Hotline 24/7
08983-08983

Sinh viên Huế khốn khổ vì bị kiến ba khoang tấn công

Gần một tuần trở lại đây, tại nhiều ký túc xá ở Huế, kiến ba khoang xuất hiện gây đảo lộn lịch sinh hoạt và học tập của các sinh viên.

Mất ngủ vì lo kiến tấn công

Theo phản ánh của nhiều SV đang theo học tại ĐH Kinh tế, ĐH Ngoại ngữ, Khoa Giáo dục - Thể chất trực thuộc ĐH Huế, tình trạng kiến ba khoang tái xuất hiện khiến nhiều SV phải thay đổi lịch học bài, nghỉ ngơi trong đêm.

Kiến xuất hiện mỗi đêm một nhiều khiến nhiều SV ngoài thời gian tìm cách giết kiến chết còn lo gom kiến lại bỏ vào bình nhựa tránh để kiến tấn công những chỗ khác.

Đưa cánh tay còn loang lổ những vết mụn đỏ, Nguyễn Lê Thảo Quỳnh - SV năm 3 ngành sư phạm (ĐH Ngoại Ngữ - ĐH Huế) - kể lại:  "Em ở tầng 5 ký túc xá Trường Bia (ĐH Huế). Đêm nằm ngủ thì bỗng thấy khó chịu ở lưng, em lấy tay gãi và thấy rát, da bỏng rộp. Lúc đầu đi ra ngoài nhà thuốc Tây để khám mấy người bán thuốc nói em bị Zona nên tự mua thuốc về bôi, mãi không khỏi. Sau đó bọn em phát hiện trong phòng có rất nhiều con kiến khá to, chia nhiều khoang đỏ, đen, đầu dài.

Sau khi thấy những phòng khác ở cùng dãy ký túc xá cũng có loại kiến này, nhiều người tự nhiên bị ngứa, phồng rộp da thì em mới biết mình đã bị kiến ba khoang cắn, nên đi lên khoa da liễu để khám và xin thuốc kháng sinh về uống và bôi lên cánh tay, khuỷu tay".

Phần tay của sinh viên Thảo Quỳnh
Phần tay của sinh viên Thảo Quỳnh

Do khu vực ký túc xá Trường Bia (ĐH Huế) nằm heo hút cạnh khu vực núi và vùng đất trống có nhiều mồ mả nên kiến ba khoang thường bay vào phòng lúc buổi chiều trời chập choạng tối, khi đèn tại các phòng vừa được bật.

Sống ở dãy phòng A5, Nguyễn Văn Múc - sinh viên năm thứ 4 khoa Giáo dục - Thể chất - chỉ những vết sẹo và những vết cắn mới do kiến ba khoang để lại, kể: Năm nào vào thời điểm này kiến ba khoang cũng xuất hiện. Mấy người bạn em bị cắn “toét” cả mắt, lở cả tay chân… Khổ nhất là mỗi lần bôi thuốc, đau và rát như chịu cực hình. Mặc dù ngủ có mắc mùng nhưng em vẫn bị kiến đốt cả cánh tay. Giờ tay em không gập cũng không duỗi thẳng được.

Để đối phó với kiến ba khoang ở ký túc xá Trường Bia, nhiều SV ở dãy A5 chịu nóng, đóng cửa phòng cả ngày lẫn đêm để tránh kiến ba khoang tấn công. Nhiều SV còn nghĩ ra sáng kiến dùng nến màu thắp sáng trong vòng 2 tiếng từ lúc trời bắt đầu chập choạng tối để hạn chế kiến ba khoang bay vào phòng, sau đó mới dám bật điện sáng để học bài.

Một cán bộ quản lý ký túc xá Trường Bia cho biết: Toàn bộ các Khu ký túc xá này nếu ở hết cũng gần 2.000 SV. Năm nào cũng nghe các em than phiền về kiến ba khoang, lãnh đạo ban quản lý ký túc xá Trường Bia trước lúc vào năm học mới đã tiến hành tiêu độc khử trùng nhưng chỉ xử lý được muỗi, bọ gậy, còn kiến ba khoang thì không trừ khử được.

