Hotline 24/7
08983-08983

Số phận buồn của những cô dâu ngoại ở Hàn Quốc

Mỹ Tiên cưới một người nước ngoài rồi sang Hàn Quốc, quê hương chú rể, sinh sống với ước mơ đổi đời nhưng cuối cùng bị chính chồng mình sát hại.

Cái chết của Tiên là một ví dụ cho vấn nạn bạo lực gia đình đang tồn tại ở đất nước này.

fb-4633-1406698140-8391-140671-8495-5014

Tang lễ của Đỗ Thị Mỹ Tiên được tổ chức ở Hàn Quốc. Ảnh: Facebook Cộng đồng Người Việt Nam tại Hàn Quốc

Khi đồng ý kết hôn với người đàn ông ngoại quốc lớn hơn mình 20 tuổi do một công ty môi giới hôn nhân địa phương giới thiệu, Đỗ Thị Mỹ Tiên tin tưởng mình có thể tạo dựng một cuộc sống thoải mái ở nước ngoài.

Tiên làm đám cưới với Lee Geun-sik, người Hàn Quốc, và chuyển tới sinh sống ở đất nước mới, xa rời quê hương cô, một ngôi làng nhỏ bé thuộc tỉnh Tây Ninh, cách TPHCM hơn 100 km. Năm 2005, cặp đôi mới cưới định cư tại tỉnh Cheollanam, phía tây nam Hàn Quốc.

Tuy nhiên, sau 10 năm chung sống, những hy vọng, hứa hẹn thuở ban đầu đã kết thúc bằng một vụ giết người dã man. Ngày 24/7 năm ngoái, cảnh sát phát hiện thi thể của Tiên dưới một thung lũng. Cô ra đi khi mới 27 tuổi.

Theo báo cáo điều tra, một hàng xóm người Việt Nam khai với cảnh sát vợ chồng Tiên xảy ra tranh cãi trước ngày cô biến mất. Lee thú nhận đã giết hại Tiên, ném xác cô xuống rìa một con đường vắng người hòng che giấu tội ác. Lee dường như nghĩ rằng anh ta có thể khiến tất cả trông giống một vụ tai nạn, nhưng cảnh sát ngay lập tức tìm ra những điểm nghi vấn.

Theo Diplomat, cái chết của Tiên là một ví dụ bi thảm cho vấn nạn bạo lực gia đình. Ở Hàn Quốc, tính riêng năm 2013, có tổng cộng 123 phụ nữ bị chính chồng hay người yêu sát hại, theo số liệu từ Đường dây nóng của Phụ nữ Hàn Quốc, một nhóm hoạt động nhằm ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình.

Người ngoại quốc chỉ chiếm khoảng 2,5% dân số Hàn Quốc, nhưng chuyên gia từ các tổ chức chính phủ và phi chính phủ đều đồng tình cho rằng phụ nữ nhập cư là những đối tượng đặc biệt dễ trở thành nạn nhân của bạo lực gia đình. Kết luận này được đưa ra dựa trên con số tương đối cao những vụ việc chết người liên quan đến phụ nữ nước ngoài ở quốc gia này tính từ năm 2012 đến nay.

Theo một quan chức cấp cao của Bộ Bình đẳng giới và Gia đình, ngôn ngữ và rào cản văn hóa là một phần nguyên nhân quan trọng gây ra tình trạng bạo hành, dẫn tới hàng loạt vụ giết người rúng động xã hội.

"Hãy nghĩ xem, chỉ vài thập kỷ trước, phụ nữ Hàn Quốc cũng di cư sang Nhật Bản hay Mỹ. Họ khá nghèo túng. Họ thậm chí còn không biết chồng mình sẽ là ai. Họ không biết nói tiếng Anh, vì thế không thể thường xuyên ra khỏi nhà. Chồng của họ từ đó ít quan tâm đến vợ mình hơn. Những người vợ lại không đi làm, họ cũng không biết nấu các món kiểu Mỹ", Choi Sung-ji, chủ nhiệm chương trình chính sách gia đình đa văn hóa tại Bộ Bình đẳng giới và Gia đình nói, đồng thời giải thích lý do vì sao phụ nữ nhập cư tới Hàn Quốc thường phải đối mặt với bạo lực gia đình.

"Tình thế đó cũng tương tự với những gì đang xảy ra ở Hàn Quốc lúc này. Phụ nữ từ các quốc gia Đông Nam Á tới đây mong có cuộc sống tốt đẹp hơn mà không thực sự biết người mình sắp lấy là ai. Họ không kết hôn vì tình yêu", bà cho biết thêm.

