Hotline 24/7
08983-08983

Siết tăng chuyến bay để dân đi tàu hỏa: Sao làm ngược?

Tin tức thời sự) - Các chuyên gia cho rằng, Bộ GTVT nên khuyến khích cạnh tranh công bằng và để người dân tự quyết định phương tiện đi lại theo nhu cầu.

Nên khuyến khích cạnh tranh công bằng

Tiếp tục chia sẻ quan điểm về yêu cầu siết lại việc các hãng hàng không tăng chuyến bay trong dịp tết, trao đổi với Đất Việt, ông Bùi Văn Quản - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải TPHCM cho rằng đây là vấn đề đi ngược lại với quy luật của thị trường.

Theo ông Quản, việc hạn chế việc tăng chuyến bay trong dịp tết là không nên vì nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nhu cầu đi lại của người dân cũng như các loại hình vận tải khác như xe buýt, ô tô, tàu hỏa.

“Chúng ta nên để thị trường tự quyết định và tôn trọng quyền lựa chọn của người dân. Ai gần ga tàu thì có thể đi tàu hỏa, ai có nhu cầu đi máy bay thì để người dân tự đi.

Việc tăng chuyến trong những dịp tết đông người là cần thiết vì nhu cầu đi lại cao hơn. Ngành hàng không cũng đang chuẩn bị quá tải vì thế, thay vì cấm đoán nên tạo điều kiện để người dân được hưởng những ưu đãi tốt hơn với mức giá rẻ hơn”, ông Quản nhấn mạnh.

Siet tang chuyen bay de dan di tau hoa: Sao lam nguoc?
Bộ GTVT nên khuyến khích cạnh tranh công bằng

Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Văn Hùng - Nguyên Hiệu trưởng ĐH xây dựng Hà Nội nhận định, nhà nước không thể tiếp tục hỗ trợ và bao cấp ngành đường sắt. Thay vào đó nên để loại hình giao thông này tự lực cánh sinh, tự cải tiến để đáp ứng nhu cầu của hành khách, thực sự vì lợi ích của người dân.

“Nếu tiếp tục kiềm chế tăng chuyến hàng không để hỗ trợ đường sắt thì không đúng với quy luật của thị trường. Đến tết nhu cầu đi lại của người dân tăng cao thì việc hàng không tăng chuyến cũng hợp lý để vừa phục vụ tốt hành khách vừa đảm bảo lợi ích, lợi nhuận của doanh nghiệp.

Chúng ta cần trả lại đúng quy luật cạnh tranh thì giao thông Việt Nam mới phát triển được. Việc này sẽ giúp ngành đường sắt tự cải thiện, nâng cao chất lượng phục vụ và giảm giá thành để có sự cạnh tranh tốt hơn”, ông Hùng nêu quan điểm.

Trước ý kiến cho rằng, giá vé và phí sân bay ở Việt Nam đang thuộc loại rẻ nhất khu vực, ông Hùng khẳng định nhận định như vậy là chưa khách quan.

Ông dẫn chứng, tại nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới, giá vé máy bay của họ còn rẻ hơn tàu hỏa hay ô tô. Có nước để được sử dụng phương tiện máy bay, người dân chỉ cần bỏ ra vài chục USD, thậm chí có hãng vài USD.

“Nếu so với lương của người Việt Nam thì giá vé hàng không của chúng ta vẫn cao. Vì vậy nói đến giá cao, thấp thì phải nói đến tổng chi phí so với mức giá chi tiêu của từng nước. Người dân càng được hưởng giá vé rẻ hơn thì càng nên khuyến khích và không nên hạn chế.

Từ cạnh tranh và tạo ra sự lựa chọn tốt nhất cho người tiêu dùng và hành khách. Đó mới là sự phát triển bền vững cho ngành hàng không và đường sắt”, ông Hùng nhấn mạnh.

Các nước làm khác Việt Nam

Từng tham dự nhiều cuộc hội thảo về giao thông ở nước ngoài, điều ông Đoàn Đức Lập, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Gia Lai băn khoăn nhất hiện nay, đó là chính sách giao thông của Việt Nam vẫn nặng tính bao cấp, cơ chế xin – cho.

“Việc nhà nước can thiệp nhằm giúp đường sắt hay ngành vận tải ô tô có khách để chạy theo tôi là không cần thiết.

Nhà nước không thể can thiệp vào vấn đề đó được. Chúng ta phải nhìn nhận khách quan như ở các nước châu Âu. Chúng ta dễ dàng nhận thấy, ở các quốc gia này không hề có xe khách chạy trên đường cao tốc, trên đường dài vì sự an toàn không cao. Họ chủ yếu đi bằng tàu và máy bay.

Tôi đi hội thảo ở các nước thì cũng có nói trong quá trình phát triển các loại hình giao thông thì sẽ vấp phải sự cạnh tranh quyết liệt. Trong đó có những ngành kém hiệu quả thì sẽ bị đào thải”, ông Lập dẫn chứng.

Không đồng tình với yêu cầu siết lại việc các hãng hàng không tăng chuyến bay trong dịp tết, ông Hiệp cho rằng Bộ GTVT cần phải quan tâm đến quyền lợi của người tiêu dùng, nhất là việc được tiếp cận với những loại hình giá rẻ, chất lượng phục vụ tốt.

“Chúng ta không nên tạo ra tính độc quyền trong bất cứ một loại hình giao thông vận tải nào. Ngay cả trong lĩnh vực hàng không, từ ngày chúng ta cho 1 số hãng hàng không như Vietjet hay Jetstar hoạt động thì rõ ràng hành khách được hưởng lợi. Trước kia vé có thể lên đến 2, 7 - 2,8 triệu đi Hà Nội, nhưng hiện giờ chỉ tối đa khoảng 1,9 triệu. Nếu đăng ký sớm thì có thể rẻ hơn, chỉ khoảng 500-600 nghìn ở các hãng hàng không khác.

Vận tải ô tô cũng vậy. Trước kia đi từ TPHCM ra Hà Nội phải mất khoảng 3-4 ngày, nhưng hiện nay chỉ khoảng 2 ngày. Đó cũng là do cơ chế cạnh tranh, người dân tự quyết định việc đi lại của họ”, ông Lập nhấn mạnh.

Thừa nhận ngành đường sắt hoạt động kém hiệu quả, khả năng thu hút hành khách còn kém, ông Lập khẳng định, đã đến lúc Bộ GTVT cũng như những cơ quan có trách nhiệm cần nhìn nhận lại và đề ra kế hoạch phát triển cho phù hợp.

“Đường sắt của chúng ta cần cải tiến, rút ngắn thời gian đi lại cũng như giảm giá vé để tạo nên sự cạnh tranh. Ngoài ra cũng cần đầu tư thêm cơ sở hạ tầng hiện đại, nâng cấp, cải tạo các tuyến đường còn kém chất lượng để đáp ứng nhu cầu vận chuyển tốt hơn”, ông Lập nhấn mạnh.

Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Văn Hùng đề nghị Bộ GTVT thực hiện tốt công tác quản lý về mặt chính sách cũng như tăng cường chế độ giám sát, tránh tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”.

“Người dân đang thiếu khả năng lựa chọn, phải tăng khả năng lựa chọn cho người dân, đồng thời giảm bớt chi phối của nhà nước trong các loại hình vận tải”, ông Hùng nêu quan điểm.

Theo Hoàng Hà - Đất Việt

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X