Không nguy hiểm nhưng nặng sẽ hoại tử, nhiễm trùng da

Người dân ở chung cư Trường An, Phú Hậu và những hộ dân ở những tuyến đường thấp trũng của TP Huế cũng khốn khổ vì bị kiến ba khoang tấn công.

Anh Lê Đăng Thủy - trú ở đường Trần Quốc Toản, phường Tây Lộc (TP Huế) - cho biết: Trong khi nghỉ giải lao, nằm trên sân bóng anh bị một con kiến ba khoang cắn ở cổ tay. Khi cắn chỉ thấy ngứa nhẹ, nhưng hôm sau đã lan thành mủ nước và lở loét rất khó chịu.

Trao đổi với phóng viên, ông Trương Linh - BS.CK1, Phó Giám đốc BV Phong - Da liễu tỉnh Thừa Thiên - Huế - cho biết: Trung bình mỗi ngày tại bệnh viện khám và điều từ 20 đến 30 ca bệnh do kiến ba khoang tấn công. Ngày cao điểm lên đến 40 ca/ngày chiếm tỷ lệ 35 đến 40% số lượng bệnh nhân đến khám trong một ngày ở bệnh viện này.

Những bệnh nhân bị kiến ba khoang cắn bị viêm da do tiếp xúc kích ứng do côn trùng, nguyên dân do chất gây bỏng Pederin ( C24 H43 O9N) có trong dịch tiết của kiến ba khoang. Sau 6 - 12 tiếng đồng hồ, thương tổn khiến da đỏ hơi cộm, có các mụn nước.

Các mụn nước này có thể liên kết tạo thành các bọng nước hơi lõm ở giữa, thậm chí hoại tử, nếu dịch tiết ở vùng mắt có thể gây phù nề, sau vài ngày có thể bội nhiễm gây mụn mủ, có vẩy tiết, hình dạng ô van hoặc kéo thành vệt dài.

Đặc biệt tại các nết gấp của cơ thể như nếp bẹn, nách, nếp gấp cẳng tay, cẳng chân có dấu kissing ( thương tổn hôn nhau) rất đặc trưng cho viêm da tiếp xúc. Triệu chứng cơ bản do kiến ba khoang tiết dịch: Gây ra một cảm giác nóng, rát ở phần da, ngứa tại thương tổn nhiều ít là do mức độ và trình trạng nhiễm bệnh hoàn toàn khác vơi Zona nhưng những bác sĩ, y tá, dược sĩ nếu thiếu kinh nghiệm sẽ dễ dàng chẩn đoán nhầm là bệnh Zona.

Trong lúc đó những bệnh nhân do kiến ba khoang tấn công thương tổn cơ bản là mụn nước thành chum trên nền da đỏ, tiến triển bệnh thông thường sau 3 đến 7 ngày thương tổn sẽ đóng vẩy tiết, khô và bong dần để lại đám da sẫm màu.

Khi bị kiến ba khoang tấn công, hãy rửa sạch thương tổn sớm nhất có thể, dùng kem mỡ kháng sinh có phối hợp với Corticoid bôi ngày hai lần hoặc dùng thuốc kháng Histamin tổng hợp.

Nếu có phù nề nhiều hoặc nhiều thương tổn dùng Corticoid đường uống.


Ngoài ra, để đề phòng kiến ba khoang tấn công khu vực chung cư, ký túc xá gần đồng ruộng, ẩm thấp, biện pháp cơ bản nhất là tránh để côn trùng, kiến ba khoang bay vào nhà. Thời điểm mùa mưa từ tháng 8 đến tháng 10, ban đêm nên đóng cửa hoặc tắt đèn, dùng đèn màu.


Đặc biệt cần vệ sinh và quan sát kỹ trước khi sử dụng khăn mặt quần áo, giường, chiếu. Khi thấy có cảm giác nóng rát ở vùng da nào đó nên rửa ngay bằng nước sạch hoặc dung dịch muối nước loãng.


BS.CK1 Trương Linh - Phó Giám đốc BV Phong - Da Liễu tỉnh Thừa Thiên - Huế   


Theo Minh Ngọc - Giáo dục & thời đại

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X