Hotline 24/7
08983-08983

Smartphone nhận diện thịt sạch: Nghi ngại dán tem thịt bẩn

Bảo vệ người tiêu dùng) - Việc kiểm tra thịt lợn sạch bằng Smartphone thông qua tem dán sẽ giúp tiểu thương thuận lợi trong việc kinh doanh nhưng cũng ẩn chứa nhiều nguy cơ.

Nhiều băn khoăn

Sở Công thương vừa báo cáo UBND TPHCM về giải pháp đảm bảo an toàn đối với thịt heo bằng ứng dụng công nghệ thông tin.

Theo đó, Hội Công nghệ cao TPHCM sẽ thiết kế một ứng dụng miễn phí có thể cài đặt trên điện thoại để soi vào thịt heo nhằm nhận biết nguồn gốc, cách chăm sóc, giết mổ như thế nào.

Đây là công nghệ dựa trên nền tảng Tecard của Châu Âu, bước thực hiện bắt đầu từ các trại nuôi heo được cấp vòng nhận diện gắn vào 2 chân sau của con lợn. Chiếc vòng này được khắc bằng laser nên không thể làm giả, có khả năng chống chịu cao.

Smartphone nhan dien thit sach: Nghi ngai dantemthit ban
Việc kiểm tra thịt lợn sạch bằng Smartphone thông qua tem dán sẽ giúp tiểu thương thuận lợi trong việc kinh doanh nhưng cũng ẩn chứa nhiều nguy cơ. Ảnh minh họa

Từ khi lắp vòng, con heo được kích hoạt chế độ theo dõi trong suốt quá trình nuôi cho tới khi xuất chuồng. Heo đạt chuẩn được cấp giấy chứng nhận kiểm dịch thú y điện tử.

Sau đó, cơ quan chức năng sẽ dán tem lên thành phẩm từ những con heo được theo dõi để người tiêu dùng có thể kiểm tra. Để kiểm tra được, người tiêu dùng phải tải một phần mềm đọc mã vạch về điện thoại của mình.

Toàn bộ chi phí cho 1 con heo từ trang trại đến tay người tiêu dùng mất khoảng 9.800 đồng, dữ liệu này được lưu trữ 10 năm.

Sau thử nghiệm thí điểm với thịt lợn, sẽ triển khai mở rộng ra toàn thành phố và các mặt hàng khác như rau, củ quả…

Trao đổi với Đất Việt trước thông tin này, anh Nguyễn Thành Sơn (một tiểu thương tại chợ An Đông) cho rằng việc triển khai dán tem và khuyến khích người dân dùng Smartphone có gắn công nghệ kiểm tra thịt heo sạch là cần thiết, tuy nhiên cần phải hết sức lưu ý ở khâu phân phối.

“Giờ thịt heo sạch và heo bẩn, không đảm bảo chất lượng chỉ hơn nhau ở cái tem dán. Với những người buôn bán chân chính, có uy tín thì không sao, tôi chỉ sợ khi nhân rộng mô hình này ra khó kiểm soát hết được.

Sợ nhất là khi các con tem được tiểu thương mua về sử dụng không đúng mục đích. Họ có thể mang dán lên những thực phẩm trôi nổi, chưa qua kiểm dịch. Khi đó, dù có soi tem ra thịt sạch nhưng thực chất người tiêu dùng vẫn mua phải thực phẩm chất lượng kém”, anh Sơn nhấn mạnh.

Cùng bày tỏ băn khoăn, TS Nguyễn Đăng Nghĩa - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn Nông nghiệp nhiệt đới cho rằng, cơ quan chức năng cần truy về tận gốc vấn đề, nơi sản xuất nguyên liệu để chứngminh thực phẩm sạch, đảm bảo chất lượng chứ không phải để người tiêu dùng tự phòng vệ bằng công nghệ Smartphone.

Lấy dẫn chứng từ việc TPHCM sử dụng máy đo nitrat đo thực phẩm an toàn vào cuối năm 2015, vị chuyên gia nhấn mạnh: “Ban đầu người tiêu dùng cũng rất kỳ vọng vào việc này, nhưng sau một thời gian đi vào thực tiễn thì họ vỡ mộng bởi có nhiều vấn đề xảy ra như không thể kiểm tra được hết mọi loại thực phẩm, độ chênh lệch lớn giữa chỉ số trên máy và chỉ số người bán đưa ra....

