máu cơ quan nội tạng, người bệnh thường không tự nhận biết được vì không để ý. Chẳng hạn, nếu phụ nữ đang đúng thời kỳ kinh nguyệt mà bị sốt xuất huyết có thể khiến kỳ kinh kéo dài hơn, ra nhiều máu hơn. Với những người có tiền sử đau dạ dày sẽ dễ bị xuất huyết dạ dày.

Tùy từng người mà bệnh diễn tiến nặng nhẹ khác nhau. Với những người có biểu hiện rất nhẹ chỉ sốt thì có thể tự theo dõi và điều trị tại nhà, khi thấy dấu hiệu nặng hơn mới nhập viện. Ở nhà, bệnh nhân cần nằm nghỉ ngơi tuyệt đối, ăn các chất dễ tiêu, đặc biệt là uống nhiều nước.

Tuy nhiên, dù thế nào người bệnh cũng không được chủ quan. Bệnh nhân thường sốt rất cao 1- 2 ngày đầu nhưng không nguy hiểm nhiều. Nguy hiểm thường ở ngày thứ 3-6, lúc đó, người bệnh mệt lả đi, đái ít, tiểu cầu sụt giảm, xuất hiện nguy cơ chảy máu, sốc.

Với những người đang sống trong vùng dịch, khi có các dấu hiệu như: sốt cao đột ngột, đau người, đau đầu, nhức cơ bắp, đặt biệt là đau 2 hốc mắt, chảy máu mũi, máu răng, nổi nốt li ti, phụ nữ bị rối loạn kinh nguyệt... thì nên đi khám.

Theo Phương Trang - VnExpress

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X