"Thay vào đó, họ gặp chồng mình thông qua các nhà môi giới hôn nhân. Nếu không biết tiếng Hàn và không hiểu văn hóa Hàn Quốc thì họ sẽ gặp nhiều bất lợi. Họ sẽ không thể duy trì một mối quan hệ bình đẳng với chồng mình được".

Tình yêu và hôn nhân

Số lượng các cuộc hôn nhân quốc tế ở Hàn Quốc đang tăng vọt. Trong giai đoạn 1990-2005, có khoảng 250.000 cuộc hôn nhân quốc tế được đăng ký. Nhưng từ năm 2006 đến 2012, chỉ trong vòng 6 năm, có tới 238.000 đơn đăng ký kết hôn như vậy được thông qua.

Bắt đầu từ năm 1990, các cuộc hôn nhân quốc tế bắt đầu có chiều hướng gia tăng bởi một lý do: Chiến tranh Lạnh kết thúc. Năm 1992, Hàn Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam và Trung Quốc, mở ra cơ hội giao lưu, kết nối lớn hơn cho người dân của cả ba quốc gia.

Trong những năm 1990, hôn nhân quốc tế chỉ chiếm tỷ lệ thấp, khoảng 1,2 % trên tổng số các cuộc hôn nhân tại Hàn Quốc, nhưng đã tăng gấp 10 lần, đạt 13,6 % vào năm 2006.

Tính đến tháng 9/2013, Việt Nam là nước có nhiều phụ nữ nhập cư lấy chồng Hàn Quốc nhất, với gần 40.000 người, tiếp sau là Trung Quốc, Nhật Bản, Philippines và Campuchia.

Năm 2007, Đạo luật Hỗ trợ Gia đình Đa văn hóa của Hàn Quốc có hiệu lực. Hàng loạt trung tâm đa văn hóa được mở ra trên khắp cả nước. Những trung tâm này có nhiệm vụ cung cấp các lớp học và nhiều dịch vụ hỗ trợ khác nhau cho phụ nữ nhập cư cùng gia đình họ.

Mặc dù luật này bị sửa đổi một vài lần nhưng các trung tâm đa văn hóa của chính phủ vẫn liên tục mọc lên. Từ năm 2007 đến nay, Hàn Quốc mỗi năm có thêm khoảng 50 trung tâm tâm đa văn hóa. Trong 8 năm qua, Bộ Bình đẳng giới mở cửa mới 217 trung tâm, ngân sách dành cho các gia đình đa văn hóa cũng tăng gấp 20 lần, lên mức 120 triệu USD.

Đa văn hóa

thediplomat-2015-01-29-08-56-0-4033-8331

Một lớp học giao tiếp được tổ chức tại Trung tâm Nhân quyền cho Phụ nữ Nhập cư ở Hàn Quốc. Ảnh: Reuters

Vai trò của trung tâm đa văn hóa những năm gần đây trở thành đề tài gây tranh cãi giữa Bộ Bình đẳng giới và các nhóm bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ nhập cư.

Trung tâm đa văn hóa có mở các lớp học thực hành như hướng dẫn ngôn ngữ Hàn Quốc, nhưng lại không đào tạo sâu. Một trung tâm chỉ đảm bảo dạy 400 giờ ngôn ngữ một năm, tương đương khoảng một tiếng mỗi ngày.

Các cơ sở này dường như lại tập trung vào việc truyền đạt những vấn đề mang tính học thuật, mô phạm cao ví dụ như cái gọi là "dự án cải thiện nhận thức đa văn hóa", "gia đình tích hợp giáo dục" hay "dự án thúc đẩy môi trường song ngữ".

Theo Choi, người chịu trách nhiệm giám sát chính sách gia đình đa văn hóa, những chương trình này được thiết kế để nâng cao sự tôn trọng đối với người làm mẹ trong gia đình và xã hội.

Các nhà phê bình thì cho rằng chính phủ đang quá quan tâm đến việc "đồng hóa văn hóa". Thay vào đó, họ nên bắt tay vào việc ngăn chặn các hành vi bạo lực gia đình và cải thiện nhận thức về nhân quyền của những người nhập cư.

