Hotline 24/7
08983-08983

Sinh viên thực tập kể về cuộc sống trong viện dưỡng lão

Có cụ cứ ôm con gấu bông bảo là em bé, cho ăn uống, có cụ thì hay làm thơ, hát hò, có cụ lại hay đi lang thang, chửi bậy…’.

Trên một diễn đàn với gần 500.000 thành viên, chia sẻ của Linh Tran về cuộc sống của các cụ ông, cụ bà trong viện dưỡng lão hiện được nhiều người quan tâm.

sinh-vien-thuc-tap-ke-ve-cuoc-song-trong-vien-duong-lao

“Mình đang thực tập ở viện dưỡng lão, trước lúc đến đây thì nghĩ kinh khủng lắm và rất sợ. Mọi người cứ thử nghĩ mà xem, một đứa không quen chăm sóc người khác, chưa phải đổ bô, thay bỉm tã mà phải đi làm những công việc như vậy thì đứa nào chả kinh.

Bọn mình phải học đủ thứ, học cho các cụ ăn, cho uống nước, dắt các cụ tập đi, đạp xe, vận động tay chân, tắm cho các cụ, thay bỉm, cạo râu, cắt móng tay, đo huyết áp... Các cụ vào đây hầu như là người có bệnh, nhẹ thì đãng trí nhưng vẫn đi lại được, có cụ nặng hơn là bị liệt nửa người, cụ nặng nhất là nằm liệt giường.

Đa phần là do biến chứng của tai biến, huyết áp lên xuống, gây ra đột quỵ. Những cụ bệnh nặng là mình phải hỗ trợ 100% từ việc ăn uống, vệ sinh cá nhân cho đến tắm rửa. Ngày nào cũng vậy, sáng gọi các cụ dậy, đánh răng rửa mặt, cho ăn sáng, dẫn đi tập phục hồi chức năng, trò chuyện tâm tình.

Khoản trò chuyện tâm tình cũng buồn và vui lắm. Nghe các cụ nói chuyện, tự hào kể về con cái, kể về thời trẻ, thời làm việc của mình mà vui, rồi đang vui đấy lại quay ra khóc được ngay. Lúc đấy phải dỗ, phải nịnh như em bé vậy.

Có cụ cứ ôm con gấu bông bảo là em bé, cho ăn uống, chiều chuộng, hôn hít, có cụ thì hay làm thơ, hát mấy bài thiếu nhi, có cụ còn chửi bậy, đi lang thang... Trong viện có mấy chục cụ, phải nhớ tên các cụ, nhớ sở thích ăn uống.

Có cụ không uống nước vối này, có cụ không ăn thịt gà, có cụ thì hay xé bỉm, không chịu đi tất, đi ngủ không đắp chăn, sợ nước, không chịu đi tắm… Khó khăn nhất là nhớ tên con cháu các cụ, nhớ công việc của con cháu cụ để lựa chuyện nói cho họ vui, hỏi thăm các kiểu.

Các cụ ở đây đa phần là gia đình có điều kiện, thời tuổi trẻ cũng là ông nọ, bà kia, ông thì chủ tịch thành phố, bà thì trưởng phòng kế toán, giảng viên trường đại học… thế mà cuối cùng lại về đây, như một đứa trẻ, hờn dỗi khóc lóc, nhìn thương lắm.

Từ ngày vào đây, mình cũng thay đổi suy nghĩ nhiều. Trước kia cứ nghĩ các cụ vào đây khổ lắm, rồi nghe người nọ truyền tai người kia, toàn là những người chưa vào đây bao giờ mà nói như đúng rồi, bảo rằng các cụ bị quát mắng, bỏ đói này nọ... khác biệt một trời một vực luôn.

Ở đây các nhân viên toàn coi các cụ như người thân, gọi ông bà, gọi bố mẹ, chăm chút từng tí một, có cụ còn trêu bọn mình là con gái nuôi. Mọi người chắc không hiểu được cảm giác mà một cụ đãng trí nào đó lại nhớ tên mình và gọi đâu, còn sướng hơn được quà ấy.

Chỉ muốn nói là dù bận bịu thế nào chúng ta cũng nên dành thời gian cho ông bà mình, dù đãng trí, mất trí nhớ, nói linh tinh, liệt giường... hãy ngồi lại 30 phút mỗi ngày để hỏi han, xoa bóp... Bọn mình cũng phải lựa theo câu chuyện của các cụ mà đóng giả làm con cháu, dỗ ăn uống, luyện tập, nhưng tất nhiên là đồ giả thì sao bằng đồ thật được.

Mỗi lần người thân vào thăm là các cụ ăn được nhiều cơm hẳn. Giờ cảm giác đây như gia đình lớn của mình vậy, ngày thực tập thì chỉ có hạn, mà nghĩ xa nơi này chắc cũng buồn”.

sinh-vien-thuc-tap-ke-ve-cuoc-song-trong-vien-duong-lao-1

Câu chuyện sau khi chia sẻ cũng nhận được rất nhiều bình luận tích cực từ các Facebooker. Tài khoản Minh Châu Phạm kể về bà của mình: “Bà mình vào đây một thời gian xong còn muốn ở lại hẳn ấy chứ. Vì trong đấy người ta chăm lo đủ thứ. Tất nhiên là ở nhà thì cũng không thiếu gì nhưng bà bảo trong đấy thích hơn, có người trò chuyện cả ngày”.

Nickname Mũ Rơm chia sẻ: “Đợt lớp mình tổ chức đi thăm các cụ trong viện dưỡng lão. Ngồi tâm sự với các cụ, có cụ bà khóc rưng rức bảo bị mắng chửi, cắt tóc, cấu véo các kiểu, ai cho tiền mà không đưa lại cho điều dưỡng viên là sẽ bị điều dưỡng viên lột đồ. Còn cứ đòi bọn mình dẫn ra khỏi chỗ đó. Không biết là do các cụ đãng trí nên nói vậy hay như thế thật nữa. Nhưng dù sao cũng tội lắm. Còn ông, còn bà ngày nào thì hãy trân trọng ngày đấy nhé”.

Facebooker Quang Nam bình luận: “Mình từng có dịp theo giúp người nhà vào gắn cửa phòng tắm cho viện dưỡng lão nghệ sĩ ở quận 8, TPHCM. Toàn cụ nổi tiếng, có cả cụ Thiên Kim (đóng vai bà bán nước trong Bỗng dưng muốn khóc), bà Út Trà Ôn…

Mỗi cụ ở một phòng, trong phòng gắn bao nhiêu là hình ảnh thời hoàng kim. Cả đời họ cống hiến nhưng đến cuối lại phải nương nhờ nơi đây. Mình được nói chuyện với họ, họ kể về quá khứ tự hào lắm, kế vanh vách như mới vừa diễn ra hôm qua. Nghệ sĩ mà, họ sống chết với ánh đèn sân khấu nên họ thèm sân khấu lắm.

Ở trong đấy lâu lâu có đoàn từ thiện vào thăm thì vui đấy nhưng đêm về xung quanh lại là 4 bức tường với mấy người đồng nghiệp già. Nếu có điều kiện, các bạn nên đến một lần để rồi thấy thương ông bà, cha mẹ mình hơn biết bao nhiêu”.

Theo Maruko Chan - Ngôi sao

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X