Vì thế, việc dùng điện thoại, smartphone để kiểm tra thịt heo sạch thông qua tem dán cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Người tiêu dùng có thể cảm thấy yên tâm khi biết được một số thông tin thông quan tem mà không rõ thực chất bên trong miếng thịt như nào”, TS Nghĩa nhấn mạnh.

Nâng cao khả năng kiểm soát thịt bẩn

Tỏ ra lạc quan hơn, chị Trần Thanh Dung (tiểu thương tại chợ Bến Thành, TPHCM) khẳng định việc chăn nuôi heo theo một quy trình khép kín, đảm bảo chất lượng, có nguồn gốc rõ ràng từ khi nuôi đến lúc giết mổ, phân phối sẽ giúp những người kinh doanh thuận tiện hơn.

“Khánh mua hàng giờ họ cũng kén chọn lắm. Ra chợ dù thịt đã có chứng nhận kiểm dịch vệ sinh an toàn thực phẩm nhưng họ vẫn không mua ngay mà còn lật qua lật lại chán. Dù có giải thích các kiểu nhưng người dân vẫn đề phòng thực phẩm bẩn độc. Bây giờ họ có thể trực tiếp kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ của miếng thịt mua sẽ nâng cao độ tin tưởng hơn”, chị Dung nói.

Theo chị Dung, việc dán tem có mã vạch lên miếng thịt cân cho khách cũng là một sáng tạo hay, cần phải xem xét để nhân rộng ra toàn thành phố.

“Thực ra tiểu thương nào cũng đều giữ chữ tín cả, có ai dám nhập thịt lợn ôi, thiu về bán cho người dân đâu. Kiểm dịch họ làm nghiêm nên chúng tôi toàn nhập heo có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo chất lượng. Giờ bỏ thêm 1 ít thời gian và công đoạn mua và dán thêm tem cũng tốt. Mọi sản phẩm, hàng hóa đều phải đạt chuẩn”, chị Dung nhấn mạnh.

Dù khẳng định nên chú trọng vào việc kiểm tra nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm nhưng TS Nguyễn Đăng Nghĩa - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn Nông nghiệp nhiệt đới cũng đánh giá, việc triển khai mô hình thực phẩm an toàn của Sở Công thương TPHCM sẽ giúp kiểm soát tốt hơn nguồn gốc, xuất xứ cũng như dễ dàng phát hiện ra các cơ sở sai phạm.

“Hiện nay, tình trạng thực phẩm bẩn độc bị phát hiện tràn lan nhưng có một khó khăn với cơ quan chức năng là truy nguồn gốc xuất xứ để xử lý. Với việc thực hiện một quy trình khép kín, dán tem kiểm tra thì sẽ dễ dàng hơn.

Nếu người tiêu dùng phát hiện miếng thịt có vấn đề thì có thể báo cơ quan chức năng, kiểm tra nguồn gốc miếng thịt từ chiếc tem để biết được cơ sở nào đã vi phạm và có hướng xử lý”, ông Nghĩa nhấn mạnh.

Thử nghiệm rồi sẽ đánh giá hiệu quả

Trao đổi với Đất Việt về vấn đề này chiều 26/7, ông Phan Xuân Thảo, Chi cục trưởng chi cục thú ý TPHCM cho biết đề án này đang được xem xét và chưa được duyệt. Tuy nhiên, kế hoạch sẽ được triển khai thử nghiệm trong thời gian sắp tới.

“Tất nhiên biện pháp này sẽ có những hữu ích trong việc kiểm tra thịt bẩn, không đảm bảo chất lượng vệ sinh, tuy nhiên phải đi kèm các biện pháp.Sở Công thương TPHCM là đơn vị chủ trì việc này”, ông Thảo nói. 

 Ông Huỳnh Tấn Phát, Phó Chi cục trưởng Chi cục thú y TPHCM khẳng định đây là một trong những nội dung mà thành phố đang triển khai làm thí điểm trong đề án “Mô hình chợ thí điểm an toàn thực phẩm”, nhằm kiểm soát, truy xuất nguồn gốc thực phẩm.

“Chúng tôi đang tiến hành phối hợp với Sở Công thương TPHCM để triển khai dự án này. Đây mới chỉ là bước đầu thôi, phải sau quá trình thí điểm, kiểm tra, đánh giá lại mới có thể đánh giá được hiệu quả thực hiện”, ông Phát khẳng định.

Theo Huy Hoàng - Đất Việt

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X