"Tại sao chúng ta lại tổ chức những lớp học đó? Chúng như những chương trình giao lưu văn hóa vậy. Các lớp học này nên nâng cao nhận thức cơ bản cũng như dạy phụ nữ nhập cư về quyền lợi của họ", Heo Young-sook, Tổng thư ký Trung tâm Nhân quyền cho Phụ nữ Nhập cư Hàn Quốc, nhận định. "Dù chúng ta có đầu tư nhiều tiền của vào các trung tâm này, thực trạng phân biệt đối xử với phụ nữ nhập cư vẫn đang ngày càng xấu đi".

Heo hồi cuối năm ngoái từng dẫn đầu một đoàn biểu tình nhằm phản đối việc 7 phụ nữ nhập cư bị giết hại ở Hàn Quốc. Bà lên án chính quyền vì những thất bại trong nỗ lực bảo vệ phụ nữ nhập cư khỏi vấn nạn bạo hành gia đình. Bà đưa ra những điểm cần thay đổi, trong đó có việc xóa bỏ các cuộc hôn nhân môi giới và thiết lập một hệ thống xã hội giúp ngăn ngừa bạo hành gia đình tốt hơn trên toàn quốc.

"Một điều nhất thiết phải sửa đổi đó là quy định cấm những cô dâu mới cưới nhập tịch Hàn Quốc", bà nói thêm.

Thị thực kết hôn

Nếu thị thực kết hôn F6 được nới rộng, áp dụng cả với những người nhập cư mới cưới, họ có thể ở lại Hàn Quốc trong vòng hai năm. Việc phải làm mới thị thực mỗi 6 tháng khiến họ bị phụ thuộc quá nhiều vào sự bảo lãnh của người vợ hoặc chồng ở Hàn Quốc, cũng như các điều kiện về thường trú và nhập tịch.

Cơ chế cấp thị thực hiện tại khiến người nhập cư để kết hôn dễ lâm vào tình cảnh bị bạo hành hơn, bà Heo khẳng định. Hệ thống này khiến các phụ nữ nhập cư phải dựa hoàn toàn vào chồng mình nếu muốn làm mới thị thực. Sự phụ thuộc này đẩy họ lâm vào tình cảnh bị lạm dụng cả về vật chất lẫn tinh thần, thông qua hành vi cô lập và tách biệt của người chồng.

Để làm rõ quan điểm của mình, bà Heo dẫn chứng vụ việc cô gái Việt Nam, 22 tuổi, mang họ Nguyen, bị người đàn ông 37 tuổi giết hại tại một nhà trọ ở thành phố Jeju vào ngày 30/11 năm ngoái. Các nhà hoạt động vì nhân quyền cho hay cô gái này không được làm mới thị thực vì bị chồng xa lánh.

Bộ Bình đẳng giới cũng phải thừa nhận các trung tâm đa văn hóa cần làm tốt hơn nữa trong việc giáo dục phụ nữ nhập cư về quyền lợi hợp pháp của họ. Bà Choi cho biết lớp học nhằm nâng cao nhận thức về quyền của người nhập cư sắp được giới thiệu tại một số trung tâm đa văn hóa trong năm nay.

Bộ Tư pháp cũng thắt chặt yêu cầu cấp thị thực kết hôn để đối phó với việc số lượng phụ nữ nước ngoài bị sát hại trong các vụ bạo hành ở Hàn Quốc tăng cao. Bước điều chỉnh này nhận được sự ủng hộ ở cả trong và ngoài chính phủ.

Bắt đầu từ tháng 4/2014, công dân Hàn Quốc muốn lấy vợ hay chồng người nước ngoài phải đạt mức thu nhập tối thiểu hàng năm là 14.000 USD đồng thời cần có vốn ngoại ngữ tương đối.

Những quy định mới này chắc chắn sẽ giúp kìm hãm tốc độ gia tăng các cuộc hôn nhân quốc tế ở Hàn Quốc. Theo một nghiên cứu về nhập cư kết hôn, hơn một nửa trong số 945 gia đình đa văn hóa ở Hàn Quốc năm 2006 kiếm được số tiền dưới mức thu nhập tối thiểu tại thời điểm đó (khoảng 8.000 USD một năm).

Liệu việc kiểm soát chặt các cuộc hôn nhân quốc tế có thể hạn chế vấn nạn bạo hành gia đình, từ đó giảm thiểu số vụ phụ nữ nhập cư bị giết hay không vẫn còn là một ấn sổ cần được giải đáp.

Theo Vũ Hoàng - VnExpress/ Diplomat

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X